FastEhome.com- Đăng kí mở Shop bán hàng miễn phí Lãi suất liên ngân hàng hạ nhiệt từ cuối quý II Khảo sát trên thị trường liên ngân hàng (nơi các ngân hàng vay mượn lẫn nhau) cho thấy, thanh khoản trong quý II có xu hướng ổn định hơn. Diễn biến lãi suất có thể chia làm 2 giai đoạn tương đối rõ rệt: duy trì ở mức cao trong nửa đầu quý, sau đó hạ nhiệt và đi ngang trong nửa quý còn lại. Cụ thể, trong nửa đầu quý II, lãi suất duy trì trong khoảng 3,8 - 4,5%/năm với kỳ hạn cho vay qua đêm đến 1 tuần, sau đó giảm về mức 3,0 - 3,3%/năm trong nửa cuối quý. Thị trường có xu hướng biến động mạnh hơn trong tuần cuối của tháng 6 khi lãi suất qua đêm - 1 tuần đã áp sát các mức lãi suất tín phiếu (tháng 4, 5) và OMO (tháng 6). Tính chung trong cả quý, lãi suất bình quân kỳ hạn 1 tuần ở mức 3,61%/năm, thấp hơn khoảng 0,7% so với mức bình quân của quý I và cao hơn khoảng 1,42% so với cùng kỳ năm 2018. Giao dịch trên thị trường tiếp tục diễn biến sôi động so với cùng kỳ các năm trước. Giá trị giao dịch bình quân phiên đạt khoảng 50.000 tỷ đồng, tương đương với mức bình quân quý I. Khối lượng giao dịch tiếp tục tập trung ở kỳ hạn qua đêm tới 2 tuần (chiếm khoảng 92% tổng khối lượng giao dịch). Trong tháng 6, NHNN đã bơm ròng tổng cộng 63.800 tỷ đồng; trong đó, riêng tuần cuối cùng của tháng là 47.000 tỷ đồng, với OMO lên tới 12.000 tỷ đồng sau gần 3 tháng OMO gần như không phát sinh giao dịch. Đối với thị trường 1 (huy động từ dân cư và các tổ chức kinh tế), khảo sát của phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán cho thấy, lãi suất huy động vẫn ổn định ở mức 4,1 - 5,5%/năm với kỳ hạn dưới 6 tháng, 5,5 - 7,45%/năm với kỳ hạn 6 đến dưới 12 tháng và 6,4 - 7,9%/năm với kỳ hạn 12, 13 tháng. Trong tháng, một số ngân hàng có thị phần huy động nhỏ đưa mức lãi suất kỳ hạn 12 - 13 tháng lên 8%/năm. Cũng đã xuất hiện một vài ngân hàng chào lãi suất 8,5 - 8,7%/năm, nhưng chỉ áp dụng cho kỳ hạn gửi 24 - 36 tháng hoặc với số tiền gửi lớn (500 tỷ đồng). Ông Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, NHNN cho biết, tính đến ngày 28/6/2019, dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế tăng 7,33% so với cuối năm 2018, thấp hơn so với cùng kỳ 2018 là 7,86%. Đây là một trong những yếu tố được thị trường nhận định có tác động tới xu hướng ổn định của lãi suất, bởi chênh lệch huy động vốn - tín dụng trong quý II được duy trì ổn định so với mức cuối quý I khi hoạt động huy động vốn VND tăng trưởng ở mức 7,1% và tín dụng chưa được đẩy mạnh. “Nhìn chung, tốc độ tăng trưởng huy động vốn và tín dụng trong năm nay đều thấp hơn so với cùng kỳ các năm trước, cùng với việc mức chênh lệch huy động vốn và tín dụng tiếp tục duy trì ở mặt bằng thấp kể từ cuối năm 2018”, Phó tổng giám đốc một ngân hàng thương mại cổ phần nói. Các yếu tố tác động tới thị trường liên ngân hàng trong quý II về cơ bản đã hỗ trợ xu hướng ổn định của lãi suất, được một lãnh đạo cao cấp BIDV nhận định: Thứ nhất, nhìn chung, NHNN vẫn nhất quán với định hướng điều hành chính sách tiền tệ một cách chặt chẽ, linh hoạt kể từ đầu năm nhằm ưu tiên đảm bảo mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô. Các mức lãi suất như OMO hay tín phiếu vẫn được duy trì ổn định và thực hiện tốt vai trò định hướng đối với thị trường. Ngoài ra, việc sử dụng công cụ phát hành tín phiếu thường xuyên trong thời gian vừa qua với khối lượng phát hành khoảng 5.000 - 10.000 tỷ đồng/phiên trong kỳ hạn ngắn 1 - 2 tuần đã thể hiện sự linh hoạt của NHNN trong điều tiết