FastEhome.com- Đăng kí mở Shop bán hàng miễn phí Tại hội nghị Global Press Conference (GPCIFA19) nhằm mang lại cái nhìn tổng quan về xu hướng công nghệ trong năm nay, GfK đã công bố những con số thú vị về thị trường sản phẩm điện tử tiêu dùng (Technical Consumer Goods - TCG) toàn cầu theo thống kê năm 2018 cũng như dự đoán 2019. Nhìn chung tổng trị giá sản phẩm bán ra toàn cầu năm nay dự kiến sẽ đạt trên 1052 tỉ EUR (~1180 tỉ USD), thị phần các danh mục sản phẩm không có nhiều biến động, nhóm điện tử tiêu dùng sẽ tiếp đà tăng trưởng nhờ sự cải tiến liên tục về công nghệ, trong khi đó xu hướng "thông minh hoá" các thiết bị gia dụng sẽ làm tiền đề thúc đẩy thị trường này. Điều GfK nhấn mạnh về thị trường TCG hiện tại là qua khảo sát, có đến 65% người dùng đồng tình rằng giờ đây họ kiểm soát tốn hơn về thứ sẽ mua, tức là hiểu về sản phẩm mình sẽ chọn mua cũng như chọn sản phẩm tốt nhất để mua. Nói dân dã, người dùng đã thông thái hơn khi chọn mua sản phẩm công nghệ. Theo GfK thì thị trường TCG được định hướng bởi 5 yếu tố chính gồm hiệu năng - trải nghiệm sản phẩm, tính năng cao cấp; sự đơn giản - đơn giản trong kết nối, hỗ trợ nhận dạng giọng nói; sự cao cấp - những sản phẩm mang lại cái "chất riêng" cho người sở hữu với mức giá cao cấp; trải nghiệm mua sắm không biên giới - mua ở bất cứ đâu, mọi thời điểm, trùng hợp với xu hướng mua sắm trên điện thoại đang lên; tác động của các nền kinh tế đang phát triển - bản chất các nền kinh tế này đang dần trưởng thành và thị trường đang chuyển dịch. Dựa trên thống kê GfK POS Panels toàn cầu, GfK cho biết xu hướng đang phát triển đó là người dùng đang chi trung bình cao hơn cho các sản phẩm công nghệ sáng tạo. Đặc biệt là tại Trung Quốc, người dùng tại đây chi trung bình 167 EUR cho sản phẩm mới, cao hơn 5 EUR so với sức chi của người dùng tại châu Âu và hơn 37 EUR so với mức giá thế giới. Như vậy, sự cải tiến về công nghệ chính là chìa khoá để ngành công nghiệp TCG phát triển. Điều này không mới nhưng nó càng hiện rõ hơn trong những năm gần đây khi mà làng công nghệ không có nhiều đột phá. Càng thú vị hơn khi GfK cho biết chu kỳ cải tiến công nghệ của các danh mục sản phẩm TCG đang có sự phân biệt rõ ràng. Trong khi các nhóm sản phẩm như điện tử tiêu dùng, di động, IT đang có sự cải tiến nhanh hơn, chu kỳ sản phẩm được rút ngắn thì mảng gia dụng ngược lại cải tiến chậm hơn và chu kỳ sản phẩm kéo dài. Trong buổi họp nói về "thị trường điện tử tiêu dùng hôm nay và ngày mai", giám đốc phân tích chiến lược thị trường toàn cầu - Markus Kick của GfK cho biết thị trường bán lẻ những thiết bị như điện thoại, IT, TV, âm thanh trên toàn cầu đều cho thấy sự tăng trưởng với mức trung bình 4%, mang lại doanh thu 749 tỉ EUR (840 tỉ USD). Smartphone vẫn chiếm thị phần lớn trên thị trường điện tử tiêu dùng nhưng nếu nói về một thế lực đang lên thì tai nghe