FastEhome.com- Đăng kí mở Shop bán hàng miễn phí Câu chuyện hôm nay liên quan đến dòng 787 Dreamliner - cụ thể là dây chuyển sản xuất của dòng máy bay này nhưng nó phần nào cho thấy cái cách mà Boeing đang vận hành chuỗi sản xuất nói chung và liệu chăng 737 MAX cũng đang gặp vấn đề từ gốc. Các nhân công tại nhà máy sản xuất 787 Dreamliner ở Nam Carolina đã phàn nàn về nhiều vấn đề liên quan đến chất lượng cũng như độ an toàn của một chiếc máy bay như dây chuyền sản xuất lỗi, nhiều mảnh vụn kim loại nguy hiểm bị bỏ lại trên máy bay và áp lực khiến họ không được báo cáo về những vi phạm này. Bài báo trên New York Times cho hay: Khi Boeing khởi công nhà máy mới gần Charleston, tiểu bang Nam Carolina vào năm 2009 thì đây được xem là trung tâm sản xuất hiện đại bậc nhất lúc bấy giờ và chịu trách nhiệm chế tạo những dòng máy bay tối tân nhất thế giới. Thế nhưng chỉ 1 thập niên sau đó, nhà máy này đang bị bủa vây bởi những vấn đề liên quan đến an toàn như chất lượng chế tạo và hoạt động giám sát yếu kém. New York Times đã tiến hành xem xét hàng trăm trang email nội bộ, tài liệu và nhiều ghi chép liên bang cũng như phỏng vấn hơn chục nhân viên lẫn cựu nhân viên làm việc tại đây. Kết quả đã hé lộ văn hoá "đề cao tốc độ sản xuất hơn chất lượng sản xuất của Boeing". Với việc phải đối mặt với số lượng đơn hàng lớn cùng thời gian chuyển giao máy bay bị trì hoãn, Boeing đã đốc thúc lực lượng lao động làm việc nhanh nhất có thể và bỏ ngoài tai những vấn đề được đề cập bởi các nhân viên. Những khiếu nại của nhân viên về tốc độ làm việc điên cuồng trong nhà máy lắp ráp 787 Dreamliner càng cho thấy sự liên quan giữa công tác kiểm định chất lượng và 2 vụ tai nạn gần đây của 737 MAX làm 346 người thiệt mạng. Boeing từng cho biết chỉ mất 9 ngày để lắp ráp xong một chiếc 737 MAX và câu hỏi được đặt ra rằng liệu hãng có đang phải chạy đua với thời gian, tăng tốc độ hay đốt cháy giai đoạn để đạt sản lượng 737 MAX cao nhất có thể nhằm bắt kịp Airbus với dòng A320neo? Và liệu sự gấp rút trong khâu sản xuất đã khiến hãng bỏ qua những rủi ro về an toàn trong thiết kế, từ đó dẫn đến lỗi của hệ thống chống thất tốc (MCAS) được xem là nguyên nhân chính gây ra 2 vụ tai nạn của Lion Air 610 và Ethiopian Airlines 302 chỉ trong vòng 5 năm tháng? Tình trạng thiếu an toàn tại cụm nhà máy ở bắc Charleston đã thu hút sự quan tâm của các hãng hàng không và các nhà điều hành hàng không. Qatar Airways - một trong số những khách hàng lớn nhất của Boeing với dòng 787 Dreamliner đã ngưng nhận máy bay mới từ nhà máy này vì mối lo ngại máy bay họ nhận được gặp hỏng hóc do dây chuyền thiếu an toàn và tình trạng chậm giao hàng. Trong khi đó, các nhân viên tại nhà máy Boeing đã nộp hàng chục đơn tố giác và khiếu nại an toàn đối với các cơ quan quản lý hàng không cấp liên bang. Trong đó họ mô tả về những vấn đề như lỗi sản xuất, mảnh vụn vật liệu để lại trên máy