FastEhome.com- Đăng kí mở Shop bán hàng miễn phí Cơ hội tăng giá Khởi đầu năm 2020 với thông tin bất ổn tại Trung Đông, tiếp đó là dịch cúm tại Vũ Hán và đỉnh điểm vào đầu tháng 3/2020 với thông tin virus nCov lan rộng tại châu Âu và Mỹ đã khiến cho thị trường tài chính toàn cầu chìm trong sắc đỏ. Các chỉ số chứng khoán thế giới đồng loạt giảm mạnh, đáng chú ý hơn là giá dầu có thời điểm về dưới 0, thị trường tiền ảo cũng “bốc hơi” mạnh. Ngược chiều với những bất ổn của các kênh tài chính trên, giá vàng chính thức đạt mốc kỷ lục trong nhiều năm, vượt mức giá 1.700 USD/ounce và còn được dự báo chưa hết cơ hội tăng giá. Giá vàng giao dịch trên thị trường thế giới đã vượt qua ngưỡng 1.700 USD/ounce vào tháng 5/2020. Nguyên nhân chính là do dịch Covid-19 lan rộng khắp toàn thế giới, dẫn đến tình trạng thất nghiệp gia tăng. Chính phủ các nước phải đưa ra nhiều gói hỗ trợ nền kinh tế... Tuy nhiên, chưa ai khẳng định được dịch bệnh bao giờ kết thúc tại Mỹ và trên thế giới. Đây là nguyên nhân khiến giá vàng thế giới tăng. Từ đầu năm đến nay, kim loại quý này đã tăng khoảng 17-18%, trong khi cả năm 2019 mới tăng 18%. Dịch bệnh khiến kinh tế suy giảm, các ngân hàng trung ương trên thế giới đã đưa ra nhiều gói cứu trợ cho người dân, nền kinh tế. Trong đó, phải kể đến việc Chính phủ Mỹ thông qua gói cứu trợ kinh tế lên đến hàng nghìn tỷ USD cuối tháng 3/2020 để cứu nền kinh tế đang gặp khó khăn. Ông Trần Thanh Hải, Chủ tịch CTCP Đầu tư và Kinh doanh vàng Việt Nam (VGB) Những bằng chứng này cho thấy, dịch Covid-19 đang đẩy kinh tế thế giới vào một đợt suy thoái sâu khiến giới đầu tư tháo chạy khỏi chứng khoán cũng như một số kênh đầu tư khác và vàng được hưởng lợi. Giá vàng giao ngay phá vỡ ngưỡng kháng cự hơn 1.697 - 1.700 USD/ounce, mục tiêu sẽ đạt và kiểm định trên vùng 1.800 - 1.850 USD/ounce và nếu dịch Covid-19 chưa giảm, vàng không khó đạt mức này. Thậm chí, vàng còn được dự báo sẽ chạm mốc lịch sử của năm 2011 là trên 1.900 USD/ounce. Nhiều người xem vàng là một đồng tiền quốc tế và thanh khoản luôn cao. Trong trung và dài hạn, giá vàng vẫn là một hầm trú ẩn an toàn và có cơ hội tăng giá lớn. Dự báo giá vàng sẽ còn tăng cho đến khi dịch bệnh được kiểm soát. Về dài hạn, giá vàng trong nước cũng được dự báo sẽ tăng lên 80 triệu đồng/lượng. Vàng được biết là kênh đầu tư an toàn với chức năng tích trữ giá trị, tuy nhiên trong 2 - 3 năm gần đây, sự biến động của giá vàng đã cho thấy khả năng đầu tư sinh lợi từ kim loại quý này. Giá vàng tại thời điểm đầu năm 2019 là hơn 1.286 USD/ounce và đến cuối năm 2019 tăng lên trên 1.510 USD/ounce. Với danh mục đầu tư vàng, nhà đầu tư đã thu được tỷ suất đầu tư 17,45%/năm (gấp hai lần so với mức lãi suất tiền gửi ngân hàng). Khả năng sinh lời của vàng càng thể hiện rõ hơn trong bối cảnh dịch bệnh khiến kinh tế bất ổn hiện nay, khi mà giới đầu tư đổ xô đi tìm tài sản trú ẩn an toàn. Đó là lý do khiến giá vàng tăng mạnh, đỉnh điểm có lúc tăng hơn 10% chỉ trong 2 tháng. Có nên xuống tiền? Vì thanh khoản cao nên vàng có thể dễ dàng chuyển đổi thành tiền mặt ở bất cứ đâu trên thế giới. Ngoài tiền mặt thực tế, tính thanh khoản và tính phổ quát của vàng cao. Đồng thời, vàng đem lại sự bảo vệ quan trọng trong suốt thời kỳ suy thoái kinh tế. Vì thế, vàng là một cấu phần rất quan trọng trong việc đa dạng hóa danh mục đầu tư của giới đầu tư, đầu cơ trên thế giới, trong đó có các quỹ đầu tư lớn. Cho dù giá vàng thường bị dao động trong ngắn hạn, nhưng giá trị của nó lại được lưu giữ trong dài hạn. Trong thực tế, vàng là nguồn dự trữ thể hiện sức mua. Không phải đến khi đại dịch xảy ra mà các ngân hàng trung ương trên thế giới đã tăng tốc mua vàng trong 2 năm qua. Năm 