#F1 2020: Mùa giải năm nay 10 đội đua có mục tiêu gì?

Thảo luận trong 'Công nghệ' bắt đầu bởi phamdung_ml@yahoo.com, 24/2/20.

  1. #F1 2020: Mùa giải năm nay 10 đội đua có mục tiêu gì?

    #F1 2020: Mùa giải năm nay 10 đội đua có mục tiêu gì?

    LIÊN HỆ (199 Đọc / 0 Thích / 0 Bình luận)
    1. Thông tin chủ đề
    2. Tỉnh/TP: Toàn quốc
    3. Tình trạng hàng: N/A
    4. Nhu cầu: N/A
    1. Thông tin người đăng
    2. Tài khoản: phamdung_ml@yahoo.com
    3. Ngày đăng: 24/2/20 lúc 13:56
    4. Số điện thoại:
  2. G

  3. FastEhome.com- Đăng kí mở Shop bán hàng miễn phí no-spam Lời dẫn: Ngày 15/03, chặng đua đầu tiên của mùa giải Công thức 1 thế giới năm 2020 sẽ khởi tranh tại Melbourne, Úc. Nếu không có gì thay đổi, không có quyết định đáng tiếc nào được phía FIA đưa ra, thì ngày 05/04, anh em sẽ được trải nghiệm tiếng động cơ V6 hybrid gầm rú ở tốc độ 300 km/h trên đường phố Hà Nội. Không phải anh em nào trên Tinhte cũng quan tâm theo dõi bộ môn thể thao này như bóng đá hay quần vợt, nhưng mình thấy cũng rất nhiều anh em hưởng ứng và bàn luận trong những chủ đề về F1. Vậy nên mình sẽ cố gắng viết những chủ đề vừa để cập nhật thông tin, vừa để anh em có không gian bình luận về môn thể thao phải gọi là rất mới này tại Việt Nam.
    [​IMG]

    Hôm nay, chúng ta sẽ bàn đến mục tiêu của 10 đội đua F1 trong mùa giải 2020, mùa giải cuối cùng trước khi quy chế mới của FIA được đưa vào áp dụng trong mùa giải Công thức 1 năm 2021. Ai cũng muốn dành chiến thắng, nhưng với một số tay đua, một số đội đua, về đích ở vị trí thứ 10, giành được 1 điểm sau mỗi chặng cũng là cả một thử thách đòi hỏi tiền bạc, công sức, mồ hôi, nước mắt, và đôi khi là cả một chút may mắn.

    McLaren: Đứng vị trí thứ 4, nhìn về tương lai 2021


    [​IMG]
    Anh em xin đừng phiền lòng nếu mình không đặt Mercedes hay Ferrari lên hàng đầu trong danh sách hôm nay. Từ hồi VTV 3 cập nhật những đoạn tổng hợp mùa giải Công thức 1 trên truyền hình những năm 97, 98, mình đã rất mê McLaren, với cuộc chiến giữa Hakkinen và Schumacher rồi. Fanboy mà, anh em thông cảm.

    Mùa giải 2019 thành công hơn nhiều so với dự kiến của McLaren. Họ có được Andreas Seidl với vị trí giám đốc đội đua, và giành được 145 điểm, đứng thứ 4 trong bảng thành tích chung cuộc. Mọi người ví von McLaren năm vừa rồi là “Best of the rest”, khi cuộc đua tam mã giữa Mercedes, Ferrari và Red Bull khiến 7 đội còn lại gần như không có cơ hội thi đấu giành ba vị trí đầu bảng. McLaren rõ ràng đã đi đúng hướng trong năm vừa rồi, và họ muốn tiếp tục hướng đi ấy trong năm 2020.

    Ngoài lề, Andreas Seidl từng làm giám đốc đội đua Porsche LMP1 vào năm 2014. Ba năm liên tiếp, 2015, 2016 và 2017, chiếc 919 Hybrid giành ngôi vô địch thể thức LMP1 của mùa giải World Endurance Championships. Nếu Audi và Porsche không dừng đầu tư cho đội đua LMP1 để chuyển sang Formula E, thì cũng chưa chắc Toyota vài năm gần đây thành công được như vậy. Ví dụ ngắn gọn đó cho thấy Andreas Seidl đáng gờm như thế nào trong việc quản lý một đội đua, thiết kế và vận hành cỗ máy triệu Đô hiệu quả nhất.

