FastEhome.com- Đăng kí mở Shop bán hàng miễn phí Đi làm, ai mà chẳng muốn mình được tăng lương, phải không các bạn? Nhưng bạn có biết khi nào mình sắp được tăng lương không? Đây này, để mình chia sẻ cho các bạn nhé! Người lao động, làm công ăn lương được chia thành 2 nhóm chính, nhóm thứ nhất là nhóm những người làm việc cho công ty khối tư nhân, nghĩa là mức lương hưởng do công ty quyết định, còn nhóm thứ hai là nhóm những người làm việc cho cơ quan, đơn vị nhà nước, hưởng lương từ ngân sách nhà nước. Mỗi nhóm có dấu hiệu nhận biết tăng lương khác nhau. Cụ thể như sau: Đối với nhóm những người làm việc cho khối tư nhân, hưởng lương do công ty quyết định * Khi mức lương hiện hưởng của bạn thấp hơn mức lương tối thiểu vùng theo quy định của Nhà nước. Theo quy định của Bộ luật lao động năm 2012 thì mức lương của người lao động không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định. Mức lương tối thiểu vùng theo quy định áp dụng trong năm 2019 căn cứ Nghị định 157/2018/NĐ-CP là: - Tại công ty hoạt động trong địa bàn vùng I, trong đó có 2 thành phố lớn là TP.HCM và Hà Nội: 4.180.000 đồng/tháng. - Tại công ty hoạt động trong địa bàn vùng II: 3.710.000 đồng/tháng. - Tại công ty hoạt động trong địa bàn vùng III: 3.250.000 đồng/tháng. - Tại công ty hoạt động trong địa bàn vùng IV: 2.920.000 đồng/tháng. Được biết, thông thường định kỳ mỗi năm mức lương tối thiểu vùng sẽ thay đổi theo chiều hướng tăng lên tại các vùng. * Khi bạn đạt điều kiện được quy định trong thang, bảng lương của công ty. Theo quy định của Bộ luật lao động năm 2012, thì hợp đồng lao động buộc phải có nội dung về chế độ nâng bậc, nâng lương của người lao động. Thông thường nội dung này được dẫn chiếu thang lương, bảng lương được công ty với tư cách là người sử dụng lao động xây dựng và phải báo cáo định kỳ cho Sở Lao động Thương binh và Xã hội. Vì vậy, khi kết hợp đồng lao động chính thức với công ty, bạn cần hỏi cụ thể về thang lương, bảng lương để biết rõ bậc lương và khi nào được nâng lương theo chính sách của công ty nhé. Ảnh minh họa. Đối với nhóm những người làm việc cho cơ quan, đơn vị nhà nước, hưởng lương từ ngân sách nhà nước * Khi mức lương cơ sở tăng Khác với nhóm người lao động làm việc cho khối tư nhân, người làm việc cho khối cơ quan nhà nước hưởng lương theo hệ số. Tiền lương thực nhận được tính toán dựa trên hệ số lương, hệ số phụ cấp và mức lương cơ sở. Vì vậy, nếu như mức lương cơ sở tăng thì đương nhiên tiền lương thực nhận cũng tăng theo. Không như mức lương tối thiểu vùng tăng định kỳ vào mỗi đầu năm, mức lương cơ sở có chu kỳ tăng khác nhau. Thông thường, vào kỳ họp Quốc hội cuối năm, khi kết thúc sẽ có Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước cho năm tới. Tại Nghị quyết này thường sẽ đề cập đến việc điều chỉnh mức lương cơ sở mới vào thời điểm 01/7 năm tới. Đây chính là tín hiệu tốt cho những người làm việc trong khối cơ quan nhà nước này. * Khi đáp ứng đủ điều kiện theo luật định về chế độ tiền lương dành cho cán bộ, công chức, viên chức Khác với nhóm người lao động nêu trên, đối với nhóm này, việc nâng lương không được thực hiện một cách tự quyết mà phải tuân theo chuẩn mực quy định của pháp luật. Theo quy định tại Thông tư 08/2013/TT-BNV thì có 2 hình thức tăng lương hay còn gọi là nâng bậc lương (tức là hệ số lương), đó là nâng bậc lương thường xuyên và nâng bậc lương trước thời hạn. Đối với nâng bậc lương thường xuyên thì cần phải đảm bảo làm việc lâu dài, có thể 2 năm, 3 năm hoặc 5 năm tùy theo chức danh, và được cấp trên đánh giá hoàn thành nhiệm vụ, không vi phạm kỷ luật... Còn đối với việc nâng bậc lương trước thời hạn thì không cần đáp ứng điều kiện làm việc lâu dài tại vị trí đó, nhưng cần được đánh giá ở mức độ lập thành tích xuất sắc trong khi thực hiện nhiệm vụ... Vậy là bạn đã biết dấu hiệu sắp được tăng lương rồi nhé, hãy mau chia sẻ để mọi người biết nào!