FastEhome.com- Đăng kí mở Shop bán hàng miễn phí (ĐTCK) Nhiều doanh nghiệp bán lẻ đã thành công với chiến lược mở rộng chuỗi cửa hàng thời gian qua. Tuy nhiên, khuynh hướng tiêu dùng và đánh giá hiệu quả theo chuỗi đang thay đổi kể từ khi đại dịch Covid-19 xuất hiện. Covid làm thay đổi khuynh hướng tiêu dùng Những năm qua, hầu hết doanh nghiệp bán lẻ theo đuổi chiến lược liên tục mở mới các cửa hàng nhằm mang lại nguồn lợi nhuận “gối đầu”, tạo đà tăng trưởng cho doanh nghiệp sau này. Giới đầu tư cũng xem tốc độ mở cửa hàng mới như là chỉ báo sớm của tốc độ tăng trưởng lợi nhuận, bởi sau khi các cửa hàng mở mới đi qua điểm hòa vốn, lợi nhuận sẽ bùng nổ. Theo dõi dữ liệu số lượng cửa hàng của các doanh nghiệp bán lẻ từ năm 2016 tới nay cho thấy, các doanh nghiệp đều thực hiện chiến lược mở rộng bằng cách tăng số cửa hàng mới. Chẳng hạn, vào năm 2016, PNJ chỉ có 219 cửa hàng, thì tới tháng 4/2020, con số này đã tăng lên 349 cửa hàng (tương ứng tăng 59,4%). Tương tự, số lượng cửa hàng của MWG tăng từ 1.247 cửa hàng năm 2016 lên 3.197 cửa hàng trong tháng 3/2020 (tăng 156,4%) và FRT năm 2017 có 473 cửa hàng, tới tháng 3/2020 là 686 cửa hàng (tăng 45%). Thực tế cho thấy, nhiều doanh nghiệp bán lẻ đã thành công với chiến lược mở rộng chuỗi cửa hàng thời gian qua. Tuy nhiên, khuynh hướng tiêu dùng đã thay đổi kể từ khi đại dịch Covid-19 xuất hiện. Nhìn vào kết quả kinh doanh quý I/2020 của nhiều doanh nghiệp bán lẻ, không khó để thấy nhóm hàng hóa thiết yếu ghi nhận sự tăng trưởng mạnh, trong khi nhóm hàng hóa không thiết yếu gặp khó khăn do tác động của dịch Covid-19. Đơn cử, CTCP Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) công bố báo cáo tháng 4/2020 với doanh thu đạt 501 tỷ đồng và lỗ 89 tỷ đồng, lần lượt giảm 47% và 268% so với cùng kỳ 2019. Trong đó, tỷ trọng doanh thu bán lẻ giảm từ 66,7% về 47,4%, bán sỉ giảm từ 18% về 13,3%, vàng miếng tăng từ 14,1% lên 37,6%. Luỹ kế 4 tháng đầu năm, PNJ ghi nhận 5.502 tỷ đồng doanh thu và 320 tỷ đồng lợi nhuận, giảm 4% và 34% so với cùng kỳ 2019. CTCP Bán lẻ kỹ thuật số FPT (FRT) công bố kết quả kinh doanh quý I/2020 với 4.093 tỷ đồng doanh thu, tăng 1,9% so với cùng kỳ 2019, nhưng lợi nhuận giảm mạnh 44,4% về mức 35,6 tỷ đồng. Trong cơ cấu doanh thu, mảng offline chiếm 73%, còn online là 27% và tăng trưởng 20% so với cùng kỳ năm trước. CTCP Đầu tư Thế giới di động (MWG) báo cáo kết quả kinh doanh quý I/2020 với doanh thu là 29.353 tỷ đồng, lợi nhuận là 1.132 tỷ đồng, lần lượt tăng 17% và 9% so với cùng kỳ 2019. MWG cho biết, trong các chuỗi cửa hàng, Bách Hóa Xanh đóng góp tăng trưởng