FastEhome.com- Đăng kí mở Shop bán hàng miễn phí Máy bay của các hãng hàng không nằm chờ tại sân bay Tân Sơn Nhất. Ảnh: Đức Thanh Phục hồi thị trường nội địa Đúng 2 ngày trước khi diễn ra Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp lần thứ 4, các hãng hàng không Việt Nam đã đón nhận một tin vui lớn khi Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) cho phép khôi phục toàn bộ hoạt động vận tải khách trong nội địa kể từ 0h ngày 8/5. Điều này có nghĩa, các quy định về giới hạn số lượng khai thác tại các đường bay; giãn cách trên máy bay đã được gỡ bỏ, giúp các hãng hàng không bình thường hóa tất cả các hoạt động khai thác thương mại tại thị trường nội địa. “Ngành hàng không đã được hưởng lợi lớn, trực tiếp từ thành tựu chống Covid-19 của Chính phủ. Việc được khai thác các đường bay nội địa như trước thời điểm dịch bùng phát sẽ giúp các hãng sớm gia tăng dòng tiền, từ đó từng bước vượt quá khó khăn”, ông Đinh Việt Thắng, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam đánh giá. Ngay sau khi có quyết định khôi phục lại thị trường nội địa, các hãng hàng không đã lập tức công bố kế hoạch nối lại các đường bay trong nước. Cụ thể, các hãng hàng không thuộc Vietnam Airlines Group (gồm Vietnam Airlines, Jetstar Pacific và VASCO) tiếp tục có kế hoạch tăng tần suất và khai thác trở lại các đường bay trong nước theo sự điều hành của Bộ GTVT, Cục Hàng không Việt Nam, tiến tới phục hồi toàn bộ mạng bay nội địa từ tháng 6/2020. Theo đó, từ nay đến hết ngày 15/5, Vietnam Airlines tiếp tục khai thác 17 chuyến/ngày trên đường bay trục giữa Hà Nội và TP.HCM. Từ ngày 16/5, Hãng dự kiến tăng tần suất lên 23 chuyến/ngày trên đường bay này và tăng lên 8 chuyến/ngày trên các đường bay giữa Đà Nẵng và Hà Nội, TP.HCM; 6-7 chuyến/ngày giữa TP.HCM và Phú Quốc; 5 chuyến/ngày giữa TP.HCM và Hải Phòng, Thanh Hóa, Vinh; 1-4 chuyến/ngày trên các đường bay còn lại. Dự kiến, đến tháng 6/2020, Vietnam Airlines phục hồi toàn bộ mạng bay nội địa sau khi khai thác trở lại hai đường bay giữa Đà Nẵng và Vân Đồn, Cần Thơ. Hãng cũng đang nghiên cứu mở thêm các đường bay mới để đa dạng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu của hành khách và thúc đẩy hoạt động tăng trưởng trở lại sau Covid-19. Trong khi đó, cả Vietjet và Bamboo Airways đã công bố các gói hỗ trợ, khuyến mại lớn để kéo hành khách bay nhiều hơn sau khi tất cả đường bay nội địa của hai hãng được cơ bản khôi phục vào cuối tháng 5/2020. Đợi thêm chính sách hỗ trợ Theo Cục Hàng không Việt Nam, sau khi Chính phủ cho phép hoạt động vận tải khách trở lại bình thường, tại thị trường nội địa, các hãng hàng không Việt Nam sẽ chỉ cần khoảng 1 tháng để cơ bản phục hồi toàn bộ mạng đường bay cũng như tần suất khai thác, kịp phục vụ cao điểm hè 2020. Cần phải nói thêm rằng, việc các hãng hàng không trong nước nhanh chóng nối lại hoạt động bay thưc sự là một cố gắng, nỗ lực rất lớn, bởi ngành hàng không là lĩnh vực chịu tác động trực diện, nặng nề nhất của Covid-19, với tổng tổn thất toàn ngành có thể lên tới hơn 40.000 tỷ đồng. Hiện khó khăn đối với các doanh nghiệp hàng không vẫn rất lớn do toàn