FastEhome.com- Đăng kí mở Shop bán hàng miễn phí Báo cáo tài chính nửa đầu năm 2020 được VPBank công bố cuối tuần qua cho biết, kết thúc 6 tháng đầu năm Ngân hàng thu về 6.600 tỷ đồng lợi nhuận hợp nhất trước thuế, tương đương 64% kế hoạch năm. Riêng ngân hàng mẹ đóng góp gần 4.200 tỷ đồng, chiếm 64% tổng lợi nhuận trước thuế hợp nhất. Tăng trưởng tín dụng hợp nhất của VPBank đạt 9,8% so với cuối năm 2019. Trong đó, tỷ lệ tăng trưởng ở riêng ngân hàng mẹ đạt tới 12,7%. “Đây là mức tăng trưởng bền vững và ấn tượng so với bối cảnh chung toàn thị trường đang bị tác động bởi dịch bệnh Covid-19 từ đầu năm tới nay”, một lãnh đạo cao cấp VPBank cho biết. Điểm nhấn mang lại kết quả tốt về doanh thu và hoạt động cho vay nói trên, được vị lãnh đạo VPBank chia sẻ chính là phản ứng linh hoạt và nhanh nhạy của Ngân hàng trước những thách thức bất ngờ mới của thị trường. Ngay khi dịch bệnh Covid-19 bắt đầu bùng phát trong tháng 2/2020, VPBank đã đưa ra những kịch bản kinh doanh mới nhằm tiếp tục đa dạng hóa nguồn thu. Nhờ đó, nguồn thu lãi thuần từ phí dịch vụ (NFI) của ngân hàng mẹ đã tăng trưởng gần 42% so với nửa đầu năm 2019, đạt hơn 1.400 tỷ đồng. Tỷ trọng đóng góp của NFI trên tổng doanh thu của ngân hàng mẹ đã tăng từ 13% trong 6 tháng đầu năm trước lên 15% cùng kỳ năm nay, góp phần giảm sự phụ thuộc của ngân hàng vào nguồn thu từ lãi. Thông tin từ TPBank cho biết, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 khiến mức tăng tín dụng của toàn ngành khá thấp, hết 6 tháng mới chỉ đạt trên 3%, nhờ có cơ sở khách hàng tốt, sản phẩm tín dụng đa dạng kết hợp cùng nhiều chính sách hỗ trợ khách hàng, TPBank vẫn giữ được nhịp độ tăng trưởng tín dụng khá, trong khi vẫn chú trọng công tác quản trị rủi ro. Báo cáo tài chính cho biết, tổng dư nợ tín dụng của TPBank đạt trên 112 nghìn tỷ đồng, tăng gần 11% so với năm trước, đảm bảo chất lượng, kiểm soát tốt nợ xấu. Tại nhóm các ngân hàng có vốn nhà nước, ông Phạm Quang Dũng, Tổng giám đốc Vietcombank chia sẻ, trước diễn biến bất thường của môi trường kinh tế trong 6 tháng đầu năm, đặc biệt là dịch bệnh Covid-19 gây ảnh hưởng tới toàn bộ nền kinh tế nói chung và Vietcombank nói riêng, ban lãnh đạo ngân hàng đã có các biện pháp kịp thời nhằm thực hiện mục tiêu kép: vừa chống dịch Covid-19, vừa bám sát tình hình thực tiễn để đưa ra các quyết sách đảm bảo tăng trưởng hiệu quả, bền vững, nhờ đó, hoạt động của Viecombank đã đạt được những kết quả khả quan. Cụ thể, ngân hàng đã đổi mới mô hình tăng trưởng tín dụng gắn với chuyển dịch cơ cấu theo hướng hiệu quả, bền vững. Dư nợ tín dụng đạt trên 772 nghìn tỷ đồng, tăng 5% so với 2019 và là một điểm sáng về mức tăng trưởng cao trong toàn hệ thống ngân hàng. Tín dụng bán lẻ tiếp tục tăng trưởng cao ở mức 7,4%, chiếm 51,8%/tổng dư nợ, tăng thêm 1,2 điểm % so với 2019. Đặc biệt, chất lượng tín dụng tiếp tục được kiểm soát tốt. Ông Lê Đức Thọ, Chủ tịch HĐQT VietinBank thông tin, 6 tháng đầu năm 2020, dịch bệnh Covid-19 đã gây ảnh