FastEhome.com- Đăng kí mở Shop bán hàng miễn phí Những phiên giao dịch gần đây, nhóm cổ phiếu doanh nghiệp thủy sản niêm yết bất ngờ đột biến cả về giá lẫn thanh khoản. Vậy đâu là nguyên nhân khiến giá cổ phiếu thủy sản “nổi sóng”? Giá cổ phiếu nhóm ngành thủy sản giai đoạn đầu năm 2021 chưa thật sự đột phá so với các ngành khác và vẫn không tạo được dấu ấn lớn trong giới đầu tư. Điều này có thể là do dư âm kết quả kém khả quan trong năm 2020 đã gián tiếp ảnh hưởng vào giá cổ phiếu 5 tháng đầu năm 2021. Tuy nhiên, chỉ trong 1 tháng trở lại đây, nhóm cổ phiếu thủy sản đã tăng mạnh cả về giá lẫn thanh khoản chẳng hạn như VHC, FMC, ANV… Điển hình là cổ phiếu VHC, giá tăng vọt thu hút khá lớn sự chú ý của giới đầu tư. Thanh khoản được cải thiện rõ rệt, ghi nhận khối lượng kỷ lục so với các năm trước đó. Hiện cổ phiếu này kết phiên 18/06 tại mức giá 47,100 đồng/cp, tăng 25% qua 1 tháng trở lại đây, khối lượng bình quân gần 2 triệu cp/phiên. Nối bước VHC, nhờ giá tăng bứt phá đã giúp cổ phiếu ANV vượt đỉnh phiên 28/05/2019 (29,280 đồng/cp), chốt phiên 18/06 tại mốc 32,500 đồng/cp. Việc phá vỡ ngưỡng kháng cự giúp cho nhà đầu tư vững tin hơn với cổ phiếu này và đặt nhiều kỳ vọng cho sự tăng trưởng trong tương lai. Hay như FMC, giá cổ phiếu cũng ghi nhận tăng liên tục trong 1 tháng trở lại đây (tăng 21%), điểm đáng chú ý là giá đang nằm ở mức kỷ lục kể từ khi doanh nghiệp tôm này chào sàn (07/12/2006). Diễn biến giá cổ phiếu nhóm ngành thủy sản từ đầu năm 2021 đến nay Nguồn: VietstockFinance Doanh nghiệp thủy sản đang trở lại đường đua? Sau quý đầu năm 2021 khá chật vật nếu không muốn nói là giảm tốc của nhóm doanh nghiệp thủy sản niêm yết, nhiều con số mới công bố gần đây lại phát đi tín hiệu khả quan hơn. Theo VASEP, sau khi tăng 22%, đạt 749 triệu USD trong tháng 4/2021, xuất khẩu thủy sản của cả nước tiếp đà hồi phục lạc quan hơn trong tháng 5, tăng 24% lên gần 790 triệu USD. Theo đó, kết quả xuất khẩu luỹ kế 5 tháng đầu năm cũng khả quan hơn, tăng 14% đạt 3.27 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu tôm tăng 25% trong tháng 5 đạt 375 triệu USD, sau khi đạt trên 300 triệu USD trong tháng 4, tăng 23%. Tính đến hết tháng 5, XK tôm của Việt Nam đạt 1.34 tỷ USD, tăng 14%. Xuất khẩu cá tra cũng đang hồi phục cao hơn dự kiến với mức tăng 26% đạt 134 triệu USD trong tháng 5, sau khi tăng 25.8 triệu USD đạt 145 triệu USD trong tháng 4. Kim ngạch xuất khẩu cá tra 5 tháng đầu năm đạt 623 triệu USD, tăng 12%. Trước cơn sốt giá cá tra phục hồi nhẹ trong quý đầu năm 2021, VNDirect dự báo giá xuất khẩu cá tra được kỳ vọng sẽ tiếp tục phục hồi mạnh trong năm 2021 nhờ nhu cầu tăng mạnh tại các thị trường chính như Mỹ, Trung Quốc và EU. Với mặt hàng chủ đạo là cá tra, CTCP Vĩnh Hoàn (HOSE: VHC) đã cho thấy đà hồi phục rõ ràng qua kết quả tháng 5 với tổng doanh thu tiếp tục tăng 35% so với cùng kỳ nhờ tăng trưởng ở các dòng sản phẩm cá tra (tăng 46%), sản phẩm phụ (tăng 51%) và giá trị gia tăng. Xét về thị trường, xuất khẩu sang Hoa Kỳ ghi nhận mức tăng mạnh nhất (tăng 188% so cùng kỳ), Trung Quốc tăng 9% và thị trường khác tăng 4%. Ngược lại, tình hình xuất khẩu sang thị trường Châu Âu giảm 22% so cùng kỳ. Thị trường cải thiện đáng kể so với cùng kỳ năm trước sau khi