Giúp bé đi nhà trẻ dễ dàng và tự nhiên

Thảo luận trong 'Chuyện trò' bắt đầu bởi snowflakeonthemoon, 6/5/19.

  1. Giúp bé đi nhà trẻ dễ dàng và tự nhiên

    Giúp bé đi nhà trẻ dễ dàng và tự nhiên

    LIÊN HỆ (287 Đọc / 0 Thích / 0 Bình luận)
    1. Thông tin chủ đề
    2. Tỉnh/TP: Toàn quốc
    3. Tình trạng hàng: N/A
    4. Nhu cầu: N/A
    1. Thông tin người đăng
    2. Tài khoản: snowflakeonthemoon
    3. Ngày đăng: 6/5/19 lúc 11:56
    4. Số điện thoại:
  2. G

  3. FastEhome.com- Đăng kí mở Shop bán hàng miễn phí no-spam Chuẩn bị tâm lý cho trẻ trước khi đi học là một yếu tố quan trọng không kém việc chọn trường cho bé các cha mẹ nhé!

    Có rất nhiều cha mẹ bỏ cuộc và tìm trường khác cho con ngay khi con mới đi học thử được 1, 2 tuần và việc này vô tình đẩy bé vào trạng thái tâm lý lo lắng hơn gấp đôi, gấp ba so với lần đầu.

    Nếu ba mẹ đã tìm hiểu trường kỹ lưỡng rồi, hãy chuẩn bị cho bé tâm thế đi học, giúp bé đến trường thật vui nhé!
    Có rất nhiều nguyên nhân khiến cho bé “sợ” hoặc “chưa sẵn sàng” đi học. Nhất định là: “Con không đi học trường này đâu!”

    NGUYÊN NHÂN TỪ GIA ĐÌNH
    Trẻ nhỏ vốn dĩ ngây thơ, trong sáng và không biết sợ hãi bất kỳ điều gì, con gì hay cái gì. Hầu hết các trường hợp khi đứa trẻ sợ hãi điều gì đó, thường xuất phát từ việc chúng được “thừa hưởng” lại kinh nghiệm được “truyền” lại từ cha mẹ, hoặc những người lớn trong gia đình một cách cố tình hoặc do sơ ý. “Ối! Đừng lại gần con sâu, nó bắn lông vào ghê lắm!”, “Đừng sờ vào con ốc sên, bẩn lắm!!!”, “Đừng …”

    Việc “dọa nạt vô cớ” của một số người lớn khiến đứa trẻ trở nên nhút nhát và sợ hãi. Nhiều khi, cha mẹ “dọa” con rất vô căn cứ, có thể là mượn hình ảnh của những người trông “có vẻ dữ tợn” để dọa con, ép con ăn, ép con ngủ, ép con theo ý của mình. Một câu vu vơ kiểu như: “Con không ngủ là bố gọi chú công an đến bắt con luôn!” (Thực tế là đứa trẻ sẽ không bao giờ hiểu được tại sao nó cần phải ngủ, thay vào là nó thấy chú công an là kẻ đáng sợ vô cùng…Nó ngủ vì nó sợ chú công an chứ nó không biết đó là đã muộn, đã đến giờ đi ngủ, con cần ngủ đủ để khỏe mạnh…)

    Khi trẻ muốn đi chơi mà bố mẹ thấy không hợp lý, một số bố mẹ dọa ma, dọa ông ba bị, dọa có kẻ xấu ở ngoài đường. Bố mẹ muốn con hòa đồng với bạn bè, biết chia sẻ nhưng lại dạy con “Con không ăn nhanh bạn sẽ ăn mất! Con không cất đồ chơi thì bạn sẽ lấy mất! … Tạo cho con có tâm lý lo sợ người lạ, người ngoài, có xu hướng ganh tị ngay từ nhỏ.

