FastEhome.com- Đăng kí mở Shop bán hàng miễn phí Ngày 13/8/2019, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cùng hai sở giao dịch chứng khoán công bố Bộ nguyên tắc quản trị công ty theo thông lệ tốt nhất. Với việc công bố bộ nguyên tắc này, thị trường vốn Việt Nam đã được lấp một lỗ hổng lớn trong khung quản trị, từng bước tiệm cận đa số thị trường khác trên toàn cầu, trong đó có các quốc gia ASEAN, vốn đã duy trì bộ nguyên tắc tương tự từ lâu. Sự kiện này cũng là bước tiến quan trọng của Việt Nam trong việc hướng đến hội nhập các tiêu chuẩn quốc tế nhằm cải thiện niềm tin của nhà đầu tư. Bộ Nguyên tắc quản trị công ty theo thông lệ tốt nhất của Việt Nam là gì? Bộ nguyên tắc quản trị công ty theo thông lệ tốt nhất của Việt Nam đưa ra những hướng dẫn quan trọng để các doanh nghiệp cải thiện hoạt động quản trị, dần đạt tới chuẩn mực hàng đầu của ASEAN và quốc tế. Bộ nguyên tắc này gồm 10 nguyên tắc với các khuyến nghị chi tiết, nhằm giải quyết các vấn đề ưu tiên về quản trị của các doanh nghiệp Việt Nam. Có tới 6 trong số 10 nguyên tắc này tập trung vào chức năng hoạt động của hội đồng quản trị, là lĩnh vực cần cải thiện hơn nữa tại nhiều doanh nghiệp Việt Nam. Bốn nguyên tắc còn lại tập trung vào các lĩnh vực khác như môi trường kiểm soát, minh bạch và công bố thông tin, quyền của cổ đông và quan hệ với các bên có quyền lợi liên quan. Bộ nguyên tắc cũng gồm các hướng dẫn liên quan đến việc kinh doanh có trách nhiệm như khuyến nghị việc hội đồng quản trị nên tập trung mạnh mẽ hơn vào các vấn đề môi trường và xã hội và thúc đẩy đa dạng giới trong hội đồng quản trị. Tại sao bộ nguyên tắc lại quan trọng đối với Việt Nam? Có một vài lý do giải thích tại sao bộ nguyên tắc này lại có tầm quan trọng như vậy đối với Việt Nam. Trước tiên, quản trị tốt giúp các công ty cải thiện kết quả kinh doanh trong dài hạn và thu hút vốn tốt hơn. Chuẩn mực cao về quản trị góp phần xây dựng hội đồng quản trị và ban điều hành hiệu quả hơn, hỗ trợ việc cải thiện quy trình ra quyết định, nâng cao hiệu quả hoạt động và giảm nhẹ rủi ro. Những cải thiện này lại giúp các công ty thu hút đầu tư, gia tăng giá trị cổ đông và giảm thiểu nguy cơ xảy ra các cuộc khủng hoảng tiềm tàng. Những nội dung trên đây không chỉ là lý thuyết. Nhiều nghiên cứu đã cho thấy nhà đầu tư có niềm tin mạnh mẽ hơn vào các công ty có hệ thống quản trị tốt, vì họ cho rằng những doanh nghiệp đó có năng suất cao hơn, cạnh tranh hơn và ít có khả năng gặp phải các sự cố rủi ro lớn. Là một nhà đầu tư, IFC đã có cơ hội kiểm nghiệm những lợi ích này. Một nghiên cứu về các khoản đầu tư vốn của IFC cho thấy, các công ty có hệ thống quản trị mạnh mẽ có tỷ suất lợi nhuận trên vốn cao gần gấp ba lần các công ty quản trị yếu kém. Hơn nữa, các công ty này có xếp hạng rủi ro tín dụng thấp hơn và có kết quả phát triển mạnh mẽ hơn (IFC, 2018). Ðây là lý do tại sao IFC coi quản trị công ty và rộng hơn là các yếu tố môi trường, xã hội và quản trị công ty (ESG) - là trọng tâm của quan điểm đầu tư và coi quản trị công ty là yếu tố quan trọng tạo điều kiện cho sự phát triển bền vững của khu vực tư nhân ở Việt Nam. Ông J.Chris Razook, Trưởng bộ phận quản trị công ty khu vực Đông Á - Thái Bình Dương của IFC. Thứ hai, doanh nghiệp Việt Nam hiện còn có khoảng cách đáng kể so với các quốc gia ASEAN khác về hoạt động quản trị. Mặc dù đã có nhiều cải thiện qua từng năm, Việt Nam vẫn nằm trong nhóm cuối trên thẻ điểm quản trị ASEAN - một khảo sát thường niên đánh giá công tác quản trị của các công ty niêm yết hàng đầu ở mỗi thị trường ASEAN theo một tập hợp các tiêu chí toàn diện - xếp sau các quốc gia láng giềng như Singapore, Thái Lan, Malaysia, Philippines và Indonesia. Một trong những nguyên nhân của việc đứng ở thứ hạng thấp là một tỷ lệ lớn các công