FastEhome.com- Đăng kí mở Shop bán hàng miễn phí Một người giấu tên trong ngành âm nhạc vừa đăng đàn cho hay rằng đa số các nhãn thu đều "nợ" các nghệ sỹ khá nhiều khoản tiền bản quyền mà có thể sẽ chẳng bao giờ có thể làm rõ ràng được. Điều này không có nghĩa là khoản nợ chỉ nằm trong 1 hay 2 bài hát mà nhiều khi lên đến gần cả trăm bài, trong khoảng thời gian kéo dài nhiều năm liền. Vấn đề này bắt nguồn từ chính cái gọi là siêu dữ liệu, hay còn được biết với cái tên metadata. Trong ngành nhạc, metadata nói chung là các thông tin bản quyền nghệ sỹ mà bạn thường thấy trên các dịch vụ stream như Spotify hay Apple Music, nó sẽ bao gồm cả những thông tin chi tiết khác như tên bài hát, nhạc sỹ sáng tác, nhà sản xuất, nhà phát hành, hãng thu, và nhiều nữa. Thông tin này cần và luôn phải được cập nhật trong dữ liệu chung của ngành âm nhạc để khi 1 tác phẩm được chơi, những người có liên quan sẽ được trả lợi nhuận. Tuy nhiên trong đa số trường hợp hiện nay thì không được như vậy. Metadata có vẻ như rất đơn giản, và có phần nhàm chán, tuy nhiên nó lại là thứ cực kỳ quan trọng giúp các nghệ sỹ kiếm được tiền từ tác phẩm của mình. Đáng buồn là nó cũng là thứ bị xem nhẹ nhiều nhất, và mỗi giây phút chưa được sửa chữa, metadata càng làm mất đi nhiều tiền hơn mà đáng lẽ phải thuộc về những nghệ sỹ làm việc bằng mồ hôi và công sức của mình. Điều đầu tiên phải nhắc đến chính là tuy metadata rất rộng lớn và hầu như bao quát các thông tin cả lớn lẫn nhỏ về nghệ sỹ, nhưng lại không có tiêu chuẩn chính xác nào để khai thác và ứng dụng nó. Người ta đơn giản giống như chỉ "nghe miệng" và sử dụng các thông tin được cung cấp mà chẳng buồn kiểm tra tính xác thực của nó. Thông tin metadata của các tác phẩm cũng không được quy về 1 nguồn dữ liệu chung để đối chiếu chính xác hơn mà thay vào đó là lưu trữ trong nhiều nguồn dữ liệu nhỏ và mang tính chắp vá, cũng như không có cách nào để đối chiếu và tìm ra thông tin chính xác nhất. Kết quả của việc này là khi bạn nhấn vào phần thông tin tác phẩm trên các dịch vụ stream, các thông tin được hiển thị thường là thiếu thốn và trong nhiều trường hợp, nó bị cố tình làm vậy để qua mặt nghệ sỹ và thu lợi bất chính. Tác phẩm càng được nghe nhiều, các fan càng nghĩ mình đang trả công cho nghệ sỹ mà họ yêu thích, nhưng thực tế không phải như vậy. Điều này càng nghiêm trọng hơn khi người nghệ sỹ không nhận lại được thù lao xứng đáng với công sức họ bỏ ra, khiến họ mất đi động lực làm việc và cho ra các tác phẩm mới 1 cách hời hợt, hay tệ hơn là dừng luôn hoạt động (thường với các nghệ sỹ indie). Như nói trên, do không có tiêu chuẩn chính xác nào cả nên thông tin metadata có thể được thêm vào 1 cách thiếu thốn và "cho có" mà không cần quan tâm đến các hậu quả có thể xảy ra. Thông tin được ghi nhận bởi nhãn thu hầu như luôn khác với thông tin có trên