FastEhome.com- Đăng kí mở Shop bán hàng miễn phí Chứng khoán Mỹ khởi sắc vào ngày thứ Hai (21/6) khi thị trường phục hồi từ đà giảm sâu do sự thay đổi quan điểm chính sách của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Hai, chỉ số Dow Jones vọt 586.89 điểm (tương đương gần 1.8%) lên 33,876.97 điểm, đánh dấu phiên tăng mạnh nhất kể từ ngày 03/5/2021. Chỉ số này đã phục hồi từ tuần tồi tệ nhất kể từ tháng 10/2020. Chỉ số S&P 500 cộng 1.4% lên 4,224.79 điểm, cách 1% để đạt mức cao kỷ lục sau đà tăng điểm trong ngày thứ Hai. Chỉ số Nasdaq Composite chỉ tiến 0.8% lên 14,141.48 điểm khi một số cổ phiếu công nghệ quan trọng bao gồm Amazon, Tesla, Nvidia và Netflix đều chìm trong sắc đỏ. Nhóm cổ phiếu hàng hóa, vốn bị tác động nặng nề hồi tuần trước, đã dẫn đầu đà phục hồi của thị trường vào ngày thứ Hai khi lĩnh vực năng lượng thuộc S&P 500 tăng. Cổ phiếu Devon Energy vọt gần 7%, còn cổ phiếu Occidental Petroleum tăng 5.4%. Các cổ phiếu hưởng lợi từ việc tái mở cửa kinh tế bao gồm Norwegian Cruise Line và Boeing đều tăng hơn 3%. Nhóm cổ phiếu ngân hàng, bao gồm JPMorgan, Bank of America và Goldman Sachs, cũng phục hồi. Chỉ số vốn hóa nhỏ Russell 2000 tiến hơn 2%. Các lĩnh vực liên quan đến đà phục hồi kinh tế đã dẫn đầu đợt bán tháo cổ phiếu trong tuần trước. Lĩnh vực tài chính và nguyên vật liệu thuộc S&P 500 sụt hơn 6% trong tuần qua, trong khi lĩnh vực năng lượng mất hơn 5% và lĩnh vực công nghiệp giảm hơn 3%. Chứng khoán Mỹ nhuốm sắc đỏ trong tuần trước khi nhà đầu tư xem xét những dự báo kinh tế mới từ Fed và lo ngại việc nâng lãi suất có thể đến sớm hơn dự báo. Fed vào ngày 16/6 đã nâng kỳ vọng lạm phát và dự kiến nâng lãi suất trong năm 2023. “Đợt bán tháo vì Fed có lẽ đã hơi quá đà”, Fiona Cincotta, Chuyên viên phân tích thị trường tài chính cấp cao tại City Index, cho hay. “Việc Fed đột ngột chuyển sang quan điểm diều hâu trong tuần trước với 2 đợt nâng lãi suất trong năm 2023 đã khiến thị trường rất bất ngờ”. Chủ tịch Fed khu vực St. Louis, Jim Bullard, nói với CNBC vào ngày 18/6 rằng việc Fed nghiêng một chút sang hướng “diều hâu” trong tuần này là bình thường và có thể chứng kiến lãi suất sẽ tăng sớm vào năm 2022. Dow Jones đã sụt 3.5% trong tuần trước, còn S&P 500 và Nasdaq Composite lần lượt giảm 1.9% và 0.2%. Thị trường Mỹ vào ngày thứ Hai đã phục hồi khi đối mặt với sự sụt giảm qua đêm ở các thị trường châu Á và đà giảm sâu của đồng Bitcoin. Chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản có thời điểm sụt tới 4% trong ngày thứ Hai, với cổ phiếu các công ty sản xuất ô tô Nissan và Honda dẫn đầu sắc đỏ. Chỉ số này khép phiên rớt 3.3%. Trong khi đó, đồng Bitcoin lao dốc hơn 7% xuống 32,500 USD khi Trung Quốc tiếp tục chèn ép việc khai thác tiền điện tử. Đường cong lợi suất trái phiếu đang dần đi ngang vào tuần trước, ảnh hưởng tiêu cực đến cổ phiếu ngân hàng và gửi đi tín hiệu về khả năng suy thoái kinh tế. Đà giảm của lợi suất trái phiếu kỳ hạn dài cho thấy sự kém lạc quan về tăng trưởng kinh tế, trong khi đà tăng của lợi suất trái phiếu kỳ hạn ngắn thể hiện kỳ vọng Fed nâng lãi suất. An Trần (Theo CNBC) FILI Tiếp tục đọc...