FastEhome.com- Đăng kí mở Shop bán hàng miễn phí Trong gia đình bạn, ai là người giữ tiền? Đại đa số chắc là các chị vợ rồi nhỉ? Bạn có bao giờ thắc mắc thu nhập mỗi tháng của chồng mình là bao nhiêu không? Và chồng bạn trích ra bao nhiêu trong số đó để đưa cho bạn? Bạn nên biết rằng thu nhập khác với tiền lương nhé! Tiền lương là khoản mà công ty thỏa thuận với người lao động sẽ trả đúng số tiền đó sau khi đã trừ các khoản thuế, bảo hiểm theo luật định. Ngoài tiền lương, mỗi người vẫn có thể có thêm khoản khác như đi làm thêm giờ, hoặc làm thêm cho công ty khác, bán hàng online... Tổng số tiền kiếm được nhận về gọi là thu nhập. Nghe câu hỏi này nhiều người cho rằng nó hơi nhạy cảm vì liên quan đến chi tiêu, tài chính của gia đình mình! Bạn không cần phải trả lời với mình đâu, mà phải tự thắc mắc và trả lời cho chính bản thân bạn đấy, bằng không một ngày nào đó, bạn có thể quy kết vào tội rửa tiền mà không hay biết đấy? Gì mà ghê vậy, đừng ỷ là người ta không biết rồi muốn nói gì nói nha, nhiều người sẽ nghĩ như thế nếu mình nói vậy. Nói có sách mách có chứng đàng hoàng, theo Nghị quyết 03/2019/NQ-HĐTP hướng dẫn áp dụng Điều 324 của Bộ luật hình sự về tội rửa tiền do Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao ban hành có giải thích một trong những dấu hiệu để định tội này đó là sử dụng tiền, tài sản do mình phạm tội mà có hoặc biết hay có sơ sở để biết do người khác thực hiện hành vi phạm tội mà có vào việc tiến hành các hoạt động kinh doanh hoặc hoạt động khác. Ảnh minh họa. Biết hay có cơ sở để biết là do người khác phạm tội mà có là một trong các trường hợp sau đây: - Trực tiếp biết được tiền, tài sản do người khác phạm tội mà có. Ví dụ: người phạm tội rửa tiền được người thực hiện hành vi phạm tội nguồn cho biết là tiền, tài sản do họ phạm tội mà có. - Qua các phương tiện thông tin đại chúng, người phạm tội biết được người khác thực hiện hành vi phạm tội nguồn. Ví dụ: Hành vi phạm tội của người thực hiện tội phạm nguồn đã được báo, đài phát thanh, truyền hình đưa tin. - Bằng nhận thức thông thường, người phạm tội có thể biết được tiền, tài sản do người khác phạm tội mà có. Ví dụ: Chị A biết chồng là nhân viên của cơ quan nhà nước có mức lương 8 triệu đồng/tháng, không có nguồn thu nhập khác nhưng chị vẫn nhận của chồng số tiền 10 tỷ đồng để góp vốn vào doanh nghiệp mà không hỏi rõ nguồn tiền. - Theo quy định của pháp luật, người phạm tội buộc phải biết nguồn gốc tiền, tài sản do người khác phạm tội mà có. Ví dụ: Anh A mua xe ô tô của anh B không có giấy tờ với giá bằng 1/10 trị giá của chiếc xe đó. Như vậy, trong trường hợp biết tổng thu nhập mỗi tháng của chồng nhưng bất ngờ một ngày nào đó nhận được nhiều hơn thì bằng mọi giá bạn phải truy ra nguồn gốc tại sao chồng mình có được nhiều tiền, nếu không bạn sẽ bị quy kết thành tội rửa tiền theo Điều 324 của Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 với mức án tù có thể từ 01 năm cho đến cao nhất là 15 năm, tùy theo số tiền phạm pháp mà bạn đang cầm giữ. Không chỉ thế, bạn còn phải nộp tiền phạt từ 20 triệu đồng đến 100 triệu đồng, bị cấm đảm nhiệm chức vụ hoặc cấm hành nghề, công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc là bị tịch thu một phần hay toàn bộ số tài sản. Vậy đấy, không phải lúc nào cầm tiền nhiều trong tay cũng là sướng đâu nghen mấy bạn!