FastEhome.com- Đăng kí mở Shop bán hàng miễn phí Tại sự kiện Google I/O 2019, giám đốc điều hành Sundar Pichai nói rằng "Một phần của sự hữu ích đó là giúp bạn tiết kiệm thời gian và khiến mọi ngày của bạn trở nên dễ dàng hơn một chút." Vì vậy Google tiếp tục đầu tư mạnh mẽ vào Google Assistant nhằm khiến trợ lý ảo này không chỉ thông minh hơn mà còn có thể nhận dạng giọng nói chính xác và xử lý nhanh hơn. Những màn demo dưới đây chắc chắn sẽ khiến anh em ngạc nhiên: Google Assistant hiện đang sử dụng các thuật toán rất phức tạp trong đó có nhiều mô hình máy học (Machine Learning). Một mô hình sẽ bản đồ hoá âm thanh nhận được thành các ngữ âm và một mô hình sẽ ghép các đơn vị ngữ âm này lại thành các từ. Sau đó một mô hình thứ 3 sẽ dự đoán khả năng các từ ghép được đúng với từ được người dùng nói ra, tạo thành chuỗi từ hay lệnh hoàn chỉnh. Các khâu xử lý này sẽ cần hàng trăm GB lưu trữ nhưng Google đã có thể nén lượng dữ liệu khổng lồ này xuống dung lượng chỉ còn 0,5 GB, đủ để lưu trên điện thoại. Như vậy một chiếc điện thoại Android sẽ chứa cả một trung tâm dữ liệu của Google và việc có một có một kho dữ liệu nội trú sẽ loại bỏ độ trễ của kết nối mạng, khiến Google Assistant có thể phản hồi nhanh hơn, nhanh gấp 10 lần so với tốc độ phản hồi hiện tại. Dưới đây là màn demo của cô Meggie xinh đẹp đến từ Google. Các lệnh được Meggie lần lượt đưa ra là: Mở Calendar > Mở Calculator > Mở Photos > Đặt đồng hồ đếm ngược 10 phút > Hỏi về thời tiết hôm nay > Thời tiết ngày mai > Mở Twitter của John Legend > Mở ứng dụng Lyft và đặt xe từ địa điểm hiện tại về khách sạn > Bật đèn flashlight > Tắt đèn > Chụp selfie. Google Assistant xử lý rất nhanh các lệnh, không bỏ sót lệnh nào và toàn bộ các lệnh được đưa ra hoàn tất trong khoảng 30 giây. Thêm vào đó, Google Assistant đã được nâng cấp một tính năng rất quan trọng nữa đó là có thể nghe và thực hiện lệnh nhanh mà không cần đến câu "Hey, Google". Trong đoạn demo tiếp theo, Meggie nhận được một tin nhắn và cô chỉ đơn thuần bắt đầu nhắn tin trả lời mà không cần lệnh "triệu hồi" như chúng ta vẫn làm. Ứng dụng Message mở ra ngay sau khi cô soạn tin nhắn nhanh từ màn hình Home bằng giọng nói và lúc này,Meggie lại yêu cầu Google Assistant mở Photos và đặc biệt chỉ chọn ra các hình ảnh đã chụp tại vườn quốc gia Yellowstone. Google Assistant lập tức trả các kết quả tương ứng với yêu cầu và lúc này Meggie tiếp tục yêu cầu lựa ra tấm hình có động vật. Số ảnh chụp tại Yellowstone tiếp tục được lọc và chỉ còn 4 tấm hình có động vật. Maggie nhấn chọn vào tấm hình chụp con bò rừng và tiếp rục ra lệnh : Gởi nó cho Justin - người mà cô đang nhắn tin. Ngay từ màn hình Message, Meggie truy vấn về chuyến bay và thông tin về chuyến bay của cô được hiển thị ngay tại chỗ thay vì trong ứng dụng khác. Như vậy Meggie có thể trả lời anh Justin về giờ bay mà không cần phải chuyển qua lại giữa các ứng dụng. Trong màn demo tiếp theo, Meggie yêu cầu Google Assistant gởi một email, mọi thứ đều