các dịch vụ stream hay nguồn thông tin công cộng (các trang wikipedia chẳng hạn). Nhiều cơ sở dữ liệu cũng được lập trình rất thiếu thốn gây khó khăn cho việc khai thác thông tin. Ví dụ như nếu thông tin gởi đi là "có sử dụng phần mềm Pro Tools trong công đoạn mixing" nhưng cơ sở dữ liệu lưu trữ không có phần khai báo này thì nó cũng sẽ không được lưu lại, từ đó làm hao hụt khoản phí chia cho các bên liên quan. Đây là chưa kể đến thiết kế cơ sở dữ liệu của mỗi dịch vụ cung cấp cũng có các kiểu khai báo riêng, gây khó khăn khi khai báo các dữ liệu trùng lặp (cùng nghệ sỹ, cùng album, cùng nhãn phát hành...) Dễ thấy nhất chính là với các tác phẩm hát chung của nhiều nghệ sỹ luôn rất khó để tìm kiếm chính xác. Vấn đề tiếp theo là thông tin được cung cấp sớm nhất thường cũng có độ chính xác thấp nhất. Tác phẩm có thể được viết và sản xuất bởi hàng tá các nhạc sỹ, nhà soạn nhạc hay kỹ sư âm thanh, thậm chí cả nghệ sỹ hiện nay cũng tham gia viết nhạc và lời, và thế là thông tin điền vào sẽ dễ bị lẫn lộn. Thông tin cơ sở dữ liệu càng nhiều thì sẽ càng dễ thiếu sót. Nhiều cơ sở dữ liệu còn được lập trình giới hạn lượng ký tự cho mỗi hộp thông tin, từ đó càng gây ra nhiều thiếu sót hơn. Hoặc đôi khi việc "gộp" 2 cơ sở dữ liệu với nhau cũng có thể gây lỗi khó đoán trước. Đối với trường hợp các bản "hit", việc cung cấp, lưu trữ và sử dụng thông tin cơ sở dữ liệu càng phức tạp và chi li hơn do chẳng ai muốn mất phần của mình. Từ năm 2016 trở đi, đa số những bản "hit" đều có sự tham gia của rất nhiều các nhạc sỹ trong công đoạn hòa âm phối khí, rồi đến các kỹ sư mixing và mastering, thậm chí còn qua nhiều công đoạn phát hành khác nhau. Điều này nghĩa là chỉ 1 sai sót nhỏ trong cơ sở dữ liệu cũng đủ làm ảnh hưởng đến lợi nhuận của các bên liên quan, đa phần là mất luôn hay được chia cho các bên khác. Trong trường hợp này, nếu cơ sở dữ liệu không đồng bộ thì sẽ xảy ra tranh chấp pháp lý, và chẳng ai thu được xu nào vào túi mình. Một quy trình lý tưởng là nghệ sỹ và nhãn thu sẽ làm nhạc 1 cách cẩn thận và thêm vào đầy đủ các thông tin pháp lý, sau đó mới phát hành tác phẩm. Tuy vậy trên thực tế thì tác phẩm sẽ được "đẩy" ra thị trường càng nhanh càng tốt để kiếm tiền, còn các thông tin cơ sở dữ liệu sẽ được thêm vào từ từ, nhiều trường hợp sẽ được sửa lại khi phát hiện có sai sót. Điều này nói chung không có gì sai, tuy nhiên về lâu dài sẽ có ảnh hưởng đến sự phát triển của ngành âm nhạc chung. Lấy lại từ dẫn chứng trên rằng cơ sở dữ liệu "sẽ được sửa lại khi phát hiện có sai sót", nhưng nếu không phát hiện thì sao? Ngay cả trong trường hợp cơ sở dữ liệu đã được sửa lại cho đúng, phía nghệ sỹ vẫn chưa chắc có thể nhận được thù lao tương xứng với công sức họ bỏ ra. Lấy ví dụ do sai sót đối chiếu cơ sở dữ liệu, 1 nghệ sỹ không được trả các khoản liên quan trong 1 tác phẩm nào