    Có lẽ, vấn đề duy nhất mà McLaren ngại chính là độ bền của động cơ do Renault cung cấp. Mùa giải năm ngoái, không ít lần McLaren cay đắng nhìn tay đua của họ, dù rất xuất sắc, nhưng vẫn phải dừng cuộc đua vì lỗi động cơ. Mặc dù vậy, họ vẫn đứng trên chính đối tác của mình, Renault trong bảng tổng sắp, nhiều hơn tới 54 điểm. Mục tiêu của McLaren năm nay có lẽ chỉ cần có vậy, lấy tiền đề đó để phát triển cỗ máy tốc độ cho mùa giải 2021, khi McLaren chuyển sang sử dụng động cơ do Mercedes cung cấp.

    Racing Point: Làm mát mặt Lawrence Stroll


    [​IMG]
    F1, mà không, bộ môn thể thao nào cũng vậy, là nơi chính trị thể hiện vô cùng rõ nét. Ai có tiền thì người ấy có quyền lên tiếng. Racing Point dưới sự đầu tư của tỷ phú người Canada, Lawrence Stroll đang chịu khá nhiều áp lực. Ông bố giàu có của tay đua Lance Stroll đơn giản chỉ muốn tạo điều kiện cho cậu con trai theo đuổi ước mơ, và không có cách nào hoàn hảo hơn là mua béng một đội đua cho con mình thích làm gì thì làm, không sợ bị ai đuổi vì thành tích bết bát. Nói vậy không có nghĩa Lance Stroll đua tệ. Anh này thỉnh thoảng có những màn xử lý thực sự xuất thần, xem rất đã mắt xét trên phương diện kỹ thuật đua xe.

    Trước khi “giải cứu” Racing Point (tiền thân là Force India), Lawrence Stroll đã đầu tư rất mạnh tay cho Williams, nhưng không có hiệu quả. Đến phần Williams mình sẽ nói kỹ hơn. Mục tiêu dễ hiểu nhất của Racing Point mùa giải năm nay là ghi điểm, ghi bao nhiêu điểm cũng được, và quan trọng nhất là tạo ra một chiếc xe đủ tốt để hai cha con nhà Stroll “thỏa chí tang bồng”, không gặp những trục trặc kỹ thuật không đáng có. Còn Checo Perez, tay đua thứ hai của Racing Point? Với những mối quan hệ với các tỷ phú Mexico, Checo chắc chắn không mất ghế lái, vì làm như thế là Racing Point sẽ mất luôn nhiều đối tác tài trợ lắm tiền nhiều của. Đôi khi, một đội đua bị ảnh hưởng bởi chính trị nhiều hơn là mặt công nghệ kỹ thuật. Racing Point là bằng chứng nhãn tiền.

    Alfa Romeo: Nhờ Raikkonen để hoàn thiện chiếc xe đua


    [​IMG]
    Năm ngoái là một năm thiếu may mắn của Alfa Romeo. Họ có nhiều điểm hơn so với mùa giải 2018, nhưng lại xếp ở vị trí thấp hơn so với mùa giải năm trước, đơn giản vì Racing Point sau khi được “giải cứu” lại có những màn bứt phá ngoạn mục ở tốp giữa, từ đó chiếm vị trí thứ 7 trong bảng xếp hạng cuối mùa giải. Quay lại câu chuyện giành được nhiều điểm hơn, không thể loại trừ khả năng họ làm được điều đó chính nhờ kinh nghiệm và kiến thức của lão làng Kimi Raikkonen trợ giúp cho những kỹ sư và thợ máy của Alfa Romeo. Một năm Raikkonen đến, hay đúng hơn là quay trở lại đội đua mình bắt đầu sự nghiệp công thức 1, Alfa Romeo đã có không ít đột phá, và mình rất kỳ vọng chiếc C39 sẽ có những màn trình diễn hay. Nó không cần đạt top 5 chiếc xe về đích, chỉ cần tạo ra những pha bám đuổi mãn nhãn với các đối thủ như Haas, Alpha Tauri hay Renault là đủ rồi.