doanh thu lớn nhất là 178% và chiếm 15,3% cơ cấu doanh thu; chuỗi Điện Máy Xanh tăng trưởng 13% và chiếm tỷ trọng 56,2%; còn chuỗi Thế Giới Di Động và Điện Thoại Siêu Rẻ giảm 6%, chiếm tỷ trọng 28,5%. … và thay đổi cách dự báo tăng trưởng của khối bán lẻ Trên thế giới, chuỗi bách hóa tổng hợp - Tập đoàn J.C.Penny với món nợ khổng lồ 8 tỷ USD tuyên bố đang làm thủ tục phá sản là một lời cảnh báo cho các nhà bán lẻ đã và đang theo đuổi sự tăng trưởng bằng cách không ngừng tăng số lượng cửa hàng, bất chấp việc không đem lại lợi ích trong nhiều năm. “Số lượng hàng hóa bán được từ các cửa hàng giảm dần những năm gần đây, trong khi chi phí thuê mặt bằng liên tục gia tăng khiến hiệu quả kinh doanh giảm sút. Kế đó là sự bùng nổ mua sắm trực tuyến, đặc biệt là dịch bệnh Covid-19 đã tác động tiêu cực tới hoạt động kinh doanh của các chuỗi bán lẻ vật lý”, chuyên gia kinh tế của Bloomberg nhận định. Đánh giá về xu hướng hướng hoạt động của các doanh nghiệp bán lẻ, Simeon Siegel - chuyên gia phân tích của BMO Capital Markets cho rằng, các cổ đông lâu nay đã dựa vào khả năng mở rộng mạng lưới và doanh số để đánh giá các tập đoàn bán lẻ, nhưng nay sẽ phải chấp nhận với việc thu hẹp quy mô của các tập đoàn bán lẻ này. “Các nhà đầu tư luôn đặt kỳ vọng vào sự tăng trưởng và các công ty bán lẻ phải cố gắng để làm điều đó. Nhưng sau khi Covid-19 xuất hiện, nhà đầu tư nên biết rằng chúng tôi sẽ bắt đầu lại từ số 0. Điều này làm thay đổi khái niệm về tăng trưởng. Cần phải có một sự nhận thức chung rằng, quy mô nhiều công ty đã quá lớn để tiếp tục theo đuổi sự tăng trưởng bằng cách mở mới chuỗi cửa hàng và có lẽ sẽ lành mạnh hơn nếu các công ty này thu hẹp trở lại”, vị chuyên gia này nói. Tại Việt Nam, chi phí trả trước của nhóm doanh nghiệp bán lẻ cũng có dấu hiệu tăng cùng với dư nợ vay. Cả ba doanh nghiệp PNJ, MWG, FRT đều thực hiện mở rộng chuỗi cửa hàng liên tục từ năm 2016 tới nay, đi cùng với đó là các chi phí trả trước ngắn hạn và dài hạn tăng lên. Được biết, chi phí chiếm trọng số của doanh nghiệp kinh doanh bán lẻ theo chuỗi là tiền thuê mặt bằng hàng tháng. Đây là gánh nặng đối với doanh nghiệp khi hoạt động kinh doanh không thuận lợi. Xét theo chu kỳ của nền kinh tế, kể cả khi mở rộng hay thu hẹp, các hàng hóa giá trị lớn sẽ có khuynh hướng nhạy cảm hơn so với hàng hóa thông thường. Hiện tại, nhiều chuyên gia kinh tế dự báo nền kinh tế đang trong giai đoạn thu hẹp, nên có thể ảnh hưởng tiêu cực tới các chuỗi bán lẻ. Bởi vậy, việc doanh nghiệp bán lẻ thu hẹp quy mô được xem là phù hợp với thời cuộc, thậm chí có thể là “điểm cộng” sau này.