    Một số bố mẹ hay nói dối và “lừa” con. Khi bố mẹ có việc bận cần phải đi, thường hay kiếm cớ hoặc chờ bé mải chơi rồi “trốn”, khi con phát hiện ra sự vắng mặt của bố mẹ, con hoảng sợ và lo lắng. Nếu bé đang ở nhà với gia đình, việc bị bố mẹ “bỏ rơi” lại khiến bé cảm thấy khá “ấm ức” rồi, còn nếu là một nơi lạ lẫm với bé (như trường học, trong những ngày đầu tiên), bé sẽ cảm thấy lo lắng vô cùng. Lúc đó, chẳng còn gì với bé là niềm vui, là chỗ dựa được nữa. Cô hay bạn, hay đồ chơi dù có cao cấp, có hấp dẫn đến mấy thì cũng chẳng có ý nghĩa gì với bé nữa. Khi đó, bé rất dễ bị tổn thương và mất niềm tin vào bố mẹ, sinh ra cảm giác sợ sệt, bám bố, bám mẹ nhiều hơn.

    Nề nếp sinh hoạt ở nhà và ở trường rất khác nhau. Khi con ở nhà, con ăn, ngủ, chơi tùy thích. Nhiều bé thức rất khuya và dậy rất muộn, nên giờ ngủ trưa thường từ 2-4h chiều. Có những bé ăn còn phải bật tivi, xem hoạt hình, xem quảng cáo hoặc bế đi rong mới chịu ăn. Vậy nên, khi đi học, không phải bé nào cũng sẵn sàng với việc ngồi vào bàn để ăn cùng các bạn…hay chịu đi ngủ ngay khi đến giờ. Ba mẹ cần hiểu điều này để điều chỉnh giờ giấc và thói quen cho bé phù hợp. Có những bé mất đến 2-3 tháng mới quen được với trường mới.
    Khi con đi học rồi, một số bố mẹ hay mang cô giáo hoặc trường học ra làm hình phạt đối với con. “Con không ngoan, mai mẹ cho đến lớp!”, “Con không ăn, mẹ gọi cô Linh đến xúc cho con!”…Với những hình ảnh được dựng lên “méo mó” như vậy, làm sao đứa trẻ thích đến trường. Mặc dù khi ở lớp, con là một đứa trẻ rất ngoan ngoãn, không phải do Cô Linh hay ai dọa nạt con cả. Chỉ vì con không ngoan khi ở nhà như khi con ở lớp.

    Để giải quyết nguyên nhân này, cha mẹ nên để ý cách nói chuyện với trẻ trong mọi hoàn cảnh. Trẻ càng nhỏ, học càng nhanh và rất để ý. Vì vậy, thay vì ra lệnh và ép buộc trẻ, bố mẹ hãy “thủ thỉ” với trẻ lý do và mong muốn của mình. “Bây giờ đã muộn rồi! Bố mẹ muốn con đi ngủ! Đi ngủ đúng giờ, con sẽ rất khỏe mạnh!…”, “Con sâu không đáng sợ, nhưng nó có bộ lông rất đặc biệt. Nếu con trêu chọc nó, nó sẽ bắn lông vào người con, làm cho con bị ngứa đấy! Bố nghĩ là con không thích bị ngứa đâu nhỉ!”… Có thể bạn cho rằng đứa trẻ chưa đủ “trình độ” để hiểu hết những lời bạn nói, nhưng bé biết chính xác là bạn đang hướng dẫn cho bé một cách rất nhẹ nhàng bằng logic, khoa học… từ từ những trải nghiệm trong cuộc sống sẽ giúp bé hiểu rõ các vấn đề. Nhưng có một điều mình chắc chắn với các bạn là bé sẽ rất tin tưởng vào bố mẹ mình. Để làm được điều này, bản thân mình cũng phải mua một quyển “Bách khoa toàn thư” hoặc tra cứu anh Google thường xuyên, mới có được kiến thức chính xác và đúng đắn để có “tư cách” nói chuyện với con. Nói với trẻ đơn giản, ngắn gọn và chính xác nhé! Những gì bạn đưa vào não trẻ, sẽ là những nét vẽ đầu tiên trong tâm trí của con. Dọa nạt và lảng tránh sự thật không bao giờ là cách dạy đúng đắn cả!