dịch được kiểm soát nhờ tình hình tiêm chủng rộng rãi. Năm 2021, “nữ hoàng cá tra” sẽ đầu tư vào 3 dự án chính là xây dựng nhà máy thức ăn chăn nuôi, trại giống Vĩnh Hoàn và sở hữu đất cho khu liên hợp, với tổng số vốn đầu tư khoảng 1,900 tỷ đồng, dự kiến ngân sách chi trong năm 2021 là 700 tỷ đồng. Ngoài ra, VHC còn dành 200 tỷ đồng cho việc cải tạo nhà máy tại Thanh Bình và Thực phẩm Vĩnh Phước. Những khoản đầu tư khác khoảng 400 tỷ đồng. Tổng vốn đầu tư cần chi cho năm 2021 khoảng 1,300 tỷ đồng. CTCP Nam Việt (HOSE: ANV) thì vừa công bố kế hoạch kinh doanh 2021 với doanh thu dự kiến đạt 4,500 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế đạt 450 tỷ đồng, lần lượt tăng 31% và 88% so với thực hiện năm trước. Điều này cho thấy ANV khá tự tin với triển vọng ngành thủy sản trong những tháng còn lại của năm 2021. Còn theo CTCP Đầu tư và Phát triển Đa Quốc Gia – IDI (HOSE: IDI), trước tình hình Covid-19 dần được kiểm soát và các nước trên thế giới đã bắt đầu tiêm vắc-xin phòng chống Covid-19 trên người thì thế giới dần mở cửa xuất nhập khẩu trở lại, điều này sẽ giúp ngành cá tra phục hồi đáng kể, thậm chí là tăng cao đột biến trong những năm tới. Chính vì thế, ban lãnh đạo công ty IDI sẽ tiếp tục triển khai dự án xây dựng Nhà máy chế biến thủy sản số 3 với công suất thiết kết 400 tấn nguyên liệu/12 giờ/ ngày, dự kiến xây dựng vào quý 4/2021 trên phần quỹ đất sẵn có của Công ty. Hiện, thị trường Trung Quốc – Hong Kong chiếm hơn 40% và thị trường Mexico chiếm hơn 20% tổng doanh thu trong 2 năm gần nhất của đơn vị. Cụm công nghiệp Vàm Cống và các nhà máy thủy sản của IDI Không chỉ nhóm cá tra, mặt hàng tôm cũng đang theo đà hồi phục, qua đó tác động tích cực lên nhóm doanh nghiệp kinh doanh ở mảng này. Theo đó, CTCP Thực phẩm Sao Ta (HOSE: FMC) công bố kết quả tháng 5 với doanh số chung của doanh nghiệp chuyên xuất khẩu tôm đạt 16.9 triệu USD, tăng 13% so với cùng kỳ. Trong đó, thành phẩm tôm chế biến (có cộng kết quả từ Công ty con Khang An) đạt 2,057 tấn, tăng 17% so với cùng kỳ và nông sản chế biến đạt 116 tấn. Doanh nghiệp này cho biết mùa cao điểm chế biến hàng năm sẽ kéo dài tới khoảng giữa tháng 10. Theo FMC, vùng nuôi tôm năm 2021 sẽ có kết quả tốt nhất so các năm trước. Nguyên nhân do có sự chuẩn bị khá hoàn thiện mọi mặt, thời tiết thuận lợi… Hiện đã thu tỉa trên ngàn tấn tôm đưa về nhà máy chế biến. Dự kiến vụ chính của trại tôm sẽ thu hoạch dứt điểm ở giữa tháng 7 và sẽ thả nuôi vụ phụ theo hình thức cuốn chiếu từ cuối tháng 6. Qua đó, FMC dự báo kết quả hoạt động 6 tháng đầu năm 2021 sẽ tốt hơn cùng kỳ. Theo chia sẻ từ ông Hồ Quốc Lực – Chủ tịch FMC: “Khả năng 6 tháng đầu năm 2021, FMC sẽ đạt doanh số tiêu thụ tăng 20% và lợi nhuận tăng 10% so cùng kỳ năm trước”. “Vua tôm” Minh Phú (UPCoM: MPC) thì lên kế hoạch kinh doanh đem về 15,775 ngàn tỷ đồng doanh thu và 1,092 tỷ đồng lãi sau thuế 2021, lần lượt tăng 10% và tăng 62% so với thực hiện năm 2020. Tuy đặt kế hoạch tăng trưởng nhưng theo chia sẻ từ ông Lê Văn Quang – Chủ tịch MPC tại cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên 2021: “Hiện tại cước container đi các cảng tăng từ 2-4 lần, tức tăng 400% và chúng tôi không biết được liệu cước còn tăng nữa không? Trước tình hình này, chúng tôi