bộ đường bay quốc tế đang bị đóng băng, chưa thể xác định rõ thời gian bay trở lại khi tình hình Covid-19 tại các điểm đến rất phức tạp. Trong khi đó, từ nhiều năm nay, các đường bay quốc tế kết nối thị trường Đông Bắc Á như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan… mang lại các khoản doanh thu, lợi nhuận lớn cho các hãng hàng không trong nước. “Đề nghị Chính phủ sớm chọn lọc cho phép mở lại các đường bay quốc tế đến/đi các quốc gia đã khống chế tốt dịch bệnh như Hàn Quốc, điều này vừa giúp các doanh nghiệp hàng không, vừa mang khách quốc tế cho ngành du lịch”, ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Vietravel, kiêm Chủ tịch Vietravel Airlines đề xuất. Được biết, để gỡ khó cho các doanh nghiệp hàng không, theo chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ GTVT đang khẩn trương phối hợp với Bộ Tài chính hoàn thiện dự thảo Thông tư quy định về phí, lệ phí trong lĩnh vực hàng không (giảm phí để hỗ trợ đối tượng chịu ảnh hưởng của Covid-19). Trước đó, Bộ GTVT cũng đề nghị Chính phủ sớm ban hành chính sách áp dụng chung cho các cơ quan, đơn vị trong lĩnh vực hàng không như cho phép các cơ quan, đơn vị được giảm thuế, giãn thời hạn nộp thuế và các khoản đóng góp ngân sách (thuế thu nhập doanh nghiệp, thu nhập cá nhân, phí, lệ phí trong lĩnh vực hàng không) cho toàn bộ các nghĩa vụ phát sinh từ ngày 23/1/2020 đến ngày 31/12/2020, hoặc liền kề 90 ngày sau khi Thủ tướng Chính phủ công bố hết dịch, tùy thời điểm muộn hơn. Đối với các hãng hàng không Việt Nam, Bộ GTVT kiến nghị Thủ tướng xem xét miễn thuế nhập khẩu, thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay từ ngày 23/1/2020 đến ngày 31/12/2020, hoặc liền kề 90 ngày sau khi Thủ tướng công bố hết dịch... Đánh giá cao chính sách hỗ trợ của Chính phủ, Bộ GTVT, Hãng hàng không Vietjet kiến nghị các cơ quan chức năng xem xét miễn phí sử dụng sân đậu đối với các tàu bay của Hãng trong thời gian từ ngày 1/3/2020 đến hết ngày 31/12/2020, nhằm giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp. Theo ông Lê Hồng Hà, Phó tổng giám đốc Vietnam Airlines, ngành hàng không là một trong những ngành chịu ảnh hưởng nặng nhất từ Covid-19, trong khi đây lại là khâu đầu tiên trong chuỗi cung ứng của nhiều ngành kinh tế và là một trong những điều kiện để hoạt động giao thương, đầu tư quay trở lại sau dịch bệnh. “Vì vậy, các chính sách hỗ trợ nói trên là rất cần thiết để ngành hàng không có thể duy trì và phục hồi, cùng với cả nước chuẩn bị tốt các điều kiện để bật dậy sau dịch như lời kêu gọi của Thủ tướng Chính phủ”, ông Hà cho biết. Theo số liệu của Cục Hàng không Việt Nam, trong tháng 4/2020, sản lượng hành khách thông qua các cảng hàng không chỉ đạt 188.000 lượt, trong đó khách quốc tế đạt 21.000 lượt, giảm 98% và 99,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Cũng trong tháng 4/2020, chỉ có 64.000 tấn hàng hóa được vận chuyển bằng đường hàng không, giảm 93,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Sự sụt giảm chưa từng có này xuất phát từ việc thực hiện đợt giãn cách xã hội dài ngày trong tháng 4/2020 và tâm lý e ngại di chuyển của người dân.