FastEhome.com- Đăng kí mở Shop bán hàng miễn phí 1.Mở đầu Có hàng ngàn câu chuyện về rượu mỗi dịp Xuân về. Các bác sĩ cảnh báo tác hại ghê gớm của rượu, nhưng sản lượng tiêu thụ rượu bia vẫn ngày càng tăng, như thống kê dưới đây của Cục Xúc tiến thương mại Bộ Công thương (báo cáo 4/2012)/1/ Tôi nghĩ rằng các số liệu thống kê này có lẽ chưa tính đến rượu cuốc lủi và bia cỏ. Hiệp hội Rượu bia Việt Nam (VBA) cho biết hết tháng 12/2013, sản lượng bia chính thống đạt 2,96 tỷ lít (vượt dự báo của Bộ Công thương khoảng 10,4%), doanh thu khoảng trên 3 tỷ USD. Các nhà máy bia rượu vẫn mở rộng: chỉ riêng Sabeco, đã hoạch định mục tiêu tăng trưởng sản xuất giai đoạn 2011-2015 có sản lượng bia tăng 13-15%/năm và sẽ đạt 1,8 tỉ lít vào năm 2015. Không thể nói là thế giới người tiêu dùng mù quáng cả, mà ai cũng nói thời internet, con người biết nhiều thông tin hơn, khôn ngoan hơn! (ở Mỹ hay Trung quốc, sản lượng bia rượu cũng tăng nhanh). Khi người ta nạp ngần ấy chất độc, tốn rất nhiều tiền mà vẫn hồn nhiên, ắt là cơ thể phải có một lời giải nào đó ( vì Con Người là một hệ thống tự chỉnh rất hoàn hảo, cái gì đó đã tồn tại hàng ngàn năm phải có cái lý của nó chứ). Bài viết ngắn này thử lý giải một vài khía cạnh của quá trình phân giải cồn, rượu ở con người. Doanh thu và sản lượng các loại đồ uống có cồn tại Việt Nam Nguồn: Tổng cục thống kê Việt Nam, BMI. 2. Loài người phát minh ra rượu từ khi nào? Rượu, bia hay đồ uống có cồn, ngành Y đều quy về lượng ethanol về tác hại (ethanol có công thức hóa học CH3-CH2-OH). Có giai thoại là người tiền sử gần 10.000 năm trước tình cờ thấy vũng nước đọng trên đá có vài hạt nhỏ dài dài phân rã, uống hơi chua chua, thấy người sảng khoái, nên lượm các hạt ấy bỏ vào các vũng nước để uống, rồi gieo các hạt đó để thu hoạch làm đồ uống trong các lễ hội. Đến 5.000 năm trước, người ta thu hoạch được nhiều hạt nhỏ dài dài ấy, nên thử cho vào ống tre nướng lên, thế là món cơm lam ra đời. Vậy là có thể loài người ngẫu nhiên đi từ rượu đến cơm, dù mất một thời gian dài... Tưởng chuyện rượu sinh ra cơm chỉ là giai thoại, đến năm 2005, tạp chí của Mỹ có uy tín National Geographic News đưa thông tin Ethanol đã được con người sử dụng từ thời tiền sử như là một thành phần gây cảm giác say trong đồ uống chứa cồn. Các cặn bã khô trong các bình gốm 9.000 năm tuổi tìm thấy ở một làng miền Bắc Trung Quốc đã gián tiếp cho thấy việc sử dụng các đồ uống chứa cồn trong số những người sống ở thời kỳ đồ đá mới. Trước đó, chỉ tìm thấy bằng chứng của một đồ uống có cồn tương tự trong một ngôi mộ hoàng gia 2.700 tuổi ở Thổ Nhĩ Kỳ - có lẽ đó là mộ của vua Midas/2/ 3. Hấp thụ và phân hủy cồn trong cơ thể Nhiều người vẫn nghĩ gan là cơ quan chính thực hiện phân hủy rượu (bằng chứng là uống nhiều rượu làm hư gan). Quá trình hấp thụ và phân hủy cồn phức tạp hơn nhiều bắt đầu ngay từ màng niêm mạc trong miệng, được hấp thụ trên toàn tuyến tiêu hóa và đi thẳng vào máu, từ máu vào gan và phân hủy một