và loa Bluetooth mới cho thấy con số tăng trưởng về doanh thu và thị phần ấn tượng nhất. Chỉ trong năm ngoái, mảng tai nghe mang lại doanh thu cao hơn 37% so với 24 tháng trước đó trong khi loa Bluetooth là 14% mặc dù thị phần của 2 nhóm sản phẩm này vẫn lần lượt là 2% và 1% trên tổng thị trường. Không chỉ loa Bluetooth, những hệ thống loa cỡ lớn và soundbar cho TV cũng mang lại doanh thu tăng 5% cho các nhà sản xuất Với thế giới điện tử tiêu dùng, hiệu năng là yếu tố được người dùng chú trọng hàng đầu. Hiệu năng mang lại trải nghiệm và tính năng, thứ thúc đẩy họ phải bỏ tiền để có được thứ mình mong muốn. Người tiêu dùng quan tâm gì khi mua một chiếc PC? Đơn giản là hiệu năng, trải nghiệm chơi game, với laptop thì phải di động, thiết kế đẹp; với điện thoại thì sao? Camera phải chất lượng để có thể chụp lại mọi khoảnh khắc và chia sẻ, đủ dung lượng bộ nhớ để lưu đủ thứ; còn với âm thanh? Trải nghiệm như rạp phim là thứ họ mong muốn khi mua soundbar, tai nghe true wireless thì phải linh hoạt, dễ kết nối, chất lượng âm thanh tốt; TV? Chất lượng hình ảnh và kích thước càng to càng tốt, đây vẫn là xu hướng. GfK cũng dành riêng một bài phân tích cho hệ sinh thái gaming - ban đầu là một thị trường ngách nhưng đã bùng nổ trở thành một ngành công nghiệp đặc thù. Với những thứ xoay quanh game, laptop chơi game tăng trưởng 24%, máy tính để bàn tăng 2%, màn hình chơi game thật ngạc nhiên khi tăng trưởng đến 45%, tai nghe chơi game tăng 44%, chuột chơi game 11% và bàn phím tăng 8%. Riêng tại khu vực APAC (trừ Trung Quốc) thì mức tăng trưởng của thị trường thiết bị gaming tăng 32% với doanh số bán ra đạt 0,8 tỉ EUR, châu Âu tăng 14% với doanh số bán đạt 1,9 tỉ EUR còn riêng tại Trung Quốc, mức tăng trưởng là 29% với doanh số bán đạt 4,2 tỉ EUR. Sức mua của các danh mục sản phẩm điện tử tiêu dùng cũng tăng đột biến vào những dịp khuyến mãi lớn như Giáng sinh và đặc biệt là Black Friday. Thú vị ở chỗ là thói quen mua sắm của người dùng dịp lễ đã chuyển dịch lớn từ các cửa hàng bán lẻ truyền thống sang các cửa hàng bán lẻ trực tuyến khi 88% đồng tình rằng những dịp khuyến mãi theo mùa đã khiến họ chi tiêu nhiều hơn khi mua sắm trực tuyến. Theo thống kê tại các thị trường lớn tại châu Âu, chỉ riêng dịp Black Friday, giá trị hàng hoá bán ra của các sản phẩm smartphone, IT, TV và âm thanh năm 2018 đã tăng 66% so với năm 2015 chỉ riêng với hình thức mua sắm trực tuyến. Trong khi thị trường điện tử tiêu dùng vẫn đang tiếp đà phát triển của những năm trước nhờ sự thay đổi liên tục về công nghệ thì thị trường thiết bị gia dụng bao gồm SDA (Small Domestic Appliances - đồ gia dùng cỡ nhỏ, thường để trên bàn, trong nhà bếp như máy xay sinh tố, máy pha cà phê, máy nướng bánh mỳ, …) và MDA (Major Domestic Appliances - đồ gia dùng cỡ lớn như máy giặt, tủ lạnh, máy rửa chén, lò nướng, máy điều hoà …) cũng tăng