FastEhome.com- Đăng kí mở Shop bán hàng miễn phí Sau nhiều bằng sáng chế, nhiều năm phát triển công nghệ màn hình OLED dẻo thì ngay từ đầu năm nay, những chiếc điện thoại màn hình gập đã xuất hiện. Chúng đến từ 2 nhà sản xuất hàng đầu là Samsung và Huawei, dự đoán 2019 sẽ là một năm khởi đầu cho xu thế điện thoại màn hình gập. Thế nhưng Samsung sớm ngã ngựa với Galaxy Fold do lỗi thiết kế, trong khi đó chiếc Mate X của Huawei vẫn lặn mất tăm kể từ khi nhà sản xuất này bị tẩy chay tại nhiều nơi trên thế giới. Liệu chăng điện thoại màn hình gập sẽ chết yểu? Rất nhanh sau khi công bố, Samsung đã cho đặt hàng Galaxy Fold và gởi máy đến các kênh truyền thông để tiến hành trên tay, đánh giá các kiểu. Thế nhưng chiếc Galaxy Fold sớm phát bệnh khi The Verge phát hiện ra màn hình hỏng chỉ sau vài ngày sử dụng. Nhiều kênh khác cũng phản hồi về tình huống tương tự và điều được phát hiện là bụi, hạt siêu nhỏ có thể dễ dàng lọt vào mặt sau của màn hình, từ đó gây cấn, thủng màn hình. Samsung đã phải lùi thời hạn giao hàng vô thời hạn đồng thời hủy các đơn hàng mua Galaxy Fold. Huawei tưởng chừng như sẽ là kẻ được lợi từ sự cố của Galaxy Fold nhưng con đường của Mate X đến với thị trường cũng chông gai không kém bởi máy chưa kịp lên kệ thì hãng này vướn phải lệnh cấm cực kỳ gắt gao của chính phủ Mỹ trong vài tuần gần đây. Nhiều công ty Mỹ đã bắt đầu tuân theo lệnh cấm của tổng thống Trump, nhiêu công ty Mỹ như Google được yêu cầu hỗ trợ cập nhật cho các thiết bị đã bán ra của Huawei đến hết ngày 19 tháng 8, sau ngày này thì những thiết bị mới như Mate X sẽ không được phép sử dụng Android cũng như nhiều dịch vụ của Google nữa. Huawei trong khi đó cho biết hãng đã phát triển hệ điều hành riêng nhưng nhiều thông tin cho rằng hệ điều hành vẫn chưa sẵn sàng, ít nhất phải đến mùa thu năm nay. Cũng chưa rõ liệu hệ điều hành của Huawei có hoạt động tốt với thiết bị màn hình gập hay không trong khi Google đã hỗ trợ dạng thiết bị này trên bản cập nhật Android mới nhất. Lời nguyền điện thoại màn hình gập? Những Galaxy Fold hay Mate X chỉ là 2 trong số rất nhiều những thử nghiệm về điện thoại màn hình gập. Samsung và nhiều hãng đã liên tục giới thiệu các nguyên mẫu thiết bị màn hình dẻo, có thể uốn cong hay gập được trong nhiều năm qua nhưng có vẻ như việc tạo ra những thiết bị màn hình gập cỡ lớn đã cho thấy nhiều thách thức. Giải pháp hiện tại là dùng màn hình OLED dẻo như cách ứng dụng của Galaxy Fold và Mate X nhưng câu hỏi được đặt ra là liệu nó có bền qua thời gian gập mở. Cả Samsung và Huawei đều cho biết màn hình OLED dẻo đã được họ thử nghiệm kỹ càng và đảm bảo độ bền trong nhiều năm. Tuy nhiên, chúng ta đều biết rằng môi trường thử nghiệm trong các testlab rất khác với môi trường thực tế. Người dùng vẫn thường tạo ra những tình huống chưa từng được thử nghiệm hay dự đoán trong testlab và chúng ta đã thấy điều đó với trường hợp của Galaxy Fold - bụi lọt vào sau màn hình gây hỏng! Còn số phận của chiếc Mate X sẽ ra sao? Điều này tùy thuộc vào lệnh cấm mà Mỹ áp đặt lên