bay và áp lực khiến họ phải im miệng trước những sai phạm. Một số thì đâm đơn kiện Boeing, họ cho rằng có thể bị trả thù nếu tiết lộ những sai sót trong quá trình sản xuất. Joseph Clayton - một kỹ sư làm việc tại nhà máy ở bắc Charleston, 1 trong 2 cụm nhà máy ở Charleston đang sản xuất 787 cho biết ông thường xuyên tìm thấy các mảnh vụn kim loại nguy hiểm nằm gần hệ thống dây điện bên dưới buồng lái. Anh nói: "Tôi đã nói với vợ rằng tôi sẽ không bao giờ có ý định bay trên nó (787 Dreamliner)." Trong một ngành công nghiệp mà an toàn là mối quan tâm hàng đầu thì việc hàng loạt nhân viên tỏ ra quan ngại về dây chuyền sản xuất của 2 dòng máy bay lớn là 737 MAX - dòng máy bay thân hẹp át chủ bài của Boeing và 787 Dreamliner - dòng máy bay thân rộng cao cấp nhất của hãng đã cho thấy nhiều vấn đề tiềm năng mang tính hệ thống. Các nhà quản lý đang xem xét kỹ hơn về những tiêu chí hàng đầu của Boeing nhằm tìm ra câu trả lời cho câu hỏi liệu chăng lợi nhuận khiến Boeing mờ mắt mà phớt lờ an toàn. Ở vị thế dẫn đầu và là một trong những công ty xuất khẩu lớn nhất của Hoa Kỳ nhưng giờ đây Boeing dường như cảm thấy xa lạ khi phải hành động để bảo vệ cho thói quen sản xuất của mình cũng như động cơ khiến hãng tăng tốc dây chuyền sản xuất. Lãnh đạo mảng kinh doanh máy bay thương mại của Boeing - Kevin McAllister nói rằng: "Đội ngũ nhân viên tại cụm nhà máy ở Nam Carolina đang có được chất lượng chế tạo cao nhất trong lịch sử của Boeing. Tôi rất tự hào về đội ngũ nhân viên của tôi, về cam kết chất lượng đặc biệt của họ đối với phần việc mà họ vẫn làm hàng ngày." Tất cả các nhà máy đều phải đối mặt với nhiều lỗi sản xuất và hiện chưa có bằng chứng cho thấy những vấn đề đang xảy ra ở nhà máy tại Nam Carolina gây ra sự cố nghiêm trọng về an toàn. 787 Dreamliner chưa bao giờ gặp tai nạn gây thương vong mặc dù trước đây dòng máy bay này từng bị đình bay một thời gian do lỗi cháy pin Li-ion. Các hãng hàng không cũng rất tin tưởng về Dreamliner. Từ phôi kim loại thừa cho đến cả một chiếc thang bị bỏ lại trên máy bay! Thế nhưng đôi khi các nhân công mắc phải những sai lầm nguy hiểm. Đây là tiết lộ của nhiều nhân viên đang làm việc lẫn cựu nhân viên của Boeing, một số xin giấu tên vì sợ bị trả thù. Họ cho biết nhiều linh kiện bị lỗi nhưng vẫn được lắp ráp trên máy bay. Dụng cụ và phôi kim loại thường xuyên bị bỏ lại trên máy bay, thường nằm gần hệ thống điện. Và rồi máy bay được cho bay thử trong khi mảnh vụn vẫn nằm trong động cơ và đuôi, nguy cơ hỏng hóc giữa trời và rơi rất cao. John Barnett (ảnh trên) - một cựu chuyên viên quản lý chất lượng từng làm việc cho Boeing trong gần 3 thập niên cho biết: trên nhiều máy bay, ông phát hiện ra những mẩu kim loại lòi ra và treo lơ lửng gần hệ thống dây điện của hệ thống điều khiển máy bay. Nếu những mảnh kim loại sắc bén này - có thể hình thành trong quá trình bắn đinh tán hay siết ốc, cắt vào