phần lớn ở gan. Có nghiên cứu cho rằng rượu vào cơ thể được hấp thu nhanh với 20% hấp thu tại dạ dày và 80% tại ruột non, sau 30-60 phút toàn bộ rượu được hấp thu hết rồi rượu được chuyển hóa chủ yếu tại gan (90%). Thực tế hình như không chỉ đơn giản như thế. Các yếu tố làm tăng khả năng hấp thụ cồn vào máu, nhưng lại cản trở việc phân hủy cồn gồm đường (trong các loại rượu ngọt), CO2 (đồ uống có ga). Ngược lại, dầu mỡ kéo dài thời gian hấp thu cồn. Nhiều bác sĩ cho biết, ở phần lớn người, tốc độ phân hủy cồn khoảng 1g cồn trên 10 kg cân nặng trong một giờ (nếu bạn 60kg, phải mất 3 giờ để phân hủy 18g cồn # 50g rượu loại 35 độ). Tốc độ phân hủy cồn không tăng lên vì hay uống rượu. Hiệu ứng quen với cồn thường được nhìn thấy ở những người hay uống rượu không do phân hủy cồn nhanh mà là do hệ thống thần kinh đã quen với lượng chất độc cao hơn. Về chuyển hóa: Ở con đường 70% này, aldehyd được cơ thể giải độc bằng enzym ALDH đề chuyển aldehyd thành acid acetic rồi 1 vài bước nữa để thành CO2 và nước, vậy càng nhiều ALDG và càng ít ADH thì sẽ càng ít bị say xỉn (tửu lượng cao) và ít bị tác động có hại của rượu. Tóm lại là thế này : - Tại gan ethanol được chuyển hóa 70% bởi enzym ADH (phụ thuộc coenzym NAD ở ruột và gan) tạo aldehyd là chất độc gây các phản ứng cấp tính (là chất gây say xỉn), 30% bởi enzym khác ở gan. Vậy càng nhiều ALDG và càng ít ADH thì sẽ càng ít bị say xỉn (tửu lượng cao) và ít bị tác động có hại của rượu. Gan có các enzym tham gia quá trình oxi hóa aldehyd thành axit acetic. Axít axêtic được các tế bào trong toàn cơ thể phân hủy thành năng lượng và CO2. Gan không trực tiếp phân hủy toàn bộ rượu, mà gan và tụy (lá lách) cần có đủ hệ thống enzym thực hiện việc này (với enzym cần thiết, có thể phân hủy rượu trong toàn tuyến tiêu hóa). Một lượng nhỏ rượu còn nguyên dạng (khoảng 5-15%) thải ra ngoài qua mồ hôi, hơi thở và nước tiểu. Tại các mô khác quá trình này không mạnh mẽ nên ứ đọng nhiều andehyt, phải một thời gian dài sau mới thành axit acetic, lúc đó người ta hết say. Tráng sỹ Tiêu Phong có thể uống một lúc vài vò rượu (tiểu thuyết Thiên Long bát bộ Kim Dung) 4.Từ câu chuyện tửu lượng Trong cuộc sống hàng ngày, có nhiều người uống được rượu trong khi cũng có nhiều người không uống được rượu. Năng lực nạp chất men này vào người được người ta gọi chung là tửu lượng. Nhiều bác sỹ cho rằng khi hàm lượng cồn trong máu vượt 0,2% thì người ta mất kiểm soát, và khi vượt giới hạn 0,5% thì bất tỉnh. Không tính đến các nhân vật trong tiểu thuyết Kim Dung uống rượu hơn uống nước, chính tôi cũng chứng kiến nhiều người có thể uống 500ml rượu Vodka trong 2-3 giờ (lượng cồn 200ml, khi đó lượng cồn trong 6 lít máu > 3% hàm lượng cồn- cứ cho là trong 3 giờ, một người 60kg phân hủy được 18g như đã nói). Tại sao hàm lượng cồn vượt “mức bất tỉnh” đến 600% mà nhiều người vẫn... không sao? (hôm sau còn khoe, tối qua uống về ngủ ngon, sáng nay thấy khỏe!!) Từ lộ trình phân giải rượu, có