FastEhome.com- Đăng kí mở Shop bán hàng miễn phí Chưa xử lý xong vụ xâm hại tình dục này đã nảy sinh các vụ xâm hại tình dục khác khiến người dân không ít lần phẫn nộ, chưa kể gây tâm lý hoang mang, lo sợ cho các ông bố bà mẹ có con trong độ tuổi này. Sự việc xảy ra vào sáng ngày 15/04/2019, chị M. (mẹ bé L., ngụ tại Nhà Bè, TP.HCM) tắm rửa cho con gái thì thấy con gái bình thường không có biểu hiện gì lạ. Cho đến khoảng 16 giờ cùng ngày, bé chạy ra trước hẻm của dãy nhà trọ chơi. Khoảng 1 tiếng sau, bé L. chạy về nhà rồi lên cơn sốt cao, liên tục nói đau vùng kín. Chị M. kiểm tra thì thấy vùng kín của bé bị tấy đỏ, trầy nhẹ. Đến chiều ngày 16/04/2019, anh T. (chồng chị M.) về nhà nghe vợ kể lại nên hỏi con gái thì bé liên tục nói với ba là bị đau và chỉ tay vào bộ phận sinh dục. Khi hỏi thêm thì bé L. kể bị ông B. sờ vào vùng kín, thơm má rồi cho kẹo. Bé có đi cùng ba mẹ đến chỉ vào căn nhà gần cuối dãy nhà hàng xóm kề cận. Sau đó, hai vợ chồng chị M. và anh T. lên Công an xã Phú Xuân trình báo và đã đưa cháu L. đi khám. Nhưng tại những nơi mà hai vợ chồng đưa bé L. đi khám sau khi nghe khai bé bị nghi là xâm hại tình dục, các bác sĩ, bệnh viện từ chối làm việc. Ảnh trái: Bé L. nạn nhân trong vụ việc nêu trên. Ảnh phải: Ảnh minh họa. Nguồn: Zing News Việc từ chối của các bác sĩ, bệnh viện đã khiến hai vợ chồng không khỏi bất ngờ, đau đớn, còn phía dư luận sau khi nghe tin không khỏi phẫn nộ. Giải thích lý do vì sao 6 bệnh viện từ chối tiếp nhận bé gái 3 tuổi bị xâm hại, Tiến sĩ, Bác sĩ Nguyễn Hữu Trung – Giảng viên Trường Đại học Y dược TP.HCM cho biết các bệnh viện, bác sĩ tại bệnh viện đã làm đúng chức năng của mình. Bởi các bác sĩ tại bệnh viện chỉ khám và điều trị đúng chuyên môn của mình. Hầu hết các bệnh viện không có chức năng giám định pháp y, chỉ duy nhất một bệnh viện trong TP.HCM có chức năng này. Ngay cả các bác sĩ chuyên khoa phụ sảm cũng không được thực hiện giám định pháp y cho các bé gái bị xâm hại tình dục, chỉ trừ khi có trưng cầu ý kiến chuyên môn từ Trung tâm Giám định Pháp y. Kết luận giám định pháp y kiểu như “màng trình còn nguyên hay đã tổn thương” đều không có nghĩa là bé có bị xâm hại tình dục hay không. Các bác sĩ, kể cả bác sĩ chuyên ngành phụ sản nếu có xử trí trong giai đoạn này mà chưa có giấy trưng cầu của cơ quan chức năng thì có khi còn gây hại cho bé nhiều hơn là bảo vệ bé. Không riêng gì bác sĩ Trung, một bác sĩ khác cũng lên tiếng, bác sĩ không có quyền kiểm tra xem bé có bị xâm hại hay không. Bác sĩ chỉ thực hiện kiểm tra khi có sự đề nghị của bên pháp y công an... Nhiều người có lẽ vẫn còn hoài nghi với giải thích của bác sĩ, tuy nhiên đứng trên góc nhìn quy định pháp luật hiện hành thì quả đúng vậy. Khi xảy ra các vụ xâm hại tình dục trẻ em, để có các căn cứ khởi tố, truy tố và xét xử thì theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015, ngoài các nhân chứng, vật chứng có liên quan thì kết luận giám định pháp y được xem là một trong các bước quan trọng để chứng minh ai là người có hành vi phạm tội và sẽ bị xử lý về tội gì theo quy định của Bộ luật hình sự. Đồng thời, theo quy định tại Điều 22 của Luật Giám định Tư pháp thì khi phát hiện hành vi bị xâm hại, người nhà của trẻ phải báo công an và trong vòng 07 ngày, cơ quan công an sẽ ra Quyết định có trưng cầu giám định hay không. Nếu có thì mới được tiến hành giám định. Theo nguồn tin từ VOV Giao thông, quy định này theo đánh giá của một số chuyên gia hiện đang làm “khó” nạn nhân, nhất là trong các vụ xâm hại tình dục trẻ em. Nếu việc giám định chậm trễ có thể sẽ khó có thể lưu giữ lại được chứng cứ và gây thêm những tổn thương không đáng có cho nạn nhân... Dẫn chứng là trên thực tế đã có một bé gái 13 tuổi ở Cà Mau phải tìm đến cái chết khi nhìn thấy tờ giấy thông báo mà mẹ em đã cố tình giấu kín trong tủ. Tờ giấy này là Quyết định của Cơ quan Điều tra về việc không khởi tố kẻ xâm hại, dâm ô em trong suốt một thời gian dài mà gia đình đã làm đơn tố cáo. Hoặc một người cha phải tìm đến cái chết như cách cuối cùng đòi công lý cho đứa con gái 6 tuổi của mình sau khi cơ quan chức năng đề nghị gia đình ký vào giấy bãi nại, thậm chí khuyên gia đình nên ăn mừng vì kết quả giám định cho thấy con gái họ chưa bị thủng màng trinh. Qua những gì mà thực tiễn đã xảy ra, đối chiếu với quy định của pháp luật hiện hành, theo các bạn, có cần thiết sửa đổi quy định để giảm bớt thủ tục, kéo dài thời gian “hành” nạn nhân trên con đường đi tìm công lý không?