dây thì đây có thể là "thảm họa". Barnett cũng từng đệ trình một lá đơn tố giác cho các nhà quản lý hàng không và khi còn làm việc, ông đã nhiều lần kêu gọi các sếp của mình loại bỏ những mẩu kim loại nguy hiểm này nhưng rốt cuộc họ phớt lờ và luân chuyển ông sang một bộ phận khác của nhà máy. Người phát ngôn của Uỷ ban hàng không liên bang (FAA) - Lynn Lunsford cho biết cơ quan này đã tiến hành kiểm tra một số máy bay được Boeing chứng nhận là không có mảnh vụn sót lại nhưng họ cũng phát hiện ra những miếng kim loại thừa giống như lời Barnett mô tả. Trong một số trường hợp nhất định, những miếng kim loại này có thể gây chập mạch và cháy. Vào năm 2012, đã có một sự cố liên quan đến mảnh vụn kim loại còn sót trên máy bay nhưng giới chức không tiết lộ vụ việc thuộc hãng hàng không nào. FAA đã ban hành một chỉ thị vào năm 2017 yêu cầu Boeing phải dọn sạch tất cả các mảnh vụn lớn nhỏ trên mọi chiếc 787 Dreamliner trước khi chuyển giao. Boeing cho biết họ đã tuân thủ và đang làm việc với một nhà cung cấp để cải tiến thiết kế của đai ốc. Tuy nhiên, hãng xác định rằng vấn đề này không ảnh hưởng đến an toàn bay. "Là một chuyên viên quản lý chất lượng tại Boeing, bạn sẽ là lớp phỏng thủ cuối cùng trước khi một khiếm khuyết trên sản phẩm được phơi bày trước công chúng. Đến nay chưa từng có một chiếc máy bay nào xuất xưởng từ Charleston mà tôi dám ghi tên mình lên nó để khẳng định nó an toàn và đáp ứng các điều kiện để bay," Barnett nói. Chưa đầy 1 tháng sau vụ tai nạn của Ethiopian Airlines, Boeing đã tổ chức một cuộc khọp khẩn với toàn thể nhân viên tại nhà máy bắc Charleston. Chủ đề được thảo luận là: Các khách hàng (hãng hàng không) đã tìm thấy những vật thể ngẫu nhiên trên máy bay mới. Một quản lý cấp cao của Boeing đã kêu gọi toàn bộ nhân viên kiểm tra kỹ càng hơn với hy vọng tai nạn sẽ không xảy ra nữa. Người này nói: "Công ty sắp phải trải qua một thời gian cực kỳ khó khăn." Dĩ nhiên thông tin này cũng được tiết lộ bởi những nhân viên của Boeing, họ xin được giấu tên. Những mảnh vỡ hay vật thể lạ còn sót lại trên máy bay là vấn đề phổ biến trong ngành công nghiệp hàng không. Các nhân viên có nhiệm vụ phải làm sạch bên trong vỏ máy bay trong quá trình làm việc, thường là dùng máy hút bụi để đảm bảo rằng họ không để lại những thứ như phôi kim loại, dụng cụ, các bộ phận hay vật dụng khác một cách vô ý. Tuy nhiên, câu chuyện mảnh vỡ vẫn là vấn đề dai dẳng tại nhà máy Boeing ở Nam Carolina. Trong một email được gởi đến toàn thể nhân viên hồi đầu tháng 4, lãnh đạo chương trình 787 Dreamliner - Brad Zaback đã nhắc nhở các nhân viên tại cụm nhà máy bắc Charleston rằng các vật thể "đi lạc" bên trong máy bay có thể gây ra những hậu quả an toàn hàng không nghiêm trọng nếu chúng bị bỏ lại và không được kiểm tra." Vấn đề này cũng đã khiến Boeing phải trả giá tại nhiều nhà máy khác. Chẳng hạn như hồi tháng 3, Không lực Hoa Kỳ đã tạm