FastEhome.com- Đăng kí mở Shop bán hàng miễn phí Khoảng hơn 6 giờ tối qua theo giờ địa phương thì một chiếc Sukhoi Superjet 100 của hãng hàng không quốc gia Nga - Aeroflot đã gặp sự phải hạ cánh khẩn cấp tại sân bay Sheremetyevo, Moscow và đám cháy lớn khiến 41 người thiệt mạng (số liệu ban đầu). Đây là tai nạn thứ 2, có thương vong về người của Superjet 100 - một dòng máy bay rất mới của Sukhoi khi chỉ mới được khai thác từ năm 2011. Trong khi chờ thêm thông tin về vụ việc cũng như kết quả điều tra ban đầu thì mời anh em xem qua về Sukhoi Superjet 100. Superjet 100 (Суперджет 100) là một dòng máy baby phản lực thương mại cỡ nhỏ, dưới 100 ghế (regional jet) được Sukhoi (Сухой) - giờ là một nhánh của United Aircraft Corp phát triển từ năm 2000 và thực hiện chuyến bay đầu tiên vào tháng 5 năm 2008. Hiện tại Superjet 100 được một số hãng hàng không như Aeroflot (Nga), Interjet (Mexico), Yamal Airlines (Nga), Gazoromavia (Nga) khai thác với số lượng trên 10 chiếc trong đó Aeroflot đang có đến 50 chiếc trong đội bay. Sukhoi đã quá nổi tiếng với những chiếc máy bay chiến đấu đang được quân đội rất nhiều nước khai thác trong đó có Việt Nam và Superjet 100 là sản phẩm rất đặc biệt của hãng này. Dự án Superjet khởi động từ năm 2000 với tên gọi ban đầu là dự án RRJ60/75/95 (số ghế) nhằm phát triển máy bay phản lực dân dụng cỡ nhỏ (regional jet) đầu tiên của Nga kể từ sau thời đại Soviet nhằm cạnh tranh trên thị trường máy bay toàn cầu. Tháng 10 năm 2001 thì chính phủ Nga đã tài trợ 46,6 triệu USD cho dự án để phát triển một chiếc máy bay có khả năng chở từ 70 đến 80 khách. Sukhoi được chọn và nhiều công ty khác được thuê để cố vấn. Đằng sau chiếc máy bay này có bàn tay của Boeing và nhiều đối tác của Boeing khi được thuê để hỗ trợ trong rất nhiều khâu từ quản lý chương trình, kỹ thuật, marketing, phát triển sản phẩm, chuẩn hoá, quản lý chuỗi cung ứng và hỗ trợ khác hàng. Về mặt động cơ, 2 dòng động cơ được xem xét là Pratt & Whitney PW800 - động cơ turbofan với tỉ lệ bypass 5.5:1 được trang bị trên những chiếc business jet như Gulfstream G500/G600 và PowerJet SaM146 turbofan - một sản phẩm hợp tác giữa Snecma (giờ là Safran của Pháp) và NPO Saturn của Nga với tỉ lệ bypass 4.4:1. Cuối cùng động cơ PowerJet SaM146 được chọn. Năm 2003, danh sách các nhà cung cấp linh kiện, thành phần trên chiếc Superjet 100 được công bố với Thales (Pháp) với hệ thống điện tử hàng không, càng hạ cánh của Messeir-Bugatti-Dowty (Pháp), APU của Honeywell (Mỹ), hệ thống điều khiển chuyến bay của Liebherr (Thuỵ Sĩ), hệ thống nhiên liệu của Intertechnique, thuỷ lực của Parker Hannifin (Mỹ), nội thất thì do B/E Aerospace (đa quốc gia, trụ sở tại Florida, Mỹ) đảm nhận. Dự án RRJ60/75 (RRJ60 với tối đa 60 ghế, RRJ75 tối đa 78 ghế) không đạt được hiệu quả chi phí cao thành ra Sukhoi tiếp tục phát triển dự án RRJ95 với tối đa 98 ghế. Tại triển lãm hàng không Farnborough năm 2006, RRJ95 được đổi tên thành SSJ100 tức Sukhoi Superjet 100 và đến tháng 12 cùng năm, Aeroflot đã đặt mua 30 chiếc, trở thành khách hàng đầu tiên của Superjet 100. Boeing tiếp