lượng tiền trên thị trường ở mức hợp lý. Thứ hai, với việc chênh lệch huy động vốn - tín dụng duy trì tương đối ổn định trong quý II, những thay đổi đột ngột của lượng tiền gửi Kho bạc Nhà nước tại các ngân hàng thương mại đã có tác động rõ rệt hơn tới thanh khoản thị trường trong từng thời điểm nhất định. Đặc biệt, vào thời điểm cuối tháng 4, việc lượng tiền trên được điều chỉnh tăng tương đối lớn (ước khoảng 30.000 tỷ đồng) đã khiến lãi suất kỳ hạn qua đêm tới 1 tuần đột ngột giảm mạnh xuống dưới mức lãi suất phát hành tín phiếu và sau đó tiếp tục duy trì ở mặt bằng thấp trong phần còn lại của quý. NHNN vẫn duy trì chính sách điều hành thận trọng Một nghiên cứu của Nhóm Nghiên cứu, Ban Kinh doanh vốn và tiền tệ BIDV dự báo, thị trường VND liên ngân hàng sẽ tiếp tục xu hướng ổn định trong quý III. Mặt bằng lãi suất dự kiến sẽ đi ngang so với quý II, duy trì trong biên độ 3,0 - 4,0%/năm với kỳ hạn qua đêm - 1 tuần. Lãi suất bình quân VND dự kiến vào khoảng 3,0 - 3,5%/năm với kỳ hạn 1 tuần và khoảng 4,0 - 4,5%/năm với kỳ hạn 3 tháng. “Thị trường liên ngân hàng có thể tiếp tục yên bình khi các yếu tố tác động nhìn chung sẽ chưa có biến động lớn trong thời gian tới”, Nhóm Nghiên cứu nhận định. Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán, ông Hoàng Minh Hoàn, Phó tổng giám đốc phụ trách Khối Quản trị tài chính và nguồn vốn SCB cho biết: “Về cơ bản lạm phát ổn định, thanh khoản hệ thống dồi dào từ đầu năm đến nay nên khả năng lãi suất huy động tăng sẽ không cao, đặc biệt là trong bối cảnh tăng trưởng tiền gửi nhanh hơn tăng trưởng tín dụng trong 6 tháng đầu năm”. TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế nhận định, trong bối cảnh tỷ lệ lạm phát được duy trì ở mức lạc quan trong 6 tháng đầu năm nay, NHNN sẽ có cơ sở để xem xét việc nới lỏng phần nào chính sách điều hành để hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế. “Nếu điều này được thực hiện thì sẽ ở mức rất thận trọng khi mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô vẫn là ưu tiên hàng đầu. Trần tăng trưởng tín dụng và lãi suất điều hành nhiều khả năng sẽ được giữ nguyên. Những thay đổi nếu có trong quý III có thể sẽ là việc điều tiết cung tiền trên thị trường liên ngân hàng và mức lãi suất định hướng là tín phiếu được điều chỉnh giảm nhẹ khoảng 0,25%”, Nhóm Nghiên cứu viết. Điểm đáng chú ý là chênh lệch huy động vốn - tín dụng dự kiến sẽ được duy trì hoặc mở rộng nhẹ khoảng 20.000 - 30.000 tỷ đồng trong quý III, bởi đây chưa phải là giai đoạn “nóng” trong bối cảnh NHNN định hướng giảm mục tiêu tăng trưởng tín dụng xuống khoảng 14% trong năm nay. Ngoài ra, áp lực cải thiện vốn tự có và cơ cấu lại danh mục tài sản nợ đối với các ngân hàng thương mại để đáp ứng yêu cầu của Thông tư 41/2016/TT- NHNN sẽ có hiệu lực vào đầu năm sau có thể khiến hoạt động tín dụng chưa thể được đẩy mạnh trong thời gian tới. Số liệu của BIDV cho biết, hoạt động giải ngân vốn ngân sách nhà nước vẫn khá ảm đạm. Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm chỉ đạt 36,8% kế hoạch năm và tăng 3,7% so với cùng kỳ năm trước (năm 2018 lần lượt là 35,3% và 9,5%) cho thấy lượng tiền gửi Kho bạc Nhà nước tại các ngân hàng thương mại từ đầu năm đến nay vẫn ở mức khá cao so với cùng kỳ các năm trước. “Dự kiến, lượng tiền gửi của Kho bạc Nhà nước trong quý III có thể chỉ giảm nhẹ khoảng 10.000 - 20.000 tỷ đồng khi chưa có nhiều dấu hiệu tích cực cho hoạt động đầu tư công trong thời gian sắp tới”, vị lãnh đạo cao cấp của BIDV nhận định. Nhuệ Mẫn