ngưng tiếp nhận các máy bay tiếp nhiên liệu KC-46 Pegasus được chế tạo ở Everett, bang Washington sau khi họ phát hiện ra một chiếc cờ lê, bu lông và rác còn để lại trên máy bay mới. Phát biểu trước quốc hội Mỹ hồi tháng 3, trợ lý thư ký Không lực Hoa Kỳ - Will Roper nói: "Thẳng thắn mà nói thì điều này không thể chấp nhận được. Các đường bay của chúng tôi không tì vết. Kho của chúng tôi không ti vết và mảnh vụn còn sót trên máy bay đồng nghĩa với vấn đề an toàn." Phản hồi trước sự cố với lô KC-46, Boeing cho biết hãng đã làm việc với Không lực Hoa Kỳ và sẽ sớm giao hàng trở lại. Tuy nhiên, các nhân viên lẫn cựu nhân viên của Boeing tại nhà máy bắc Charleston cho rằng họ đã bó tay trước cuộc chiến mảnh vụn. Rich Mester (ảnh trên) - cựu kỹ thuật viên chịu trách nhiệm nghiệm thu máy bay trước khi giao cho biết: "Tôi từng tìm thấy những ống keo, hạt vật liệu, những thứ từ quá trình chế tạo." Mester sau này bị sa thải và ông đã đệ đơn chất vấn lên Uỷ ban Quan hệ lao đồng quốc gia nhằm tìm câu trả lời. Ông cũng tiết lộ rằng nhiều nhân viên khác thậm chí còn tìm thấy một chiếc thang và những dây đèn bỏ lại bên trong phần đuôi của máy bay, gần jackscrew (hệ thống điều khiển cánh ổn định ngang, một thành phần rất nhạy cảm trên máy bay). "Nó có thể làm kẹt hệ thống cơ học này", Mester nói. Đồng ý kiến với Rich Mester, Dan Ormson - người từng làm việc cho American Airlines cho biết ông thường xuyên phát hiện mảnh vụn sót lại khi tiến hành kiểm tra những chiếc 787 Dreamliner tại nhà máy bắc Charleston và có ít nhất 3 người khác biết về vụ việc. Thêm vào đó, Ormson còn phát hiện ra những vật thể lỏng lẻo nằm gần hệ thống dây điện và vải vụn nằm gần càng hạ cánh. Ông thường thu thập chúng, cho vào những túi nilon và trình lên Dave Carbon - một trong những nhà điều hành cấp cao tại nhà máy. Mảnh vụn có thể gây ra những tình huống cực kỳ nguy hiểm. Bản thân Ormson từng tìm thấy một mảnh xốp hơi nằm gần bàn đạp mà cơ phó sử dụng để điều khiển cánh lái đuôi. Trong tình huống xấu nhất thì mảnh xốp hơi này có thể làm kẹt bàn đạp và tai nạn có thể xảy ra. Nguy hiểm hơn, trên một chiếc 787 Dreamliner vừa được Boeing cho bay thử, Ormson phát hiện ra một con bu lông bị lỏng nằm trong một động cơ và nếu nó rơi ra, động cơ sẽ gặp trục trặc ngay giữa trời. American Airlines cho biết trước khi khai thác máy bay mới, chúng đều được kiểm tra nghiêm ngặt và "Chúng tôi tự tin về chất lượng của những chiếc 787 đang có trong đội bay." Những nhân công không thuộc công đoàn và sự chênh lệch về trình độ lao động: Khi được công bố vào năm 2007, 787 Dreamliner là dòng máy bay quan trọng bậc nhất của Boeing trong thế hệ máy bay phản lực thương mại mới. Đây là dòng máy bay thân rộng với thân được làm bằng sợi carbon đi cùng với nhiều công nghệ tối tân nhằm tiết kiệm nhiên liệu tối đa. Những hãng hàng không trên thế giới đã sớm đặt hàng hàng trăm chiếc