Huawei và sự vắng mặt của chiếc điện thoại này trong phân khúc điện thoại màn hình gập sẽ khiến xu hướng này bị ảnh hưởng không ít. Moto Rarz? Bên cạnh Galaxy Fold và Mate X thì một chiếc điện thoại nữa cũng đang khiến giới công nghệ quan tâm là Motorola Razr thế hệ mới. Tiếp nối huyền thoại Razr nắp gập khi xưa, Razr mới dự kiến sẽ có màn hình gập dọc, cảm ứng hoàn toàn để duy trì thiết kế gập vỏ sò nổi tiếng. Tuy nhiên tại triển lãm MWC 2019, giám đốc sản phẩm toàn cầu Dan Dery của Motorola cho biết công ty "không có ý định đi sau các công ty khác trên thị trường" khi nói về xu hướng điện thoại màn hình gập. Có vẻ như Motorola không vội vàng gì với Rarz. Trước những sự cố của Galaxy Fold thì Motorola sẽ cần thời gian để thử nghiệm nhiều hơn trước khi công bố Rarz. LG không giam gia dù tiên phong về công nghệ màn hình dẻo! LG đã từng phát triển các loại màn hình gập trong nhiều năm và hãng đã trình làng trên một nguyên mẫu điện thoại gập của mình tại CES 2019. Tuy nhiên vào tháng 2 vừa qua, LG đã công bố rằng thị trường không thuận lợi cho "một chiếc smartphone sở hữu màn hình gập thế hệ đầu và đắt đỏ." Dựa trên những gì được biết thì LG có thể đã đối mặt với nhiều vấn đề về độ bền khi thử nghiệm các nguyên mẫu điện thoại màn hình gập. Từ đó hãng đã quyết định không tung ra một thiết bị như vậy vào lúc này. Thay vào đó, LG ra mắt dòng V50 ThinQ với thiết kế bình thường nhưng hỗ trợ gắn thêm một màn hình rời. Mới đây Lenovo đã giới thiệu chiếc ThinkPad X1 Fold - laptop màn hình gập không bàn phím vật lý đầu tiên và màn hình OLED dẻo trên máy do LG làm. Tuy nhiên sản phẩm khả năng phải đến năm 2020 mới được thương mại. Không cần phải vội: Đáng ra Samsung không nên quá vội vàng, hãng hoàn toàn có thể đợi đến khi Android Q ra mắt chính thức để cài đặt trên chiếc Galaxy Fold và trong thời gian đó, Samsung sẽ có thể đảm bảo Galaxy Fold hoạt động ở mức độ hoàn hảo nhất có thể. Trong khi đó số phận của Mate X sẽ phụ thuộc rất nhiều vào tình hình chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc. Nếu khả quan thì Huawei sẽ có thể tiếp tục sử dụng Android trên các thiết bị trong tương lai, kể cả Mate X. Cá nhân mình cho rằng thời điểm này vẫn chưa phù hợp với điện thoại màn hình gập. Trước đây rất nhiều hãng đã cố gắng thiết kế thiết bị 2 màn hình, chẳng hạn như Sony Tablet P, Kyocera Echo hay gần hơn một chút là chiếc ZTE Axon M được bán thương mại qua nhà mạng AT&T. Chúng đều khai thác thiết kế 2 màn hình rời, mở ra thì không gian hiển thị được nhân đôi nhưng vẫn dùng bản lề cơ học và giữa 2 phần màn hình vẫn có viền phân tách. Tấm nền OLED dẻo khiến phần viền này mất đi, tạo thành một chiếc màn hình liền mảnh. Tuy nhiên, ý tưởng điện thoại 2 màn hình lúc đó chưa thể cất cánh một phần vì trải nghiệm chưa tốt của phần viền, một phần là Android không tối ưu cho 2 màn hình. Suy cho cùng thì một chiếc điện thoại màn hình gập là thứ rất đáng để trải nghiệm nhưng trải nghiệm này tốt hay tệ còn tuỳ thuộc nhiều vào Android và lúc này có lẽ vẫn chưa phù hợp.