FastEhome.com- Đăng kí mở Shop bán hàng miễn phí Thị trường tiền tệ trở thành 'đấu trường' mới của Tổng thống Trump? Sự chuyển hướng tập trung của Tổng thống Trump vào khái niệm tỷ giá hối đoái "không công bằng" có thể tiếp tục tạo ra một cuộc chiến toàn cầu mới và gây thiệt hại lớn cho kinh tế thế giới. Phương Nga (TTXVN/Vietnam+)23/06/2019 19:56 GMT+7 Sự chuyển hướng tập trung của Tổng thống Donald Trump vào khái niệm mà ông gọi là tỷ giá hối đoái "không công bằng" có thể tiếp tục tạo ra một cuộc chiến tầm cỡ toàn cầu mới và gây thiệt hại lớn cho kinh tế thế giới. Kể từ khi trở thành ông chủ Nhà Trắng cách đây hơn hai năm, Tổng thống Trump, với lý do cho rằng nước Mỹ đang bị lợi dụng trong các mối quan hệ thương mại, đã liên tiếp ra đòn tấn công vào nền tảng thương mại toàn cầu bằng cách phát động nhiều cuộc chiến thuế quan đa diện hướng tới các đồng minh và đối thủ. Mới đây nhất, theo một đề xuất có thể có hiệu lực vào đầu tháng tới, Tổng thống Trump yêu cầu áp thuế trừng phạt đối với bất kỳ quốc gia nào được xác định đang thao túng tiền tệ nhằm làm cho sản phẩm của nước đó trở nên cạnh tranh hơn so với hàng Mỹ. Trước đó, ông Trump đã thường xuyên “hướng mũi rìu” về phía các quốc gia trong Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), ví dụ như Đức, vì cho rằng những nước này được hưởng lợi từ việc đồng euro được định giá tương đối yếu. Tuần trước, vị Tổng thống doanh nhân đầu tiên của nước Mỹ khẳng định: "Họ đã được hưởng lợi từ điều này trong nhiều năm, cùng với Trung Quốc và các nước khác." Trong thẩm quyền của mình, Bộ Tài chính Mỹ phát hành báo cáo thao túng tiền tệ mỗi năm hai lần để xem xét những trường hợp được cho là vi phạm. Tuy nhiên, kể từ giữa những năm 1990 đến nay, Bộ này chưa bao giờ chính thức gắn nhãn một quốc gia thao túng tiền tệ, ngay cả khi Trung Quốc vẫn rất nỗ lực duy trì đồng nhân dân tệ ở mức yếu. [Bị Mỹ đe dọa, Nga giảm thanh toán bằng đồng USD với tốc độ kỷ lục] Trước tình hình đó, Bộ Thương mại Mỹ đã đưa ra đề xuất rằng Washington sẽ đối xử với các trường hợp thao túng tiền tệ giống như trường hợp chính phủ các quốc gia sử dụng trợ cấp để gây phương hại cho các nhà sản xuất Mỹ. Nếu được thông qua, Bộ Thương mại sẽ thực hiện áp thuế để bù lại thiệt hại do chênh lệch tỷ giá hối đoái gây ra. Bộ này hiện đang chờ đợi ý kiến từ công chúng cho đến hết ngày 27/6 và có thể áp dụng thay đổi này bất cứ lúc nào sau đó. Ngoài ra, cũng theo đề xuất, Bộ Thương mại sẽ có quyền tạm hoãn đánh giá của Bộ Tài chính về việc một loại tiền tệ có bị định giá thấp hay không, "trừ khi có lý do chính đáng để tin theo một cách khác." Điều này đã làm dấy lên quan ngại. Phần nhiều các chuyên gia kinh tế cho rằng Bộ Thương mại không có đủ trình độ chuyên môn đưa ra đánh giá đó và rằng kế hoạch này "sẽ cấp cho Bộ quyền tùy ý quá mức.” Ngoài ra, việc tính toán một cách khách quan liệu một đồng tiền tệ cụ thể có bị định giá thấp hay không, và nếu có thì mức độ thấp là bao nhiêu, cũng là việc làm tương đối khó khăn. Các chuyên gia kinh tế cảnh báo rằng động thái này của ông Trump, cùng với sự trợ giúp của Bộ Thương mại Mỹ, sẽ mở ra một cuộc chiến tiền tệ trên toàn cầu và gây thiệt hại cho tất cả mọi người. Đặc biệt, nếu Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tiếp tục cắt giảm lãi suất theo yêu cầu của Tổng thống, nền kinh tế Mỹ sẽ dễ dàng chịu tổn thương khi phải hứng chịu các biện pháp trả đũa từ các quốc gia khác./. Phương Nga (TTXVN/Vietnam+) https://www.vietnamplus.vn/thi-truong-tien-te-tro-thanh-dau-truong-moi-cua-tong-thong-trump/578349.vnp