Vice: “AirPods không phải sản phẩm tương lai như mọi người nghĩ”

Thảo luận trong 'Công nghệ' bắt đầu bởi P.W, 10/5/19.

  1. Vice: “AirPods không phải sản phẩm tương lai như mọi người nghĩ”

    Vice: “AirPods không phải sản phẩm tương lai như mọi người nghĩ”

    LIÊN HỆ (331 Đọc / 0 Thích / 0 Bình luận)
    1. Thông tin chủ đề
    2. Tỉnh/TP: Toàn quốc
    3. Tình trạng hàng: N/A
    4. Nhu cầu: N/A
    1. Thông tin người đăng
    2. Tài khoản: P.W
    3. Ngày đăng: 10/5/19 lúc 10:28
    4. Số điện thoại:
  2. G

  3. P.W

    P.W Guest

    FastEhome.com- Đăng kí mở Shop bán hàng miễn phí no-spam Bài viết của Caroline Haskins, đăng trên Vice ngày 06/05/2019. Mình thấy góc nhìn này khá cực đoan, nhưng phân tích cũng có phần toàn diện, mình xin phép lược dịch và mời anh em đọc:

    AirPods là một sản phẩm của quá khứ. Nó được làm từ nhựa, một chế phẩm từ carbon, hydro, oxy, nitrogen, clo và lưu huỳnh, rồi bên trong nó, phần loa và pin sạc được làm từ tungsten, thiếc, lithium và cobalt. Những nguyên tử của các nguyên tố ấy được tạo ra 13,8 tỷ năm về trước trong vụ nổ Big Bang. Con người vào những hầm mỏ để đào chúng ra khỏi lòng trái đất, nung và tôi luyện chúng để trở thành nguyên liệu sản xuất. Khi đào, những người thợ mỏ hít chúng vào phổi.

    [​IMG]

    Những nguyên liệu này sau đó được nhập từ những nước như Việt Nam, Nam Phi, Kazakhstan, Peru, Mexico, Indonesia và Ấn Độ tới nhà máy ở Trung Quốc. Ở đây, số công nhân đủ sức tạo ra một thị trấn lớn bắt đầu sản xuất 4 con chip máy tính và hàn chúng lên bo mạch. Cảm biến, microphone, loa, lưới che bụi, ăng ten được nhét vào bên trong một lớp vỏ nhựa màu trắng.

    Nó được gọi là AirPods. Giống như tất cả những sản phẩm khác, nó được tạo nên từ những nguyên tử đã có từ buổi bình minh của vũ trụ. Những nhân công được trả mức lương rẻ mạt để tạo ra AirPods, và rồi chúng được Apple, công ty có trị giá nghìn tỷ Đô đầu tiên, bán với giá 159 USD.

    [​IMG]

    Trong khoảng vài năm, AirPods sẽ chơi nhạc, nghe podcast và thực hiện cuộc gọi cho những người bỏ tiền ra mua chúng về. Sau đó pin lithium-ion sẽ dần xuống cấp, và rồi sẽ đến một lúc nào đó dung lượng pin của AirPods sẽ không đủ để phục vụ người dùng cả ngày như lúc mới mua nó về nữa. Nó không thể sửa chữa vì được dán chặt lại với nhau thay vì dùng ốc vít. Anh em cũng không thể vứt nó vào sọt rác được, vì pin có thể gây cháy nổ, rất nguy hiểm. Bản thân nó cũng rất khó để tái chế, vì gần như không có cách nào an toàn tuyệt đối để tách phần pin lithium-ion khỏi lớp vỏ nhựa của AirPods cả. Cách duy nhất sau khi AirPods hỏng mà không làm hại tới môi trường là anh em sẽ phải vứt chúng vào ngăn kéo và để đó vĩnh viễn.

    Kyle Wiens, CEO của iFixit cho rằng, AirPods là một sản phẩm “độc ác với môi trường”. Theo nhóm đánh giá sản phẩm âm thanh ở Rtings.com, AirPods có chất âm dưới mức trung bình. Nhưng theo cộng đồng mạng, nó là sản phẩm minh chứng cho sự nhiều tiền của chủ sở hữu.

    [​IMG]

    Nói gì thì nói, AirPods không chỉ là một cặp tai nghe. Nó là sản phẩm mô tả hoàn hảo cách biệt giữa các giai cấp và văn hóa. Những người lao động ở những nước đang phát triển hoặc ở thế giới thứ 3 chấp nhận nguy hiểm tới mạng sống để trích những vật liệu Apple cần ra khỏi lòng trái đất, rồi những người công nhân với đồng lương ít ỏi lắp ráp chúng. Trong khi đó mức giá của AirPods chắc chắn rằng chỉ có những người dân trung lưu trở lên mới sở hữu được nó.

