FastEhome.com- Đăng kí mở Shop bán hàng miễn phí Kẻ gian chiếm đoạt tài khoản ngân hàng từ người dùng, kêu gọi hỗ trợ, nhận tiền từ thiện trong giai đoạn dịch bệnh. Từ 13/9, trên các hội nhóm Facebook và fanpage nhiều người theo dõi xuất hiện các tài khoản đăng bài “cầu cứu” vì gặp khó khăn trong mùa dịch. Tuy nhiên, việc kêu gọi có dấu hiệu của lừa đảo. Những tài khoản xin tiền này ở nhiều địa phương khác nhau nhưng đều yêu cầu chuyển tiền vào một số tài khoản. Trả lời Zing, bà Nguyễn Mỹ Đường, chủ tài khoản ngân hàng trên đang hoàn tất thủ tục trả lại số tiền từ thiện nhận được. Dựng lên hoàn cảnh thương tâm để xin tiền online Trên các fanpage nhiều truy cập như ca sĩ Thủy Tiên, cầu thủ Duy Mạnh... xuất hiện hàng trăm tài khoản đăng bình luận với nội dung chia sẻ về hoàn cảnh thiếu thốn, khó khăn do ảnh hưởng do dịch bệnh. Từ những câu chuyện cảm động trong mùa dịch, những tài khoản này kêu gọi sự giúp đỡ của nhà hảo tâm bằng cách chuyển tiền vào tài khoản. Nhiều trường hợp kêu gọi giúp đỡ yêu cầu chuyển tiền vào cùng một số tài khoản. “Em tên Đường, hiện hoàn cảnh gia đình rất khó khăn. Vì chưa được công ty ứng lương nên không còn tiền ăn, cũng không nhận được cứu trợ. Quê em ở Cà Mau nhưng không có tiền để về quê cách ly tập trung. Mong mọi người giúp đỡ”, tài khoản có tên Trí Nhân bình luận trên trang của cầu thủ Đỗ Duy Mạnh. Cũng trong cùng bài viết này, một tài khoản khác cùng tên Đường, tự giới thiệu quê ở Sóc Trăng, vì dịch phải nghỉ việc và bị công ty nợ lương. Người dùng này xin tiền cộng đồng mạng để xoay xở trong mùa dịch, tích góp chi phí về quê. Thậm chí trên trang của Ronaldo, tài khoản Lê Văn Gió cho biết mình là mẹ đơn thân, nuôi con nhỏ và 3 tuần nữa sinh thêm một bé. Người này chia sẻ hoàn cảnh đang rất khó khăn, nợ hai tháng tiền trọ và không đủ chi phí để sinh con, nhờ nhà hảo tâm chuyển tiền giúp đỡ. Đây là 3 trong rất nhiều trường hợp "đáng thương" phải lên mạng xã hội để “cầu cứu”. Tuy nhiên, điểm bất thường là hàng trăm bình luận trên đều sử dụng tên Đường hoặc Dương. Người này chia sẻ đang gặp cảnh khó khăn cần được giúp đỡ và yêu cầu chuyển tiền vào một số tài khoản ngân hàng ACB đứng tên bởi Nguyen My Duong. Ngoài ra, số điện thoại những người này để lại cũng không thể liên lạc. Bên cạnh đó, các tài khoản này có dấu hiệu của tài khoản Facebook ảo, có ít bạn bè và đã lâu không đăng bài viết... “Có mạnh thường quân nhờ mình hỗ trợ hoàn cảnh này. Tuy nhiên, mình nhờ bên khu vực tìm thông tin thì không có. Sau khi kiểm tra lại thì phát hiện ra người này chuyên tạo tài khoản ảo, bịa đặt hoàn cảnh thương tâm để xin hỗ trợ và đăng lên rất nhiều nơi”, tài khoản Hồng Phượng đăng tải vào ngày 17/9 sau khi xác minh một trường hợp cầu cứu bằng số tài khoản ngân hàng tên Nguyen My Duong. Chủ tài khoản nhận tiền từ thiện cũng là nạn nhân Liên hệ với Zing, bà Nguyễn Mỹ Đường, ngụ Phú Nhuận, TP.HCM chủ tài khoản ngân hàng ACB trên cho biết bản thân cũng là nạn nhân. “Tài khoản ngân hàng ACB của tôi là tài khoản phụ nên tôi không hay kiểm tra và không biết đã bị chiếm quyền từ lúc nào”, bà Đường