quyết tâm đạt kế hoạch đã đề ra nhưng năm nay khó mà hoàn thành kế hoạch. Kế hoạch sản xuất sẽ đạt nhưng kế hoạch bán hàng và kế hoạch lợi nhuận khả năng sẽ chỉ đạt 80%. Tháng 6 kết quả kinh doanh cũng sẽ tốt như tháng 5 nhưng sẽ tốt hơn ở tháng 7-10. Hiện tại 5 tháng lãi trước thuế hơn 200 tỷ đồng. 6 tháng ước tính khoảng 300 tỷ. Những tháng kia vẫn rủi ro ở container tàu. Nếu Quảng Đông chống dịch tốt thì khối lượng container được giải phóng, chúng ta sẽ được hưởng lợi hơn”. Ngành thủy sản vẫn còn một số khó khăn nhất định Bên cạnh mặt tích cực, theo Cựu Chủ tịch Vasep Hồ Quốc Lực, nhóm ngành thủy sản vẫn gặp một số khó khăn nhất định. Ông Lực cho hay: “Tiêu thụ cá tra có xu thế cải thiện, tuy nhiên, cái khó con cá tra là diễn tiến tiêu thụ bị thụ động vì sức cạnh tranh gay gắt từ cá thịt trắng và áp lực cầu giảm vì một số nước tăng nuôi cá tra. Minh chứng là giá cá tra nguyên liệu chưa có chuyển biến đáng kể. Riêng con tôm lại khác, thời điểm này giá tôm nguyên liệu đang tăng dù đang vào mùa vụ. Lý do là các doanh nghiệp chế biến tôm đang có nhiều hợp đồng tiêu thụ. Cơ bản, con tôm thuận lợi nhiều hơn, tuy nhiên nhiều cái khó vẫn đang song hành. Thí dụ công tác đánh mã số ao nuôi, vùng nuôi rất chậm chạp, gây khó cho việc truy xuất nguồn gốc lô hàng. Đây coi như là một nút thắt cổ chai ngành tôm trên đường phát triển bền vững của mình”. VASEP cho rằng Việt Nam đang có cơ hội lớn để tăng thị phần tại thị trường Mỹ khi Ấn Độ bị ảnh hưởng Covid nặng nề và Trung Quốc bị giảm xuất khẩu do chiến tranh thương mại Mỹ- Trung và do chính quy định kiểm soát Covid của nước này. Tuy nhiên việc 2 nước “cạnh tranh” khác là Ecuador và Indonesia đang gia tăng xuất khẩu tôm sang Mỹ, cùng với khả năng Ấn Độ có thể hồi phục trong vài tháng tới là những yếu tố mà các doanh nghiệp tôm cần tính toán trong chiến lược xuất khẩu sang thị trường Mỹ vì đây là thị trường lớn và mục tiêu của cả những nước này, khi mà thị trường Trung Quốc đang “gây khó dễ” với tôm Ecuador và Ấn Độ với việc siết chặt kiểm tra virus corona. Cùng với Mỹ, thị trường EU cũng đang là điểm đến kỳ vọng của các doanh nghiệp xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam. Mặc dù sự hồi phục kinh tế của khối thị trường này chậm hơn so với Mỹ, nhưng nhu cầu tiêu thụ đang hồi phục rõ rệt khi dịch Covid đang được khống chế dần dần tại EU. Các nhà nhập khẩu châu Âu có xu hướng quan tâm hơn đến các nhà cung cấp thuỷ sản Việt Nam với lợi thế thuế quan từ hiệp định EVFTA và nguồn nguyên liệu ổn định. Ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký VASEP dự báo xuất khẩu cá tra sẽ tiếp tục tăng trưởng tốt trong thời gian tới nhờ các nước nhập khẩu kiểm soát dịch bệnh. Tuy nhiên, nguyên liệu cho các nhà máy chế biến có nguy cơ thiếu vì chu kỳ nuôi cá kéo dài từ 7-8 tháng và không thể tăng nhanh. Còn theo SSI Research, đến cuối năm 2021, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam có thể được hưởng lợi từ 2 cơ hội chính. Thứ nhất là giành thị phần từ đối thủ cạnh tranh có sản lượng sản xuất bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19. Thứ hai là tiếp tục tăng trưởng từ mảng bán lẻ và bán hàng trực tuyến trong khi nhu cầu từ kênh nhà hàng sẽ sớm phục hồi. Tiên Tiên FILI Tiếp tục đọc...