FastEhome.com- Đăng kí mở Shop bán hàng miễn phí Phạm Tuấn, người được biết đến là em trai Khá "Bảnh" vừa xuất hiện trên mạng xã hội với vai trò là đại lý độc quyền của mô hình đa cấp BitcoinDefi. Ngày 5/7, video livestream dài 1 tiếng 30 phút được đăng tải trên trang BitcoinDefi thu hút sự chú ý từ cộng đồng đồng tư tiền số tại Việt Nam. Video phát trực tiếp buổi “Ký kết bổ nhiệm đại lý miền Bắc” của dự án đồng tiền số BitcoinDefi. Nhân vật được giới thiệu "đại lý ủy quyền duy nhất của BitcoinDefi" là Phạm Tuấn, người được biết đến là “cánh tay phải”, “em trai” của Khá "Bảnh" (tức Ngô Bá Khá). Phạm Tuấn (phải) là người tự giới thiệu mình là em trai Khá "Bảnh", quảng bá cho dự án đa cấp tài chính đầy rủi ro. Tự nhận phó giám đốc để quảng bá tiền số Trong nhiều video trước đây trên kênh của Khá "Bảnh", Phạm Tuấn xuất hiện dày đặc với tư cách "anh em xã hội" với Khá. Năm 2018, Phạm Tuấn sống chung nhà với Khá "Bảnh", tham gia hầu hết hoạt động giang hồ mạng như livestream chửi bới, đốt xe... Sau khi Khá "Bảnh" bị bắt, Phạm Tuấn cũng vội vã khóa tài khoản mạng xã hội. Trước đó, Phạm Tuấn kinh doanh các dịch vụ buôn bán tương tác ảo trên Facebook. Năm 2020, Phạm Tuấn cũng là một trong các thủ lĩnh chuỗi mạng lưới đa cấp Wefinex, nền tảng cá cược nhị phân từng bị Công an TP.HCM cảnh báo có dấu hiệu lừa đảo. Phạm Tuấn từng tham gia video đập phá, đốt xe máy cùng Khá "Bảnh". Ngoài ra, sự kiện còn có sự góp mặt của ông Nguyễn Tiến Chiến, người tự nhận là phó chủ tịch VNDC, đại diện BitcoinDefi Việt Nam. VNDC là công ty công nghệ blockchain của Việt Nam. Công ty này từng rót 1,5 triệu USD đổi lấy 30% cổ phần của Trustpay. Việc ông Chiến tự nhận mình là phó chủ tịch VNDC là sai sự thật. Theo ông Vương Lê Vĩnh Nhân, sáng lập nền tảng VNDC, ông Chiến chỉ là một đối tác, không phải phó chủ tịch. "Ông Chiến từng là một đối tác kinh doanh của VNDC. Chúng tôi có hơn 1.000 đối tác để hỗ trợ cho các hoạt động kinh doanh. Tuy nhiên, ông Chiến đã dừng hợp tác với VNDC từ tháng 9/2020. Hiện nay, ông này không liên quan gì đến các hoạt động của VNDC", ông Vĩnh Nhân nhấn mạnh. Ngoài ra ông Chiến cũng từng là một trong những thành viên của dự án đa cấp nhị phân. Mức lợi nhuận hoang đường Nền tảng BitcoinDefi được giới thiệu là sự kết hợp của Bitcoin và Defi (viết tắt của cụm từ Decentralized Finance – tài chính phi tập trung). Theo đó, Defi hướng tới việc xây dựng một nền tài chính phi tập trung dựa trên Blockchain. Giá cả được quyết định bởi cộng đồng, mọi giao dịch đều ẩn danh. Tuy nhiên, hiện đồng tiền BitcoinDefi chưa được niêm yết hay ứng dụng ở bất kỳ đâu. Người tham gia dự án đơn thuần chỉ mua coin thông qua sàn nội bộ và chờ đợi lên giá. Mức lợi nhuận mà BitcoinDefi giới thiệu ngoài sức tưởng tượng của nhiều người. “Chỉ mới ra mắt từ tháng 5 mà đến nay, BitcoinDefi đã tăng từ 0,1 USD lên 6,4 USD, tức 64 lần”, MC chương trình