cho biết. Chủ tài khoản ngân hàng cũng là nạn nhân. Theo bà Đường, sau khi kiểm tra tài khoản qua ứng dụng ngân hàng, bà phát hiện mình nhận được rất nhiều khoản giao dịch bất thường với nội dung chuyển tiền như “chút tấm lòng”, “của ít lòng nhiều”, “em đọc được bình luận nên gửi anh chị, mong anh chị sớm vượt qua”. “Tôi thử tìm trên Facebook thì phát hiện ra rất nhiều bài đăng, bình luận ăn xin online dưới tên và số tài khoản của mình. Ngay sau đó, tôi đăng bài lên trang cá nhân để thông báo về việc tài khoản ngân hàng của mình bị lấy để đi lừa đảo trên mạng”, bà Đường chia sẻ với Zing. Bà Đường cho biết đã yêu cầu khóa thẻ từ xa ngay lập tức nhưng chỉ chặn được việc rút tiền, không ngăn được tiền chuyển tới. “Vì dịch bệnh nên rất khó khăn tôi mới có thể ra ngân hàng để khóa tài khoản và sao kê số tiền giao dịch. Tôi còn phải ghi lại các khoản ủng hộ của nhà hảo tâm để chuyển hoàn”, bà Nguyễn Mỹ Đường cho biết. Theo tài liệu sao kê của bà Đường chia sẻ với Zing, từ ngày 11-18/9, kẻ gian đã chiếm đoạt 34,7 triệu đồng, gồm 7,3 triệu đồng có sẵn trong tài khoản và 27,4 triệu đồng của mạnh thường quân ủng hộ. Sau khi bà Nguyễn Mỹ Đường khóa tài khoản, những Facebook ảo trên chuyển sang sử dụng số tài khoản khác với cùng một chiêu bài để tiếp tục lừa đảo trên mạng xã hội Facebook. Nở rộ lừa đảo trong mùa dịch Trong thời kỳ dịch bệnh xuất hiện nhiều thủ đoạn lừa đảo mới của các đối tượng. Ngày 24/7, Công an Hà Nội phát cảnh báo về việc kẻ gian lợi dụng diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, giả mạo người của cơ sở điều trị bệnh hoặc các tổ chức y tế để lừa người dân hòng chiếm đoạt tài sản. Ngày 29/7, Trung tâm Giám sát An toàn Không gian mạng Quốc gia (NCSC) cảnh báo hiện có một số trang web lợi dụng tình hình dịch bệnh để giả mạo thông tin tổ chức nhà nước để lừa người dùng cung cấp thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng. NCSC khuyến nghị người dùng Internet cần nâng cao cảnh giác để bảo vệ mình và người thân trước những nguy cơ lừa đảo đang ngày càng gia tăng. Các thủ đoạn lừa đảo thường thấy gồm: giả mạo thông tin của tổ chức y tế, giả mạo trang web liên quan đến COVID-19, lừa đảo liên quan đến nhu yếu phẩm thiết yếu bán lẻ, đến hoạt động từ thiện, hoạt động đầu tư… Trước đó, ngân hàng BIDV đã phát đi cảnh báo người dùng về hình thức lừa đảo mới thông qua mạng xã hội. Theo BIDV, kẻ gian giả mạo và chiếm đoạt tài khoản Facebook của khách hàng, đồng thời nhờ người có tên trùng với nạn nhân mở tài khoản ngân hàng. Sau đó, đối tượng liên hệ với người trong danh bạ của nạn nhân (dữ liệu có thể đánh cắp hoặc mua bất hợp pháp) để hỏi vay tiền. Vì số tài khoản và tên chủ tài khoản giống với tên của người bị mạo danh khiến nhiều người tin tưởng và chuyển tiền. Hồi tháng 7, Ngân hàng nhà nước cũng ra văn bản cảnh báo 7 thủ đoạn lừa đảo phổ biến liên quan đến thanh toán, ngân hàng người dùng cần cảnh giác như giả mạo công ty tài chính mời vay vốn, hướng dẫn khách hàng cài app trên điện thoại; mạo danh nhân viên nhà mạng nhằm chiếm đoạt quyền sử dụng số điện thoại của khách hàng… Zing