FastEhome.com- Đăng kí mở Shop bán hàng miễn phí Cần nhưng chưa làm được Nhu cầu số hóa dữ liệu thị trường bất động sản không chỉ đến bây giờ mới được nhắc tới, mà đã được nhiều chuyên gia đặt ra từ lâu. Năm 2014, Bộ Xây dựng và một số địa phương đã có đề xuất công khai mọi thông tin liên quan đến giao dịch bất động sản, đồng thời đề xuất bỏ quy định giao dịch bất động sản phải qua sàn. Tuy nhiên, đề xuất này đã nhận nhiều phản ứng trái chiều. Chẳng hạn, UBND TP. Hà Nội đã ban hành nhiều văn bản yêu cầu các sở, ngành chức năng rà soát tổng thể các dự án nhà ở thương mại, nhà ở xã hội. Tuy nhiên, sau một vài tháng triển khai, tình hình thực hiện đã đi vào ngõ cụt, chủ yếu do sự thiếu hợp tác từ phía chủ đầu tư. Chỉ một phần nhỏ trong số các đơn vị được yêu cầu thực hiện, còn lại phần lớn là xin "khất". Trong đó, theo chia sẻ của lãnh đạo một số quận, huyện trên địa bàn thành phố, do yêu cầu là chủ đầu tư các dự án cơ bản bàn giao hồ sơ trên giấy, trong khi danh mục kê khai rất cụ thể, như tổng diện tích sàn, số căn hộ đã bàn giao, số căn hộ đã có người đến ở, số hộ đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử hữu..., nên nếu không có sự hợp tác từ chủ đầu tư, việc kê khai gặp nhiều khó khăn. Mặt khác, cũng xảy ra tình trạng tại một số khu đô thị lớn như Linh Đàm, Đại Kim, Tứ Hiệp... do thời gian xây dựng đã lâu, ngoài chủ đầu tư chính, còn có các chủ đầu tư thứ phát, cho nên hồ sơ bàn giao không đầy đủ, dẫn đến sự phức tạp trong quá trình thực hiện. Cũng có ý kiến cho rằng, việc kê khai quá chi tiết theo hướng dẫn của Sở Xây dựng Hà Nội từ tổng diện tích sàn nhà ở, sàn dành cho dịch vụ, diện tích xây dựng nhà ở thương mại, nhà ở xã hội, tổng số căn hộ, tình hình xây dựng đến vận hành xử lý hệ thống nước thải, diện tích dành cho cây xanh, số căn hộ đã được bàn giao, số căn hộ đã có người đến ở..., đã khiến cơ sở gặp khó khăn khi thực hiện. Mới đây, trong phiên thảo luận tại Quốc hội về các vấn đề quản lý đất đai, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà khẳng định, trong năm 2019, Bộ Xây dựng sẽ hoàn thành việc lập Cổng thông tin điện tử quốc gia về quy hoạch đô thị để người dân có thể tra cứu, nắm bắt được thông tin, đồng thời là công cụ để giám sát việc thực hiện quy hoạch. Tuy nhiên, việc thực hiện số hóa dữ liệu theo hướng như thế nào vẫn là bài toán lớn chưa có lời giải đáp. Phải có sự thay đổi lớn về mặt tư duy Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, ông Nguyễn Anh Tuấn, Tổng giám đốc Công ty Tư vấn xây dựng Thành Nam, đơn vị đang phát triển ứng dụng Tpizi.com, phần mềm số hóa phục vụ cho việc quản lý thông tin quy hoạch và giao dịch bất động sản, cho rằng, ngày nay thế giới rất coi trọng cơ sở dữ liệu cho mọi ngành nghề và công việc. Quy hoạch bao giờ cũng là lĩnh vực đi trước và định hướng cho việc phát triển các lĩnh vực tiếp theo. Đặc biệt, trong bối cảnh theo định hướng quy hoạch đô thị thông minh, vấn đề này còn cần được đặc biệt quan tâm hơn cả từ lúc thiết kế, thi công dự án - công trình, cho đến khi vận hành cần được số hóa và lưu trữ sử dụng lâu dài. Tuy vậy, những hiểu lầm căn bản trong chuyển đổi số có thể làm sụp đổ hoàn toàn những cố gắng của doanh nghiệp. Để giải quyết được bài toán số hóa dữ liệu khách hàng và tối ưu được quản lý dự án bất động sản, cơ quan quản lý cần phải có những phương pháp đột phá thiết thực để những trở ngại trong quá trình số hóa dữ liệu mang lại những hiệu quả thiết thực. Ông Tuấn cho rằng, việc số hóa phải gắn liền với tọa độ thực tế trên bản đồ, gắn với ứng dụng GIS (Geographic Information Systems - hệ thống thông tin địa lý) và kết hợp với số hóa trên nền tảng Internet giống cách Google đang làm lớp bản đồ Google Map để Nhà nước, doanh nghiệp và cả người dân cùng sử dụng được. Đây là cách giải quyết được những bất cập hiện tại. Thay vì phải có việc thì mới tìm đến nhau, đến nơi làm việc của nhau rồi lại mất công lật bản đồ tìm hiểu thông tin, thì việc số hóa toàn bộ các dữ liệu quy hoạch đô thị, pháp lý dự án sẽ giúp đẩy nhanh tốc độ giải quyết công việc, đồng thời tiết giảm chi phí vận hành. Đặc biệt, điều quan trọng hơn là sẽ giúp lãnh đạo địa phương có những chỉ đạo, quyết sách kịp thời trong công tác chỉ đạo, điều hành. Đặc biệt, trong giai đoạn hiện nay, khi công tác này đang bộc lộ nhiều bất cập như "cung - cầu" bất động sản không phù hợp, việc xây dựng các công trình hạ tầng xã hội trong các khu đô thị đang bị "bỏ quên", nhiều dự án chậm triển khai gây nhiều lãng phí..., thì việc rà soát, thống kê các dự án càng có ý nghĩa quan trọng. Đồng quan điểm, ông Đỗ Viết Chiến, Tổng thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho rằng, tình trạng bất cân xứng thông tin giữa cả cơ quan quản lý, doanh nghiệp lẫn người dân để lại đã để lại những hệ lụy không nhỏ, đặc biệt là niềm tin và định hướng phát triển bền vững của thị trường. “Điều này cũng bắt nguồn từ việc Việt Nam chưa xây dựng được một hệ thống dữ liệu cập nhật theo thời gian thực về các dự án bất động sản, trong đó có sự liên kết đồng bộ hóa với cơ sở dữ liệu của tất cả các cơ quan chức năng có liên quan như Sở Xây dựng, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tư pháp, Công an…, để người mua có thể tiếp cận dữ liệu và kiểm chứng các thông tin về dự án một cách trực diện”, ông Chiến nói và cho biết, ở nhiều quốc gia, hệ thống này đã được triển khai và chứng tỏ hiệu quả đáng kể, giúp giảm thiểu rủi ro cho người mua nhà. Do đó, các chuyên gia cho rằng, đã đến lúc cần phải có sự thay đổi, cần có sự quan tâm hơn của các cơ quan quản lý, đặc biệt là Bộ Xây dựng trong việc xây dựng một cơ sở dữ liệu thông tin bất động sản, đồng thời số hóa và công khai tới toàn bộ thị trường để nâng cao tính minh bạch của thị trường, giúp thị trường bất động sản phát triển bền vững. Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com Việt Dương Báo Đầu tư Bất động sản Tin liên quan