FastEhome.com- Đăng kí mở Shop bán hàng miễn phí (ĐTCK) Tuần lễ Thương hiệu Quốc gia tháng 4/2019 thu hút sự quan tâm của nhiều doanh nghiệp và người tiêu dùng. Tuy nhiên, làm thế nào để xây dựng thương hiệu Việt, đủ sức cạnh tranh trên thương trường vẫn là câu hỏi lớn sau 16 năm Việt Nam chính thức có Chương trình Thương hiệu quốc gia. Tại Diễn đàn Thương hiệu Việt Nam 2019 mới đây, Thứ trưởng Bộ Công thương Ðỗ Thắng Hải cho biết, chiến lược cạnh tranh bằng thương hiệu đang diễn ra rất mạnh mẽ và sâu rộng, không chỉ dừng lại ở cấp độ doanh nghiệp mà đã phát triển lên mức độ địa phương, ngành hàng và thậm chí ở cấp quốc gia. Trên thế giới, đã có hơn 80 quốc gia đang triển khai chương trình xây dựng thương hiệu quốc gia để phát triển thương hiệu sản phẩm sang thị trường nước ngoài. Tại Việt Nam, năm 2003, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình thương hiệu quốc gia nhằm kết nối sự nỗ lực, tạo nên những thương hiệu Việt có giá trị. Ðến năm 2018, cả nước có 97 doanh nghiệp có sản phẩm được công nhận Thương hiệu quốc gia. Con số này so với 600.000 doanh nghiệp Việt Nam đang hoạt động là quá nhỏ, cũng đồng thời cho thấy còn quá nhiều việc phải làm nếu muốn xây nên những thương hiệu Việt tầm cỡ. Ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Phó trưởng ban Kinh tế Trung ương cho rằng, trong 16 năm tổ chức chương trình Thương hiệu quốc gia, đã có nhiều thương hiệu vững chân tại thị trường trong nước cũng như nước ngoài. Tuy nhiên, một bộ phận không nhỏ doanh nghiệp chưa quan tâm đến việc xây dựng và coi thương hiệu là công cụ đi đến người tiêu dùng khiến cho có những nhận thức, hành động chưa đầy đủ. Bên cạnh đó, một bộ phận các cơ quan cũng chưa có biện pháp hỗ trợ, đầu tư cho nguồn lực, quảng bá xúc tiến toàn diện và đồng bộ. Khẳng định xây dựng thương hiệu quốc gia là điều không thể thiếu trong nỗ lực nâng cao hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam, ông Nguyễn Hữu Nghĩa đánh giá, việc xây dựng thương hiệu quốc gia đòi hỏi sự chung tay lâu dài và bền bỉ của cả một dân tộc. Theo ông, càng có nhiều nguồn lực khác nhau chung sức tham gia sẽ tạo ra sức mạnh tổng thể; sự chung tay của mọi thành phần xã hội trong và ngoài nước cùng với sự điều phối chiến lược của Ðảng và Nhà nước sẽ giúp rút ngắn khoảng cách khẳng định vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế. Hiện tại, Cục Xúc tiến thương mại đang soạn thảo các bản dự thảo Ðề án Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045. Theo dự kiến, nội dung của Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam trong giai đoạn mới sẽ có sự gắn kết thương hiệu sản phẩm của doanh nghiệp với các hoạt động thu hút đầu tư, quảng bá văn hóa, du lịch... Lãnh đạo Bộ Công thương kỳ vọng, Ðề án sắp tới sẽ tạo ra một chính sách, cơ chế thống nhất, đồng thuận, nhất quán trong xây dựng, quảng bá thương hiệu, hình ảnh quốc gia Việt Nam. Chia sẻ về kinh nghiệm xây dựng thương hiệu quốc gia tại Italy, ông Antonio Tedesco, Trưởng ban Kinh tế và thương mại, Ðại sứ quán Italy tại Hà Nội cho biết, xây dựng thương hiệu là quan trọng nhưng doanh nghiệp còn cần giải quyết bài toán gìn giữ và bảo vệ thương hiệu. “Khi tôi đến Bát Tràng, tôi khá bất ngờ thấy ở đây có bán các sản phẩm gốm của Trung Quốc. Như vậy là sản phẩm gốm của các bạn đã bị làm giả. Việt Nam cần nghĩ đến công tác bảo vệ thương hiệu”, ông nói. Với các doanh nghiệp muốn đi bền trên thương trường, làm cách nào để có thể xây dựng được thương hiệu riêng luôn là khát khao lớn nhất. Theo bà Trần Uyên Phương, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Tân Hiệp Phát, xây dựng thương hiệu là một cuộc chơi rất đắt tiền, không phải chỉ thời gian và nguồn lực mà còn cần sức bền của doanh nghiệp và khả năng xây nên những giá trị được người tiêu dùng yêu thích. Ðể có thương hiệu Number One, Tân Hiệp Phát đã trải qua 18 năm, kinh qua nhiều giai đoạn thăng trầm. “Ðịnh vị một thương hiệu là việc làm thế nào để người tiêu dùng biết đến sự tồn tại của nó, nhắc đến nó và cuối cùng mới là thương hiệu - một nhãn hiệu yêu thương”, bà Phương nói. Thương hiệu Tân Hiệp Phát được biết đến rộng rãi trên toàn cầu khi năm 2018 doanh nhân Trần Uyên Phương xuất bản cuốn sách “Vượt lên người khổng lồ”, chia sẻ bí quyết thành công của một doanh nghiệp Việt Nam sau khi từ chối lời chào mua với giá 2,5 tỷ USD của Coca-Cola. Hiện tại, sản phẩm của Tân Hiệp Phát có mặt tại 20 quốc gia trên toàn thế giới, Tập đoàn đang tập trung chiến lược vươn ra toàn cầu. Rất nhiều công ty đã bỏ ra số tiền lớn để làm sao nhãn hiệu của mình được nhiều người yêu thích, nhưng không phải nỗ lực nào cũng thành công. Theo thống kê của các tập đoàn lớn trên thế giới thì có 20% các thương hiệu ra thị trường là sẽ thành công, 80% là thất bại. “Ðây là một bài toán rất đắt tiền, nhưng đáng giá nếu tìm ra con đường xây dựng thương hiệu Việt thành công”, bà Phương nói. Xây dựng thương hiệu quốc gia đòi hỏi sự chung tay lâu dài và bền bỉ của cả một dân tộc. Càng có nhiều nguồn lực chung sức tham gia sẽ càng tạo ra sức mạnh tổng thể, rút ngắn khoảng cách khẳng định vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế. Tường Vi