máy bay này, mỗi chiếc có giá đến trên 200 triệu USD. Với số đơn hàng tăng cao, Boeing phải thiết lập một nhà máy mới. Bắc Charleston là vị trí lý tưởng nhất về nhiều khía cạnh, một trong số đó là chi phí nhân công thấp bởi tại Bắc Carolina không có nhiều công đoàn. Kết quả là Bắc Carolina được giảm gần 1 tỉ USD tiền thuế ưu đãi, trong đó bao gồm 33 triệu USD dành cho công tác đào tạo công nhân địa phương và Boeing cũng cam kết tạo ra 3800 việc làm. Trong khi Boeing đã nuôi dưỡng nhiều thế hệ chuyên gia, nhân công lành nghề trong lĩnh vực hàng không vũ trụ tại Seattle thì hãng lại không có lực lượng lao động chất lượng tương đương tại Nam Carolina. Thay vào đó, các nhà quản lý phải tuyển dụng nhân viên từ các trường kỹ thuật tại nhiều vùng xung quanh như Tulsa, Oklahoma, Atlanta. Họ cũng không được khuyến khích thuê các nhân viên thuộc công đoàn tại nhà máy ở Everett - nơi dòng 787 Dreamliner cũng đang được sản xuất. Theo David Kitson - cựu chuyên viên quản lý chất lượng của Boeing: "Họ không muốn chúng tôi đưa những nhân công thuộc công đoàn đến một nơi không có công đoàn. Chúng tôi đã rất chật vật. Lao động có trình độ tại địa phương hầu như không có." Bản thân cựu quản lý Michael Storey cũng xác nhận điều này. Dây chuyền sản xuất 787 Dreamliner trên thực tế đã chạy chậm hơn nhiều năm so với kế hoạch bởi những trục trặc trong khâu sản xuất và sự chậm trễ của các nhà cung ứng linh kiện. Tình trạng thiếu hụt lao động tại nhà máy ở bắc Charleston chỉ khiến tình hình này tồi tệ hơn. Sự phấn khích ban đầu khi những chiếc 787 Dreamliner đầu tiên được đưa vào khai thác vào cuối năm 2011 chỉ tồn tại trong thời gian ngắn. Hơn một năm sau đó, toàn bộ dòng 787 Dreamliner bị đình bay sau sự cố cháy pin Li-ion trên một chiếc 787 Dreamliner của Japan Airlines. Boeing buộc phải bồi thường cho nhiều hãng hàng không đang sử dụng 787 Dreamliner khiến lợi nhuận của hãng bị ảnh hưởng lớn. Cùng với hoạt động sản xuất trì trệ, đối thủ Airbus đã bám sát sau lưng với A350. Tại nhà máy bắc Charleston, cuộc khủng hoảng về thời gian gây ra nhiều hậu quả. Theo các đơn khiếu nại được đệ trình lên FAA vào năm 2014 bởi 2 cựu quản lý là Jennifer Jacobsen và David McClaughlin, hàng trăm công cụ tại nhà máy của Boeing ở bắc Charleston đã biến mất. Một số sau đó được tìm thấy nằm xung quanh máy bay. Cũng trong đơn khiếu nại, 2 vị quản lý này cũng cho biết họ đã bị ép phải che giấu tình hình trì trệ của dây chuyền sản xuất. Thậm chí các viên quản lý yêu cầu nhân viên phải lắp đặt trang thiết bị không theo trật tự nào để khi các nhà điều hành của Boeing tại Chicago, các đơn vị đã ký mua máy bay và những cổ đông công ty đến thăm nhà máy, mọi thứ trông như đang được thực hiện theo đúng kế hoạch. FAA đã tiến hành điều tra các đơn khiếu nại và mặc dù không phát hiện ra các hành vi vi phạm như được đề cập trong một chuyến thăm nhà máy vào đầu năm 2014 