FastEhome.com- Đăng kí mở Shop bán hàng miễn phí Theo dự thảo Quyết định, từ nay đến 2020, sẽ cổ phần hóa 93 doanh nghiệp. Trong đó, chỉ có 4 doanh nghiệp nhà nước nắm giữ từ 65% vốn điều lệ trở lên như Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Tập đoàn Than Khoáng sản Việt Nam - Công ty mẹ; Tổng công ty Lương thực Miền Bắc. Có 62 doanh nghiệp nhà nước giữ trên 50% đến dưới 65% vốn điều lệ. Trong đó có những tên tuổi như VNPT, MobiFone, Tổng công ty Xi măng… Đáng chú ý trong danh sách này, Hà Nội có đến 12 doanh nghiệp và TP.HCM có đến 36 doanh nghiệp. Trong số 27 doanh nghiệp nhà nước giữ từ 50% vốn điều lệ trở xuống hoặc không nắm giữ cổ phần, có Tổng công ty Vàng bạc đá quý TP.HCM được giới đầu tư quan tâm. Quyết định này được ban hành được kỳ vọng sẽ gỡ khó cho công tác cổ phần hóa vốn rơi vào bế tắc trong những năm qua. Năm 2019, theo kế hoạch phải cổ phần hóa 19 doanh nghiệp, cộng dồn thêm 40 doanh nghiệp chưa cổ phần hóa xong năm 2018 thì mỗi tháng phải cổ phần hóa 5 doanh nghiệp. Tuy nhiên, cho đến hết quý I/2019, vẫn chưa cổ phần hóa được doanh nghiệp nào. Tốc độ “rùa bò” không kém là công tác thoái vốn. Theo Quyết định số 1232 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ, giai đoạn 2017 - 2020 thực hiện thoái khoảng 60.000 tỷ đồng vốn nhà nước tại các doanh nghiệp. Trong đó, năm 2017 thực hiện thoái vốn tại 135 doanh nghiệp; năm 2018 thực hiện thoái vốn tại 181 doanh nghiệp; năm 2019 thực hiện thoái vốn tại 62 doanh nghiệp và năm 2020 thực hiện thoái vốn tại 28 doanh nghiệp. Cho đến nay, cả nước mới thoái được 22.064 tỷ đồng. "Việc triển khai thoái vốn nhà nước còn chậm, chưa đạt kế hoạch đề ra. Một số bộ, ngành, địa phương có nhiều doanh nghiệp phải thực hiện thoái vốn vẫn đang triển khai thực hiện nhưng kết quả đạt thấp hoặc chưa có kết quả, tuy nhiên vẫn chưa báo cáo cấp có thẩm quyền", ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp cho biết. Trước đó, nhìn nhận thực tế này, ông Nguyễn Hồng Long, Phó trưởng ban chuyên trách Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp cho biết, Chính phủ sẽ có các quyết định tháo gỡ một số vấn đề khó khăn trong thực hiện cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước, để đảm bảo đến năm 2020, kế hoạch cổ phần hóa và thoái vốn hoàn thành mục tiêu đặt ra. Ông Long cho biết, vướng mắc lớn nhất là xác định giá trị đất đai và giá trị doanh nghiệp. Lý do là các văn bản mới được ban hành yêu cầu nghiêm ngặt trong khâu xác định giá trị doanh nghiệp để quá trình cổ phần hóa, thoái vốn được minh bạch hơn. Thực tế, có rất nhiều tỉnh, thành phố phê duyệt phương án sử dụng, giá trị đất chậm vì họ e ngại trách nhiệm về việc này. Bên cạnh những khó khăn khách quan của việc áp dụng các quy định mới, theo ông Đặng Quyết Tiến, chậm trễ còn đến ở thái độ và lề lối làm việc thiếu hiệu quả của một số bộ ngành và địa phương. Ông Tiến cho rằng, các văn bản quy định hiện nay là rất đầy đủ, vướng mắc đều có thể tháo gỡ, quan trọng là có quyết tâm làm hay không. “Cứ nói việc định giá doanh nghiệp khó khăn, tại sao vẫn có nhiều doanh nghiệp trong diện thoái vốn đã hoàn thành chứng thư thẩm định giá”, ông Tiến đặt câu hỏi. Khi quyết định mới về danh mục cổ phần hóa được ban hành, giới đầu tư kỳ vọng, công tác tổ chức thực hiện sẽ được tiến hành khẩn trương, và quy trách nhiệm cụ thể cho các đầu mối thực hiện. Bởi nếu không có các giải pháp xử lý tình trạng rùa bò như lâu nay, chắc chắn cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước không hoàn thành kế hoạch đã đề ra. Hà Vy