    Với việc đi học cũng vậy, bố mẹ hãy tạo cho con một bước đệm thật tốt bằng cách “đi học” cùng với con những ngày đầu tiên nhé! Hãy tìm những trường cho phép phụ huynh đồng hành cùng con cái khi trẻ mới đến trường. Cùng với con làm quen với các cô, các bạn, tham dự những giờ học và các giờ sinh hoạt với con. Cho dù bé có biểu hiện tốt, nhanh chóng quen với lớp, chơi vui với các bạn cũng đừng vội mừng, bỏ lại bé đi đâu đó. Hoặc trong trường hợp cần phải đi, cũng nói với bé rất rõ ràng: “Bố mẹ phải đi làm rồi! Con ở lại chơi với các cô, các bạn, chiều bố mẹ sẽ đón con sớm!” Bé có thể sẽ khóc, sẽ bám bố mẹ nhưng bé sẽ dần hiểu được trách nhiệm của mình, không có cảm giác bị lừa dối. Bố mẹ cần duy trì việc nói cho bé hiểu về công việc và trách nhiệm của mỗi người trong gia đình. Để bé biết bé phải làm gì khi không có bố mẹ ở bên. “Con ở lại lớp chơi với các cô, các bạn. Con chơi ngoan, ăn ngoan, ngủ ngoan, bố mẹ mới yên tâm đi làm. Bố mẹ đi làm mới có tiền đưa con đi chơi nhiều nơi, có tiền mua đồ ăn, mua quần áo cho con, đồ chơi, sách truyện cho con…”

    Thường thường, việc này chỉ mất khoảng 1 tuần thôi (2 tuần với những bạn nhỏ quá hoặc “nhạy cảm” quá), nhưng mình chắc chắn với các bố mẹ là các bé sẽ thích nghi được tự nhiên nhất. Không bị “sốc” hay lo lắng khi đi học. Thêm vào đó, đây là một cơ hội rất tốt để bố mẹ tìm hiểu trường lớp kỹ lưỡng về trường, thực tế việc ăn, học, nghỉ ngơi của bé có được nhà trường thực hiện nghiêm túc như họ “quảng cáo” hay không.

    NGUYÊN NHÂN TỪ NHÀ TRƯỜNG

    Cho dù ngôi trường bạn đã tìm hiểu rất kỹ, rất ưng ý và bạn cũng chuẩn bị tâm lý cho bé rất tốt theo những hướng dẫn ở trên. Bạn cũng đi học cùng với bé rồi, bé vẫn nhất định không chịu đi học thì phải làm thế nào??? Nếu tình trạng kéo dài trong tuần thứ 2 đến thứ 4 của tháng đầu tiên, bạn cần tìm hiểu nguyên nhân từ phía cô giáo và trường học.

    Có thể con bị bạn cùng lớp trêu chọc, tranh giành đồ chơi. Cũng có thể cô giáo vô tình “để mặc” con một mình hơi lâu khi con là “người mới”, con cần được quan tâm nhiều hơn. Đồ ăn ở trường không hợp với con, chỗ con ngủ bị nhiều ánh sáng quá, con không ngủ được, con mệt mỏi. Con muốn được bố mẹ đón sớm hơn những ngày đầu tiên đi học để con khỏi “mong ngóng” khi có bạn được đón rồi… Hãy dành mỗi ngày 5 phút để trao đổi với cô giáo những thay đổi bất thường của con, kịp thời điều chỉnh để giúp bé thích nghi với môi trường mới nhé!

    Khi về nhà, bố mẹ hãy “tỉ tê” để tìm hiểu thêm nguyên nhân nhé! Dùng những câu chuyện, những cuốn sách hay về trường học, bạn bè, khéo léo lồng ghép để giúp bé biết cách “ứng xử” phù hợp. “Con thấy không, trong câu chuyện, bạn Bi tranh đồ chơi của bạn Tom là chưa ngoan đâu. Bạn ấy còn đánh bán Tom nữa. Nếu con thấy như vậy con sẽ làm gì? ... (Hãy chờ trẻ suy nghĩ và đợi trẻ trả lời. Nếu trẻ giải quyết được ngay thì rất tốt, còn không, bạn hãy gợi ý cho bé: “Con có nghĩ là, con sẽ nhờ cô giáo phân xử không? Hay con tự nó với Bi là Bi không được tranh đồ chơi của Tom như thế!... ” Có những sự việc tưởng chừng rất đơn giản, lại xảy ra thường xuyên với bé, nhưng bản thân bé không tự giải quyết được hoặc không biết phải làm thế nào. Cô giáo có thể đang bận việc không quan sát hết được học sinh hoặc cô “giải quyết” không công bằng. Bản thân trẻ cảm thấy “bất công” mà không biết phải làm sao… Ví dụ như khi bé bị bạn trêu chọc hay chỉ là thấy các bạn trêu chọc nhau mà bé rất muốn giúp nhưng không biết nên nói, nên giúp thế nào. Những cái nhỏ nhỏ như vậy cũng khiến bé bị “ức chế” đấy ạ!

