FastEhome.com- Đăng kí mở Shop bán hàng miễn phí Theo Tổng cục Thống kê, xuất khẩu trong 8 tháng qua đạt được nhiều sự vượt trội. Cụ thể là quy mô xuất khẩu đạt mức cao nhất so với cùng kỳ từ trước đến nay với 169,982 tỷ USD. Mức xuất siêu đạt 3,4 tỷ USD, riêng tháng 8 xuất siêu 1,7 tỷ USD. So với cùng kỳ năm 2018, kim ngạch xuất khẩu 8 tháng qua tăng 7,3%, cao hơn tốc độ tăng của 6 kỳ liền trước (2 tháng tăng 4,2%, 4 tháng tăng 6,5%, 5 tháng tăng 7,1%, 6 tháng tăng 7,2%). Điều đó chứng tỏ xu hướng cao lên của tốc độ tăng so với cùng kỳ. Tốc độ tăng trong 8 tháng đã tương đương với tốc độ tăng cả năm theo Nghị quyết của Quốc hội (7-8%). Tăng trưởng xuất khẩu đạt được ở cả 2 khu vực, trong đó khu vực trong nước tăng cao hơn khu vực có vốn FDI (13,9% so với 4,6%). Đây là một trong những điểm nhấn, một kết quả tích cực về xuất nhập khẩu trong 8 tháng đầu năm. Tăng trưởng đạt được ở nhiều mặt hàng chủ yếu. Trong 45 mặt hàng chủ yếu được thống kê, có 30 mặt hàng tăng so với cùng kỳ, trong đó có một số mặt hàng tăng cao hơn tốc độ chung. Mới qua 8 tháng đã có 29 mặt hàng đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD, đặc biệt có 8 mặt hàng đạt trên 5 tỷ USD (điện thoại và linh kiện 32,99 tỷ USD; máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện 21,86 tỷ USD; dệt may 21,7 tỷ USD; giày dép 11,96 tỷ USD; Máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác 11,27 tỷ USD; gỗ và sản phẩm gỗ 6,54 tỷ USD; phương tiện vận tải và phụ tùng 5,7 tỷ USD; thủy sản 5,44 tỷ USD). Kết quả xuất/nhập khẩu, xuất siêu/nhập siêu 8 tháng năm 2019 (đơn vị tính: tỷ USD). Nguồn: Tổng cục Thống kê. Tăng trưởng xuất khẩu còn đạt được ở nhiều địa bàn, tỉnh/thành phố. Trong 63 địa bàn mới qua 7 tháng (chưa có số liệu 8 tháng), đã có 24 địa bàn đạt trên 1 tỷ USD, trong đó có 7 địa bàn đạt trên 7 tỷ USD (TPHCM đạt 23,34 tỷ USD, Thái Nguyên 17,41 tỷ USD, Bắc Ninh 16,64 tỷ USD, Bình Dương 14,13 tỷ USD, Đồng Nai 10,99 tỷ USD, Hà Nội 8,98 tỷ USD, Hải Phòng đạt 7,27 tỷ USD). Với kết quả về quy mô đạt được trong năm 2018 và tốc độ tăng trưởng trong 8 tháng qua, có thể dự đoán cả năm 2019, số mặt hàng đạt trên 1 tỷ USD có thể lên đến trên 30 (trong đó có thể có 3 mặt hàng đạt trên 30 tỷ USD là điện thoại, máy tính, dệt may, đặc biệt lần đầu tiên có 1 mặt hàng là điện thoại vượt 52 tỷ USD). Số địa bàn đạt trên 1 tỷ USD có thể lên đến gần 30 (trong đó có thể có địa bàn là TP. Hồ Chí Minh, Thái Nguyên, Bắc Ninh vượt qua mốc 30 tỷ USD, đặc biệt TP. Hồ Chí Minh vượt qua mốc 40 tỷ USD). Số thị trường đạt 1 tỷ USD có thể lên đến 30, trong đó có thể có 4 thị trường là Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc đạt trên 20 tỷ USD, đặc biệt, thị trường Mỹ và Trung Quốc có thể đạt trên 40 tỷ USD, riêng thị trường Mỹ có thể vượt qua mốc 55 tỷ USD... Tám tháng đầu năm, trong khi xuất khẩu đạt được nhiều sự vượt trội, thì nhập khẩu đạt quy mô thấp hơn (166, 579 tỷ USD). Do đó, trong quan hệ buôn bán với nước ngoài 8 tháng qua, Việt Nam đã xuất siêu. Nếu tiếp tục duy trì quy mô xuất/nhập khẩu như vậy, năm 2019 sẽ là năm thứ 4 Việt Nam xuất siêu liên tiếp (năm 2016 xuất siêu 2,68 tỷ USD, năm 2017 đạt 2,7 tỷ USD, năm 2018 là 7,2 tỷ USD). Theo VGP