nhưng Uỷ ban hàng không liên bang Mỹ cho biết họ phát hiện ra sự hiện diện của các vật thể lạ trên máy bay đã hoàn chỉnh cũng như khâu kiểm soát công cụ lao động có nhiều lỗ hổng. Jacobsen và McClaughlin sau đó bị sai thải vì cáo buộc phê duyệt không chính xác bảng chấm công của những nhân viên chưa kịp báo cáo về tình hình công việc cho họ. Cả 2 đều cho rằng đây là hình thức trả thù của Boeing khi tố cáo những sai phạm của công ty. Gordon Johndroe - phát ngôn viên của Boeing cho biết: "Chúng tôi ưu tiên về an toàn và chất lượng hơn tốc độ nhưng cả 3 yếu tố đều có thể được đảm bảo trong khi chúng tôi đang chế tạo một trong những chiếc máy bay an toàn nhất đang được khai thác hiện tại." Nghe tuyên bố là vậy nhưng bản thân những chiếc 787 Dreamliner cũng bị hư hỏng trong quá trình chế tạo. Điển hình như một chiếc 787 sản xuất cho American Airlines đã bị dột và ngập trong cabin, tình trạng này nghiêm trọng đến nỗi các ghế, trần, thảm và thiết bị điện tử phải được tháo ra thay mới toàn bộ và quy trình này kéo dài nhiều tuần. Hay mới gần đây, Joseph Clayton cũng mới phát hiện ra bả kẹo cao su được dùng để gắn dính 2 mảnh viền trang trí bao quanh cửa. Ông nói: "Đây không phải là vấn đề về an toàn nhưng nó không phải là thứ mà bạn muốn cho khách hàng xem." Qatar Airways cũng bày tỏ sự nản lòng đối với Boeing. Vào năm 2014, các nhân viên tại của Boeing đã được yêu cầu xem một video trong đó giám đốc điều hành Qatar Airways chỉ đích danh các công nhân tại nhà máy bắc Charleston và nói ông rất buồn vì Boeing thiếu minh bạch về thời gian cũng như nguyên nhân giao hàng chậm trễ. Trong nhiều trường hợp, các nhân viên tại đây đã gây ra những hư hại bên ngoài trên những chiếc máy bay được giao cho Qatar Airways và hãng đã yêu cầu Boeing phải lùi ngày giao hàng để khắc phục. Kể từ đó, Qatar Airways chỉ mua 787 Dreamliner ra lò từ nhà máy ở Everett. Hãng hàng không hàng đầu tại vùng Trung Đông này khẳng định sẽ tiếp tục là đối tác dài hạn của Boeing và hãng luôn tin tưởng về chất lượng máy bay cũng như các cơ sở sản xuất của Boeing. Linh kiện lỗi biến mất! Trong những cuộc họp bàn về thời hạn giao hàng, các chuyên viên quản lý thường giảm nhẹ hay phớt lờ các vấn đề đang xảy ra ở nhà máy. John Barnett tiết lộ vào năm 2016, một chuyên viên quản lý kỳ cựu đã lấy một chiếc ống thủy lực bị móp từ thùng rác và cho lắp đặt trên một chiếc Dreamliner. Chiếc ống thủy lực này là một phần của hệ thống điều khiển chuyển động của của máy bay. Vị quản lý này còn nói với Barnett rằng: "Đừng lo lắng về nó". Sau đó ông đã đệ đơn tố cáo với bộ phận quản lý nhân sự về vụ việc. Ngoài ra ông còn báo cáo với ban quản lý rằng nhiều bộ phận bị lỗi đã biến mất và liệu chăng chúng đã được đem đi lắp đặt trên máy bay? Các sếp của Barnett chỉ yêu cầu ông hoàn tất giấy tờ báo cáo về các bộ phận bị lạc mất mà không tìm hiểu chúng lạc đi đâu. Bản thân FAA cũng