FastEhome.com- Đăng kí mở Shop bán hàng miễn phí Trong khi đó, theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, nhờ những cải cách mạnh mẽ được quy định cụ thể trong Luật Doanh nghiệp 2014 mà Chỉ số khởi sự doanh nghiệp của Việt Nam tăng từ thứ hạng 125 năm 2014 lên 104/190 nền kinh tế được xếp hạng vào năm 2019; số thủ tục phải thực hiện giảm từ 10 xuống còn 9; thời gian thực hiện thủ tục giảm từ 34 ngày xuống còn 19 ngày. Quy định về bảo vệ nhà đầu tư, cổ đông giảm từ thứ hạng 169 vào năm 2013 xuống 117 vào năm 2014 và 89/190 nền kinh tế vào năm 2019. “Tuy vậy, bên cạnh những mặt tích cực, nhiều nội dung của Luật Doanh nghiệp hiện hành không còn phù hợp với thực tiễn, tạo gánh nặng về thời gian, chi phí cho việc tuân thủ; một số nội dung của Luật không còn tương thích với nhiều luật mới được ban hành”, ông Thanh phát biểu. Vẫn theo ông Thanh, việc sửa Luật Doanh nghiệp lần này không phải luật đã lỗi thời mà sửa là để đáp ứng với các cam kết về hội nhập quốc tế, đặc biệt là hai hiệp định thương mại tự do thế hệ mới vừa và sắp có hiệu lực là CPTPP và EVFTA. “Sau khi Luật Doanh nghiệp 2014 có hiệu lực, Trung ương đã ban hành 3 nghị quyết liên quan đến doanh nghiệp là Nghị quyết 10-NQ/TW, Nghị quyết 11-NQ/TW và Nghị quyết 12-NQ/TW với tư duy mới về phát triển doanh nghiệp, đặc biệt là khái niệm về doanh nghiệp nhà nước (DNNN) cũng có sự thay đổi nên cần phải sửa Luật Doanh nghiệp để phù hợp với quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng trong tình hình mới”, ông Thanh nói thêm. Đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, cộng đồng doanh nghiệp rất hồ hởi khi biết tin Luật Doanh nghiệp lại tiếp tục được sửa đổi vì thực tế cho thấy, mỗi lần Luật Doanh nghiệp sửa đổi (năm 2005 và năm 2014) lại có một cuộc cách mạng trong hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh. “Việc sửa đổi Luật Doanh nghiệp lần này, đâu đó vẫn có cơ quan quản lý nhà nước còn băn khoăn, nhưng cộng đồng doanh nghiệp rất đồng thuận”, ông Lộc cho biết. Ông Lộc đánh giá rất cao Dự thảo Luật Doanh nghiệp sửa đổi lần này. Ông coi đây là sự đột phá và ví von “Luật Doanh nghiệp sửa đổi là luật thế hệ mới”. “Tôi chỉ dám coi Luật Doanh nghiệp sửa đổi nếu được Quốc hội thông qua là luật thế hệ mới, đáp ứng yêu cầu của các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Còn để đạt được “luật 4.0” chắc chắn còn phải trải qua nhiều lần sửa đổi, bổ sung nữa”, ông Lộc nhấn mạnh. Sẽ có thêm nhiều DNNN Một trong các nội dung được nhiều đại biểu tập trung thảo luận khi thẩm tra Dự thảo Luật Doanh nghiệp sửa đổi là việc mở rộng khái niệm DNNN. Theo quy định hiện hành, DNNN chỉ bao gồm doanh nghiệp mà Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ. Tuy nhiên, theo Dự luật thì khái niệm này được mở rộng, theo đó, DNNN bao gồm các doanh nghiệp do nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ, tổng số cố phần có quyền biểu quyết. Ông Vũ Đại Thắng, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, việc mở rộng khái niệm là thể chế hóa Nghị quyết 12-NQ/TW. Theo đó, DNNN là doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ hoặc cổ phần, vốn góp chi phối. “Các quy định về tổ chức quản trị đối với doanh nghiệp mà Nhà nước có cổ phần hoặc phần vốn góp chi phối cũng cần được rà soát lại, bổ sung, sửa đổi để thực hiện các mục tiêu nâng cao hiệu quả kinh tế, bảo đảm công khai, minh bạch và tăng trách nhiệm giải trình đối với cả doanh nghiệp 100% vốn nhà nước và doanh nghiệp có cổ phần, vốn góp nhà nước chi phối”, ông Thắng nói thêm. Theo ông Nguyễn Ngọc Bảo, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế, mở rộng khái niệm DNNN sẽ có rất nhiều doanh nghiệp hiện tại hoạt động theo loại hình “ngoài quốc doanh” trở thành “nhà nước”, theo đó phải thay đổi lại toàn bộ mô hình quản lý, quản trị, cung cấp thông tin, thông qua các kế hoạch, chiến lược phát triển sản xuất, kinh doanh, đầu tư. “Qua một đêm trở thành DNNN thì các công ty con của những doanh nghiệp này thuộc đối tượng nào, là doanh nghiệp quốc doanh hay ngoài quốc doanh”, ông Bảo băn khoăn. Khi trở thành DNNN, doanh nghiệp sẽ bị kiểm soát chặt chẽ hơn rất nhiều so với khi còn là doanh nghiệp ngoài nhà nước. Theo đó, doanh nghiệp phải thực hiện hàng loạt thay đổi trong quản trị, điều hành. “Chắc chắn là có rất nhiều doanh nghiệp đáp ứng điều kiện “Nhà nước giữ trên 50% vốn điều lệ, tổng số cổ phần có quyền biểu quyết. Vì vậy, luật phải có thời gian chuyển tiếp để doanh nghiệp có thời gian xoay sở”, ông Bùi Văn Xuyền, Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đề nghị. Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế, ông Nguyễn Văn Phúc băn khoăn về quy định doanh nghiệp mà Nhà nước nắm trên 50% vốn điều lệ được coi là doanh nghiệp nhà nước. “Nghị quyết 12-NQ/TW chỉ nói, ngoài doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thì doanh nghiệp mà Nhà nước nắm giữ cổ phần hoặc vốn góp chi phối được coi là DNNN chứ không quy định tỷ lệ bao nhiêu phần trăm cổ phần, vốn góp được coi là DNNN. Hiện tại chúng ta có loại doanh nghiệp Nhà nước nắm giữ dưới 50% cổ phần, trên 50% đến 65% và trên 65% cổ phần. Nếu chỉ quy định nắm giữ trên 50% cổ phần đã là DNNN thì trong rất nhiều lĩnh vực kinh doanh, Nhà nước nắm giữ 60% cổ phần cũng không có quyền chi phối nên không thể coi là DNNN. Vì vậy, theo tôi nên quy định, doanh nghiệp có trên 65% vốn nhà nước mới được coi là doanh nghiệp nhà nước”, ông Phúc đề xuất.