    [​IMG]

    Mặc dù anh em sở hữu chiếc AirPods trong vài năm ngắn ngủi, trái đất mới là nơi “chứa chấp” chiếc tai nghe này vĩnh viễn. Sau khi anh em từ giã cõi đời, xương của anh em sẽ bị tiêu hủy sau chưa đầy 1 thế kỷ. Nhưng lớp vỏ nhựa của AirPods thì cả nghìn năm vẫn sẽ không suy suyển. Vài nghìn năm nữa nếu con người còn tồn tại, những nhà khảo cổ học sẽ tìm thấy những chiếc hộp nhựa cùng hai mẩu earbud bên trong ở những di chỉ khảo cổ, nơi hiện tại là chỗ ở của anh em. Họ sẽ thắc mắc, vì sao lại tạo ra chúng, vì sao nhiều người mua chúng vậy? Thực tế thì ngay bây giờ chúng ta đã có thể tự hỏi bản thân câu đó rồi. Vì sao lại tạo ra một công nghệ sử dụng được có vài năm nhưng lại tồn tại hàng thiên niên kỷ?

    AirPods, trong mắt những người dùng mạng xã hội

    AirPods hoàn toàn không phải đôi tai true wireless đắt nhất anh em có thể mua. Sol Republic bán một đôi Amps Air 2.0 với giá 730 USD. Sennheiser cũng có một đôi true wireless với giá 300 USD, còn Bose thì có giá 200 Đô. Nhưng dù chỉ có giá 159 USD, trên Reddit hay 9Gag vẫn coi AirPods là một thứ gì đó sau khi mua về tự động biến người sở hữu nó trở thành một kẻ giàu nứt đố đổ vách.

    [​IMG]

    Có thể tạm giải thích cái meme này nhờ vào chính kích thước của AirPods. Nó quá nhỏ, rất dễ đánh mất hoặc lỡ để chung với quần áo bỏ vào máy giặt. Và thế là, AirPods là một món đồ mang đầy nguy cơ tiềm ẩn khi sở hữu nó. Người mua nó không chỉ phải có tiền, mà còn phải sẵn sàng tâm lý đánh mất một bên tai hoặc làm hỏng nó và mua cái mới, vì AirPods gần như không sửa được.

    Một cái meme khác khiến nhiều người bật cười là hình ảnh những người đeo AirPods. “Ui họ đeo AirPods đấy, họ không nghe thấy chúng ta nói gì đâu”. Kỳ thực khả năng cách âm của AirPods chỉ ở mức trung bình, nhưng cái meme này kỳ thực mỉa mai những người bỏ tiền mua AirPods, cho rằng họ giống như những người nổi tiếng, không còn quan tâm tới thế giới xung quanh để nghe xem đám “dân thường” nói gì xung quanh họ nữa.

    [​IMG]

    Những bài đánh giá AirPods đầu tiên cho rằng sản phẩm này có thiết kế trông rất kỳ quặc. Nhưng bù lại, nó rất dễ nhận ra ở ngoài đường. Việc chấp nhận một sản phẩm có hình thù kỳ dị như vậy và đeo nó lên tai cũng đồng nghĩa với việc người dùng có phần tự hào về chiếc AirPods mà họ sở hữu. Đấy là trong tâm lý của anh em cộng đồng mạng, chứ kỳ thực AirPods rất tiện. Nó có thể kết nối liên tục với iPhone chứ không giống như những cặp tai nghe Bluetooth khác. Và cũng vì Apple loại bỏ cổng 3.5 trên chiếc điện thoại của họ, người dùng sẽ chỉ còn hai lựa chọn, hoặc là những chiếc tai nghe có cổng Lightning, hoặc những cặp tai không dây như AirPods. Lựa chọn thứ 3 là mua một cổng chuyển từ Lightning sang 3.5mm, mà chúng không hợp lý lắm vì rất dễ đánh mất.

    Bản thân AirPods giúp khẳng định “sự giàu có” của người dùng còn được minh chứng bằng thị trường phụ kiện bọc case tai nghe của Apple. Trên Etsy hay Taobao, không thiếu những miếng bọc bằng giả da hoặc silicone với pattern của những hãng thời trang nổi tiếng như Louis Vuitton, Gucci hay Supreme. Tất cả chúng đều là hàng giả, chưa có nhà mốt thời trang nào làm phụ kiện cho AirPods cả.

