FastEhome.com- Đăng kí mở Shop bán hàng miễn phí Đó là đánh giá của các chuyên gia tại phiên thảo luận bàn tròn với chủ đề Tiếng nói từ thế giới việc làm trong khuôn khổ lễ kỷ niệm 100 năm thành lập Tổ chức Lao động quốc tế ngày 27/8. Nhìn nhận thị trường lao động Việt Nam thời gian vừa qua, ông Bùi Sỹ Lợi, Phó chủ nhiệm Uỷ ban các vấn đề xã hội của Quốc hội thừa nhận là "vẫn còn những điểm nghẽn", mà trước hết thể hiện ở quá trình phân bổ và dịch chuyển lực lượng lao động không đồng đều và chưa đáp ứng yêu cầu phát triển của nền kinh tế. Chẳng hạn như lực lượng lao động phân bổ ở khu vực Đồng bằng sông Hồng chiếm 20%, Bắc Trung Bộ và miền Trung chiếm hơn 22,5% nhưng khu vực Tây Nguyên chỉ chiếm 6%. Tiếp theo là cơ cấu lao động cũng chưa chuyển dịch từ khu vực có năng suất lao động thấp sang khu vực có năng suất lao động cao hơn. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng nhất trong thị trường lao động hiện nay là chất lượng nguồn nhân lực của chúng ta còn thấp. "Đây vẫn là nút thắt, là vấn đề quyết định cho sự phát triển của đất nước mà trước hết chính là cơ hội để tăng năng suất lao động", ông Lợi nêu quan điểm. Một vấn đề nữa theo ông Lợi dù nhiều năm qua đã làm song chưa giải quyết được là còn nhiều hạn chế trong quá trình dịch chuyển lao động. Đầu tiên chính là việc lực lượng lao động di cư vào các đô thị và các khu công nghiệp còn rất khó khăn mà nguyên nhân là do thực thi và quản lý nhà nước. "30% lực lượng di cư vào các đô thị, khu công nghiệp là vướng các thủ tục hành chính, khó khăn trong vấn đề hộ khẩu, đăng ký tạm trú, nhà ở, dịch vụ xã hội. Giải quyết được những vấn đề này có ý nghĩa hết sức quan trọng quyết định cho thị trường lao động phát triển ổn định, hướng tới đảm bảo việc làm bền vững", ông Lợi cho biết. Từ những thực tế như vậy, theo ông Lợi, phát triển thị trường lao động hiện đại luôn phải gắn với những hỗ trợ cho người lao động. Nhất là trong bối cảnh hội nhập, việc đào tạo cho người lao động cần phải tiến hành "đi trước đón đầu" ngay cả khi người lao động vẫn đang có việc làm. Bởi vì, trên thực tế, cơ cấu lao động hiện nay theo ông là vẫn còn bất hợp lý khi "thầy nhiều thợ ít". Dưới góc độ doanh nghiệp, ông Nicholas Stokes, Tổng giám đốc Công ty TNHH Maxport Limited (Viet Nam) cũng nhấn mạnh rằng, để một thị trường lao động phát triển ổn định cần cân bằng quyền lợi của cả người lao động và doanh nghiệp. Ông cho rằng, nhiều doanh nghiệp hiện nay tập trung mạnh vào đầu tư cho máy móc, công nghệ, nhưng yếu tố quan trọng nhất, mang tính quyết định phải là yếu tố con người. Ông cũng nhấn mạnh rằng, đầu tư cho con người là một hướng đi đúng đắn và cần thiết, nhất là trong thời đại công nghệ 4.0. Trong khi đó, đối với khách hàng, theo ông Nicholas Stokes cần hướng tới xây dựng quan hệ hợp tác, đối tác thay vì chỉ là quan hệ trao đổi thông thường. Chỉ có như vậy, mối quan hệ và lợi ích mới được cân bằng tốt nhất.