FastEhome.com- Đăng kí mở Shop bán hàng miễn phí Việc nghẽn lệnh trên sàn HOSE không biết khi nào mới được khắc phục xong, có lẽ đã là một trong những động lực thúc đẩy khối ngoại liên tục bán ròng từ giữa tháng 2 đến nay, trong khi đó nhà đầu tư nội dường như đang dần chấp nhận và tập thích nghi. Sàn kẹt, có lệnh vẫn vào được Việc thị trường chỉ giao dịch vào buổi sáng và sau đó “đơ” vào buổi chiều đã trở nên quen thuộc trên sàn HOSE, thậm chí có những ngày lỗi phát sinh ngay từ đầu phiên giao dịch buổi sáng, khi giá mua bán hiển thị không đúng với mức giá đang giao dịch, khiến không ít nhà đầu tư hoảng loạn và đặt lệnh không sát với diễn biến giao dịch của cổ phiếu. Đáng lưu ý là dù sàn HOSE bị nghẽn, nhưng không phải tất cả lệnh mua bán từ các công ty chứng khoán thành viên đều bị chặn lại, mà một số nhà đầu tư vẫn có thể vào lệnh và đẩy giá nhiều mã cổ phiếu tăng vọt về cuối phiên. Thực trạng này khiến không ít nhà đầu tư nghi ngờ thị trường đang bị lợi dụng việc nghẽn lệnh để thao túng, hoặc có sự thiếu minh bạch, phân biệt nhận/từ chối lệnh giữa các nhà đầu tư. Một số giải trình là do ảnh hưởng của cơ chế phân bổ lệnh cho các công ty chứng khoán (CTCK) hiện nay. Cụ thể, hệ thống giao dịch hiện đang chia đều khoảng 80% số lệnh cho các CTCK, còn lại 20% cho lệnh dự phòng. Theo đó, mỗi thành viên sẽ được phân bổ 3.000 đơn vị lệnh cố định, phần lệnh còn lại được hệ thống phân bổ cho các thành viên dựa trên số lượng lệnh bình quân trong vòng giao dịch 30 ngày/thành viên. Do đó, những CTCK có thị phần lớn được phân bổ nhiều và ngược lại. Thuật toán cũng định sẵn rằng, khi hệ thống chạy hết 80% dung lượng được phép, mà chủ yếu là lệnh vào từ các CTCK trong tốp 20 thị trường, hệ thống sẽ tự động chuyển sang cho phép nhận tiếp 20% dung lượng dự phòng. Phần 20% này không tính theo cách phân bổ lệnh với từng công ty, mà công ty nào nhập trước sẽ vào trước. Khi dung lượng lệnh dự phòng dùng hết, hệ thống sẽ dừng nhận lệnh của các chủ thể chạm ngưỡng tối đa. Tuy nhiên, do thị trường vẫn có nhiều CTCK nhỏ, chưa dùng hết dung lượng được cấp, nên hệ thống vẫn nhấp nháy lệnh chạy vào qua các công ty loại này. Trong những thời điểm thị trường bị bán tháo, nhiều mã cổ phiếu vẫn bị chất lệnh bán sàn về cuối phiên, trong khi một số nhà đầu tư muốn mua vào bắt đáy nhưng không được, thì lượng bán sàn đột ngột bị gom sạch khi vẫn có lệnh với dòng tiền lớn đổ vào được, kéo giá cổ phiếu phục hồi mạnh sau đó. Phân tích về vấn đề này, trong cuộc phỏng vấn mới đây, ông Lê Hải Trà, Tổng giám đốc HOSE, cho rằng “tốp 20, 30 các CTCK đã chiếm hơn 90% thị phần giao dịch. Nếu tình trạng nghẽn lệnh xuất hiện, lúc đó các giao dịch nhỏ khác của các CTCK nhỏ khi vào hệ thống và được khớp đi chăng nữa thì cũng khó thay đổi được giá trị các chỉ số”. Thích nghi và tận dụng lỗi Tuy nhiên, đó có thể là giai đoạn đầu khi mới nghẽn lệnh. Còn hiện nay không loại trừ khả năng nhiều nhà đầu tư tay to đã mở thêm tài khoản giao dịch ở các CTCK nhỏ để dễ dàng thao túng lệnh và tác động đến thị trường. Rõ ràng, khi dư địa lệnh tại các CTCK nhỏ hiện nay chưa được sử dụng hết, ngay cả về cuối phiên giao dịch, trong khi tại các CTCK lớn đã xài hết ngay từ sớm, những tài khoản đang mở ở các CTCK nhỏ đang có những ưu thế nhất định. Thực tế là trong nhiều phiên gần đây, dù thị trường sớm nghẽn lệnh vào buổi chiều, nhưng chỉ số VN-Index sau đó vẫn có thể được kéo lên hoặc bị đạp xuống, gây ra xu hướng