FastEhome.com- Đăng kí mở Shop bán hàng miễn phí Windows 11 là bản nâng cấp lớn nhất cho hệ điều hành máy tính của Microsoft từ năm 2015 đến nay. Sự kiện ra mắt Windows 11 diễn ra vào 22h ngày 24/6 (giờ Việt Nam). Hệ điều hành mới của Microsoft mang nhiều cải tiến về giao diện, tính năng và hỗ trợ chạy trực tiếp ứng dụng Android. Thay đổi đầu tiên của Windows 11 nằm ở taskbar với biểu tượng ứng dụng được căn giữa và nút Start mới. Theo The Verge, giao diện này rất giống Windows 10X, hệ điều hành cho máy tính 2 màn hình đã bị Microsoft khai tử. Nhiều chi tiết khác trong giao diện của Windows 10X cũng được áp dụng cho Windows 11. Start menu trên Windows 11 đã loại bỏ Live Tile, chỉ còn biểu tượng ứng dụng, danh sách các file vừa mở và thanh tìm kiếm phía trên. Những cửa sổ, hộp thoại trên Windows 11 được bo tròn 4 góc tương tự macOS và Android. Windows 11 bổ sung Snap Layouts, tính năng cho phép sắp xếp các cửa sổ theo bố cục có sẵn như chia đôi ngang, chia 2/3, chia 3 hay chia 4 cửa sổ. Còn với Snap Groups, người dùng có thể sắp xếp cửa sổ theo ý thích, lưu chúng vào taskbar để kích hoạt cùng lúc. Hệ điều hành mới cũng hỗ trợ làm việc nhiều màn hình tốt hơn. Khi ngắt kết nối khỏi màn hình ngoài, các cửa sổ sẽ tự động thu nhỏ thay vì dồn sang màn hình chính, ở đây là laptop. Còn khi kết nối lại, những cửa sổ sẽ hiện đúng vị trí cũ. Nghe có vẻ mới nhưng tính năng nhớ vị trí màn hình này đã có trên macOS từ lâu. Hiệu năng cũng là yếu tố được chú trọng trên Windows 11. Theo Microsoft, các bản cập nhật Windows 11 sẽ có dung lượng nhỏ hơn 40%, được cài trong nền thay vì buộc khởi động lại để cập nhật như Windows 10. Dịch vụ trò chuyện Microsoft Teams được tích hợp trực tiếp vào Windows 11. Từ taskbar, người dùng có thể nhấn biểu tượng Teams để nhắn tin hay tạo cuộc gọi nhóm. Đây là tính năng đáp ứng nhu cầu học tập, làm việc tại nhà. Một tính năng hoàn toàn mới trên Windows 11 là Windows Widgets, những ô vuông chứa thông tin được tùy biến dựa trên sở thích người dùng bằng trí tuệ nhân tạo (AI). Màn hình này có thể được kích hoạt từ cạnh ngoài cùng bên trái. Một số widget có sẵn như tin tức, thời tiết, bản đồ, chứng khoán… Windows 11 còn hỗ trợ phản hồi xúc giác với một số loại bút cảm ứng. Khi xoay màn hình từ ngang sang dọc trong chế độ tablet, các cửa sổ được bật song song 2 bên sẽ chuyển sang chế độ chia trên dưới. Bàn phím ảo trên Windows 11 cũng nhỏ hơn, có thể di chuyển đến bất cứ đâu trên màn hình. Chơi game cũng là tác vụ được chú trọng trên Windows 11. Tính năng mới đầu tiên là Auto HDR, tự động kích hoạt HDR cho các game DirectX 11 và 12 khi sử dụng màn hình tương thích. Tính năng này cũng có mặt trên máy chơi game Xbox Series X và Series S. Một tính năng khác của Xbox Series X/S cũng được mang lên Windows 11 là DirectStorage, cho phép rút ngắn thời gian tải game nếu sử dụng ổ cứng SSD chuẩn NVMe. Xbox Game Pass cũng được tích hợp vào Windows 11, bao gồm dịch vụ chơi game đám mây xCloud. Nâng cấp tiếp theo trên Windows 11 là khả năng chạy trực tiếp ứng dụng Android. Microsoft đã hợp tác với Intel cho công nghệ tương thích và Amazon để mang kho ứng dụng Android lên Windows 11. Kho ứng dụng Microsoft Store trên Windows 11 cũng có giao diện mới. Công ty cho biết sẵn sàng hợp tác với các nhà phát triển app kiến trúc Win32 truyền thống để phát hành chúng trên Microsoft Store. Satya Nadella, CEO Microsoft tuyên bố nhà phát triển có thể sử dụng hệ thống thanh toán riêng trên ứng dụng, không cần chia doanh thu cho Microsoft. “Windows luôn đứng về phía nhà sáng tạo”, ông chia sẻ. Cấu hình yêu cầu tối thiểu của Windows 11 gồm CPU 64-bit lõi kép 1 GHz, RAM 4 GB, ổ cứng 64 GB và màn hình 9 inch HD. Microsoft cho biết người dùng Windows 10 sẽ được nâng cấp miễn phí lên Windows 11 vào cuối năm nay. Tiếp tục đọc...