FastEhome.com- Đăng kí mở Shop bán hàng miễn phí Nhiều dự án “quên” công viên Khu dân cư Khang An (phường Phú Hữu, quận 9) do Công ty cổ phần Địa ốc An Khang làm chủ đầu tư, có tổng diện tích gần 116.000 m2 với 350 nền gồm biệt thự đơn lập, biệt thự song lập, nhà liên kế có vườn và nhiều tiện ích... Một trong những tiện ích được duyệt trong dự án là công viên cây xanh rộng gần 10.000 m2. Tuy nhiên, sau nhiều năm bàn giao nhà cho khách hàng, những khu đất để triển khai các hạng mục tiện ích trên đang được chủ đầu tư “nhường” cho cỏ mọc, rác thải, xuống cấp nặng nề. “Khi mua dự án này, chủ đầu tư quảng cáo các tiện ích công viên, hồ bơi, khu vui chơi giải trí cho trẻ em, cư dân. Đúng là quy hoạch có đất cho các hạng mục này, nên hiện dự án xuất hiện nhiều khu đất trống. Sân thể dục thể thao và công viên, một phần chứa vật liệu xây dựng, một phần bỏ trống để cỏ mọc”, bà Nguyễn Thị Thúy, một cư dân ở đây nói. Còn bà Trần Kiều Trang, một cư dân khác tại đây cũng cho biết: “Vào mùa nắng, cỏ tranh trong khu đất bị khô khiến đám cháy thường xuyên xảy ra, chưa kể rác thải người dân khắp nơi đem đến đổ tràn lan, bốc mùi hôi thối”. Không có sân chơi, trường mầm non trong một khu dân cư tại quận 9 phải tận dụng vỉa hè tạo sân chơi cho trẻ. Ảnh: Trọng Tín Các hộ dân ở đây còn cho biết thêm, dù đã phản ánh nhiều với chủ đầu tư về vấn đề phát triển các hạng mục của dự án này để người dân được hưởng lợi theo đúng cam kết, nhưng mỗi lần phản ánh tới vấn đề này, chủ đầu tư chỉ làm qua loa rồi để đó, vài năm sau thì đâu cũng vào đấy. Cách Khu dân cư Khang An không xa là Khu dân cư Nam Hòa (phường Phước Long A, quận 9) đã hình thành từ trước năm 2010. Hiện căn hộ, nhà đã kín người ở, nhưng gần chục năm qua, chủ đầu tư là Công ty Đầu tư và Xây dựng Thanh niên xung phong (CINCO) lại “quên” xây dựng công viên. Dẫn phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản đi quanh một vòng khu dân cư, ông Nam, cư dân của dự án cho biết, ông đã về đây sống nhiều năm, nhưng hiện vẫn chưa thấy sự xuất hiện của công viên đâu. Theo quảng cáo của chủ đầu tư, công viên bao gồm sân đánh cầu lông, nơi trẻ em vui chơi, người lớn tập thể dục…, nhưng toàn bộ mới chỉ là trên giấy. “Từ lúc gia đình tôi mua đất cất nhà ở đến nay, khu đất vẫn là bãi cỏ hoang. Tiện ích không có, công viên không xây. Bỏ gần chục tỷ đồng để mua đất cất nhà, nhưng chẳng có nổi một tiện ích chung để sinh hoạt”, ông Nam bức xúc. Tương tự, tại Khu dân cư An Lạc - Bình Trị Đông do Công ty cổ phần Xây dựng Bình Chánh làm chủ đầu tư, phần diện tích công viên - thể dục thể thao còn bị chủ đầu tư mang cho thuê làm sân tennis, bãi giữ xe ô tô và quán bán cà phê... Hay tại, Chung cư Khang Gia Gò Vấp (phường 1, quận Gò Vấp) do Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển địa ốc Khang Gia làm chủ đầu tư cũng không khác. Theo cư dân, lúc mở bán, dự án được chủ đầu tư giới thiệu mật độ xây dựng có 36,7%, còn lại hệ thống công viên cây xanh, sân tập thể dục thể thao, hồ bơi, đường nội khu... Thế nhưng, đến nay đã nhiều năm đưa vào sử dụng, những khu đất để xây dựng các tiện ích trên chỉ là những bãi đất trống hoang tàn cỏ dại. Lắm hệ lụy Tình trạng chủ đầu tư “quên” xây dựng công viên sau khi bán hết sản phẩm, kéo dài việc bàn giao toàn bộ công trình cho cơ quan quản lý nhà nước diễn ra khá phổ biến ở nhiều dự án khu dân cư trên địa bàn TP.HCM. Chưa kể, tại những dự án này, nơi được quy hoạch là