đã điều tra và phát hiện Boeing đã để lạc một vài bộ phận bị hỏng. Về phía Boeing, hãng này từng gởi khuyến nghị đến các hãng hàng không về vấn đề trên cũng như điều tra về vụ ống thủy lực bị móp nhưng không tìm thấy bằng chứng như những gì Barnett nói. Người phát ngôn của Boeing nhấn mạnh: "Các vấn đề an toàn luôn được điều tra ngay lập tức và những thay đổi sẽ được đưa ra bất cứ khi nào cần thiết." Tuy nhiên, một số cựu nhân viên của Boeing cho biết các nhà quản lý cấp cao của công ty đã buộc ban điều tra chất lượng nội bộ ngưng ghi chép về những khiếm khuyết trên sản phẩm. Cynthia Kitchens (ảnh trên) - cựu chuyên viên quản lý chất lượng của Boeing cho biết các giám sát viên cấp cao đã phạt và thậm chí là mắng cô ngay trước mặt nhiều người khác tại nhà máy sau khi cô đánh dấu một bó dây điện bị cắt bởi những mẫu kim loại thừa và những thành phần kim loại lỗi đang được lắp đặt trên máy bay. Cô nói: "Đây là một sự đe dọa. Cứ mỗi lần tôi bắt đầu tìm lỗi là tôi bị quấy rối." Kitchens nghỉ Boeing vào năm 2016 và cô đã đâm đơn kiện với cáo buộc Boeing phân biệt tuổi tác và giới tính. Tuy nhiên đơn kiện của cô bị bác bỏ. Một số nhân viên cho biết họ từng bị phạt hay đuổi việc khi lên tiếng về những sai phạm trong nhà máy. Barnett cũng từng bị khiển trách vào năm 2014 vì ông ghi chép lại lỗi trong khâu sản xuất. Trong một email đánh giá năng lực được The Times phát hiện, một vị quản lý cấp cao đã giáng cấp của Barnett với lý do "sử dụng email để thể hiện các vi phạm trong quy trình sản xuất" thay vì chọn cách đối thoại trực tiếp F2F (Face to Face). Theo ý của vị quản lý này thì Barnett không nên ghi chép các sai phạm và ông này nói Barnett cần phải tốt hơn khi "làm việc tại các khu vực không luật lệ cũng như phải chủ động tìm cách duy trì các quy tắc". Liam Wallis - một cựu chuyên viên quản lý chất lượng khác đã nói trong một vụ kiện rằng Boeing đã đuổi việc ông sau khi ông phát hiện ra những chiếc máy bay đang được sản xuất theo các thông số kỹ thuật lỗi thời. Wallis còn tiết lộ Boeing đã dùng một nhân viên "không tồn tại" để ký phê chuẩn cho hoạt động sửa chữa một chiếc máy bay. Sếp của Wallis cũng đã chỉ trích ông trước đây với tình huống tương tự như Barnett theo đơn kiện được ông đệ lên tòa hồi tháng 3 và qua nội dung những email được The Times phát hiện. Boeing cho biết hãng sa thải Wallis vì tội làm sai lệch các tài liệu. Tại nhà máy ở bắc Charleston, hoạt động sản xuất đã được đẩy nhanh. Tính cả 2 nhà máy ở Everett và bắc Charleston thì Boeing đang sản xuất được 14 chiếc 787 Dreamliner mỗi tháng, tăng từ con số 12. Cùng thời gian này, Boeing cho biết hãng đã sa thải hàng trăm vị trí chuyên viên kiểm soát chất lượng tại nhà máy ở bắc Charleston. Rich Mester nói: "Họ đang cố gắng rút ngắn thời gian sản xuất. Thế nhưng liệu bạn có sẵn hy sinh sự an toàn của mỗi sản phẩm mà chúng tôi làm ra để đạt lợi nhuận tối đa?"