    [​IMG]

    Những mạng xã hội cũng không giúp gì nhiều cho AirPods. Những cư dân mạng thích mỉa mai người khác đang dần tạo ra một hình ảnh chẳng mấy đẹp đẽ gì cho một cặp tai nghe có rất nhiều tiện ích, chí ít là đối với những người sử dụng đồ công nghệ trung thành với hệ sinh thái sản phẩm và dịch vụ của Apple. Dù gì đi chăng nữa, nó vẫn là một món đồ dùng xong vứt đi, đúng như cụm từ “disposable” được gán cho những sản phẩm ngày nay.

    Chính sự “disposable” của AirPods đã mô tả hoàn hảo môi trường lao động nơi những chiếc AirPods được tạo ra. Những người công nhân chỉ có giá trị khi họ làm việc hết sức mình, làm đến kiệt sức, và họ rất nhanh chóng bị đào thải để thay thế bằng những con người dồi dào sức lực khác, giống như một vòng lặp không hồi kết. Tương tự như vậy, khi có nhu cầu từ thị trường, họ sẽ có việc làm. Khi thị trường hạ nhiệt, họ sẽ mất việc. Luôn luôn có một lực lượng nhân công thời vụ đáp ứng cho nhu cầu của Apple hay bất kỳ hãng nào khác trên thế giới. Sau khi làm xong phần việc của mình, họ sẽ bị đào thải không thương tiếc.

    [​IMG]

    Mọi sản phẩm điện tử hay công nghệ đều như vậy. Những tài nguyên trong lòng đất được khai thác bằng bàn tay những người công nhân nghèo. Theo Business Insider vào tháng 05/2018, nhà máy của Foxconn tại Trịnh Châu là nơi 350 nghìn nhân công lắp ráp iPhone theo đơn đặt hàng của Apple. Lương của họ khởi điểm từ 300 USD mỗi tháng. Nơi này được mệnh danh là “thành phố iPhone”. Tương tự, Apple từng đặt hàng cobalt và tantalum từ Cộng hòa Dân chủ Congo, nơi sử dụng cả lao động trẻ em. Những thương tích hay thậm chí những lần công nhân thợ mỏ tử vong đã khiến Apple dừng mua hai nguyên liệu từ quốc gia này.

    Người tiêu dùng nghiễm nhiên không biết gì về những câu chuyện đó, hay đúng hơn là không nên biết. Apple cũng không bao giờ cởi mở về chuỗi cung ứng của họ, vì họ không muốn chúng ta biết những điều đó. Phía sau lớp vỏ trắng tinh khôi mượt mà không chi tiết thừa của AirPods là mồ hôi, nước mắt, và đôi khi thậm chí là cả máu của những người công nhân. Đó là thứ chúng ta không thấy, và có thể sẽ không bao giờ có cơ hội nhìn thấy.

    AirPods, trong mắt Apple

    Apple cho rằng, AirPods là một phần trong tầm nhìn lớn mang tên “tương lai không dây”. Trang web của Apple giới thiệu AirPods bằng câu punchline: “Tai nghe không dây. Không còn rối rắm”. Dây tín hiệu, theo Apple, là gánh nặng. Vì thế họ coi và muốn chúng ta coi AirPods là một sản phẩm tạo ra tự do. Nó được giới thiệu cùng với iPhone 7/7 Plus hồi năm 2016, chiếc điện thoại đầu tiên của Apple không có cổng 3.5mm audio out. Cặp tai nghe nhỏ xíu này có thể đổi từ iPhone sang Macbook và cả Apple Watch tùy ý người sử dụng.

    [​IMG]

    Nhờ đó, AirPods có nhiệm vụ kết dính lại cả một hệ sinh thái những sản phẩm công nghệ đắt tiền. Chính việc không còn cổng 3.5 trên iPhone đã khiến AirPods tiện như ngày hôm nay.

    Việc Apple loại bỏ cổng 3.5mm trên iPhone tạo ra hai vấn đề. Một, Apple khóa người dùng của họ trong một quá trình mua sản phẩm và nâng cấp không hồi kết, với những sản phẩm có độ tương thích cao nhưng rất nhiều hạn chế, vài năm phải đổi iPhone một lần. Hai, đến cuối vòng đời sản phẩm thì làm thế nào? Những người phân loại tái chế rác đã phải liều lĩnh cậy phần pin lithium-ion khỏi phần nhựa trong AirPods chỉ để cố gắng tái chế nó.

    Ngay trên bản vẽ thiết kế, AirPods đã được tạo ra để trở thành rác thải công nghệ.

