FastEhome.com- Đăng kí mở Shop bán hàng miễn phí Trong suốt lịch sử công thức 1 kể từ năm 1950, FIA đã biến F1 trở thành một giải đua có luật lệ thay đổi liên tục. Gần đây nhất là vào năm 2016 tại Australian Grand Prix khi giai đoạn đua tranh vị trí xuất phát được biến thành một cuộc chiến nơi tay đua dần bị loại sau mỗi 90 giây nếu họ có thời gian hoàn thành một vòng đua dài nhất. Nó chỉ tồn tại được có 2 cuộc đua và bị FIA dẹp vì gây tranh cãi khi khán giả cảm thấy đua kiểu này rất nhàm chán. Bản thân những thay đổi trong luật lệ của FIA đối với công thức 1 thực sự gây khó hiểu với các fan của giải đua, nhưng họ làm điều đó đơn giản để tìm ra công thức thành công giữa lúc lượng người xem công thức 1 ngày càng giảm. Việc đưa ra những luật lệ yêu cầu xe của các đội đua phải đáp ứng những quy chuẩn về kích thước, động cơ, lốp, cùng những hệ thống liên quan, dần biến 20 chiếc xe trên đường đua gần giống nhau như đúc, chỉ khác nhau về mãnh lực của khối động cơ bên trong cũng như khả năng tối ưu của từng đội đua. Thế nhưng họ vẫn đang phải đau đầu nghĩ ra cách giải bài toán về lượng người xem mỗi khi có một cuộc đua diễn ra. Trong vòng 11 năm qua, lượng người xem F1 qua truyền hình đã giảm 18,3%, chỉ còn 490 triệu người xem. Để anh em tiện so sánh, World Cup 2018 đã lôi kéo hơn 3,5 tỷ người trên toàn thế giới đến ngồi trước màn ảnh nhỏ theo dõi những trận cầu đỉnh cao. Càng nhiều người xem thì đơn vị sở hữu bản quyền phát sóng giải đấu càng có cơ sở thu nhiều tiền từ những đơn vị quảng cáo. Đó cũng chính là lý do khi lượng người xem giảm, FIA lẫn Liberty Media, đơn vị nắm bản quyền phát sóng F1 lo ngay ngáy. Một mối nguy nữa xuất hiện vào năm 2014, khi để trở thành một bộ môn thể thao thân thiện hơn với môi trường, FIA đã phải thay đổi luật lệ động cơ từ V8 2,4L sang V6 1,6L turbo hybrid. Kể từ đó những mùa giải F1 trở nên nhàm chán đến khó tin khi Mercedes AMG đã giành được 5 chức vô địch liên tiếp, khi họ hoàn thiện được chiếc xe tới độ không một ai trên đường đua có thể đấu lại được. Ngay cả mùa giải năm nay cũng vậy. Bốn cuộc đua đã diễn ra, và cả 4 lần hai chiếc mũi tên bạc đều về đích ở vị trí nhất nhì, bất chấp những tin đồn hai chiếc xe của Scuderia Ferrari đang trở nên hoàn thiện hơn. Những cuộc đua dần trở nên dễ đoán về mặt kết quả, và dần ngắn đi với lượng nhiên liệu giới hạn đang khiến các fan lâu năm của bộ môn này cảm thấy nhàm chán. Ngay tại thời điểm này, Liberty Media đang có cơ hội lớn để thay đổi cuộc chơi, vừa khiến F1 trở nên hấp dẫn hơn, và điều này mặc nhiên giúp họ có thêm lợi nhuận. Cuối năm 2020 tới, hợp đồng giữa họ và 10 đội đua F1 sẽ hết hạn, và họ sẽ có cơ hội ký với những đội đua mới. Triển vọng thế nào thì không biết, nhưng chắc chắn sẽ vui hơn việc mặc kệ top đầu và xem những đội đua top dưới cạnh tranh với nhau như Haas, McLaren và Renault. Bây giờ cá nhân mình ngồi xem những tài năng trẻ như Alex Albon (Toro Rosso), Lando Norris (McLaren) hay Charles Leclerc (Ferrari) thi đấu cảm giác rất háo hức vì tiềm năng trong tương lai gần của họ. Để khiến các đội đua được đối xử công bằng hơn, Liberty Media sẽ phải chia tiền giải F1, khoản tiền 919 triệu USD đồng đều hơn. Năm ngoái ba đội đua dẫn đầu là Mercedes AMG, Scuderia Ferrari và Red Bull Racing được “ôm” một nửa số tiền đó để tiếp tục phát triển xe và trả lương cho đội ngũ kỹ sư, thợ máy và tay đua. Bảy đội còn lại phải chia nhau nửa số tiền còn lại, khiến họ vốn đã