tục hỗ trợ mở rộng cho chương trình Superjet 100 vào năm 2007 với các công tác như bay thử, huấn luyện bảo trì, quản lý và cung ứng linh kiện. Hoạt động thử nghiệm cũng bắt đầu từ năm này và đến tháng 5 năm 2008, Superjet 100 cất cánh lần đầu tiên tại cơ sở thử nghiệm ở Komomolsk-on-Amur. Hội đồng hàng không liên bang Nga (IAC) cấp chứng chỉ bay cho Superjet 100 vào tháng 2 năm 2011 và Cơ quan hàng không vũ trụ châu Âu (EASA) cũng cấp chứng chỉ tương tự vào đúng 1 năm sau đó, cho phép Superjet 100 hoạt động tại các nước trong khu vực. Dù Aeroflot là khách hàng chính nhưng hãng đầu tiên khai thác Superjet 100 lại là Armavia - hãng hàng không hàng đầu của Armenia. Armavia muốn dùng Superjet 100 thay cho Airbus A319 cho đường bay giữa thủ đô Yerevan đến Moscow và Sochi cũng như nhiều thành phố của Ukraine. Armavia đặt hàng 15 chiếc Superjet 100, chiếc đầu tiên xuất xưởng được Sukhoi giao cho Armavia vào tháng 4 năm 2011 và ngay trong tháng 5 hãng này thực hiện chuyến bay thương mại đầu tiên với Superjet 100. Tuy nhiên, chiếc máy bay này sớm cho thấy nhiều vấn đề, Armavia cho biết hãng không thể khai thác hiệu quả do máy bay lỗi kỹ thuật thường xuyên, thời gian khai thác giảm đáng kể và sau cùng từ chối nhận thêm số máy bay còn lại và trả lại chiếc Superjet 100 đầu tiên này cho Sukhoi vào năm 2012. Đến năm 2013, Armavia công bố phá sản sau nhiều khủng hoảng tài chính. Aeroflot cũng báo cáo tương tự khi 6 chiếc Superjet 100 chỉ có thể khai thác khoảng 4 giờ/ngày thay vì tiêu chuẩn 8 - 9 giờ/ ngày do những hỏng hóc kỹ thuật, chậm giao linh kiện thay thế và yêu cầu Sukhoi bồi thường. Superjet 100 có thiết kế thân hẹp, nhỏ hơn Airbus A320 hay Boeing 737 với sức chứa từ 87 đến 98 hành khách theo thiết lập 5 ghế mỗi hàng (3 + 2). Tại Nga, dòng máy bay này thay thế cho những Tupolev Tu-134 và Yakovlev Yak-42 vốn đã rất nhiều năm tuổi đồng thời cạnh tranh với những đối thủ như Antonov An-148, Embraer E190 và Bombardier CRJ1000. Sukhoi cho biết Superjet 100 có giá bán từ 23 đến 25 triệu đô/chiếc nên chi phí đầu tư thấp hơn so với các đối thủ, chi phí vận hành cũng thấp hơn từ 6 - 8% so với dòng Embraer E190/195 và mức tiêu thụ nhiên liệu tương đương Antonov An-148 nhưng chở được nhiều hơn 22 khách, suy ra mức tiêu thụ nhiên liệu mỗi ghế sẽ thấp hơn và chi phí vận hành thực tế có thể thấp hơn từ 8 - 10%. Theo dự án ban đầu thì Supetjet sẽ có 3 phiên bản gồm RRJ60 tức 60 ghế, RRJ75 tối đa 78 ghế và RRJ95 tối đa 98 ghế nhưng như đã nói ở trên do không đạt hiệu quả chi phí cao nên chỉ có phiên bản RRJ95 được phát triển tiếp và chiếc Superjet 100 vừa gặp nạn của Aeroflot cũng là phiên bản này với tên mã đầy đủ là Superjet 100-95B. Superjet 100 được trang bị 2 động cơ SaM146 với 2 biến thể là SaM146-1S17 cho phiên bản Superjet 100-95B100 tiêu chuẩn và SaM146-1S18 cho phiên bản Superjet 100-95LR100 tức tầm bay xa hơn. Động cơ SaM146 cho phép Supetjet 100 đạt tốc độ hành trình ở Mach 0.78 (828 km/h), tối đa Mach 0.81 (870 km/h) và trọng tải cất cánh tối đa có thể 45,88 tấn với phiên bản tiêu chuẩn và 49,45 tấn với phiên bản