được thực hiện bằng giọng nói. Google Assistant nhận dạng rất tốt nội dung email có phần phức tạp hơn so với các lệnh truyên vấn thông thường và khi hoàn tất, cô nói Send it và email được gởi đi. Những cải tiến trên Google Assistant sẽ xuất hiện trên thế hệ Pixel Phone mới ra mắt cuối năm nay. Như vậy có thể thấy Google Assistant sắp tới sẽ còn lợi hại hơn khi vừa có thể thực thi lệnh nhanh, hỗ trợ chúng ta làm việc đa nhiệm, vừa có thể nhận dạng giọng nói chính xác giúp chúng ta soạn thảo nội dung mà không cần dùng đến bàn phím cảm ứng. PICK FOR YOU! Gợi ý thực đơn cho bữa ăn dựa trên sở thích của người dùng. Chẳng hạn như Scott Huffman được gợi ý những món như gà Bourbon, tôm kiểu Bồ Đào Nha bởi trước đó anh từng truy vấn Google về công thức nấu những món như BBQ hay tìm hiểu về món ăn Bồ Đào Nha. Như vậy với những gì bạn tìm kiếm thì Google sẽ biết được bạn thích gì và đưa ra gợi ý tương ứng với từng người. Tương tự với những thông tin về địa điểm, Scott Huffman đưa ví dụ về Mom's House tức nhà của mẹ. Ý anh muốn tìm hiểu thông tin về khu vực xung quanh nhà của mẹ, thế nhưng với từ khoá Mom's House thì sẽ có hàng tá thứ có tên gọi như vậy, chẳng hạn như một tổ chức phi từ thiện, một nhà hàng, một cửa hàng tiện lợi. Vậy làm sao Google biết được nơi mình muốn tìm là nhà của mẹ? Scott tiết lộ Google sử dụng công nghệ Knowledge Graph - một dạng sơ đồ hiểu biết về nhiều thứ trên thế giới và mối quan hệ của chúng. Áp dụng mô hình tương tự thế giới của mỗi người, Google gọi đây là Personal Reference và một khi những thông tin như địa chỉ của người cần tìm được chia sẻ với Google Assistant, bạn có thể truy vấn những thứ như tình trạng thời tiết quanh địa chỉ đó hay tình hình giao thông. Như vậy khi bạn hỏi về một địa điểm thuộc cá nhân bạn, Google Assistant sẽ trả kết quả liên quan thay vì một cái nhà hàng hay cửa hàng cùng tên. DRIVING MODE Đây là tính năng mới dành cho Google Assistant hoạt động với Google Maps. Với lệnh "Hey Google, let's drive" thì Driving Mode sẽ mở với một giao diện gồm nhiều thẻ gợi với nhiều shortcut như mở tính năng dẫn đường, xem cuộc gọi nhỡ và gọi lại, phát nhạc, những người thường liên lạc, … Những thẻ tính năng và nội dung đều được định hướng cho từng cá nhân. Chẳng hạn như bạn đã đặt bàn ăn tối, lịch hẹn đã được lưu trong Google Calendar thì thẻ dẫn đường trong Driving Mode sẽ gợi ý đường đến nhà hàng. Bạn có thể nhận hoặc huỷ cuộc gọi chỉ bằng giọng nói, khi đang lái xe có thể yêu cầu Google phát nhạc từ Spotify. Driving Mode được thiết kế để hoạt động bằng giọng nói nhằm giúp người lái xe tập trung vào con đường phía trước. ALARM? STOP! Một tính năng nhỏ mà cực hữu ích đó là giờ đây bạn có thể ra lệnh cho chiếc điện thoại, chiếc loa thông minh đang phát nhạc báo thức inh ỏi phải "câm nín" chỉ với lệnh Stop, không cần Hey Google gì hết. Google cho biết tính năng nhỏ này sẽ bắt đầu được phát hành cho Smart Display, Google Home dùng trợ lý ảo Google Assistant ngay hôm nay.