FastEhome.com- Đăng kí mở Shop bán hàng miễn phí Ở nhóm dẫn đầu, kết thúc 6 tháng đầu năm 2019, Vietcombank đạt 11.280 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế - mức cao nhất trong nửa đầu năm ở ngân hàng này, tăng 40,7% so với cùng kỳ 2018 và hoàn thành 55% kế hoạch năm. ACB cho biết, lợi nhuận trước thuế đạt được trong 6 tháng qua là 3.620 tỷ đồng, hoàn thành 50% chỉ tiêu cả năm 2019 là 7.200 tỷ đồng. Thấp hơn, VIB ghi nhận lợi nhuận trước thuế 6 tháng đầu năm nay cũng ở mức kỷ lục 1.820 tỷ đồng, tăng 58% so với cùng kỳ. TPBank ước lãi trước thuế 1.620 tỷ đồng trong 6 tháng qua, tăng 58% so với cùng kỳ và tương đương 51% kế hoạch 2019. Lợi nhuận trước thuế nửa đầu năm nay của Sacombank tăng trưởng 58% lên 1.456 tỷ đồng. Sau 6 tháng đầu năm 2019, Kienlongbank đạt 148,5 tỷ đồng, thực hiện 48% kế hoạch cả năm... Sở dĩ nhiều ngân hàng hoàn thành nửa kế hoạch lợi nhuận cả năm 2019 chủ yếu nhờ tín dụng tăng trưởng tích cực và kiểm soát tốt nợ xấu trong 6 tháng đầu năm. Thậm chí, không ít ngân hàng đã sớm cạn hạn mức tăng trưởng (room) tín dụng được cấp và đang trình Ngân hàng Nhà nước (NHNN) được nới thêm. Chẳng hạn, tại TPBank, tính đến 31/6/2019, dư nợ cho vay đạt 95.400 tỷ đồng, tăng 13%; tỷ lệ nợ xấu ở mức 1,47%. Tại ACB, tính đến cuối tháng 6, tổng tài sản đạt 352.000 tỷ đồng, ACB tăng trưởng tín dụng đạt 9%, tỷ lệ nợ xấu là 0,7%. ACB cho biết, room tín dụng của ngân hàng đã được NHNN cho phép nâng từ 13% lên 17%. Ngoài ACB, một số ngân hàng khác cũng đã được NHNN nâng room tín dụng như VPBank được nâng từ 12% lên 16%, Techcombank từ 13% lên 17%; MB từ 13% lên 17%. Tại VIB, tính đến cuối tháng 6/2019, dư nợ cho vay khách hàng đạt 113.387 tỷ đồng, tăng 19% so với đầu năm; tổng nợ xấu đạt 2.224 tỷ đồng, tăng 0,8%. Tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay giảm từ 2,29% xuống 1,8%. Là 1 trong 2 ngân hàng đầu tiên đạt chuẩn Basel II (cùng Vietcombank), VIB kỳ vọng sẽ được NHNN nâng room tín dụng lên 35% như mục tiêu được thông qua tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2019. Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc OCB cho hay, nếu không được nới thêm hạn mức tăng trưởng tín dụng, dư địa cho vay sẽ khó mở rộng trong 2 quý cuối năm nay. OCB cũng đã hoàn tất Basel II nên mong muốn được nới thêm room tín dụng lên 30%. Với Sacombank, trong nửa đầu năm 2019, huy động từ tổ chức kinh tế, dân cư đạt gần 398.000 tỷ đồng, cho vay đạt hơn 279.000 tỷ đồng. Danh mục cho vay được cơ cấu theo hướng giảm cấp vốn kinh doanh bất động sản, tăng cho vay sản xuất - kinh doanh, phát triển tín dụng tiêu dùng, tín dụng xanh. Tỷ lệ nợ xấu giảm từ 2,11% xuống 1,96%. Sacombank cho biết, đã thu hồi được hơn 11.000 tỷ đồng nợ xấu và tài sản tồn đọng trong 6 tháng qua. Lũy kế từ khi triển khai đề án thu hồi nợ đến nay, Sacombank thu hồi tổng cộng gần 35.700 tỷ đồng. Bên cạnh tín dụng, việc đẩy mạnh tăng nguồn thu từ dịch vụ cũng góp phần không nhỏ vào lợi nhuận chung của các ngân hàng. Lãnh đạo VIB cho biết, tốc độ tăng trưởng cho vay bán lẻ 6 tháng đầu năm tăng 21%, dư nợ cho vay ngân hàng bán lẻ chiếm 78% tổng danh mục cho vay. Hai sản phẩm chủ lực là cho vay mua nhà ở và cho vay mua ô tô đạt tăng trưởng 19% và 23%. Giới phân tích tài chính đưa ra nhận định, với đà tăng trưởng tín dụng cao trong nửa đầu năm và nhu cầu vốn thường tăng cao trong nửa cuối năm sẽ là điều kiện tích cực để các ngân hàng hoàn thành chỉ tiêu lợi nhuận đưa ra cho năm nay. TS. Bùi Quang Tín, chuyên gia tài chính - ngân hàng chia sẻ, bên cạnh tín dụng, mảng dịch vụ đang được các nhà băng khai thác hiệu quả, đóng góp khoảng 15-30% vào tổng lợi nhuận. Để cải thiện lợi nhuận, theo ông Tín, các ngân hàng cần đẩy mạnh hơn nữa hoạt động dịch vụ, nhất là trong bối cảnh room tín dụng không dễ được nới thêm như hiện nay. Số liệu được đưa ra từ NHNN, tăng trưởng tín dụng của hệ thống ngân hàng trong 6 tháng đầu năm 2019 đạt 7,33%, nên việc hoàn thành mục tiêu tăng trưởng 14% cho cả năm là khả thi. Dù vậy, thông điệp được NHNN đưa ra là tiếp tục kiểm soát chặt chẽ việc tăng trưởng tín dụng tại các ngân hàng, nhất là đối với các lĩnh vực rủi ro cao như bất động sản, chứng khoán... Thùy Vinh