FastEhome.com- Đăng kí mở Shop bán hàng miễn phí Tổng thống Mỹ - Donald Trump và tổng thống Afghanistan - Ashraf Ghani đã có cuộc hội đàm hôm thứ 5 tuần qua và cả 2 cho biết sẽ ủng hộ các công ty Mỹ phát triển và khai thác trữ lượng khoáng sản đất hiếm tại Afghanistan mặc cho những trở ngại lớn đang tồn tại trong ngành công nghiệp khai khoáng của nước này. Tại cuộc hội đàm, Mỹ và chính phủ Afghanistan đã nhấn mạnh giá trị chiến lược tiềm năng của Afghan về trữ lượng lớn khoáng sản chưa được khai thác. 2 vị lãnh đạo cũng nhắc lại cam kết của họ về chiến lược của Trump tại Nam Á nhằm tiêu diệt chủ nghĩa khủng bố. Tuy nhiên sau 16 năm hiện diện tại Afghanistan, Hoa Kỳ đang tìm cách bù đắp cho hàng tỷ đô la bỏ ra mỗi năm trong công cuộc hỗ trợ chính phủ mới tại Kabul và việc khai thác khoáng sản được xem là một cách để hồi vốn. Phát ngôn viên Nhà Trắng cho hay: "Cả 2 đã nhất trí rằng những sáng kiến như vậy sẽ giúp các công ty Mỹ phát triển nhiều tài nguyên quan trọng đối với an ninh quốc gia đồng thời thúc đẩy nền kinh tế Afghanistan và tạo việc làm mới cho công dân 2 nước. Qua đó, hoạt động này có thể giải quyết một phần chi phí hỗ trợ của Hoa Kỳ khi người Afghan trở nên tự chủ hơn." Bột nam châm neodymium boron sắt (NdFeB) được Toyota sử dụng trong motor xe điện mới. Neodymium (Nd) là một nguyên tố thuộc nhóm kim loại đất hiếm, là loại nam châm vĩnh cử mạnh nhất và thường được dùng trong loa, tai nghe cao cấp. Nguồn: ArsTechnica Cục khảo sát địa chất Hoa Kỳ ước tính giá trị tiềm năng của khoáng sản tại Afghanistan bao gồm vàng, đá quý cũng như các khoáng chất như lithium và đất hiếm vốn cực kỳ quan trọng đối với thiết bi điện tử hiện đại có thể lên đến 1 nghìn tỷ đô la. Tuy nhiên việc thiếu hạ tầng công nghiệp và vận tải cơ bản cũng như các cuộc nổi dậy của nhiều nhóm vũ trang đã khiến gần một nửa quốc gia nằm ngoài tầm kiểm soát của chính phủ. Điều này có nghĩa nguồn khoáng sản này từ lâu đã không thể được khai thác một cách có kinh tế. Sự bùng nổ của công nghệ xe điện kéo giá thành đất hiếm tăng cao gần đây. Điều này khiến một số người cho rằng giá trị của đất hiếm có thể bù đắp cho những rủi ro trong việc đưa chúng lên mặt đất. Sản lượng khai thác và xuất khẩu đất hiếm của Trung Quốc vẫn thống trị thị trường với hơn 80%. Nguồn: Ausimmbulletin Ngoài ra, ngành công nghiệp đất hiếm đang bị Trung Quốc thống trị khiến Washington lo ngại rằng Bắc Kinh có thể thâu tóm và bóp nghẹt nguồn cung cấp loại nguyên liệu thô tối quan trọng đối với các công nghệ quốc phòng hiện đại. Vì vậy, Mỹ buộc phải tìm kiếm các nguồn cung cấp thay thế. Tuy nhiên vẫn chưa rõ kế hoạch này có khả thi và tiến triển hứa hẹn hay không. Khai thác khoáng sản là một quy trình khó khăn và tốn kém. Trên thực tế phần lớn trữ lượng đất hiếm có thể khai thác kinh tế của Afghanistan lại nằm ở tỉnh Helmand - nơi đang bị kiểm soát bởi Taliban. Các công ty khai khoáng hiển nhiên sẽ muốn tìm đến những nơi thuận lợi hơn. Mike Harrowell - một nhà phân tích đến từ công ty nghiên cứu Harwind, Sydney cho biết việc cố gắng khai thác đất hiếm ở Afghanistan vào lúc này "không có ý nghĩa gì" ở mọi cấp độ trừ khi nó được xem là một dự án xây dựng quốc gia được tài trợ bởi chính phủ. Ông nói: "Đây không đơn giản là một hoạt động kinh doanh, công nghệ khai thác được tổ chức rất chặt chẽ và chi phí rất cao. Đã có nhiều dự án được nghiên cứu kỹ lưỡng ở Bắc Mỹ được đưa ra trong thời kỳ bùng nổ của đất hiếm kể từ sau năm 2010 nhưng tất cả vẫn đang đợi kinh phí. Vì vậy, bạn nên thực hiện các dự án này trước khi nghĩ đến một thứ tương tự tại Afghanistan."