chậm lại còn phải gặp nhiều khó khăn trong việc phát triển xe, vốn chẳng rẻ chút nào. Không chỉ dừng lại ở đó, Liberty Media còn muốn giới hạn ngân sách hoạt động của tất cả các đội đua. Năm ngoái, Williams, đội đua xếp dưới cùng của bảng xếp hạng F1 2019 cũng bỏ cỡ 150 triệu USD để tranh tài. Con số này với Red Bull Racing là cỡ 310 triệu USD. Cá biệt Scuderia Ferrari bỏ ra 410 triệu USD chỉ để về nhì trong bảng xếp hạng đội đua vào năm 2018 vừa rồi. Con số chênh lệch quá lớn khiến cho các đội đua vốn thành công lại càng có thêm lợi thế. Để thu về nguồn tiền cần có, Liberty Media cũng muốn tổ chức thêm nhiều cuộc đua so với con số 21 như hiện tại. Nhờ đó, họ có thể thu được khoản tiền đăng ký tổ chức giải đua. Lấy ví dụ năm ngoái, một nhà quản lý trường đua phải trả trung bình 29,4 triệu USD để tổ chức một cuộc đua F1. Malaysia trước khi rút khỏi lịch thi đấu công thức 1 sau năm 2017 đã phải trả 46,7 triệu USD cho mỗi năm tổ chức tại Sepang International Circuit. Những cái tên có tiếng nói trong làng F1 đều cho rằng nếu Liberty Media vẫn muốn thu về lợi nhuận ổn định, thì mô hình thu phí tổ chức giải đấu như thế này chắc chắn không bền vững một chút nào (Toto Wolff, giám đốc đội đua Mercedes AMG). Rồi sẽ đến lúc lợi ích nhờ việc tổ chức F1 không bù lại được khoản chi phí khổng lồ, và các quốc gia sẽ dần rút khỏi bản đồ F1 như cách mà Malaysia đã làm 2 năm về trước. Chi phí đi lại cho các đội đua, vì thế sẽ tăng lên, và Liberty có kế hoạch dẹp luôn giai đoạn tập luyện Free Practice 1 và 2 vào ngày thứ 6 để giảm chi phí. Thậm chí format đua tranh vị trí xuất phát như bây giờ cũng đang được cân nhắc thay đổi. Hiện tại mô hình tranh vị trí xuất phát bây giờ loại dần 10 tay đua có thành tích kém nhất sau 2 lượt qualifying đầu tiên. Trong khi đó F1 trong tương lai có thể sẽ có vòng qualifying thứ 4, khiến những chiếc xe có nhiều thời gian trên đường đua hơn, và những tay đua nhanh nhất cũng có thể bị đe dọa vị trí xuất phát. Một cách khác, nghe có vẻ bất công nhưng sẽ khiến cuộc đua hấp dẫn hơn rất nhiều, đó là bốc thăm vị trí xuất phát. Anh em thử tưởng tượng một chiếc McLaren hay Williams xuất phát ở vị trí đầu tiên, và nhìn những chiếc Mercedes hay Red Bull bám đuổi từ top giữa. Vừa rồi ở Trung Quốc, pha xuất phát từ vị trí cuối cùng của Alex Albon đã đem về cho tay đua người Anh vị trí về đích thứ 10 sau một màn trình diễn xuất sắc. Kịch tính là ở đó chứ đâu. Chỉ một phép thay đổi nhỏ mà cuộc đua có thể trở nên hấp dẫn hơn rất nhiều lần, và giải quyết luôn được vấn đề F1 đang dần trở nên buồn ngủ. Để làm được theo cách này, và cũng để có nhiều người đến với trường đua vào mỗi dịp cuối tuần, cuộc đua sẽ được chia thành hai giai đoạn vào thứ 7 và chủ nhật. Vào ngày thứ 7, những tay đua sẽ bắt đầu cuộc đua theo thứ tự xuất phát như đã bốc thăm. Các đơn vị tổ chức cuộc đua vẫn có thể bán vé xem nhiều ngày hoặc vé xem 1 ngày như hiện tại. Sau đó kết quả cuộc đua vào ngày thứ 7 sẽ được lấy để làm danh sách xuất phát cho cuộc đua vào ngày chủ nhật, khi những tay đua và đội đua thi đấu để lấy điểm trong bảng xếp hạng. Không hẳn là bất công cho lắm, vì mọi tay đua đều sẽ có cơ hội thể hiện bản thân, và bản thân mô hình đua theo kiểu này sẽ khiến những cuộc đua trở nên hấp dẫn hơn rất nhiều, khi những tay đua may mắn bốc thăm được vị trí xuất phát cao có được cơ hội để bảo vệ vị trí của mình, và những chiếc xe khủng phải chiến đấu để giành vị trí tốt hơn.