FastEhome.com- Đăng kí mở Shop bán hàng miễn phí ACV hiện là một trong những doanh nghiệp lớn nhất trên thị trường chứng khoán Việt Nam với vốn hóa gần 177.000 tỷ đồng (7,6 tỷ USD). Trong đó, Nhà nước nắm giữ 95,4% vốn. Tháng 12/2015, ACV tiến hành đấu giá công khai 77,8 triệu cổ phiếu và bán ưu đãi 34,4 triệu cổ phiếu cho cán bộ, nhân viên và Công đoàn Tổng công ty. Khi đó, giá khởi điểm đấu giá là 11.800 đồng/cổ phiếu, giá trúng bình quân 14.300 đồng/cổ phiếu. Ðến nay, thị giá ACV dao động quanh ngưỡng 80.000 đồng/cổ phần, gấp khoảng 5 lần so với giá IPO. Sau khi ACV cổ phần hóa, khu bay được chuyển về Bộ Giao thông - Vận tải làm đại diện chủ sở hữu nhà nước và quyết định việc đầu tư nâng cấp, sửa chữa. ACV chỉ được tạm giao quản lý khai thác. Ðể bảo đảm an toàn tuyệt đối cho hoạt động bay, khu bay cần được đầu tư nâng cấp, sửa chữa thường xuyên với giá trị đầu tư lớn, đặc biệt khi xuất hiện tình trạng xuống cấp, hư hỏng. Tuy nhiên, theo Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, theo quy định của pháp luật về tài sản công, ACV không được đầu tư vốn để hình thành tài sản công. Do đó, ACV gặp khó khăn trong việc đầu tư vốn để nâng cấp, sửa chữa khu bay. Ủy ban đề nghị Bộ Giao thông - Vận tải sớm hoàn thành Ðề án quản lý, khai thác tài sản khu bay để giải quyết vướng mắc này. Trước đó, thị trường và giới đầu tư đã phân tích đề xuất của Bộ Giao thông - Vận tải về việc Nhà nước mua lại 4,6% vốn để đưa ACV trở lại thành doanh nghiệp 100% vốn nhà nước là thiếu khả thi. Hiện có 2 đề xuất khác từ cơ quan quản lý ngành liên quan đến việc nâng cấp, cải tạo khu bay tại các cảng hàng không. Thứ nhất là giao cho ACV quản lý đường hạ - cất cánh, đường lăn và tính vào vốn nhà nước để tăng vốn điều lệ tại ACV. Phương án này sẽ giải quyết triệt để bài toán nâng cấp, cải tạo khu bay và tạo cơ sở để ACV có thể sử dụng quỹ đầu tư phát triển tại doanh nghiệp hiện có số dư tiền mặt lên tới hàng nghìn tỷ đồng. Thứ hai là giao ACV quản lý các tài sản trên, nhưng không tính vào vốn của ACV. Giao cho ACV rồi thì ACV có quyền cải tạo, sửa chữa, sử dụng các nguồn lực của doanh nghiệp. Nhìn nhận về 2 đề xuất này, một chuyên gia có kinh nghiệm trong lĩnh vực doanh nghiệp nhà nước cho rằng, vẫn tiếp tục khó khả thi. Cụ thể, ở phương án thứ nhất, sẽ áp dụng cơ chế định giá các tài sản là khu bay như thế nào để cổ đông khác (ngoài cổ đông trong doanh nghiệp) chấp thuận? Còn nếu để các cổ đông khác được tính thêm giá trị phần tài sản tăng thêm (chẳng hạn 1.000 m2 đường băng, cổ đông ngoài sẽ được sở hữu hơn 40 m) sẽ là sai quy định và có thể bị quy kết biến tài sản nhà nước thành tài sản tư nhân. Ở phương án thứ hai, khi ACV chỉ được giao quản lý mà không phải chủ sở hữu các công trình trên, việc cải tạo, sửa chữa vẫn bị vướng các quy định hiện hành như Luật Ðầu tư, Luật Ðầu tư công, bởi làm chủ đầu tư dự án và đầu tư dự án là 2 khái niệm khác nhau. Chẳng hạn, Nghị định số 44/2018/NÐ-CP quy định: Tài sản kết cấu hạ tầng hàng không được giao cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành hàng không thuộc Bộ Giao thông - Vận tải. Do đó, trách nhiệm bảo trì đối với các tài sản này thuộc thẩm quyền của Bộ Giao thông - Vận tải. Các đề xuất của Bộ Giao thông - Vận tải đều nhằm huy động được nguồn lực lên tới hàng nghìn tỷ đồng trong Quỹ đầu tư phát triển của ACV để sử dụng nâng cấp khu bay ở Nội Bài và Tân Sơn Nhất hiện đang xuống cấp trầm trọng. Tuy nhiên, những rắc rối hiện nay đều phát sinh sau khi cổ phần hóa ACV - vốn không thuộc danh mục doanh nghiệp phải cổ phần hóa, nhưng năm 2013 Bộ Giao thông - Vận tải vẫn đề xuất cổ phần hóa doanh nghiệp này. Một chuyên gia am hiểu ngành hàng không cho biết, trước khi cổ phần hóa, trong cơ cấu tài sản của ACV gồm các nhà ga sân bay và hệ thống khu bay như đường lăn, đường băng…, phần sinh lời nằm ở các nhà ga sân bay được giới kinh doanh gọi là “phần thịt”, còn phần khu bay hầu như không có lợi nhuận nên được gọi là “phần xương”. Khi cổ phần hóa ACV giai đoạn 2014-2015, Bộ Giao thông - Vận tải đã tách tài sản của doanh nghiệp này ra, phần xương thì để lại Nhà nước, phần thịt thì đem định giá cổ phần hóa. Nay để cải tạo phần xương xẩu, Nhà nước không bố trí được ngân sách, mời gọi nhà đầu tư thông qua đấu thầu thì không ai vào. Muốn giao cho công ty cổ phần (có thể là ACV) không qua đấu thầu thì vi phạm các quy định của Luật Ðầu tư, Luật Ngân sách nhà nước… Kết quả là cải tạo, nâng cấp hạ tầng khu bay rơi vào tình cảnh “trở đi mắc núi, trở lại mắc sông”. Báo cáo thường niên 2018 của ACV cho biết, tại thời điểm 1/4/2019, ngoài phần sở hữu của Nhà nước, các cổ đông khác của ACV đang nắm giữ hơn 100 triệu cổ phiếu lưu hành tự do. Phần lớn số này thuộc về các tổ chức nước ngoài như VinaCapital, Dragon Capital… với 77,5 triệu cổ phiếu và cá nhân trong nước với 17,1 triệu cổ phiếu. Nếu tính theo thị giá ACV hiện tại, giá trị lượng cổ phần ngoài nhà nước nắm giữ vào khoảng 8.000 tỷ đồng. Số lượng cổ đông nắm giữ cổ phiếu ACV theo dữ liệu của Trung tâm Lưu ký chứng khoán (VSD) lập ngày 1/4/2019 là 7.391 cổ đông, trong đó có 123 tổ chức (100 tổ chức nước ngoài và 23 tổ chức trong nước, không kể Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp) và 7.266 cá nhân (trong nước là 7.130 cổ đông và nước ngoài là 136 cổ đông). Phương Anh