    Cái hay của F1 là ở chỗ đó. Không cần cứ dán mắt xem ai đang dẫn đầu, vì như thế xem rất nhàm, mà theo dõi những pha rượt đuổi giành vị trí cao hơn giữa những chiếc xe top giữa và top dưới cũng chẳng thiếu phần kịch tính.

    Haas: Cầm cương hai “chú ngựa bất kham” Grosjean và Magnussen


    [​IMG]
    Giám đốc đội đua Haas, Guenther Steiner không tồi, nhưng Haas F1, đội đua duy nhất đến từ nước Mỹ lại đang mắc kẹt với Romain Grosjean và Kevin Magnussen. Đôi khi mình thắc mắc sao Haas vẫn bám trụ với hai cái tên này, hai tay đua thích đua với nhau hơn là hỗ trợ cho nhau để giành ngôi vị cao hơn. Rồi mình nhớ ra điều quan trọng nhất trong F1, tiền. Haas không có ngân sách khủng như Renault hay McLaren. Mục tiêu của họ là giành được số điểm tối đa có thể, từ khoản ngân sách ít nhất có thể. Tuy nhiên lối ứng xử trên đừng đua của Grosjean và Magnussen (trớ trêu thay, trong vài năm qua) lại đang không giúp Haas đạt được nguyện vọng, dù cỗ xe của họ hoàn toàn có đủ tiềm năng.

    Không thiếu những lần Haas đáng lẽ ra có hai lần điểm khi cả hai tay đua đều ở vị trí trên 10, nhưng rồi mất trắng vì hai tay đua mải đấu với nhau. Họ không thích nhau, đó là điều không cần bàn cãi. Những mấu chốt để Haas có được thành công chính là ở khả năng cầm cương hai tay đua, bắt họ làm điều mình muốn của giám đốc Steiner.

    Renault: Bắt tất cả phải tôn trọng mình


    [​IMG]
    Năm 2018, Renault mất khách hàng mua động cơ lâu năm, Red Bull Racing vào tay Honda. Năm 2019, McLaren, khách hàng cuối cùng trên đường đua F1 của hãng ô tô Pháp kiếm được số điểm gấp rưỡi Renault. Mình nghĩ “cay cú” là từ ngữ thích hợp mô tả cho tình huống này. Một phần nguyên nhân có lẽ đến từ chính Renault. Động cơ của họ, nói thẳng thắn ra, là không đáng tin cậy. Như mình đã nói, McLaren đáng lẽ đã có nhiều điểm hơn nếu không gặp quá nhiều lỗi động cơ trong mùa giải năm ngoái. Điều đó cũng đúng với Renault. Năm nay, Renault chỉ có một mục tiêu duy nhất, đó là giành lại vị trí thứ 4 từ tay McLaren, thậm chí nếu được thì là cạnh tranh cả với Red Bull Racing, cho họ biết “rời xa vòng tay anh là bão tố”. Nhưng vế thứ 2 khó xảy ra lắm, vì Adrian Newey và Christian Horner là bộ đội quá đáng gờm ở Red Bull Racing.

    Cyril Abiteboul, giám đốc Renault F1 cũng đang ở hoàn cảnh khó khăn. CEO Carlos Ghosn lẩn trốn, Renault tái cơ cấu, và đang tính đến chuyện rời khỏi đường đua F1. Thứ họ cần là kết quả, là lý do để thuyết phục những giám đốc của Renault tiếp tục đầu tư trăm triệu Đô cho bộ môn thể thao đắt đỏ nhất hành tinh. Vị trí thứ 4 mùa giải năm nay có lẽ sẽ là đủ để Abiteboul thuyết phục cấp trên của ông. Việc thay thế Nico Hulkenberg bằng Esteban Ocon có thể sẽ có tác dụng. Bộ đôi một lão làng, một trẻ tuổi trong F1 thường luôn chứng minh được hiệu quả. Một người sẽ dạy người còn lại bằng kỹ năng và kinh nghiệm, còn người trẻ tuổi hơn sẽ dùng chính kinh nghiệm ấy để kết hợp với sự hăng hái của tuổi trẻ, đưa đội đua đến thành công. McLaren đang làm điều đó rất tốt với Carlos Sainz và Lando Norris.

