FastEhome.com- Đăng kí mở Shop bán hàng miễn phí Các bà mẹ yêu thương con luôn lo lắng rằng chẳng biết con mình đã có được những vật dụng đầy đủ hay không. Mẹ thường mua rất nhiều đồ chơi, vật dùng cá nhân nhưng mẹ có thể tiết kiệm 1 khoản kha khá nếu không mua những thứ này. Mới đây, hãng Fisher-Price đã thu hồi gần 5 triệu sản phẩm nôi rung cho trẻ sơ sinh sau khi có tới hơn 30 trẻ em bị lật và tử vong kể từ khi sản phẩm này được bán trên thị trường vào năm 2009. Trước đó, các bác sĩ nhi khoa đã nhiều lần cảnh báo các bà mẹ rằng nôi rung là 1 đồ dùng thật sự không cần thiết trong quá trình chăm sóc trẻ. Bên cạnh đó còn có nhiều vật dụng khác mà dưới tác động của quảng cáo, nhiều mẹ sắm sửa cho con rất nhiều mà không biết rằng sẽ gây nguy hiểm cho con, hoặc chí ít là không có cũng không sao. Mẹ xem thử trong nhà mình có những vật dụng này không nhé: 1. Dây đeo, xe tập đi tròn Nước đầu tiên ban bố lệnh cấm bán và dùng xe tập đi cho trẻ em là Canada. Lệnh cấm này được Bộ Y tế Canada ban hành trên toàn đất nước bắt đầu từ 07/04/2004 bao gồm việc cấm bán hàng tiếp thị, quảng cáo, nói quá về tác dụng của xe tập đi. Không những vậy, bất kỳ ai thực hiện việc buôn bán loại xe này, kể cả xe cũ cũng có thể bị kết án lên đến 10 triệu đô la Canada tiền phạt. Còn tại Mỹ, mặc dù loại xe này không bị cấm nhưng Hiệp hội Nhi khoa Mỹ (AAP), và Hiệp hội quyền lợi người tiêu dùng Mỹ cũng hy vọng chính phủ Mỹ sẽ cấm bán xe tập đi trên thị trừờng. Theo họ, xe tập đi tiềm ẩn những nguy cơ vô cùng có hại sau đây: - Dễ khiến trẻ gặp tai nạn: Thông thường, xe tập đi sẽ được thiết kế khung tròn có gắn bánh xe và khi trẻ được đặt ngồi trong xe, theo lực đẩy chân của trẻ, xe sẽ được di chuyển với tốc độ rất nhanh. Theo Hiệp hội Nhi khoa Mỹ: tốc độ di chuyển của trẻ trong xe tập đi có thể lên tới 91cm/giây. Với tốc độ này thì việc một đứa trẻ mới chỉ 8 – 12 tháng tuổi hoặc trẻ mới học cách bước đi sẽ không thể kiểm soát được tốc độ của xe. Vì vậy, chỉ cần cha mẹ hơi lơ là một chút hoặc trong quá trình di chuyển, có vật cản đường xe của trẻ hoặc trẻ di chuyển tới cầu thang thì trẻ rất dễ dàng gặp tai nạn đáng tiếc. Nguy hiểm hơn, khi trẻ ngồi trong xe tập đi, phần thân trên và đầu nặng hơn phần dưới nên khi ngã sẽ có xu hướng chúi đầu về trước, khiến trẻ bị kẹt trong xe khi ngã nên chấn thương nặng nề hơn so với trẻ té tự do. - Gây ra chân vòng kiềng, chân biến dạng ở trẻ - Xe tập đi không giúp trẻ biết đi sớm mà còn hạn chế sự phát triển của trẻ Các nhà khoa học đã chỉ ra rằng một đứa trẻ sử dụng xe tập đi thường có chỉ số kỹ năng nhận thức thấp hơn trẻ không sử dụng. Cứ mỗi 24 giờ sử dụng xe tập đi, trẻ sẽ chậm thêm 3,7 ngày để có thể tự đứng được, chậm thêm 3,3 ngày tự đi được mà không cần giúp đỡ. Có nghĩa là khi bé sử dụng xe tập đi càng nhiều, bố mẹ càng làm chậm bước phát triển vận động của con. Một nghiên cứu tại Anh cũng cho thấy những trẻ dùng xe tập đi sẽ chậm biết đứng, biết đi hơn trẻ không dùng loại xe này. Nguyên nhân là do trẻ đã quen di chuyển mà không cần nâng toàn bộ trọng lượng cơ thể, lâu ngày khiến cơ xương không lớn mạnh được như bình