FastEhome.com- Đăng kí mở Shop bán hàng miễn phí (ĐTCK) Trước rủi ro dịch bệnh có thể dẫn đến thiếu hụt nguồn cung, nhiều doanh nghiệp thực phẩm đã lên kế hoạch ứng phó bằng việc chủ động mở rộng vùng chăn nuôi, hệ thống phân phối, tái cấu trúc sản phẩm hay tăng nhập khẩu nguồn nguyên liệu từ nước ngoài... Chia sẻ tại Ðại hội đồng cổ đông thường niên 2019 diễn ra tuần qua, ông Nguyễn Ðăng Quang, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Masan cho biết, trung tuần tháng 4/2019, Masan đã chủ động đình chỉ hoạt động Nhà máy chế biến thịt Hà Nam do phát hiện ổ dịch tả lợn châu Phi (ASF) cách nhà máy của Công ty 2 km. Theo ông Quang, điều này sẽ ảnh hưởng tới hoạt động kinh doanh của Công ty trong 3-5 tuần tới, nhưng không tác động lớn đến kế hoạch tài chính của Masan trong năm 2019, vì phần lớn doanh số bán thịt đến từ 2 quý cuối năm, trong khi các trang trại chăn nuôi và tổ hợp chế biến không bị ảnh hưởng bởi ASF. Bên cạnh đó, để chuẩn bị cho mùa kinh doanh cao điểm cuối năm, Ban lãnh đạo Masan đã lên kế hoạch tiếp tục mở rộng mạng lưới phân phối của nhãn hiệu thịt sạch MEATDeli, dự kiến đạt 25 cửa hàng tự vận hành vào cuối năm nay. Ðược biết, đến cuối tháng 3/2019, doanh số MEATDeli tại các kênh phân phối đều tăng gấp đôi so với tháng trước đó. Sự tăng trưởng của sản phẩm MEATDeli sẽ giúp MSN nghiêng hẳn sang mặt hàng tiêu dùng nhanh (FMCG), giảm phụ thuộc vào biến động của thị trường heo hơi, qua đó tăng trưởng doanh thu trong dài hạn nhờ đạt được biên lợi nhuận cao và ổn định hơn. Từ nay đến năm 2022, MSN đặt mục tiêu phát triển thương hiệu thịt trị giá 1 tỷ USD, tương ứng 10% thị phần toàn quốc. "Thịt mát sẽ thay đổi cuộc chơi và mang lại giá trị đột phá cho nhu cầu về thịt hàng ngày của người tiêu dùng. Masan đã củng cố nền tảng ngành hàng này trong quý I/2019 và sẽ đẩy mạnh mở rộng quy mô trong các quý tới”, ông Quang nhấn mạnh. Tại Vissan, doanh nghiệp này đặt mục tiêu tổng sản lượng thực phẩm tiêu thụ năm 2019 tăng 10% so với thực hiện năm 2018, tổng doanh thu dự kiến 4.850 tỷ đồng, với khả năng sản xuất, kinh doanh hơn 53.000 tấn thực phẩm (bao gồm thịt tươi sống và chế biến). Năm nay, cùng với việc tái cấu trúc tỷ trọng ngành hàng thực phẩm chế biến, đa dạng hóa sản phẩm theo phân khúc khách hàng và hệ thống phân phối, Vissan sẽ mở rộng mô hình cửa hàng Vissan Premium, triển khai phương thức kinh doanh mới trên tất cả các kênh phân phối truyền thống và hiện đại. Trong chiến lược phát triển năm 2019, ngoài việc đưa ra nhiều dòng sản phẩm mới (3 tháng đầu năm, Vissan đã đưa ra thị trường 3 sản phẩm mới), hãng thực phẩm này còn lên kế hoạch nhập khẩu một số chủng loại hàng hóa đông lạnh như sườn non, ba rọi, nạc ram… để thay thế những mặt hàng mà nguồn cung trong nước có thể thiếu hụt trong thời gian tới. “Nguy cơ bùng phát dịch bệnh như dịch tả heo châu Phi sẽ tạo nên vòng luẩn quẩn 'thừa cầu, thiếu cung', khiến giá nguyên liệu tăng cao, ảnh hưởng đến biên lợi nhuận. Mặt khác, do rào cản gia nhập ngành này rất mỏng, nên việc cạnh tranh sẽ càng khốc liệt”, ông Nguyễn Ngọc An, Tổng giám đốc Vissan đánh giá. Ðể chuẩn bị nguồn cung, Vissan đang xây dựng đề án tạo nguồn heo hơi (chiếm 20-30% nguồn nguyên liệu đầu vào) nhằm đáp ứng nguyên liệu cho hoạt động sản xuất - kinh doanh của Công ty trong năm 2019 và những năm tiếp theo. Theo đại diện Vissan, nguồn heo hơi hiện tại mới đáp ứng được khoảng 10% nhu cầu nguồn nguyên liệu cho sản xuất của Công ty. Trao đổi với Báo Ðầu tư Chứng khoán về khả năng cung ứng thịt heo sau dịch bệnh, đại diện Tập đoàn Mavin cho biết, Công ty không quá lo ngại về nguồn cung thịt heo sạch ra thị trường hậu dịch bệnh do chủ động chăn nuôi và chế biến theo chuỗi khép kín. Hiện Mavin sở hữu 30.000 lợn nái, cung cấp ra thị trường hơn 400.000 con lợn thịt mỗi năm, là 1 trong 3 công ty có tổng đàn cao nhất tại Việt Nam. “Thực tế, ngay cả khi dịch bệnh bùng phát mạnh nhất, Nhà máy Chế biến thực phẩm Mavin Foods vẫn đảm bảo sản lượng ổn định, phục vụ kịp thời nhu cầu của khách hàng về các sản phẩm thực phẩm sạch”, đại diện Mavin nói. Ngọc Lan