FastEhome.com- Đăng kí mở Shop bán hàng miễn phí Tôi mở con dao găm của Tuấn ra ngắm nghía 1 lát. Trải qua nhiều năm như vậy mà nó vẫn sáng loáng, chẳng có chút hoen gỉ nào. Ánh đèn hắt vào lưỡi dao tạo ra 1 vệt sáng lướt qua mắt khiến tôi hơi rùng mình. Tôi cố tình nghiêng nghiêng cái dao để tìm lại tia sáng ấy thêm lần nữa nhưng làm mãi mà không được. Cuộc sống này luôn tồn tại những khoảnh khắc chỉ có đi mà không có lại như thế, nhưng cái thứ cảm xúc đã ghi dấu ấy sẽ không bao giờ mất đi được. Giống như tôi hiện tại, dù không tìm thấy được hình ảnh đã khiến mình ám ảnh suốt nhiều đêm trường nhưng khi hình dung ra nó, tôi vẫn thấy có 1 chút nhói đau. Đêm ấy, 2 chúng tôi đã đứng lặng rất lâu nhìn nhau. Tôi cứ có cảm giác chúng tôi là 2 nửa xếp hình bị ai đó vô tình xô lệch rồi bỏ quên mất ở lưng chừng đó vậy. Tuấn không đả động gì đến tờ 100 ngàn, chỉ ngước mắt nhìn tôi. Tôi vừa khóc vừa bảo: “Em đã cố hết sức cứu anh rồi. Bây giờ đến lượt anh tự cứu mình đi." Tôi chạy thẳng lên phòng, nằm úp mặt xuống giường khóc nức nở rồi mệt quá ngủ thiếp đi. Lúc tôi giật mình choàng dậy, trời đã tờ mờ sáng. Tôi vội chạy xuống nhà, trong đầu còn định hình sẵn chuyện cái xe máy của mình rất có thể sẽ không còn dựng ở đó nữa. Hồi tối qua khi anh về, tôi quên mất chưa khóa nó lại. Nhưng thật bất ngờ, cả nó và cái xe trong nhà kho vẫn còn nguyên, dù cho chùm chìa khóa tôi sơ ý để quên còn nằm sẵn trên bàn. Tuấn thì đã rút con dao găm bỏ đi đâu mất. Tôi sững sờ ngồi nhìn vết đất ươn ướt Tuấn lấp cái lỗ cắm dao kia. Tôi ướm 1 đầu ngón tay mình lên vết đất hằn trên đó, cảm giác như ngón tay anh vẫn còn ấm nóng. Tôi thấy mừng nhưng vẫn khóc vì đau nỗi đau là vợ chồng mà không được đi sóng đôi, ngược lại, chúng tôi phải đuổi theo nhau đến mệt mỏi, rệu rã như thế. Tôi sờ đến cái điện thoại mới thấy nhiều cuộc gọi nhỡ của Dũng. Cái tin nhắn cuối cùng nó gửi tôi là: "Anh Tuấn vào với em rồi, chị đừng lo nha! Bà ổn thôi ạ!" Tôi điện lại cho nó mới biết chuyện bà nội bị ốm phải vào viện. Có lẽ Tuấn đã về ngay trong đêm nên mới kịp thời như thế. Nếu vậy thì tối qua, sau khi tôi lên phòng, Tuấn chẳng rời đi đâu nữa mà chỉ ở nhà. Tôi nghĩ thế cũng tốt, ít ra thì anh cũng đã chịu lắng nghe điều tôi nói. Hôm sau tôi với thằng con lại tất tưởi về quê. Lần này Tuấn xử sự với mọi người khác hẳn những lần trước. Anh xông xáo và hay nhận chạy đi chạy lại nhất. Đương nhiên vẫn có những lúc Tuấn cần được 1 mình nên vẫn hay nói dối mọi người. Mỗi khi đó tôi toàn quay mặt đi vì cảm giác mọi thứ thật sống sượng. Tôi về lại Hà Nội đi làm, cho thằng Tít đi học được 53 ngày thì bà nội Tuấn mất. Mọi người bảo bà quá thương nhớ ông nên mới tìm cách theo ông cho có đôi có cặp. Nhưng Tuấn thì cứ vin vào lý do mà vị bác sĩ nói: "Bà bị bệnh tiểu đường nặng nhưng không được điều trị, giờ tuổi cao, sức yếu nên không chống chọi được" để mà dằn vặt mình. Suốt tang lễ, anh toàn ôm lấy quan tài bà, mặt thất thần, miệng lẩm bẩm: "Cháu bất hiếu không kiếm được tiền cho bà đi chữa bệnh sớm bà ơi..." Người ta hay có thói quen áp đặt rằng người từng đi tù là người xấu, cái tiền án sẽ theo họ đến suốt cuối đời, vì thế mà tội lỗi