trưởng nhưng với tỉ lệ thấp hơn, doanh thu cũng thấp hơn nhưng thị trường này đang đứng trước nhiều xu hướng mới, theo chuyên gia phân tích thị trường mảng thiết bị gia dụng Norbert Herzog đến từ GfK (ảnh trên). Tính đến năm 2018, thị trường thiết bị gia dụng tăng trưởng 3% với doanh thu 262 tỉ EUR (293 tỉ USD) trong đó SDA tăng 5% và MDA tăng 1%. Nếu như thị trường điện tử tiêu dùng có mức tăng trưởng cao nhất ở khu vực châu Á Thái Bình Dương thì thị trường thiết bị gia dụng lại tăng trưởng tốt nhất ở Mỹ Latin với mức 6%. Tuy nhiên, ở châu Á Thái Bình Dương, người dùng đang mua nhiều thiết bị thuộc nhóm SDA hơn với mức tăng trưởng đến 20%, MDA vẫn 1%. Sự đơn giản là yếu tố tác động đến quyết định mua hàng, trái với hiệu năng hay trải nghiệm của thị trường thiết bị tiêu dùng như đã nói ở trên. 43% người dùng đồng ý rằng họ sẽ chi nhiều tiền hơn để mua những sản phẩm khiến cuộc sống trở nên đơn giản hơn. Chính vì suy nghĩ này mà những thứ như robot hút bụi đang bán rất tốt với giá trị hàng bán ra tăng 35% trong năm 2018 so với 2016. Những sản phẩm của nhóm MDA có chức năng hấp, sấy bằng hơi như bếp điện, lò nướng, máy sấy quần áo, máy giặt, máy rửa chén cũng tăng trưởng ở mức 30%. Tuy nhiên nhìn chung thị trường thiết bị gia dụng truyền thống đều có sự sụt giảm nhẹ về doanh số. Vậy xu hướng nào đang mở? GfK nhấn mạnh những thiết bị chăm sóc cá nhân và giặt ủi vẫn dẫn đầu sự phát triển của thị trường này, nhất là khi có yếu tố "thông minh" xen vào. Chẳng hạn như trong nhóm SDA, 2 thứ đang tăng trưởng mạnh nhất là cân điện tử thông minh và máy lọc không khí, từ 2015 đến 2018 tăng 10% về giá trị hàng hoá bán ra, trong khi đó ở nhóm MDA, máy sấy và máy giặt tăng 16% trong cùng kỳ nhờ yếu tố "thông minh". Ngoài ra, người dùng cũng sẵn sàng chi nhiều tiền hơn cho những sản phẩm cao cấp. Chỉ tính riêng quý 4 tại thị trường APAC trong đó có Việt Nam, những mặt hàng như máy làm tóc có giá trên 100 USD lại bán chạy hơn so với thứu tương tự có giá dưới 100 USD, mức tăng trưởng đến trên 100%. Trong khi đó với loại máy sấy cầm tay có giá trên 300 USD cũng đuọc chọn mua nhiều hơn máy sấy giá dưới 300 USD với mức tăng trưởng trên 800%. 2 chỉ số tăng trưởng này trên thị trường thế giới lần lượt là 59% và 75%. Sự chuyển dịch về hình thức mua sắm cũng tương tự, 48% người dùng đồng ý rằng họ dùng smartphone để mua sắm nhiều hơn là ra cửa hàng truyền thống. Qua những con số thống kê và dự đoán trên, anh em đã có thể thấy được sự chuyển dịch của thị trường điện tử tiêu dùng và thiết bị gia dụng trong thời gian qua. Những con số tổng quát nhưng nó cho thấy Việt Nam không nằm ngoài xu hướng chung. Hy vọng qua đây, những anh em đang kinh doanh bán lẻ thiết bị điện tử sẽ có thêm những gợi ý về chiến lược còn với người tiêu dùng, chúng ta sẽ biết được làn sóng công nghệ tiếp theo, từ đó mua sắm hợp lý hơn.