    Thực sự có rất nhiều các lý do khác nhau khiến trẻ không thích đi học mà không thể lường trước được, nhưng luôn có nguyên nhân nào đó. Vấn đề là phải cùng bé giải quyết nó chứ đừng vội đổ lỗi cho bất kỳ ai. Bởi mình chắc chắn một điều, tất cả chúng ta đều mong mỏi bé có thể đi học vui vẻ và nhanh chóng thích nghĩ với môi trường mới, chỉ là chưa tìm đúng nút thắt mà thôi!

    NGUYÊN NHÂN ĐẾN TỪ BẢN THÂN ĐỨA TRẺ.

    Có những đứa trẻ thực sự rất nhạy cảm và rất đặc biệt.

    Loại bỏ tất cả những nguyên nhân gia đình và trường học. Mọi thứ đều rất “hoàn hảo” rồi mà bé vẫn không chịu đi học! Cả bố mẹ và nhà trường cần phải rất kiên nhẫn, động viên, khuyến khích bé mỗi ngày. Phải tạo một thói quen mới, một nếp sinh hoạt mới cho trẻ liên tục trong ít nhất 2 tuần.

    Đối với những trẻ như thế này, có thể sẽ mất thời gian hơn hẳn những bạn khác rất nhiều. Thường thì trẻ chỉ cần 2-4 tuần là hoàn toàn quen với việc đi học nhưng có những bạn mất cả nửa năm đấy ạ! Nhưng có những bố mẹ, bỏ cuộc ngay ngày thứ 2, thứ 3 đưa bé đến trường vì bé khóc lóc, vật vã, lăn lộn nhất định không chịu đi học. Nói đến từ “đi học” là bé phản ứng rất dữ dội. Và bố mẹ đành phải đồng ý cho bé ở nhà, chờ thêm vài tuần, vài tháng nữa rồi thử lại. Hoặc ngay lập tức tìm một trường khác để cho bé thử lại. Việc thỏa hiệp này tạo cho bé một thói quen không tốt và đã có tiền lệ rồi, lần thứ 2 đi học, bé cũng sẽ lại có phản ứng tương tự. Việc chuyển trường cho bé trong những trường hợp như thế này lại càng không nên vì bắt đầu lại với bé sẽ khó khăn hơn rất nhiều!

    Với kinh nghiệm của mình, tôi tin rằng nếu bố mẹ làm tốt tất cả các khâu nói trên, không có lý do gì đứa trẻ lại không chịu đi học đâu ạ! Mặc dù là một đứa trẻ, nhưng để thay đổi bé không hề dễ dàng. Bố mẹ và người lớn hãy là những tác nhân tích cực, để đứa trẻ được soi vào, được tin tưởng, được cảm thấy an toàn, tự khắc đứa trẻ sẽ thích nghi!

    P/s: Ảnh của bé Lou, 16 tháng, tự lập khi đến trường ngay từ ngày đầu tiên. Ba mẹ ở cùng cả buổi sáng và chia tay Lou khi bạn ấy đang ăn trưa cùng với các bạn. Ba mẹ dặn dò Lou rất kỹ lưỡng và "thông báo" với Lou ba mẹ sẽ đi, Lou ở lại với các cô và các bạn. Chiều ba mẹ đón Lou sớm lúc 3h.
     

    Bình Luận Bằng Facebook

Chia sẻ trang này