thường. Không những vậy, chúng ta đều biết trẻ lớn lên, phát triển trí não thông qua tiếp xúc bàn tay, bàn chân, vị giác, thị giác và thính giác. Cho tự do bé để khám phá không gian sẽ giúp trẻ phát triển trí thông minh. Khi ngồi trong xe tập đi để luyện tập, bé đang bị mắc kẹt trong một không gian nhỏ, mất sự tự do để khám phá không gian xung quanh. Với dây đeo tập đi thì thắt lưng buộc chặt người bé sẽ làm giảm sự cân bằng ở trẻ, ảnh hưởng đến sự phối hợp của cơ thể và không có lợi cho bé học đi. 2. Gối lõm Nhiều bậc cha mẹ sử dụng gối lõm từ rất sớm để cho bé ngủ ngon. Nhưng điều này thực sự là một quả bom hẹn giờ cho em bé, bởi vì nó làm tăng nguy cơ nghẹt thở khi em bé lật lại và bị chặn ở phần mũi, miệng. Viện sức khỏe toàn cầu George, Sydney, Úc lên tiếng cảnh báo về rủi ro mà những chiếc gối có thể mang lại cho trẻ sơ sinh. Các chuyên gia cho biết, trong 6 tháng đầu đời, trẻ sơ sinh nên ngủ trên đệm phẳng mà không cần có gối, chăn hay bất cứ loại đồ chơi nào. Trên thực tế, các loại gối chống lõm đầu ra đời chỉ mang tính chất thương mại, đánh vào tâm lý lo lắng, sợ hãi của các bậc cha mẹ về chứng đầu phẳng của con, còn tác dụng thật sự của sản phẩm này thì chưa được bất kỳ tổ chức nào kiểm chứng. Cùng với đó, các loại gối bán trên thị trường cho đầu phẳng đều không an toàn và còn khiến môi trường ngủ của trẻ nguy hiểm hơn. 3. Tấm chắn trong cũi Từ năm 2015, nhiều nhà khoa học Mỹ đã cảnh báo không nên dùng tấm chắn nôi cho trẻ bởi nó là thủ phạm đã gây ra cái chết của nhiều trẻ sơ sinh. Theo nghiên cứu được thực hiện vào tháng 9 năm 2007, dữ liệu từ Ủy ban An toàn Sản phẩm Tiêu dùng Hoa Kỳ (CPSC), từ năm 1985 đến 2005, đã có 27 trường hợp tử vong do trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ nghẹt thở vì dây quấn của tấm chắn. Và ngay từ năm 2005, Học viện Nhi khoa Hoa Kỳ khuyến cáo không nên sử dụng tấm chắn. Vào tháng 12 năm 2015, người ta đã tuyên bố công khai rằng tấm chắn không nên được sử dụng trong giường cũi và nên dừng các sản phẩm đó trên khắp Hoa Kỳ. Với những bậc cha mẹ lo lắng cho rằng đầu, tay và chân của con sẽ va vào các cạnh trong giường nếu không có tấm chắn, Học viện Nhi khoa Hoa Kỳ cho rằng đứa trẻ khi làm quen với chiếc giường của mình sẽ tìm mọi cách để tránh việc đó và nếu có xảy ra thì nó cũng chẳng tổn hại bằng nguy hiểm lơ lửng trên đầu trẻ nếu dùng tấm chắn. Bên cạnh đó, giường cũi có cạnh trượt cũng được khuyến nghị không nên sử dụng. Giường cũi có cạnh trượt là loại có một cạnh có thể di chuyển lên xuống để cha mẹ bế con ra khỏi giường một cách dễ dàng. Cạnh trượt đó có thể rơi ra, tạo nên khoảng trống nguy hiểm. Trẻ có thể bị kẹt trong khoảng trống này dẫn đến trẻ bị ngạt thở hoặc bị rơi xuống đất. Canada cấm bán, nhập khẩu, sản xuất và quảng cáo loại giường cũi này. Ngoài ra, các bậc cha mẹ ở Canada cũng được khuyến cáo tránh mua giường cũi được sản xuất từ trước tháng 9/1986 do tiêu chuẩn về an toàn khi đó chưa được đầy đủ. 4. Gặm nướu Trong giai đoạn trẻ mọc răng sữa, nhiều bậc phụ huynh có con nhỏ thường cho con dùng miếng cắng răng hay còn gọi là miếng gặm nướu. Tuy nhiên, theo