thể thấy người nào có khả năng tốt để chuyển nhanh andehyt thành acid axetic thì cơ thể sẽ không bị ngộ độc, uống được nhiều và ngược lại, người nào khả năng chuyển hóa andehyt thành acid kém thì sẽ uống được ít và đỏ mặt. Nhiều người nghĩ rằng khả năng chuyển hóa andehyt thành acid nhanh hay chậm là do gen quy định, nhưng quá trình chuyển hóa lại phụ thuộc vào các loại enzym, vậy ngoài gen, có yếu tố nào khác tác động lên hệ enzym không? (ví dụ như môi trường hệ miễn dịch cơ thể và không khí lúc uống) 5. Đến câu chuyện enzym Tôi có hỏi nhiều nhà khoa học ngành sinh hóa về enzym và qua cách giải thích dài dòng của các chuyên gia, tôi hình dung câu chuyện enzym giống như vấn đề hạt cơ bản trong vật lý lượng tử, nghĩa là có rất nhiều loại, mà chả hiểu tại sao lại di chuyển trong cơ thể rất thông minh, luôn đúng nơi, đúng lúc, đúng thành phần, thế mới lạ... Cồn rượu chịu tác động của rất nhiều loại enzym khác nhau trong máu, xảy ra một loạt các phản ứng hóa học, mỗi loại enzym khác nhau có một nhiệm vụ riêng, phân công hợp tác với nhau, cùng hoàn thành một loạt các biến đổi phức tạp. Trong đó, bước phản ứng khó nhất và cũng là chậm nhất đó là oxy hóa rượu etylic thành anđêhit etylic. Thiếu các loại enzym này, rượu etylic không thể chuyển hóa thành anđêhit axetic một cách nhanh chóng và những phản ứng tiếp sau đó cũng không thể xảy ra. Nhưng tác dụng xúc tác của enzym có tính chuyên biệt cao độ, mỗi loại enzym đều có đối tượng xúc tác riêng của mình, các enzym khác muốn giúp enzym atylic anđêhit hóa cũng không giúp được gì. Do đó, enzym này có thể kịp thời oxy hóa rượu etylic thành anđêhit hay không chính là vấn đề then chốt quyết định cái gọi là tửu lượng của mỗi người. Đây chính là yếu tố môi trường lúc uống bia rượu. Tóm lại, enzym là một sơ đồ ma trận bậc cao (một số người gọi là “lực sống-vitoforce”), mà tôi nghĩ nhân loại còn mất nhiều thời gian để làm sáng tỏ chuyện này, nếu không tính đến Toàn Đồ (hologram) của cơ thể sống. Với người sử dụng rượu bia, cũng chẳng cần biết nhiều về cái ma trận bậc cao ấy, chỉ cần một số kiến thức cơ bản có liên quan đến quá trình phân giải để từ đó, hiểu về các “bài vở” hạn chế tác động của rượu bia. 5.1. Cơ quan nào điều tiết các enzym? Khi ta nâng ly (hay nhìn ngắm thức ăn), cơ thể đã báo động và trong nước bọt tiết ra đã có một số enzym rồi. Khi rượu xuống dạ dày, não được báo động cấp 2 và thông tin cho tuyến tụy, tuyến này đo lường tỷ lệ và thành phần các chất độc rồi báo cho gan, cả tụy và gan đều tiết ra các enzym cần thiết để phân hủy cồn. Như vậy, việc ăn món khai vị gì đó có tác dụng huy động enzym rất sớm, cũng như khi tụy và gan khỏe mạnh thì enzym mới đầy đủ được. 5.2. Một ví dụ về nghiên cứu cách tăng enzym bằng thực phẩm/3/ “Nước ép cà chua có thể giúp giải rượu nhanh hơn” là tựa đề một bài báo về nghiên cứu của Tập đoàn Asahi và công ty Kagome của Nhật Bản đồng thực hiện. Họ đã cho những đối tượng thí nghiệm nhóm A sử dụng 100ml