BitcoinDefi nói. Trong khi đó, các thành viên khác có mặt tại sự kiện cũng khẳng định việc BitcoinDefi tăng lên 100 USD trong năm nay là điều “vô cùng dễ dàng”. Có thể hiểu đây đơn thuần chỉ là một hình thức mới để huy động vốn từ các nhà đầu tư. Tại sự kiện, Phạm Tuấn khẳng định BitcoinDefi đạt mốc 100 USD là điều dễ dàng. Ngoài kêu gọi đầu tư trả lãi, BitcoinDefi còn phát triển cộng đồng theo mô hình đa cấp kim tự tháp, lấy của người sau trả cho người trước. Theo đó, tiền lãi sẽ được trả 3 cấp. Ví dụ: Người giới thiệu và 2 cấp bên dưới đầu tư 1.000 USD. Người giới thiệu sẽ nhận được 510 USD từ cấp 1 và 100 USD từ hai cấp tiếp theo, tương đương mức lợi nhuận 251% nếu có đủ ba cấp dưới. Theo bà Đỗ Phương Quỳnh, chuyên gia tài chính từ tập đoàn Ant Group, Thượng Hải, Trung Quốc, đây là mức lãi hoang đường trong giới đầu tư. Thế nhưng, qua cách giới thiệu của các leader BitcoinDefi, hình thức đầu tư này "hoàn toàn không có rủi ro", bất chấp đồng tiền số mà họ cung cấp chưa được niêm yết lên các sàn giao dịch mà chỉ có giá trị nội bộ. Đồng nghĩa với việc khi sàn giao dịch này vỡ, nhà đầu tư có thể mất trắng. Trả lời Zing, bà Lê Hoàng Uyên Vy, sáng lập quỹ đầu tư Do Ventures cho rằng hình thức đầu tư cam kết lợi nhuận, lãi suất là chuyện hoàn toàn không có trong giới đầu tư. "Trong đầu tư càng mạo hiểm càng có lợi nhuận. Những nền tảng thật sự tốt, có lợi nhuận như những gì họ nói sẽ không huy động vốn từ những cá nhân nhỏ lẻ. Các quỹ đầu tư lớn sẽ chủ động tham gia với số tiền và thỏa thuận tốt hơn các nhà đầu tư nhỏ rất nhiều", bà Vy nhấn mạnh. Giới thiệu người khác tham gia đa cấp sẽ bị phạt tiền 30 triệu đồng Theo luật sư Phan Vũ Tuấn, giám đốc công ty luật Phan Law, kinh doanh đa cấp trá hình là hình thức thường thấy trong các sàn tiền số hiện nay. Theo đó, bằng cách này hay cách khác, tiền hoặc “coin” của người tham gia sau sẽ được lấy để trả cho những người đã tham gia trước ở những tầng, cấp cao hơn. "Nghị định 40/2018/NĐ-CP cấm tổ chức, cá nhân kinh doanh đa cấp khi chưa được cấp giấy phép hoạt động bán hàng đa cấp. Đáng lưu ý, nghị định này cũng chỉ ra đối tượng của hoạt động kinh doanh đa cấp chỉ là hàng hóa và cấm mọi hoạt động kinh doanh đa cấp với đối tượng không phải là hàng hóa", luật sư Vũ Tuấn phân tích. Như vậy, tiền số không phải là hàng hoá. Do đó kinh doanh đa cấp tiền số bị cấm và không được cấp phép. Theo đại diện công ty Phan Law, pháp luật Việt Nam đưa ra các chế tài cả về hành chính và hình sự, theo đó, cá nhân tổ chức hoạt động kinh doanh đa cấp mà không có giấy phép có thể bị phạt tiền đến 5 tỷ đồng hoặc phạt tù đến 5 năm theo Bộ luật hình sự 2015. Đối với những người mời gọi, giới thiệu người khác tham gia vào hệ thống đa cấp chưa được cấp phép, chế tài sẽ là phạt tiền đến 30 triệu đồng. Người tham gia vào hoạt động của tổ chức, cá nhân kinh doanh đa cấp cũng sẽ chịu mức chế tài tương tự. ZING