FastEhome.com- Đăng kí mở Shop bán hàng miễn phí Hiện giờ các tập đoàn sản xuất thiết bị cơ sở hạ tầng 5G đều tin rằng, trong vài năm tới, công nghệ LTE tại châu Á sẽ được thay thế bằng công nghệ viễn thông 5G tốc độ cao, độ trễ thấp, từ đó giúp nhiều ngành có thể phát triển mạnh hơn, từ thể thao điện tử, chơi Liên Quân trên smartphone, đến hỗ trợ xe tự hành liên lạc với nhau và thậm chí cả phẫu thuật bằng máy, bác sỹ điều khiển từ xa. Thế nhưng nếu muốn chiếm miếng bánh thị phần thiết bị 5G, các tập đoàn lớn như Nokia, Ericsson, ZTE và cả Samsung sẽ phải đối mặt với một đối trọng rất lớn: Huawei. Tại Mỹ và các nước phương Tây, Huawei đang bị dồn vào chân tường, nhưng ở châu Á, Mỹ Latinh và châu Phi, không gì cản họ đàm phán với các nhà mạng viễn thông để ký được những hợp đồng béo bở cung cấp thiết bị viễn thông. Không phải quốc gia nào ở các châu lục này cũng bị ám ảnh về vấn đề an ninh mạng như Mỹ hay các nước đồng minh, nên Huawei vẫn có khả năng làm giàu tại thị trường này, vấn đề chỉ là họ có đủ linh kiện lắp ráp thiết bị sau khi lần lượt bị các tập đoàn Mỹ ngừng hỗ trợ hay không. Xét riêng tới số lượng hợp đồng đã ký kết để chuyển giao công nghệ 5G, chỉ có Nokia và Ericsson mới cạnh tranh được với Huawei, với 40 hợp đồng của Huawei, so với 38 của Nokia và 18 của Ericsson. Anh em có thể để ý vừa rồi Viettel thử nghiệm 5G có tuyên bố sử dụng thiết bị của Ericsson. Tuy nhiên năm 2018, Huawei bỏ ra cỡ 15 tỷ USD để phát triển sản phẩm, cao hơn nhiều so với con số 9 tỷ USD cộng lại của cả Nokia lẫn Ericsson, nhờ đó Huawei có thể sản xuất thiết bị hiệu quả hơn với mức giá rẻ hơn nhiều. Đó chính là một trong những lý do phía châu Âu, nhiều nhà mạng vẫn đang chần chừ không biết có nên theo chân Mỹ để cấm Huawei hay không, xét tới lợi ích quá lớn về mặt kinh tế khi bắt tay với Huawei. Trong khi đó, Nokia và Ericsson thì cho rằng, để chiếm được thị trường châu Á, họ phải hợp tác chặt chẽ với các nhà mạng và cả các hãng sản xuất thiết bị, cùng lúc đem uy tín trong quá khứ ra để thuyết phục khách hàng. Kal Sahala, trưởng bộ phận sale của Nokia châu Á Thái Bình Dương và Nhật Bản cho rằng, tốc độ phủ công nghệ 5G ngoài Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc đang diễn ra rất chậm, nhờ đó họ thấy có tiềm năng tại các thị trường Việt Nam, Malaysia, Philippines, Indonesia, Thái Lan và Singapore. “Chúng tôi đang cạnh tranh với các hãng khác, trong đó có cả Huawei, và ở nhiều thị trường chúng tôi đang có lợi thế. Điều này chứng tỏ vị trí của chúng tôi, cũng như công nghệ 5G mà chúng tôi cung cấp. Tôi không nghĩ các nhà mạng chỉ quan tâm tới chi phí họ phải bỏ ra, mà còn cả chất lượng, mức độ tin cậy, bảo mật và những nền tảng chúng tôi có thể cung cấp nữa,” Sahala chia sẻ với ZDNet. Về phần Huawei, nhiều nguồn tin cho biết việc bị Mỹ cấm vận đang khiến Huawei phải xếp nhiều dự án vào danh sách chờ, trong đó có cả mảng máy chủ doanh nghiệp. Nhưng kể từ giờ đến khi lệnh cấm có hiệu lực, Huawei vẫn có thể nhập một lượng lớn linh kiện để phục vụ cho quá trình sản xuất. Nếu không có lệnh cấm của Mỹ, thực sự rất khó để các tập đoàn khác có thể cạnh tranh thị trường cơ sở hạ tầng 5G với Huawei.