FastEhome.com- Đăng kí mở Shop bán hàng miễn phí Dẫu biết học sinh bây giờ giỏi giang hơn so với chúng ta ngày xưa nhưng chuyện một lớp có tới 99% em đạt danh hiệu học sinh giỏi thì đúng là hiếm gặp các mẹ ạ! Vậy mà nó đã xảy ra tại một trường ở Vũng Tàu khiến ai nấy đều hoang mang.Sự việc được khơi nguồn kể từ sau khi anh Hùng đi họp phụ huynh cho cháu trai của mình và bị sốc khi biết lớp này có 42 em học sinh giỏi trên tổng số 43 học sinh. Em còn lại là học sinh khá. Thế nhưng, anh Hùng có vẻ không hài lòng với kết quả này, bởi trong vài tháng nhận chăm sóc cháu trai, anh phát hiện cậu bé bị nghiện tivi, game, do trước đây cha mẹ ít quan tâm nên để con chơi điện thoại, máy tính khiến cháu cận 7 đi-ốp. Lớp của cháu anh Hùng có 43 học sinh nhưng có đến 42 em đạt loại giỏi. (Ảnh: VTC) "Tôi chưa thấy đứa trẻ nào thất bại như cháu mình, 12 tuổi nhưng không biết yêu thương, không biết tôn trọng người khác, không tự chịu trách nhiệm với bản thân, không thể chủ động sinh hoạt. Chưa bao giờ thấy cháu nói được một câu rõ nghĩa và chuẩn mực", anh Hùng nhận xét. Thêm vào đó, khả năng ngôn ngữ của cháu bé cũng không được như các bạn đồng trang lứa. Cháu hay cáu gắt và khóc nếu người khác không đáp ứng yêu cầu của mình. "Cháu học chính buổi chiều, buổi sáng phụ đạo ở trường. Học cả ngày trên trường, tối về nhà, tôi không thấy nó đụng vào sách vở bao giờ. Một đứa trẻ như vậy nhưng vẫn được xếp loại giỏi, hạnh kiểm tốt, khiến tôi thực sự hoài nghi cách đánh giá của thầy cô" - anh Hùng nói. Tình trạng "ai cũng được giấy khen" diễn ra ở nhiều trường học. (Ảnh: VTC) Nhà trường khẳng định làm đúng quy chế và khách quan. Sau khi câu chuyện này được chia sẻ, cô Nguyễn Thị Miền, Hiệu trưởng trường THCS nói trên đã xác nhận thông tin này là đúng. Tuy nhiên, Hiệu trưởng cũng khẳng định: “Vì đầu vào gần như 100% học sinh giỏi. Chuyện đánh giá học sinh theo đúng quy chế, trường tôi không có chuyện “mập mờ”. Chúng tôi thuê đề thi, các thầy cô không trực tiếp ra đề, xếp thi theo danh sách tên, việc chấm thi cũng được tiến hành kỹ, nên hoàn toàn yên tâm chất lượng. Cách đánh giá của nhà trường hoàn toàn công bằng, khách quan”. Tuy nhiên, lời giải thích của cô vẫn khiến dư luận không an lòng, nhiều bậc phụ huynh lo ngại bệnh thành tích đã ăn sâu và lan rộng trên toàn xã hội. Thậm chí đến GS.TS Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch hội Khuyến học Việt Nam cũng cho biết: “Biểu hiện bệnh thành tích ở đây quá rõ ràng. Theo toán học, nếu vẽ đồ thị trong trường hợp vừa rồi, điểm cao nhất là 42, điểm thấp nhất lại chỉ là 1 thì quá vô lý.” Bảng điểm nhiều 8, 9 và xếp học lực toàn giỏi của một trường THCS tại Đồng Nai. (Ảnh: VTC) Học sinh giỏi bây giờ có dễ quá không? Các mẹ ạ, có lẽ chúng ta đang sống trong thời “ra ngõ gặp học sinh giỏi”, nên học sinh tiên tiến có khi lại trở thành cá biệt. Chục năm trở về trước, mỗi lớp năm chục học sinh, những người được học sinh giỏi có khi chỉ đếm trên đầu ngón tay. Nhưng bây giờ, thời thế đã đổi chiều! Cụ thể là trong những ngày qua, trên mạng xã hội, phụ huynh cũng rào rào khoe bảng điểm con, với “cả rừng” điểm 9, 10. Dĩ nhiên, con đạt được nhiều điểm 10, rất đáng được khen và tự hào. Vì đó là kết quả sau cả một năm con cái và phụ huynh cùng nỗ lực, ai cũng muốn khoe với cả thiên hạ. Nhưng những con số này có thực sự phản ánh đúng thực lực của học sinh? Rõ ràng, nhiều em bé tới trường luôn than chương trình nặng quá, nhiều bài khó quá, nhưng đến cuối năm học vẫn là “rừng điểm 10”. Vậy thì lạ quá các mẹ nhỉ? Học sinh giỏi bây giờ có dễ quá không? (Hình minh họa) Theo em được biết, nhiều giáo viên cũng từng thừa nhận chuyện thầy cô chấm nới tay, phóng khoáng cho học sinh điểm 9, 10 là thật. Nếu không làm vậy, giáo viên buộc phải gây áp lực học tập lên học sinh. Có khi phải làm cho học sinh tin, nếu bị điểm 8 là học dở. Hỡi ôi, cứ mãi chạy theo thành tích thế này thì bao giờ giáo dục của nước ta mới tiến bộ và phát triển. Nếu những con số cứ ảo thế này thì lấy gì để đánh giá đúng thực lực của học sinh. Thiết nghĩ, gia đình và nhà trường, thậm chí là toàn xã hội nên cùng nhau nhìn nhận lại vấn đề này một cách nghiêm túc và sâu sắc để tìm giải pháp thích hợp. Bằng không, thế hệ tương lai sẽ gặp nhiều hệ lụy!