đó. Đến khi phát hiện ra sai sót này thì thời gian đã trôi qua quá lâu và chẳng ai quan tâm nữa, còn phía hãng thu thì không chấp nhận chi trả. Xong thì cũng "huề cả làng". Một trong những lý do khiến mọi chuyện ngày càng trở nên phức tạp chính là vì sự phát triển quá mạnh của ngành nhạc số. Theo đó, từ chỉ khoảng 100.000 album vật lý phát hành mỗi năm, hiện tại đang có hơn 25.000 bài hát nhạc số được tải lên các dịch vụ stream mỗi ngày, gây khó khăn cho việc cập nhật thông tin do lượng dữ liệu tải lên quá lớn. Các tác phẩm cũng có thể thu lợi nhuận từ nhiều cách khác nhau, hoàn toàn khác với cách tiêu thụ nhạc của vài thập kỷ trước. Mỗi bài hát có thể được sử dụng theo nhiều kiểu (remix, YouTube lyric video, YouTube fan cover, hát bằng ngôn ngữ khác...) và chúng đều tạo ra lợi nhuận, và phần lợi nhuận này sẽ cần được quản lý. Trước đây đã có 1 số đơn vị cố gắng tìm cách thu gom cơ sở dữ liệu âm nhạc về 1 mối chung, tuy nhiên kết quả cuối cùng luôn là thất bại. Các lý do lớn nhất có thế nhắc đến gồm: sự phân chia phe cánh trong ngành âm nhạc, các khó khăn về bản quyền quốc tế, các bên không chịu cung cấp đầy đủ thông tin cần thiết, và khó khăn khi gây quỹ thực hiện. Ngoài ra còn có các trở ngại khác như rào cản ngôn ngữ, luật bản quyền khác nhau ở từng quốc gia cũng như các khác biệt về văn hóa. Có nhiều giải pháp được nêu ra như hướng dẫn nghệ sỹ tự bảo vệ mình, bắt buộc các dịch vụ stream phải khai báo đầy đủ thông tin tác phẩm hay chứng thực nguồn thông tin đó, như vậy sẽ giúp nâng cao mối quan tâm về vấn nạn bản quyền hơn. Nhiều người còn tự hỏi rằng vì sao các nghệ sỹ hay nhà sản xuất không tự bảo vệ mình bằng cách ghi nhớ và lưu trữ phần bản quyền của mình trong tác phẩm, từ đó có thể đối chiếu khi cần thiết, thay cho sự tin tưởng tuyệt đối mà đôi khi có thể khiến "phản lưới nhà"? Thực tế thì khá nhiều nghệ sỹ không quan tâm, thậm chí không biết gì về metadata cả là đằng khác. Họ hầu như không biết nó có thể ảnh hưởng đến lợi ích của mình, cũng như nơi để có thể tìm kiếm và tham khảo hay theo dõi. Lấy ví dụ với TuneCore, từ 1 dịch vụ âm nhạc với phần tải lên không có chút metadata nào, hiện nay đã được nâng cấp chút đỉnh để người dùng có thể nhập vào các thông tin bản quyền cần thiết. Điều này nói chung không có gì quá ghê gớm, nhưng vẫn là 1 sự khởi đầu tốt. Nhìn chung vẫn sẽ còn 1 con đường dài để có thể đi đến đích. Dữ liệu metadata có thể là 1 cái gì đó thật linh tinh và nhàm chán, tuy nhiên nó sẽ là căn cứ chính xác nhất giúp các nghệ sỹ thu được phần lợi nhuận mà họ đáng phải có được. Điều này không chỉ mang đến lợi ích gần cho các nghệ sỹ mà sẽ giúp ngành âm nhạc phát triển thêm nữa về lâu dài, xây dựng được 1 hệ thống bản quyền ngày càng ít "lỗi" hơn. Có thể đây chỉ là 1 giấc mơ, nhưng hãy hy vọng là đến 1 lúc nào đó nó sẽ trở thành hiện thực.