rượu Shochu - một loại rượu nổi tiếng của Nhật và uống 480ml nước ép cà chua trong nhiều lần. Trong khi nhóm B chỉ uống rượu Shochu và nước trắng. Kết quả cho thấy, nồng độ cồn trong máu của những người nhóm A thấp hơn khoảng 30% so với những người nhóm B.Thời gian chuyển hóa và bài tiết cồn ra ngoài cơ thể của nhóm đầu tiên là khoảng 4 tiếng 10 phút, trong khi đó thời gian của nhóm còn lại là 5 tiếng. Nhóm nghiên cứu tin rằng các thành phần có trong nước ép cà chua có tác dụng kích hoạt enzym chuyển hóa rượu ra khỏi cơ thể. Sau khi uống loại nước ép này, nồng độ của pyruvate trong máu tăng lên làm gia tăng hoạt động của Lactate dehydrogenase trong gan, giúp sản sinh một lượng lớn các phân tử Coenzyme có tên là Nicotinamide adenine dinucleotide. Những phân tử này có tác dụng kích hoạt chức năng của Alcohol Dehydrogenase chuyển hóa rượu và Aldehyde dehydrogenase chuyển hóa acetaldehyde, từ đó thúc đẩy quá trình chuyển hóa rượu./.” 6. Những thực phẩm nào có vai trò tăng enzym Chuyện nghiên cứu của các nhà khoa học về enzym chỉ mới bắt đầu, còn các cư dân cả thế giới lại có nhiều kinh nghiệm về các “bài vở giảm say”. Nhiều người bảo do “cơ địa” nên ông A hợp bài này thì ông B lại thấy hiệu quả với bài khác (cơ địa là một cách nói về enzym thôi). Các “bài vở” thì đệ tử Lưu Linh nào cũng biết dăm công thức và nếu cần thì bạn đọc có thể tìm trên Internet.. Bản thân tôi là người dị ứng rượu (sau khi uống hay bị mẩn ngứa), nhưng thích uống bia rượu khi gặp bạn bè, nên nhiều năm tìm hiểu để tìm ra một vài đồ uống kèm theo rượu với mục tiêu hạn chế say. 6.1. Thực phẩm hiệu quả nhất là nước lọc. Vì rượu có tính chất loại nước (hay đúng hơn là phản ứng oxy hóa rượu cần có nước) nên sau khi uống rượu cảm thấy khô cổ và hơi nhức đầu. Nên uống rượu kèm nước (loại nước có độ pH cao như soda hay Ion Life càng hay), và uống thêm nước trước khi đi ngủ (lúc ta ngủ, phản ứng phân giải rượu mạnh nhất). 6.2.Thực phẩm tốt nhất thuộc về nhóm giúp gan tăng cường tiết mật: Thực chất của việc gan cấp các loại enzym là tăng tiết mật, nên các thực phẩm có như: artiso, chanh leo, chanh tươi, bưởi, diệp hạ châu, vitamin C.. đều có tác dụng hỗ trợ phân giải rượu (nhưng không nên kèm đường ). Với cá nhân tôi thì artiso và chanh leo là hiệu quả nhất, vì nó đơn giản, phổ cập và dễ uống. 6.3. Thực phẩm tác dụng nhanh nhất thuộc nhóm có khả năng giải độc: Khi uống trên 40 ml cồn (100 ml rượu 40 độ), thì về lý thuyết y khoa, bạn đã bị nhiễm độc ở mức “bất tỉnh”, nên việc dùng các thực phẩm giải độc như đậu xanh, sắn dây, cà chua...