FastEhome.com- Đăng kí mở Shop bán hàng miễn phí Tháng Sáu chưa đến, nhưng những đợt nóng gay gắt của mùa hè đã hiện hữu. Sau những cơn mưa chuyển mùa giữa tháng Năm, bầu trời đã dần trong hơn và các vì sao đã xuất hiện trở lại. Trong bài viết này, mình sẽ điểm qua những thứ có thể quan sát được trong tháng 6/2019, bao gồm vị trí các hành tinh, các chòm sao và cả các vật thể sâu. Video: Hướng dẫn quan sát bầu trời đêm tháng 6/2019. Các hành tinh Sao Mộc Sao Mộc là tâm điểm chú ý của tháng 6/2019 khi mà hành tinh này đang dần tiến đến vị trí xung đối. Một cặp ống nhòm tốt sẽ cho phép bạn nhìn thấy 4 vệ tinh lớn nhất của Sao Mộc, xuất hiện như những chấm sáng bên cạnh hành tinh này. Một chiếc kính thiên văn kích thước trung bình sẽ giúp bạn có thể nhìn thấy các sọc mây của hành tinh khí khổng lồ này. Ngày 16 tháng 6: Sao Mộc sẽ xuất hiện ngay sát cạnh Mặt Trăng tròn. Sao Mộc rất sáng và dễ dàng quan sát được qua kính thiên văn. Vết đỏ lớn trên hành tinh này là một cơn bão khổng lồ đã diễn ra được vài trăm năm nay. Kích thước cơn bão này còn lớn hơn cả kích thước Trái Đất. Sao Thổ Sao Thổ là hành tinh có vành đai tuyệt đẹp bao quanh. Hành tinh này mọc lên vào lúc tối muộn. Trong tháng này, Sao Thổ nằm ở khu vực của chòm sao Cung Thủ (Sagittarius). Một chiếc kính thiên văn đủ mạnh sẽ giúp bạn nhận ra vành đai tuyệt đẹp của hành tinh khí khổng lồ này. Vào ngày 18/6, Sao Thổ sẽ xuất hiện ngay cạnh Mặt Trăng tròn. Ảnh: Sao Thổ là hành tinh có vành đai tuyệt đẹp. Sao Thổ có khối lượng riêng còn nhỏ hơn cả khối lượng riêng của nước. Sao Hoả và Sao Thuỷ Hai hành tinh này xuất hiện thấp trên đường chân trời phía tây. Trong tháng này, Sao Hoả và Sao Thuỷ sẽ nằm ở khu vực của chòm sao Song Tử (Gemini). Vì kích thước quá nhỏ bé của mình, các chi tiết bề mặt của hành tinh Đỏ chỉ có thể quan sát được qua những chiếc kính thiên văn mạnh nhất. Trong khi đó, một chiếc kính thiên văn đủ mạnh sẽ giúp nhận ra Sao Thuỷ cũng có các pha như Mặt Trăng. Hãy tìm kiếm cả hai hành tinh này thấp trên đường chân trời phía tây ngay sau khi Mặt Trời lặn. Ảnh trái: hành tinh đỏ Sao Hoả, ảnh phải: Sao Thuỷ có pha khuyết như Mặt Trăng. Các pha Mặt Trăng Ngày 03 tháng 6: Trăng mới Mặt Trăng sẽ xuất hiện cùng phía với Mặt Trời và sẽ không hiện diện trên bầu trời đêm. Đây là thời điểm tốt nhất tháng để quan sát các vật thể mờ như các thiên hà hay các cụm sao bởi vì không có sự lấn át của ánh trăng. Ngày 17 tháng 6: Trăng tròn Mặt Trăng sẽ xuất hiện ở phía đối diện với Mặt Trời và bề mặt của nó sẽ phản xạ tối đa ánh sáng Mặt Trời về phía Trái Đất. Lần Trăng tròn này còn được biết đến bởi các bộ lạc bản địa cổ ở Mỹ với tên gọi Trăng Dâu Tây bởi vì nó báo hiệu thời điểm thu hoạch trái cây chín và đồng thời cũng trùng với mùa thu hoạch cao điểm dâu tây. Lần trăng tròn này cũng còn được gọi là Trăng Hoa Hồng hay Trăng Mật. Theo âm lịch Việt Nam, ngày