FastEhome.com- Đăng kí mở Shop bán hàng miễn phí Một nhà đầu tư trên sàn chứng khoán. Ảnh: HOÀNG TÂN Tôi quyết định rút hết 500 triệu đồng tiền tích lũy gửi ngân hàng để đầu tư vào cổ phiếu. Cùng với 113.190 tài khoản mới khác trong tháng 3 vừa qua, tôi đã vô tình góp phần tạo nên một kỷ lục về lượng người đăng ký mở tài khoản mới trong một tháng của thị trường chứng khoán. Và nếu tính cả quí 1-2021, lượng tài khoản mở mới đạt đến 255.000, chiếm hơn phân nửa lượng nhà đầu tư chứng khoán mới của cả năm ngoái. Con số kỷ lục nhà đầu tư, mà phần nhiều là tay ngang như tôi, gia nhập thị trường đã đánh dấu một bước ngoặt đối với thị trường chứng khoán Việt Nam – nơi mà bản thân tôi cùng nhiều người lao động khác vốn chuộng các kênh bất động sản, gửi tiết kiệm hay giữ vàng nay lại quay sang mua cổ phiếu. Và chính những nhà đầu tư F0 như tôi và hàng trăm ngàn nhà đầu tư mới gia nhập thị trường đã góp phần cho các công ty chứng khoán có một kết quả kinh doanh tăng trưởng ấn tượng với lợi nhuận “khủng” trong ba tháng đầu năm nay. Lớp nhà đầu tư nhỏ lẻ này thường bị coi là họ thắng do may mắn và do hiệu ứng đám đông, chứ không phải do kinh nghiệm, thậm chí họ còn bị gán mác là những nhà đầu tư kiểu canh bạc. Công ty chứng khoán cho tôi biết người chuyên viên theo dõi tài khoản để “take care” hoặc “tư vấn” cho tôi trong mọi hoạt động giao dịch mua – bán cổ phiếu. Nhưng tôi thầm nhủ, nếu các chuyên viên này giỏi phân tích và đưa ra thông tin chính xác thì họ đã giàu to từ việc đầu tư cổ phiếu rồi. Mặt khác, qua thu thập và theo dõi trên báo chí, tôi cũng từng biết và nghe có rất ít chuyên gia, giới phân tích thị trường chứng khoán phất lên nhờ đầu tư cổ phiếu. Thậm chí, một số Việt kiều có kinh nghiệm mua chứng khoán ở nước ngoài còn thừa nhận đã bị thua lỗ nhiều từ việc mua cổ phiếu do thị trường chứng khoán trong nước khó dự báo, và thị giá vận hành thiếu “logic” như ở các thị trường khác trên thế giới… Thế là tôi quyết định tự thân vận động, không dựa dẫm vào nhà môi giới nào với số tiền đầu tư mình vất vả dành dụm, tích cóp. Mới tham gia thị trường, tôi rất thận trọng tìm hiểu thông tin của các doanh nghiệp. Một số người biết chuyện khuyên tôi không nên tham gia ở thời điểm này, vì giá nhiều cổ phiếu đã tăng cao vượt đỉnh, thậm chí nhiều cổ phiếu giá quá “ảo” so với thực tế tăng trưởng kinh doanh của doanh nghiệp. Tôi bỏ ngoài tai tất cả những lời khuyên của họ và còn cho rằng họ đang làm mất ý chí và sự quyết tâm cao trong tôi để trở thành một nhà đầu tư với một lần mạo hiểm ở thị trường này. Tôi tin rằng, việc đầu tư cổ phiếu sẽ không chỉ mang lại cảm giác hồi hộp khi giá cổ phiếu lên – xuống mà còn tạo cho bản thân sự quyết đoán, bản lĩnh hơn… của một người đàn ông ở cái tuổi ngoài 40. Dựa vào kết quả hoạt động của doanh nghiệp do đồng nghiệp cung cấp, bám sát tin tức thời sự thế giới và tình hình kinh tế vĩ mô trong nước cũng như những dự báo VN-Index năm nay sẽ lên 1.300-1.400 điểm do các công ty uy tính phân tích…, tôi quyết định mua cổ phiếu. Biết thông tin kết quả kinh doanh quí 1 của một doanh nghiệp thực phẩm uy tín tăng trưởng mạnh với lợi nhuận khủng sắp công bố thông tin trên truyền thông, tôi quyết định xuống tiền mua cổ phiếu của doanh nghiệp này ngay khi thị trường vừa mở cửa giao dịch. Việc “thâu tóm” cổ phiếu này khá dễ dàng vì dư bán nhiều hơn dư mua. Đúng như thông tin tôi nắm trước đó, đầu giờ chiều, một số trang tin và báo chí đồng loạt đưa tin về kết quả kinh doanh của doanh nghiệp này. Tôi thầm nghĩ mình khá may mắn khi mua được cổ phiếu có nhiều động lực tăng giá. Tuy nhiên, không như suy nghĩ và sự kỳ vọng của tôi, dù thông tin trên báo chí đăng kết quả kinh doanh và lợi nhuận tăng cao, nhưng giá cổ phiếu của doanh nghiệp này cứ liên tục sụt giảm. Nhìn thấy đồng tiền đầu tư của mình cứ liên tục bị “bốc hơi”, tôi đứng ngồi không yên. Lo lắng doanh