khu vực công viên lại biến thành những địa điểm kinh doanh như nhà hàng, quán cà phê, bãi giữ xe… Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, kiến trúc sư Trịnh Hoài Linh, Giám đốc Công ty Xây dựng và Trang trí nội thất Code Arch cho biết, trong bối cảnh đô thị hóa nhanh, không gian đô thị ngày càng chật chội, thì nhu cầu tận hưởng những không gian công viên cây xanh của cư dân đô thị đang ngày càng cấp thiết. Cư dân đô thị sau một ngày học tập, làm việc căng thẳng có nhu cầu được hòa mình vào thiên nhiên, nhu cầu được vận động, giao lưu cộng đồng và tận hưởng không khí trong lành của các công viên cây xanh trong đô thị. Việc thiếu hạng mục công viên cây xanh trong những dự án khu dân cư sẽ mang đến nhiều hệ lụy. “Đầu tiên phải nói đến chất lượng sống, một khu dân cư nếu không có công viên cây xanh thì chắc chắn chất lượng sống sẽ thấp, môi trường sống bị ô nhiễm nghiêm trọng, ảnh hưởng đến đời sống, sức khỏe và tinh thần của người dân”, bà Linh nói. Tương tự, ông Ngô Quang Phúc, Tổng giám đốc Phú Đông Group cho rằng, theo quy định, tùy vào quy mô dự án, số lượng hộ dân mà công viên cây xanh, số lượng đường giao thông sẽ được đầu tư, xây dựng với diện tích tương ứng. Khi dự án hoàn thành, căn hộ, đất nền bán xong, chủ đầu tư có trách nhiệm bàn giao toàn bộ các tiện ích trong khu dân cư như công viên cây xanh, giao thông… cho chính quyền địa phương quản lý. Nếu chủ đầu tư cố ý chây ỳ việc xây dựng công viên cây xanh hoặc không có hạng mục này, thì cơ quan chức năng phải yêu cầu chủ đầu tư thực hiện mới cấp sổ đỏ cho từng căn hộ. Đối với những chủ đầu tư chỉ chăm chăm đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật, căn hộ mà chưa chú trọng đầu tư xây dựng các khu công viên cây xanh thì quả là một thiếu sót lớn. Điều này làm cho dự án kém hấp dẫn người dân và gặp khó khăn trong việc phát triển, hình thành khu dân cư có chất lượng sống tốt. “Khi nền kinh tế phát triển, người dân bỏ tiền mua căn hộ không đơn thuần chỉ để đáp ứng nhu cầu chỗ ở, mà ở đây phải nói đến sự thụ hưởng. Nếu chủ đầu tư trước khi bán dự án quảng cáo rầm hộ, vẽ ra những tiện ích, nhưng khi bàn giao lại không có thì chắc chắn uy tín của chủ đầu tư đó sẽ bị ảnh hưởng”, ông Phúc nói và phân tích thêm, hạ tầng kỹ thuật, tiện ích chung cũng là yếu tố tác động đến giá thương mại của dự án đó. Nếu không có những tiện ích này, chắn chắn giá thương mại dự án sẽ không thể nào tăng được. Còn luật sư Nguyễn Văn Khoa, Đoàn Luật sư TP.HCM cho biết, Công viên cây xanh là tiện ích không thể thiếu trong các dự án nhà ở, vừa tạo cảnh quan, vừa giảm thiểu ô nhiễm môi trường, vừa để bảo đảm không gian sống lành mạnh cho người dân. Vì vậy, trong quy hoạch lẫn quyết định cấp phép dự án của cơ quan quản lý nhà nước, công viên là hạng mục luôn phải có. “Nguyên nhân một phần cũng do công tác hậu kiểm của các cơ quan quản lý nhà nước và chính quyền địa phương chưa nghiêm, nên mới xảy ra chuyện công viên cây xanh chỉ nằm trên giấy. Để tránh tình trạng này, chính quyền địa phương cần phải kiểm tra các hạng mục này với các dự án trước khi cấp sổ đỏ cho chủ đầu tư, khi đó sẽ tạo trách nhiệm để chủ đầu tư thực hiện xây dựng các hạng mục cho cư dân. Nếu chủ đầu tư cố ý chây ỳ không hoàn thành các hạng mục này, thì phải truy nộp tiền về để thuê người khác làm”, ông Khoa nói. Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com Trọng Tín Báo Đầu tư Bất động sản Tin liên quan