LR. Hẳn anh em vẫn còn nhớ đến vụ tai nạn của Superjet 100 khiến cả thế giới sững sờ vào năm 2012? Bức ảnh cuối cùng về những hành khách trên chuyến bay demo Superjet 100 trước khi đâm vào núi Salak. Trong tour chào hàng Welcome Asia, Sukhoi đem Superjet 100 đến Indonesia để thực hiện các hoạt động quảng bá và tìm kiếm khách hàng tại khu vực châu Á Thái Bình Dương. Indonesia là thị trường trọng điểm của Superjet 100 bởi trước khi vụ tai nạn xảy ra, Sukhoi đã có 42 đơn đặt hàng từ các hãng hàng không nước này với tổng số 170 máy bay dự kiến được giao. Sukhoi đang kỳ vọng sẽ có thể sản xuất 1000 chiếc Superjet - đây là một khởi đầu như mơ cho một chiếc máy bay mới lẫn bản thân Sukhoi. Chuyến bay demo được thực hiện tại vùng núi Salak - một vùng núi có địa hình hiểm trở, nhiễu động khí mạnh, thời tiết thay đổi nhanh. Chỉ trong khoảng thời gian từ 2002 đến 2012, đã có 7 vụ tai nạn máy bay tại đây, cả dân dụng lẫn quân sự nên núi Salak được xem là nghĩa địa máy bay. Chiếc Superjet 100 cất cánh từ sân bay Halim Perdanakusuma cho một tour tham quan dành cho các hành khách chủ yếu là phóng viên địa phương và khách hàng tương lai của Superjet. Đây là chuyến bay demo thứ 2 trong ngày và vụ tai nạn xảy ra chỉ vì yếu tố con người. Các phi công đã phớt lờ cảnh báo từ hệ thống cảnh báo va chạm địa hình (TAWS). Hệ thống này hoạt động chính xác và đã cảnh báo khả năng va chạm với núi Salak nhưng phi công đã tắt hệ thống này khi nghĩ rằng nó bị lỗi, tầm nhìn phía trước lại bị cản trở bởi mây dày. Thêm vào đó các phi công cũng bị phân tâm do mãi mê trò chuyện với cánh phóng viên viên và không để ý rằng chiếc Superjet sắp lao vào núi. Kết quả máy bay đâm vào sườn núi Salak, toàn bộ 45 người trên máy bay thiệt mạng. 2 hãng hàng không của Indonesia từng đặt hàng Superjet 100 là Sky Aviation (9 chiếc) chỉ nhận được 3 chiếc và sau đó hoãn nhận máy bay. Kartika Airlines cũng đặt hàng 15 chiếc, chưa nhận chiếc nào và cả 2 hãng đều lần lượt phá sản vào những năm sau đó. Rốt cuộc tính đến năm 2018, Sukhoi chỉ sản xuất được 172 chiếc, giao được 148 chiếc trong đó phần lớn là Aeroflot đã nhận 60 chiếc, Interjet nhận 22 chiếc, Yamal Airlines nhận 15 chiếc, Gazpromavia nhận 10 chiếc, nhiều hãng khác khai thác chỉ vài chiếc và đa phần là các hãng hàng không nhỏ tại Nga. Vụ tai nạn của chuyến bay Aeroflot 1492 hôm qua: Theo nhiều nguồn tin thì phi chiếc máy bay này đã bị sét đánh khi đang trên đường từ Sheremetyevo, Moscow đến Murmansk. Hệ thống điện trên máy bay có lẽ đã gặp vấn đề khiến máy bay mất liên lạc buộc phi công phải đổi tần số liên lạc với ATC tại Sheremetyevo và xin quay đầu, hạ cánh khẩn cấp. 30 phút sau, chiếc Superjet 100 trở lại sân bay này và thực hiện cú hạ cánh với tốc độ cao. Dựa trên các video được chia sẻ trên Internet thì chiếc máy bay đã nẩy lên không 2 lần trước khi tiếp đất thành công nhưng cú tiếp đất cuối cùng quá mạnh khiến càng hạ cánh bên trái gãy, sau đó lửa bùng lên nuốt trọn toàn bộ phần đuôi. Chỉ 37 người sống sót, 41 người không thể thoát ra kịp và họ được cho là muốn lấy hành lý trước khi rời máy bay.