đều tốt. Cá nhân tôi thấy hiệu quả nhất là bột sắn dây (tôi nghĩ là 30gr tinh bột sắn dây 100gr gạo về mặt ...gluxit), mà rất dễ…đút túi. 6.4. Vài giải pháp giảm say khác: - Việc giảm tốc độ uống để cho gan kịp tiết mật cũng là quan trọng (dân miền Tây uống rượu từ sáng đến tối, nhưng uống xoay tour với ly nhỏ với trà đá chữa lửa nên cũng…lâu say) - Rượu thoát ra theo đường hô hấp khoảng 10%, nên thở sâu, ca hát, nói nhiều... cũng làm giảm nồng độ cồn trong máu (nhân đây nói thêm chuyện cảnh sát phạt lái xe uống rượu bia, vì nồng độ cồn trong hơi thở cỡ 0,04% hàm lượng cồn trong máu, vậy nên càng thở sâu với lượng không khí đẩy ra lớn, càng giảm nồng độ cồn. Cứ xem mấy ông vừa uống vừa hát thì biết, sau 1.000 nhịp thở sâu thì bao nhiều cồn bay ra? ) - Ăn nhanh trước khi uống theo kiểu “đổ bê tông” vừa tăng lượng enzym chung, vừa làm giảm nhu động ruột, nên rượu thấm vào máu chậm hơn (nhất là các thức ăn có dầu mỡ) - Ăn các thức ăn giúp làm chậm nhu động ruột, làm giảm tốc độ hấp thu: nên ăn lót dạ, thêm một ít thức ăn chua, cay..( dân Việt hay ăn cơm, canh chua…,dân Nga dùng xa lơ với dưa chuột muối) - Các loại thuốc chống say mà dân nhậu hay dùng (Paracetamol, aspirin, B1, B6, boganic... ),tôi chưa thử, vì rất lười uống thuốc. Có lẽ vitamin C và B1 là ít có hại hơn cả, vì nó tham gia quá trình phân giải rượu. 7. Lợi và hại khi uống rượu bia: Có hàng ngàn bài viết về lợi và hại của rượu bia, và có đến 75-80% bài nói là rượu bia có hại là chính. Như đã nói ở mục 1, nếu chỉ nói về cái hại của rượu thì… biết rồi, khổ lắm... Loài người sẽ chả bỏ được rượu bia đâu, vì trong máu người có các loại enzym chuyên xử lý rượu từ hàng ngàn năm trước. Lợi và hại luôn là hai mặt của một tờ giấy (và chẳng tờ giấy nào có một mặt cả), vấn đề nằm ở liều lượng cồn cân bằng với khả năng xử lý của mỗi cá thể. Ăn cơm nhiều cũng chết vì bội thực, uống thuốc bổ quá liều cũng bổ ngửa, nói chi đến một chất độc rõ ràng như rượu! Tôi thỉnh thoảng uống vài ly với nghệ sỹ điêu khắc Phạm Văn Hạng. Hồi tháng 7/2013, báo Tuổi trẻ đăng bài phỏng vấn ông già 77 tuổi này, có đoạn “Bia rượu hại hay không là do cách uống. Chả ai chết vì uống bia rượu đâu nhé, toàn chết vì say xỉn hoặc nghiện ngập. Người phương Tây duy lý hơn chúng ta: mọi công việc như uống bia rượu, lái xe... họ đều có một yêu cầu là phải “làm chủ”, tức kiểm soát được tình huống, mình nghĩ lai rai giải khát chắc chắn là tốt. Hai ông tổ “lưu linh” Bacchus (La Mã) và Dionysos (Hi Lạp) từ lâu trong văn đàn đã được tôn vinh là những vị thần đó mà.” Tôi hỏi ông là thật sự bác cảm thấy rượu bia là cần thiết a, ông cười ha hả, bảo mình bữa nào cũng làm một ly, vui lắm thì hai, ba ly thôi...thấy ăn ngon miệng hơn, mà vẫn di chuyển khắp nơi như điên ấy. Tôi nhớ tháng cuối 2012, có một bậc đàn anh - TS ngành Tự động hóa tặng một tập thơ dày mang tựa “Tình đời”, tôi lướt qua vài trang rồi hỏi thật là thơ dày thế này, em chả đọc hết đâu, anh chỉ cho em bài nào anh tâm đắc nhất nào?. Anh lật cuốn sách, chỉ cho tôi hai câu mà anh bảo là các bạn bè anh cho là thú vị nhất: Gặp mặt mà không có cồn Cứ như du kích đánh đồn… không Tây Tôi cười vui vẻ, bảo anh ơi, thơ kiểu Bút Tre này nó dễ nhớ anh nhỉ. Anh trầm ngâm, nói ừ thì suy cho cùng, chúng ta sống cũng nhờ niềm vui, vì niềm vui, tại sao lại không làm vài ly cho vui và tại sao lại làm quá đi để... hết vui. ST