    [​IMG]

    Wiens cho rằng: “Tôi sẽ cho AirPods vào dạng sản phẩm rồi sẽ trở nên lỗi thời theo kế hoạch của hãng, nhưng kỳ thực thay vì lỗi thời, nó sẽ trở thành thất bại cho môi trường. Khi thiết kế AirPods, họ biết rõ sản phẩm của họ sẽ chỉ tồn tại được 18 tháng. Họ không cảnh báo chúng ta rằng pin không thay được, và cặp tai nghe của anh em chỉ xài được chưa đầy 2 năm.”

    Suy cho cùng, Apple trở thành một tập đoàn như ngày hôm nay cũng nhờ vào “âm thanh”. Họ đã thay đổi cách phát hành âm nhạc với iPod và iTunes, nhờ đó khiến mp3 trở thành format của kỷ nguyên mới. Những chiếc tai nghe trắng đi kèm với iPod trong những poster quảng cáo giữa những năm 2000 là thứ tạo ra rất nhiều dấu ấn. Thế nhưng họ chưa bao giờ quảng cáo AirPods là thiết bị có chất âm tốt nhất trên thế giới. Trong video giới thiệu AirPods, chất lượng âm thanh được đề cập gần chót. Họ muốn chúng ta để ý tới cái sự “không dây” của sản phẩm đó cơ.

    [​IMG]

    Thế nhưng, bản chất công nghệ mà AirPods hoạt động dựa trên, Bluetooth, cũng tạo ra nhiều tranh cãi. Công nghệ sử dụng sóng radio để truyền tín hiệu âm thanh và dữ liệu ở cự ly gần kỳ thực là một công nghệ rất rẻ và có rất nhiều tiềm năng phục vụ cho mọi người. Nhưng rồi những công ty công nghệ bắt đầu quảng bá Bluetooth như một thứ gì đó xa xỉ đắt tiền. AirPods cũng vậy, cái ăng ten phía dưới hai earbud hoạt động dựa trên một công nghệ đã tồn tại 2 thập kỷ.

    Harard Bluetooth, con trai vua Gorm

    Jim Kardach, cựu nhân viên Intel, người góp công phát triển công nghệ Bluetooth cho biết ông đặt tên cho công nghệ truyền tín hiệu không dây của mình bằng tên của một ông vua Bắc Âu, người đã từng trị vì Đan Mạch ở thế kỷ I sau Công nguyên. Theo Kardach, mục tiêu của công nghệ Bluetooth là đồng bộ hóa công nghệ radio, di động và kỹ thuật số. Trong quá khứ, vua Bluetooth cũng đã hợp nhất Đan Mạch và Na Uy cổ đại, tạo ra vương quốc Scandinavian.

    [​IMG]

    Bluetooth là một công nghệ được tạo ra, lấy từ cảm hứng từ lịch sử, và những câu chuyện trong quá khứ. Và giờ nó được dùng để phát triển AirPods, một sản phẩm tồn tại để phục vụ chúng ta vài năm và sẽ tồn tại hàng nghìn năm sau khi chúng ta ra đi. Dĩ nhiên có hàng tỷ tỷ sản phẩm giống như AirPods, cốc nhựa dùng 1 lần, túi nylon, những món đồ rẻ tiền và rất tiện lợi. Nhưng chúng đang khiến những đại dương trở nên ô nhiễm, đe dọa môi trường sống của những loài động thực vật ở khắp nơi.

    Ở quy mô toàn cầu, hệ sinh thái của chúng ta hoàn toàn chưa biết cách nghĩ tới sự bền vững lâu dài. Bản thân các công ty cũng thừa hiểu rằng, làm ra một sản phẩm có vòng đời ngắn thì sẽ đem về cho họ nhiều lợi nhuận hơn so với những sản phẩm có độ bền cao. Nó mô tả hoàn hảo lối tư duy cũ kỹ của giới tư bản, trước cả khi biến đổi khí hậu trở thành mối đe dọa tới cả nhân loại.

    [​IMG]

    AirPods thực sự không đắt như những đối thủ, và những meme mỉa mai người dùng AirPods “giàu xổi” cũng chỉ để cho vui. Nhưng kỳ thực, AirPods chính là hình mẫu mô tả hệ thống kinh tế thế giới cho phép con người mua một bộ tai nghe không dây giá 159 Đô, sẵn sàng làm mất nó để mua một bộ mới, và chẳng bao giờ nghĩ tới những người mạo hiểm cả mạng sống, lao động đến kiệt sức để tạo ra chúng.
     

    Bình Luận Bằng Facebook

Chia sẻ trang này