FastEhome.com- Đăng kí mở Shop bán hàng miễn phí Cách đây ít lâu Google đã phát hành bản Android Q Beta dành cho một số thiết bị của Nokia, Oppo, OnePlus, Asus, Essential, Sony, Realme... Và bạn có thấy lạ không khi mà Samsung không hề có tên trong này? Ngoài ra, mỗi hãng cũng có một cách làm rất khác nhau khi người dùng muốn thử nghiệm Android Q, trong khi Google đáng ra hoàn toàn có thể tạo một cách thống nhất để tất cả mọi thiết bị làm theo. Và đừng nói bản beta không quan trọng, nó quan trọng không chỉ với developer nhằm đảm bảo app của họ chạy ổn với Android mới, đồng thời là cách Google thu thập phản hồi của người dùng trước khi ra bản Android Q hoàn chỉnh. Thật ra việc Samsung không tham gia vào chương trình Android Q không phải là chuyện mới, trước giờ Samsung ít khi nào đưa thiết bị của mình vào những chương trình test hay beta, có vẻ vì Samsung đã can thiệp rất sâu vào hệ điều hành trên điện thoại của họ khiến việc update beta không dễ. Ngoài ra Samsung cũng có thể cho rằng trải nghiệm beta là không tốt cho khách hàng của mình nên họ không mở chương trình đó. Hơi tiếc một chút vì nếu cần test app chạy Android mới trên thiết bị Samsung thì các lập trình viên không thể làm được. Nhưng với 21 thiết bị được Google hỗ trợ chính thức trong đợt Android Q Beta này, chúng cũng có những cách cài đặt khác nhau chứ không thống nhất. Điện thoại Pixel chỉ cần update Over The Air là xong, Essential Phone phải cài thêm một app riêng, OnePlus và Asus thì phả flash file factory image, trong khi Nokia thì phải cài một file update thông qua hình thức sideload qua dây USB. Huawei có vẻ là hãng khó khăn nhất trong việc cho phép update bản beta. Huawei yêu cầu bạn phải có tài khoản Huawei ID với email trùng với tài khoản Google Play từng đăng tải ít nhất một app lên store. Điều này có nghĩa là chỉ có developer mới có thể trải nghiệm Android Q Beta trên điện thoại Huawei. Google chưa đủ mạnh mẽ để ép các hãng khác làm theo mình Qua đây, bạn có thể thấy rằng Google không có khả năng tạo ra một sự thống nhất trong cách cài đặt bản cập nhật Android Q. Nhìn rộng ra, Google cũng không đủ quyền và không đủ mạnh mẽ để buộc các hãng phải đi theo một số chuẩn chung nhằm giúp người dùng được hưởng lợi trong việc cập nhật phần mềm. Nếu hãng làm được chuyện này, chúng ta đã không gặp chuyện một phần rất lớn smartphone Android vẫn còn đang chạy bản Android ra mắt 3-4 năm trước. Project Treble, nỗ lực của Google trong việc làm cho bản update Android được phát hành nhanh hơn và bớt phụ thuộc hơn, cũng chưa cho thấy kết quả lớn khi mà các nhà sản xuất vẫn cần nhiều thời gian mới đưa được bản update của mình đến tay người dùng. Chỉ một số ít hãng như Nokia, Essential mới nhanh nhạy trong mảng này, có lẽ một phần vì họ làm theo Google ngay từ đầu. Nếu dùng lý do Android là hệ sinh thái bao gồm nhiều hãng phần cứng để bào chữa cho sự thiếu "quyền lực" của Google thì không hợp lý, bởi bạn có thể nhìn thấy những gì mà Microsoft đang làm được với Windows. Bản update phát hành thì nhiều hãng đều cùng được lên, trừ một số trường hợp hiếm (ví dụ, máy rất cũ của Sony không lên được Win 10 ngay khi phát hành vì xung đột driver). Mình vẫn hi vọng Google mạnh mẽ hơn trong việc yêu cầu các hãng làm theo những chuẩn chung nhất định, để đảm bảo người dùng luôn được cập nhật phần mềm sớm chứ không phải chờ đợi mốc như hiện nay, nhất là các điện thoại tầm trung, vốn chiếm thị phần chủ đạo trong hệ sinh thái Android. Hay nói cách khác, là Google không được "dễ dãi" với các hãng. Bạn nghĩ sao về vụ này? Lấy cảm hứng từ bài của Android Central