hưởng tới toàn nền kinh tế nói chung và VietinBank nói riêng. Theo đó, việc thực hiện các chỉ tiêu quy mô 6 tháng đầu năm 2020 của VietinBank ở mức thấp so với kế hoạch đề ra và so với các năm trước. Dù vậy, Vietinbank đã có những bước tăng trưởng tích cực trở lại. Đơn cử, tính đến hết tháng 6/2020, dư nợ tín dụng bao gồm cả chi nhánh nước ngoài đạt 946,1 nghìn tỷ đồng, tăng 4,5 nghìn tỷ đồng so với đầu năm, đặc biệt được cải thiện đáng kể trong tháng 6. Nguồn vốn huy động thị trường 1 tại 30/6/2020 tăng hơn 21 nghìn tỷ đồng so với 2019; cơ cấu nguồn vốn đã có sự chuyển dịch tích cực trong các tháng quý II/2020. Vietnam Report vừa công bố khảo sát về ngành ngân hàng dưới tác động của Covid-19 cho biết, một trong ba tác động của ngành ngân hàng trong 6 tháng đầu năm là lợi nhuận sụt giảm. Một trong những nguyên nhân dẫn đến lợi nhuận sụt giảm theo khảo sát tại các ngân hàng TMCP cho thấy 69% ngân hàng đánh giá triển vọng tăng trưởng tín dụng năm 2020 sẽ thấp hơn so với năm 2019; 15% ngân hàng cho rằng sẽ duy trì được tốc độ tăng trưởng của năm trước và chỉ 8% cho rằng tăng trưởng khả quan và tốt hơn một chút. Điều này cho thấy, tăng trưởng tín dụng năm nay sẽ có sự phân hóa mạnh. Được biết, 46,15% chuyên gia và ngân hàng trong khảo sát của Vietnam Report nhận định nhu cầu tín dụng giảm là một trong thách thức với ngành ngân hàng. Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, dù Việt Nam đã kiểm soát tốt dịch bệnh nhưng trên thế giới dịch bệnh vẫn đang bùng phát, làm ảnh hưởng đến tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp trong nước, cho nên nhiều doanh nghiệp vẫn chưa có nhu cầu vay vốn mới dù mặt bằng lãi suất cho vay đã giảm khá mạnh so với trước khi có dịch. Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, mặc dù có nhiều ngân hàng đã tăng trưởng tín dụng âm, tăng trưởng tín dụng thấp, song cũng có nhiều ngân hàng tăng trưởng tín dụng tốt trong 6 tháng đầu năm 2020. NHNN đã tiếp nhận đề nghị điều chỉnh nới room của một số ngân hàng và đang tổng hợp xem xét. Theo đó, NHNN sẽ xem xét điều chỉnh hạn mức cho một số ngân hàng có sức khỏe tài chính tốt, đưa tín dụng chất lượng vào các lĩnh vực ưu tiên của Chính phủ. Lãnh đạo VPBank cho rằng “Các giải pháp hữu hiệu kiểm soát hiệu quả hoạt động và rủi ro, đi cùng với những kịch bản kinh doanh chủ động thích ứng với diễn biến dịch bệnh và điều kiện của nền kinh tế, giúp VPBank trụ vững trong nửa đầu năm 2020 và tiếp tục tạo đà tăng trưởng bền vững trong giai đoạn tiếp theo”. Còn với Vietinbank, một trong những nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2020 được ông Lê Đức Thọ chia sẻ là tập trung đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng, thúc đẩy tăng trưởng kinh doanh, bứt phá mạnh mẽ ngay trong những tháng đầu quý III ngay khi nền kinh tế phục hồi trở lại; tiếp tục phát triển khách hàng, khai thác triệt để hiệu quả tệp khách hàng, đặc biệt là các khách hàng ở 4 vùng kinh tế trọng điểm để tạo ra giá trị cao hơn.