này là ngày rằm tháng Năm. Các chòm sao và các vật thể sâu Tháng Sáu nổi bật với các chòm sao đặc trưng: Mục Phu, Vương Miện Phương Bắc, Vũ Tiên, và Thiên Long. Chòm sao Mục Phu (Bootes) có hình dạng giống cánh diều rất dễ nhận ra trên bầu trời. Ngôi sao sáng nhất của Mục Phu có tên là Arcturus, là ngôi sao có độ sáng đứng thứ 4 trên bầu trời đêm. Chòm sao Vương Miện Phương Bắc (Corona Borealis) với các ngôi sao xếp thành hình vòng cung cũng rất dễ nhận biết dù các ngôi sao khá mờ. Chòm sao Vũ Tiên (Hercules) nổi bật với một hình vuông hơi lệch. Hình vuông lệch này được gọi là Keystone, chính là chìa khoá để nhận ra một cụm sao tuyệt đẹp: M13. Còn gọi là cụm sao Hercules, cụm sao này chứa khoảng... 1 triệu ngôi sao bên trong nó. Phía bên ngoài Keystone còn có một cụm sao cầu khác: M92. Chòm sao Thiên Long (Draco) rộng lớn uốn lượn trên bầu trời phương Bắc. Phần đầu con rồng này cũng là một hình vuông lệch. Từ trái qua, trên xuống: Mục Phu, Vương Miện Phương Bắc, Vũ Tiên, Thiên Long. Các sự kiện thiên văn học đáng chú ý Ngày 10 tháng 6: Sao Mộc ở vị trí xung đối Khi một hành tinh có quỹ đạo bên ngoài quỹ đạo Trái Đất (quỹ đạo xa Mặt Trời hơn) tiến đến vị trí xung đối, thì có nghĩa là hành tinh đó đang tiến đến vị trí đối diện với Mặt Trời thông qua Trái Đất. Lúc này khoảng cách từ hành tinh đến Trái Đất là ngắn nhất và góc phản xạ ánh sáng Mặt Trời đến Trái Đất bằng 0 độ, nên nhìn từ Trái Đất, hành tinh đó sẽ sáng hơn và kích thước biểu kiến sẽ lớn hơn, thuận lợi cho việc quan sát bằng kính thiên văn. Vào ngày 10/6, Sao Mộc sẽ ở vị trí gần Trái Đất nhất và bề mặt của nó sẽ phản xạ tối đa ánh sáng từ Mặt Trời về phía Trái Đất. Sao Mộc sẽ sáng hơn bất kỳ thời gian nào trong năm nay và sẽ hiện diện suốt đêm dài. Đây là thời điểm tốt nhất để quan sát và chụp ảnh Sao Mộc cùng với các vệ tinh tự nhiên của nó. Ngày 18 tháng 6: Sao Thuỷ và Sao Hoả giao hội Hai hành tinh này sẽ nằm sát cạnh nhau và chỉ cách nhau 14’ trên đường chân trời phía tây, trong khu vực của chòm sao Song Tử. Sự kiện này hứa hẹn sẽ nhận được sự quan tâm đặc biệt của những người yêu thích bầu trời đêm. Ngày 23 tháng 6: Sao Thủy ở vị trí ly giác cực đại phía đông Hành tinh này sẽ đạt ly giác cực đại phía đông lên đến 25.2 độ tính từ Mặt Trời. Đây là thời điểm tốt nhất để quan sát hành tinh này khi mà hành tinh này ở vị trí cao nhất trên đường chân trời bầu trời đêm. Hãy quan sát hành tinh này ở thấp trên đường chân trời phía tây ngay sau khi Mặt Trời lặn. Ngày 21 tháng 6: Hạ chí ở bán cầu bắc Cực Bắc của Trái Đất sẽ nghiêng về phía Mặt Trời. Mặt Trời sẽ chiếu thẳng trên đường chí tuyến Bắc tại 23.44 Vĩ độ Bắc. Tại Việt Nam, Hạ chí được xem là điểm giữa của mùa hè. Tại một số quốc gia, như Hoa Kỳ và châu Âu, ngày này được xem là ngày đầu tiên của Mùa Hè ở bán cầu Bắc và là ngày đầu tiên của Mùa Đông ở bán cầu Nam. Chúc các bác trời quang mây tạnh!