ty Việt Nam, kể cả công ty niêm yết, là các công ty bị kiểm soát - thường là doanh nghiệp nhà nước hoặc công ty gia đình hoặc do một người sáng lập - nên hoạt động quản trị công ty thường ít phát triển. Từ kinh nghiệm của IFC tại Việt Nam, một số vấn đề thường gặp bao gồm việc hội đồng quản trị bị thống trị và hoạt động yếu kém, có rủi ro đáng kể về nhân sự chủ chốt, xung đột lợi ích, giao dịch với bên liên quan, mức độ minh bạch thấp và khung rủi ro và kiểm soát chưa phát triển. Bộ nguyên tắc mới đưa ra hướng dẫn quan trọng để hỗ trợ các công ty giảm nhẹ những vấn đề này, cải thiện niềm tin của nhà đầu tư và xóa bỏ chênh lệch giữa Việt Nam và các quốc gia ASEAN. Thứ ba, ngoài những lợi ích mà bộ nguyên tắc mang lại cho từng doanh nghiệp, các chuẩn mực được cập nhật theo xu hướng mới nhất trong bộ nguyên tắc này sẽ giúp củng cố hơn nữa nền tảng của thị trường vốn Việt Nam nói chung. Các nghiên cứu cho thấy, nhà đầu tư tin tưởng hơn vào những thị trường có các chuẩn mực quản trị vững mạnh, đặc biệt liên quan đến bảo vệ nhà đầu tư và giúp giảm chi phí vốn (theo nghiên cứu của Trường Ðại học Hồng Kông, 2003). Trong khi đó, McKinsey ước tính rằng, những thị trường vốn phát triển hơn ở châu Á mới nổi có thể cung cấp tới 800 tỷ USD vốn hàng năm, song theo Chỉ số phát triển thị trường vốn châu Á của tổ chức này, thị trường vốn Việt Nam vẫn còn rất “nông”, xếp dưới Pakistan, Indonesia và Philippines. Ðể Việt Nam có thể tiếp tục câu chuyện thành công về kinh tế, một vấn đề vô cùng quan trọng là thị trường vốn của Việt Nam - đầu vào của tăng trưởng - phải được củng cố bởi những chuẩn mực quản trị hàng đầu để thu hút đầu tư nhiều hơn nữa. Cuối cùng, trong khi bộ nguyên tắc chủ yếu nhằm hướng dẫn cho các công ty niêm yết và công ty đại chúng trên các sở giao dịch chứng khoán TP.HCM và Hà Nội áp dụng các nguyên tắc quản trị công ty tốt trên cơ sở tự nguyện, tài liệu này cũng có thể mang lại lợi ích đáng kể cho các công ty khác không phải là công ty niêm yết tại Việt Nam. Chẳng hạn, với những nỗ lực cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước hiện nay, bộ nguyên tắc có thể cung cấp lộ trình hữu ích cho các doanh nghiệp nhà nước đang mong muốn cổ phần hóa áp dụng khung quản trị có định hướng thương mại theo thông lệ quốc tế tốt nhất. Ðiều này đặc biệt quan trọng đối với Việt Nam, bởi các doanh nghiệp nhà nước và hơn một nửa các công ty niêm yết ở Việt Nam thuộc sở hữu nhà nước ở mức độ nhất định đóng góp gần 1/3 GDP (theo Ngân hàng Thế giới, 2015). Tương tự như vậy, các công ty gia đình cũng có thể sử dụng bộ nguyên tắc để thiết lập khung quản trị chính thống và có cấu trúc tốt hơn, bảo đảm sự kế thừa từ thế hệ này sang thế hệ khác, để đáp ứng hoạt động kinh doanh ngày càng tăng trưởng và thu hút vốn đầu tư từ bên ngoài. Bộ nguyên tắc là bước tiến tiếp theo trong tiến trình cải thiện quản trị công ty mà Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, hai sở giao dịch chứng khoán và các đối tác thị trường khác đã nỗ lực triển khai trong những năm qua. Những cải cách quan trọng bao gồm việc sửa đổi Luật Doanh nghiệp năm 2014, nâng cao các quy định đối với các công ty niêm yết (Nghị định 71), thành lập Hội đồng Sáng kiến quản trị công ty Việt Nam (VCGI) để hỗ trợ quản lý những cải cách trong tương lai và ra mắt Viện Thành viên hội đồng quản trị Việt Nam để thực hiện đào tạo thường xuyên và nâng cao nhận thức cho các thành viên hội đồng quản trị và lãnh đạo cấp cao ở Việt Nam. IFC, với sự hỗ trợ của Cục Kinh tế liên bang Thụy Sĩ (SECO), đã tham gia tích cực vào hành trình này; trong đó có việc hỗ trợ xây dựng và ban hành Bộ nguyên tắc quản trị công ty theo thông lệ tốt nhất - một tín hiệu quan trọng để các nhà đầu tư tới và hoạt động kinh doanh tại Việt Nam. J.Chris Razook