nghiệp này bị “dính chưởng” thông tin xấu thì các đồng nghiệp đều trả lời không có, nhưng bản thân họ cũng không hiểu vì sao cổ phiếu này liên tục bị rớt giá. Ngoài đầu tư vào cổ phiếu nói trên, tôi cũng rót vốn vào cổ phiếu của một doanh nghiệp bất động sản công nghiệp, lĩnh vực được cho là đang “ăn nên làm ra” và có nhu cầu khá lớn trên thị trường vì nhiều nhà đầu tư ngoại đang hướng vào Việt Nam. Đáng chú ý, chủ doanh nghiệp bất động sản này còn công bố với cổ đông rằng đất cho thuê còn mênh mông, thế nhưng không hiểu sao hơn một tuần qua giá cổ phiếu của doanh nghiệp này cứ tuột xuống so với lúc tôi mua vào. Một phần vốn tôi cũng rót vào cổ phiếu một doanh nghiệp có cam kết chia cổ tức cao hơn 20% nhờ có kết quả hoạt động quí 1 tăng trưởng cao. Vậy mà khi tôi sở hữu được cổ phiếu này thì cũng bị “phỏng tay” vì thị giá của nó cũng bị tuột dốc. Hỏi người “take care” tài khoản tôi, cô tư vấn này trách móc rằng sao quyết định mua ba loại cổ phiếu trên mà không cho cô hay. Cô giải thích: dù thông tin hoạt động của doanh nghiệp thực phẩm hay doanh nghiệp bất động sản tốt về kết quả kinh doanh, và ngành nghề có nhiều triển vọng nhưng chưa đủ để đẩy giá các cổ phiếu này tăng được nữa. Bởi lẽ thời điểm tôi xuống tiền mua thì giá cổ phiếu của hai doanh nghiệp này đã tăng trưởng “quá ngưỡng”. Trong khi, doanh nghiệp cam kết chia cổ tức hơn 20% là bằng cổ phiếu được pha loãng bởi việc phát hành cổ phiếu thưởng. Nhưng đâu chỉ riêng tôi đang bị lỗ trong đợt đầu tư này. Trước khi quyết định xuống tiền mua cổ phiếu của ba doanh nghiệp nói trên, một số đồng nghiệp và bạn tôi cũng thống nhất cùng mua với tôi. Tìm hiểu các F0 khác, tôi nhận ra những nhà đầu tư nhỏ lẻ này cũng đầu tư theo tính bầy đàn, nghe ngóng thông tin bên lề giống như tôi hơn là dựa vào các thông tin liên quan chỉ số P/E (giá/lợi nhuận một cổ phiếu), hoặc đọc báo cáo tài chính của doanh nghiệp để phân tích. Bên cạnh dựa vào thông tin trên báo chí, “quân sư” của họ còn là mạng xã hội, sự rỉ tai với nhau, hay các diễn đàn trực tuyến, hơn là các môi giới chuyên nghiệp. Các nhà đầu tư F0 này dùng các ứng dụng trên điện thoại thông minh để mua bán cổ phiếu từ xa. Thậm chí những nhà đầu tư F0 này còn mạo hiểm hơn tôi. Một vài nhà đầu tư mua đuổi cổ phiếu, trong khi một số người khác đầu tư tiền của ba mẹ. Mới lần đầu tham gia mua cổ phiếu nhưng họ còn vay mượn để đặt cược vào cổ phiếu và tạo đòn bẩy trên thị trường. Chính vì sự tốc chiến tốc thắng đó, nhà đầu tư nhỏ lẻ có thể lãi khá lớn trong một thời gian ngắn, nhưng cũng có thể thua lỗ ngay sau đó nếu đám đông đua nhau bán tháo. Vì vậy, lớp nhà đầu tư nhỏ lẻ này thường bị coi là họ thắng do may mắn và do hiệu ứng đám đông, chứ không phải do kinh nghiệm, thậm chí họ còn bị gán mác là những nhà đầu tư kiểu canh bạc. Nhân viên môi giới khuyên tôi nên bán cổ phiếu ra sớm để cắt lỗ, chờ thị trường “định hình” lại rồi mua vào đầu tư. Tôi và các đồng nghiệp cứ phân vân với tâm lý “sau cơn mưa trời lại sáng”, cương quyết giữ lại cổ phiếu chịu lỗ. Thế nên, giờ đây đồng tiền đầu tư vào cổ phiếu ba doanh nghiệp này của chúng tôi ngày càng bị “bốc hơi”. Ngẫm nghĩ trước thông tin nhiều người không rành thị trường chứng khoán nhưng vẫn thắng lớn khi mua cổ phiếu dẫn đến từ giữa năm 2020 đến nay, lượng nhà đầu tư F0 gia tăng đột biến, trong đó có sự góp mặt của tôi. Thiếu kinh nghiệm, kiến thức, lại không ngại rủi ro, chỉ nghĩ đến lợi nhuận, tôi và nhiều người trong số này chắc chắn đã và sẽ mất nhiều tiền. Tôi thầm nghĩ điều gì xảy ra khi làn sóng “binh đoàn” đầu tư F0 chưa có nhiều kinh nghiệm, kiến thức về đầu tư như chúng tôi cùng lúc rút khỏi thị trường này? Và nhớ lại trong quá khứ, nhiều người Việt Nam cho rằng những nhà đầu tư mới cứ như “những chú gà” đang chờ bị “làm thịt” và giờ đây tôi có cảm giác mình là một trong những chú gà đó. Tuấn Khang TBKTSG Tiếp tục đọc...