họ gây ra bằng cách nào cũng không thể xóa nhòa được. Mọi người cũng thường kì thị những kẻ nghiện ngập, cho rằng loại ấy chẳng bao giờ có đường lui, không dính thì thôi mà đã dính vào thì trăm thằng xác định cái án tử. Nhưng những quy luật nhỏ mọn này sau khi áp dụng vào con người Tuấn lại được biến hóa thành 1 điều mới mẻ, đầy tính nhân văn: Quá khứ của bạn có méo mó, xấu xí đến thế nào, bạn vẫn được quyền thay đổi cuộc đời mình và đủ khả năng để thành công với sự lựa chọn đó. Quả thật Tuấn đã học được cách vượt lên trên mọi khả năng hiện có của mình để chiến thắng con quỷ đang lăm le chiếm giữ trái tim và khối óc của anh suốt thời gian trước. Hôm làm tang lễ cho bà, tôi thấy Tuấn có vẻ có dấu hiệu thèm thuốc vì cứ chốc chốc lại ngáp ngắn ngáp dài. Anh chủ động tìm tôi bảo: "Em lo công việc với mọi người. Anh sẽ về sớm." Tuấn mở to mắt nhìn tôi vẻ rất thành thật, giọng nói anh quả quyết, không còn run run, ngập ngừng như trước nữa. Tôi đoán là anh đi giải quyết cơn u mê của mình nhưng không giận mà lại thấy hoan hỉ. Tôi nghĩ bụng Tuấn đã tỉnh giấc thực sự rồi! Lần ấy Tuấn trở về với 2 vết bầm trên 2 cổ tay. Ai nhìn thấy cũng hỏi nhưng Tuấn chẳng hé răng giải thích nửa lời. Anh lấy công việc để lấp liếm sự bối rối trên gương mặt mình. Mãi sau này tôi mới biết là Tuấn tìm đến chỗ ông Hợi, tự nhốt mình cho qua cơn thèm thuốc bên trong căn nhà hoang ấy. Tuấn kể anh từng phải vơ nắm rơm mốc ở đó nhét vào miệng mình để không phát ra âm thanh. Ông Hợi tính điên khùng, thấy Tuấn quằn quại lại cứ tưởng là trò trêu chọc gì mình nên cứ cười khanh khách, chốc chốc còn la ầm lên. May là mọi người cũng đã quen thấy ông ấy dở người, nên nghe thấy tiếng hét ấy chẳng ai thèm ngó ngàng tới. Khi trở lại Hà Nội, Tuấn đã chủ động tự cai nghiện cho chính bản thân mình như vậy suốt nhiều tháng ròng, dưới sự chứng kiến của tôi. Nơi anh dùng để vượt qua cơn hành xác của nàng tiên nâu là cái nhà kho tối tăm. Lúc tỉnh táo Tuấn bảo ra đó để không làm hỏng đến 1 thứ đồ dùng gì, cũng là cách để che mắt thằng Tít. Tôi vừa xúc động lại vừa thấy ngưỡng mộ anh. Tuấn thực sự đã lội ngược dòng, làm được cái điều mà người bình thường không dễ gì đạt được. Cứ như thế dần dần anh lấy lại được phong độ của mình: ngang tàng, bất chấp và không chịu luồn cúi trước 1 ai, trước bất kì mối mặc cảm nào. Anh chủ động gắn kết với mọi người, thường xuyên qua chỗ anh Phong để chuộc tội, mặc cho anh ấy và mẹ tôi có khủng bố tinh thần đến thế nào... Nhiều đêm tôi để ý thấy Tuấn thức ngồi đọc báo và lướt web tìm các hướng làm ăn như trước đây anh từng làm. Tôi những tưởng Tuấn của khi đó chỉ là bị ngủ quên, anh vẫn là anh chứ chẳng phải là đã đánh mất chính mình. Nhớ tới đây, tôi ứa nước mắt. Tôi cảm giác mình vừa mới sống dậy những ngày tháng tăm tối ấy của cuộc đời nên cũng thấy chua chát, mặn mòi y như lúc phải trải qua nó vậy. Tôi đưa tay vuốt giọt nước rớt trên lưỡi dao găm, sơ ý bị nó xén cho 1 vết nên tứa máu. Tôi vội vàng lục lọi tìm cái gì đó có thể băng ngón tay mình. Cũng từ đây mà tôi tìm thấy 1 tấm danh thiếp cũ lẫn trong đám đồ linh tinh của chồng. Cái danh thiếp ấy ghi tên 1 ông bác sĩ tâm lý... Còn tiếp...