đảo chiều đột ngột. Ngoài ra, không ít mã cổ phiếu cũng có những biến động khá mạnh về cuối phiên, khi lệnh vào vẫn dồn dập bất chấp tình trạng đơ lệnh xuất hiện ở hầu hết các mã cổ phiếu khác. Đơn cử như phiên giao dịch gần đây nhất vào ngày 26-3, chỉ số VN-Index trong buổi sáng có lúc bốc hơi đến 25 điểm, tương đương mất hơn 2,1%, tuy nhiên sau đó trong phiên buổi chiều đã lấy lại gần như đủ số điểm đã đánh mất, khi đóng cửa chỉ còn giảm 0,89 điểm, tương đương mức giảm chưa đến 0,1%. Đáng lưu ý là để kéo được VN-Index phục hồi mạnh trong thời gian ngắn như vậy, chỉ có cách kéo giá cổ phiếu thuộc nhóm VN 30, vốn cần phải có dòng tiền lớn từ nhà tạo lập hoặc các nhóm nhà đầu tư “cá mập”. Có lẽ trong khi nhiều nhà đầu tư nước ngoài lo ngại tình trạng lỗi của sàn HOSE và thoát khỏi cuộc chơi, khi liên tục bán ròng, ngược lại các nhà đầu tư nội dường như đang dần chấp nhận thực trạng chưa biết khi nào mới được tháo gỡ này. Trong tuần trước (từ ngày 22 đến 26-3), nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục bán ròng hơn 1.150 tỉ đồng trên sàn HOSE, nâng tổng giá trị bán ròng tính từ ngày 19-2-2021 lên hơn 13.484 tỉ đồng trong vòng 26 phiên, trong đó chỉ đúng 1 phiên mua ròng 267 tỉ đồng (vào ngày 25-3). Thậm chí, có những nhà đầu tư nội còn tận dụng lỗi nghẽn lệnh này để chiếm ưu thế và thực hiện các chiến lược giao dịch của riêng mình. Đơn cử như trong những thời điểm thị trường bị bán tháo, nhiều mã cổ phiếu vẫn bị chất lệnh bán sàn về cuối phiên, trong khi một số nhà đầu tư muốn mua vào bắt đáy nhưng không được, thì lượng bán sàn đột ngột bị gom sạch khi vẫn có lệnh với dòng tiền lớn đổ vào được, kéo giá cổ phiếu phục hồi mạnh sau đó. Đặc biệt nhiều đại gia có các CTCK riêng của mình với quy mô nhỏ, nên vẫn có thể đặt lệnh vào bất kỳ lúc nào mà không sợ phải bị cạnh tranh lệnh với ai. Thực tế là trong thời gian gần đây, dù sàn HOSE bị nghẽn về cuối phiên, nhóm cổ phiếu của các đại gia này vẫn đón nhận dòng tiền vào ồ ạt và kéo giá cổ phiếu tăng liên tục, ngược chiều với thị trường chung. Bên cạnh đó, thực trạng nghẽn lệnh này nếu vẫn tiếp tục và chưa có hồi kết, có thể sẽ thúc đẩy thêm nhiều nhà đầu tư chạy qua mở tài khoản ở các CTCK nhỏ, không chỉ là các khách hàng nhỏ lẻ mà cả những nhà đầu tư tay to, không chỉ là khách hàng hiện hữu tại các CTCK lớn mà còn là những nhà đầu tư F0 – những người nếu cũng biết được thực trạng phân bổ lệnh và lý do khiến sàn HOSE bị nghẽn lệnh thời gian qua. Số lượng nhà đầu tư ùn ùn mở tài khoản mới trong hơn một năm qua đang khiến cuộc chơi trở nên thú vị hơn rất nhiều. Điều này tất yếu sẽ ảnh hưởng tiêu cực lên năng lực cạnh tranh của các CTCK lớn, có thể làm thay đổi thị phần môi giới trong giai đoạn tới, nhất là khi nhiều CTCK nhỏ hiện nay đang có các chính sách cạnh tranh quyết liệt về phí giao dịch và lãi suất cho vay margin tốt hơn nhiều nhóm các công ty lớn. Thống kê cho thấy tính đến cuối năm 2020 vừa qua, tốp 10 CTCK hàng đầu đã chiếm đến gần 61% thị phần giá trị giao dịch trên HOSE, trong đó riêng năm công ty đứng đầu đã chiếm hơn 44% thị phần, gồm SSI với 12,33%; HSC 8,66%; VPS 8,22%; Bản Việt 7,69% và VN Direct 7,19%. Có lẽ cuộc cạnh tranh của các CTCK sẽ không chỉ còn tùy thuộc vào phí hay lãi suất margin, mà còn bị ảnh hưởng bởi việc nghẽn lệnh trên sàn HOSE, trong đó các CTCK nhỏ đã vô tình có được lợi thế cạnh tranh từ câu chuyện “cười ra nước mắt” này. Triêu Dương TBKTSG Tiếp tục đọc...