các nha sĩ, việc làm này sẽ mang đến những ảnh hưởng không đán có đối với sự phát triển răng, hàm của bé. Bên cạnh đó là các vấn đề vệ sinh khi nước dãi của con bạn có thể thấm vào bên trong các vật dụng gặm nướu, gây ra nấm mốc mà cha mẹ không thể phát hiện được. 5.Máy hâm sữa Đây là 1 vật dụng tiện lợi cho các bà mẹ, đặc biệt là trong mùa đông. Tuy nhiên, mẹ chỉ nên hâm sữa rồi cho con uống ngay, hơn là đặt bình sữa trong máy hâm suốt 1 thời gian dài, điều này sẽ thay đổi kết cấu của sữa bột, dễ sinh sôi vi khuẩn, và mẹ cứ tưởng tượng một bình sữa ủ ấm suốt nhiều giờ đồng hồ sẽ trông như thế nào khi con uống vào bụng mà xem. 6. Dụng cụ hút mũi Các bà mẹ đang lạm dụng dụng cụ hút mũi dạng ống nhựa hoặc ống cao su để rửa mũi cho con. Hầu như bà mẹ nào đang nuôi con nhỏ cũng mua một chiếc để ở nhà phòng khi con bị sổ, nghẹt mũi có thể đem ra hút rửa mũi cho con. Phổ biến là vậy, song không phải bà mẹ nào cũng biết cách làm sạch dụng cụ hút mũi. Theo bác sĩ Tuấn, ống hút, bầu đựng dịch mũi rất khó làm sạch nếu chỉ rửa bằng nước lã thông thường. Khi ấy nó có thể trở thành ổ cho vi khuẩn cư trú, gây thêm bệnh cho trẻ. Nhiều mẹ cẩn thận hơn thì vệ sinh dụng cụ bằng nước nóng và xà phòng, song thực chất ngâm nước nóng lại càng kích thích cho vi khuẩn sinh sôi nhanh hơn. Đặc biệt, việc hút mũi bằng các dụng cụ sẽ làm tổn thương niêm mạc mũi của bé, trong khi có rất nhiều cách nhẹ nhàng hơn. Khi rửa mũi cho con, các mẹ có thể dùng bông cuộn thành hình sâu kèn đặt vào một bên mũi của trẻ để thấm các dịch mũi, nước mũi chảy ra. Cách này vừa rất nhẹ nhàng không làm đau trẻ, vừa đảm bảo vệ sinh đường mũi. 7. Phao bơi cổ Hầu hết các bậc phụ huynh đều biết rằng cho trẻ học bơi là điều vô cùng cần thiết bởi ai cũng hiểu rằng lợi ích mà việc bơi lội đem lại là rất lớn. Bơi lội giúp trẻ tăng cường khả năng vận động, rèn luyện trí thông minh, nâng cao khả năng tập trung, tỉnh táo, hơn nữa còn cải thiện giấc ngủ cho bé. Chiếc phao bơi đỡ phần cổ được rất nhiều phụ huynh tin dùng. Nhìn qua thì vật dụng này có vẻ khá hữu dụng, an toàn nhưng sự thật là chúng không hề an toàn như mẹ nghĩ. Theo ý kiến của một số chuyên gia, thiết kế của phao để ôm vào phần xương cằm của trẻ chứ không phải là phần cổ phía dưới nên nếu bố mẹ không biết cách dùng hoặc không để ý khiến phao chèn vào đường thở gây khó thở, cực kỳ nguy hiểm. nếu không sử dụng đúng cách, phao đỡ cổ sẽ chèn lên xoang động mạch cổ. Trong xoang động mạch cổ có rất nhiều đầu dây thần kinh cảm giác, nếu nó bị chèn thì sẽ gây tụt huyết áp nhanh chóng, tim đập chậm, thậm chí khiến cho tim ngừng đập, dẫn đến thiếu máu não và bất tỉnh. 8. Giày tập đi Một đứa bé dưới 6 tháng tuổi không thể đi lại, thậm chí không đứng, không cần phải đi giày. Ngay cả khi bé đã học leo trèo và có thể đứng dậy, bạn nên để bé đi chân trần, vì dây thần kinh thực vật của bé rất phát triển, để chân trần có thể nắm bắt tốt hơn sự cân bằng, phối hợp các bước nhỏ của chính mình, học cách đứng và đi. Ngoài ra, cho trẻ mang giày quá sớm còn làm cản trở sự phát triển của chân, có thể khiến khả năng giữ thăng bằng của trẻ bị kém đi.