2019, theo số liệu của Hội đồng Vàng thế giới, các ngân hàng trung ương trên thế giới mua khoảng 700 tấn vàng. Đây là số lượng vàng mà các ngân hàng trung ương thế giới mua vào nhiều nhất trong 6 năm qua. Còn các quỹ đầu tư vàng trên thế giới đang nắm giữ khoảng 3.000 tấn vàng và cũng là số vàng nắm giữ nhiều nhất. Quỹ đầu tư vàng lớn thế giới SPDR đã mua thêm 7,02 tấn vàng gần đây, nâng lượng vàng nắm giữ lên 978,99 tấn. Từ đầu năm cho đến đầu tháng 5/2020, quỹ này đã có 30 phiên mua vào với tổng khối lượng mua vào 173,85 tấn, trong khi chỉ có 17 ngày bán ra 88,11 tấn. Lượng vàng mua ròng của quỹ đầu tư này lên đến 85,74 tấn, tăng 9,6% so với đầu năm. Tương tự, Ngân hàng Trung ương Nga mới bắt đầu dừng mua vàng kể từ ngày 1/4, sau 5 năm chi tới hơn 40 tỷ USD tích trữ kim loại quý... Điều đó cho thấy sức hút của vàng đối với quỹ đầu tư trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 lây lan nhanh. Theo khảo sát của Hội đồng Vàng thế giới, các quỹ đầu tư đã mua vàng không có nhu cầu bán ra trong thời gian tới. Như vậy, không cần đến động thái mua vào của các quỹ đầu tư mà việc họ không bán ra cũng là yếu tố tác động tích cực lên giá vàng. Gần như tất cả mọi người trên thế giới đều nói về thứ kim loại màu vàng này, ngay cả khi họ không đầu tư vào vàng. Cho dù thị trường tăng trưởng hay sụt giảm, thị trường vàng đã, đang và sẽ cung cấp các cơ hội tuyệt vời để kiếm lợi nhuận ở bất kỳ trạng thái nào, do nó có một vị trí đặc biệt trong hệ thống chính trị và kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, điều quan trọng là các nhà giao dịch cần có những kiến thức sâu để giao dịch thành công trên thị trường vàng. Quả thực, một trong những loại tiền tệ lâu đời nhất trên trái đất đó chính là vàng, vì vậy, nó ăn sâu vào tâm lý của thị trường tài chính thế giới. Gần như tất cả mọi người trên thế giới đều nói về thứ kim loại màu vàng này, ngay cả khi họ không đầu tư vào vàng. Những yếu tố ảnh hưởng đến tâm lý, khối lượng và sức mạnh của xu hướng thị trường đó là: sự tăng trưởng và sự suy thoái; tham lam và sự sợ hãi; cung và cầu... Trong nền kinh tế hỗn loạn, nhiều người bắt đầu đầu tư vào vàng, nhưng khi các nhà đầu tư bắt đầu hoảng loạn, vàng có thể trở nên quá đắt. Vàng cũng trải qua những đợt điều chỉnh giá như bất kỳ một công cụ nào khác trong thị trường tài chính. Mặt khác, với thị trường vàng trong nước hiện không liên thông với thị trường thế giới. Nhà đầu tư cũng không được mua vàng tài khoản như trên thế giới. Vì thế, nếu mua vàng để tích trữ và có vốn tự có có thể nắm giữ vàng. Ngược lại, nếu mua vàng bằng vốn vay mượn, hoặc nhà đầu tư ngắn hạn nếu lướt sóng sẽ gặp rủi ro cao. Do đó, muốn kiếm được lợi nhuận khi rót vốn vào mặt hàng kim loại quý thì cần có tầm nhìn dài hạn. Về mặt trung, dài hạn, giá vàng vẫn có nhiều yếu tố hỗ trợ lớn. Bởi các ngân hàng trung ương trên thế giới và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cho biết, sẽ đưa ra số lượng tiền lớn để cứu nền kinh tế. Một trong số đó có thể là việc các ngân hàng trung ương trên thế giới sẽ mua vàng vào để đẩy tiền ra. Thực tế, rót vốn vào vàng trong những năm qua, nhà đầu tư vẫn “gặt hái” lợi nhuận không dưới 10-15%/năm và chỉ tính riêng 4 tháng đầu năm nay, vàng đã tăng giá gần bằng cả năm 2019. Nhiều người chưa mua vàng ở vùng giá thấp trước đây đã tỏ ra tiếc nuối và không ít người đã mua vào ở vùng giá trên 46 - 47 triệu đồng/lượng. Giá vàng trong nước được dự báo còn tăng trong thời gian tới theo xu hướng của giá thế giới và thực tế mặt hàng kim quý này đã tái chạm ngưỡng 50 triệu đồng/lượng mới đây. Thế nhưng, với nhà đầu tư vàng cũng cần một cái đầu “lạnh” và chốt lời khi giá tăng cao.