FastEhome.com- Đăng kí mở Shop bán hàng miễn phí Các doanh nghiệp đang gồng mình vừa chống dịch, vừa duy trì sản xuất, kinh doanh. Doanh nghiệp đang rất gắng sức “Không doanh nghiệp nào muốn dừng lại, tôi tin là như vậy khi nhìn vào cách mà doanh nghiệp đang căng mình vừa chống dịch, vừa duy trì sản xuất, kinh doanh”, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư. Trước đó, trong những kiến nghị của VCCI gửi Chính phủ về các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, tỷ lệ doanh nghiệp lo ngại không thể trụ vững qua được 3 tháng, 6 tháng luôn được nhấn mạnh. Nhưng lần này, sau khi nhận kết quả từ cuộc khảo sát nhanh về tác động của dịch Covid-19 đến các vấn đề lao động, việc làm tại doanh nghiệp mà VCCI thực hiện cuối tháng 3, đầu tháng 4/2020, những ứng xử linh hoạt và đầy trách nhiệm của doanh nghiệp, nhất là nỗ lực bảo vệ người lao động, đã khiến đề xuất của VCCI có thay đổi về thứ tự ưu tiên. “Trong khuyến nghị gửi Chính phủ, chúng tôi đã đề nghị trừ một số ngành, lĩnh vực rất hạn chế phải tạm thời đóng cửa, cần khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất lưu thông tiến hành theo nghĩa là kinh doanh an toàn”, ông Lộc nói. Tất nhiên, trong báo cáo VCCI gửi Chính phủ, điều kiện tiên quyết đi kèm đề xuất trên là tuân thủ đầy đủ các biện pháp phòng chống dịch bệnh. Đây là cách để doanh nghiệp có thể tự cứu mình, duy trì sản xuất, kinh doanh, bảo đảm việc làm cho người lao động, bảo đảm an sinh xã hội và bớt đi gánh nặng trợ cấp của Nhà nước trong bối cảnh ngân sách đang rất eo hẹp. Thực ra, có lý do để VCCI phải đưa khuyến nghị này vào mục đầu tiên của nhóm hơn 30 kiến nghị cụ thể cho các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp. Ngay sau khi có Chỉ thị số 16/CT-TTg về các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19, việc thực thi ở các địa phương có sự không thống nhất, dẫn đến tình trạng một số doanh nghiệp không được phép lưu thông hàng hóa, nguyên liệu, một số công trình bị đình chỉ thi công... Trong khi các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh theo chuỗi, nên tất cả các khâu của quá trình sản xuất, phân phối đều liên quan tới nhau, cần phải bảo đảm đồng bộ thì cả chuỗi mới hoạt động được, việc xử lý không thể cứng nhắc theo hướng chỉ cho phép sản xuất, kinh doanh sản phẩm, dịch vụ cuối cùng. “Đây là lý do VCCI đã đề nghị Chính phủ bổ sung và công bố ngay danh mục hàng hóa, dịch vụ thiết yếu phù hợp với điều kiện phòng, chống dịch Covid-19, tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất và lưu thông các hàng hóa dịch vụ này ngay cả trong trường hợp cần siết chặt hơn các biện pháp cách ly”, ông Lộc cho biết. Bên cạnh đó, VCCI cũng đề nghị Bộ Y tế có kịch bản hoặc quy định rõ ràng cho các doanh nghiệp, nhất là các trung tâm thương mại, siêu thị, doanh nghiệp trong khu công nghiệp… để hướng dẫn xử lý và cách ly khi có người lao động hay khách hàng đến giao dịch bị nhiễm Covid-19, tránh việc phải đóng cửa toàn bộ khu công nghiệp, doanh nghiệp khi không cần thiết. Sức ép dòng tiền Tuy nhiên, cũng không thể không nhắc đến thực tế, nếu tình hình dịch bệnh vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, có tới 30% doanh nghiệp cho biết, chỉ có thể duy trì hoạt động được không quá 3 tháng, 50% doanh nghiệp chỉ trụ được nửa năm. Đặc biệt, khảo sát của VCCI cũng cho thấy, trên 75% doanh nghiệp có thể phải thu hẹp quy mô lao động và có tới gần 10% số doanh nghiệp phải giảm tới một nửa số lao động so với hiện nay nếu dịch bệnh kéo dài. Trong khi đó, tới 60% doanh nghiệp cho biết bị đứt dòng tiền, thiếu vốn kinh doanh. “Hệ lụy của xu hướng này là hàng triệu lao động có nguy cơ mất việc làm trong những tháng tới đây. Chúng tôi đã phải đề nghị cho thực hiện ngay việc tạm hoãn nộp các khoản thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân của người lao động, bảo hiểm xã hội, phí công đoàn… trong khi chờ chính sách cụ thể”, ông Lộc cho biết. Cho tới đầu tuần này, thời điểm VCCI hoàn tất các đề xuất gửi Chính phủ, việc hướng dẫn thực hiện các giải pháp theo Chỉ thị số 11/CT-TTg về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19 của các bộ, ngành còn chậm. Ngay cả đề xuất giãn, hoãn nộp thuế, tiền thuê đất mà Bộ Tài chính đề xuất vẫn chưa có văn bản chính thức. Phải nói rõ, đây giải pháp trì hoãn cho doanh nghiệp, hộ gia đình, chứ không phải giảm thuế hay trợ cấp, vì khi hết thời hạn được giãn, các khoản thuế này vẫn nộp, nhưng không bị phạt nộp chậm. Đặc biệt, trong các giải pháp cụ thể để hỗ trợ dòng tiền cho doanh nghiệp, VCCI tiếp tục đề nghị cho thực hiện ngay việc hồi tố với chi phí lãi vay khi tính thuế trong 2 năm 2017 và 2018. Đồng thời với việc cho phép chuyển lỗ cho 5 năm tiếp theo, đề nghị cho phép khấu trừ các khoản lỗ của năm 2020 do ảnh hưởng của dịch Covid-19 vào năm lợi nhuận của năm 2019. “Lúc này, nhóm doanh nghiệp cần hỗ trợ nhất là doanh nghiệp đang còn có việc để làm, đang cần tiền để duy trì sản xuất. Đây chính là nguồn lực cần nâng niu, để kinh tế bật lại sau dịch”, ông Lộc khuyến nghị. Các biện pháp doanh nghiệp đang làm để duy trì hoạt động 73% doanh nghiệp có chính sách hỗ trợ người lao động. Trên 60% doanh nghiệp đã áp dụng phương thức làm việc linh hoạt về thời gian cho một bộ phận lao động. 42% doanh nghiệp tranh thủ thời gian dịch bệnh để đào tạo lại nhân lực. 41% doanh nghiệp tổ chức làm việc tại nhà. 46% doanh nghiệp không cắt giảm lao động, nhưng giảm giờ làm. Khoảng 20% doanh nghiệp đã buộc phải cắt giảm lao động. 21% doanh nghiệp đã cắt giảm lương để không phải cắt giảm lao động. Nguồn: Khảo sát nhanh về tác động của dịch Covid-19 đến các vấn đề lao động của VCCI