    Năm nay là năm cuối cùng Renault có "khách", đó là McLaren. Từ năm sau, McLaren sẽ trở về với mối lương duyên vô cùng thành công với Mercedes. Điều này khiến họ trở thành cái tên lẻ loi trên đường đua F1, khi không ai dùng động cơ của họ, ngoại trừ họ. Sự tôn trọng là tất cả những gì Abiteboul và người Pháp mong muốn trong mùa giải năm nay.

    Williams: Xe không chậm như hai năm qua, chỉ cần thế thôi


    [​IMG]
    Có lẽ, Williams chính là bằng chứng sống cho câu nói “sai một li, đi một dặm” của các cụ. Họ từng là huyền thoại. Nhưng rồi từ năm 2013 đến giờ, một quyết định sai, kéo theo một quyết định sai khác, dẫn tới hệ quả như ngày hôm nay. Mùa giải 2019, Williams kết thúc 21 chặng đua với MỘT ĐIỂM. Thần đồng George Russell, người từng đánh bại cả Lando Norris (McLaren, 49 điểm) lẫn Alexander Albon (Red Bull Racing, 92 điểm) ở mùa giải F2 trước đó thậm chí còn chẳng ghi được điểm nào ở mùa đầu tiên chạy F1. Đó là bằng chứng cho việc, trong F1, tay đua chỉ chiếm 50% thành công, còn lại là chiếc xe. Và xe của Williams bây giờ đơn giản là chậm nhất.

    Claire Williams hẳn đang phải chịu rất nhiều áp lực kể từ khi thay thế Ngài Frank Williams quản lý đội đua của gia đình từ năm 2013. Đúng khoảng thời gian bà thay thế cha mình, Williams bắt đầu đi xuống. Hôm vừa rồi, khi cả 10 đội đua F1 thử nghiệm xe của họ tại Circuit of Catalunya, Tây Ban Nha, Claire Williams trả lời phỏng vấn và chỉ kỳ vọng đội đua của mình có những tiến triển tốt trong việc phát triển xe. Họ chỉ mong hai chiếc xe của mình vào được vòng đua xếp hạng Q2 trong mỗi cuộc đua, nghĩa là không phải 2 trong 5 chiếc xe chậm nhất đường đua.

    Mình cũng không đặt kỳ vọng nhiều với Williams, vì họ quá khó rồi. Các nhà tài trợ đang dần quay lưng với họ. Hay nhất bây giờ là họ bỏ qua mùa giải 2020, làm lại từ đầu, khi năm 2021 sẽ có quy chế mới, và biết đâu Williams sẽ làm được điều mà Mercedes làm được 6 năm về trước, đó là lật đổ sự thống trị của Red Bull ở thời kỳ V8 và vẫn thành công đến tận bây giờ? Nhưng câu hỏi vẫn là tiền đâu. Mercedes tiêu cỡ 300 triệu USD mùa giải vừa rồi, còn Williams chỉ có 1/3 số đó để phát triển.

    Alpha Tauri: Về cơ bản là mục tiêu giống hệt McLaren


    [​IMG]
    Red Bull đổi tên Scuderia Toro Rosso thành Alpha Tauri để biến đội đua nước Ý này thành một công cụ quảng bá cho nhãn hiệu quần áo mới của tập đoàn Red Bull. Phải thừa nhận, livery xe của đội đua này quá đẹp. Sẽ còn đẹp hơn nữa khi Daniil Kvyat và Pierre Gasly có được kết quả tốt trong những cuộc đua. Mùa giải năm ngoái, Kvyat về đích thứ 3 ở chặng đua nước Đức, và Gasly về đích thứ 2 ở chặng đua Brazil. Ngoài McLaren ra, Alpha Tauri thực sự có tiềm năng tạo ra những khoảnh khắc mãn nhãn cho người xem trong top 7 đội đua “chiếu dưới” của mùa giải năm nay.

    Alpha Tauri, hay những năm trước là Toro Rosso đã chứng minh được khả năng của một chú ngựa ô, không phải lúc nào cũng xuất sắc nhất, nhưng luôn có những khoảnh khắc xuất thần. Tiếc thay trong bộ môn này, sự ổn định quan trọng hơn sự xuất thần. Alpha Tauri thực sự cần điều đó để đạt được mục tiêu của họ.

    Red Bull Racing: Thử thêm một lần nữa, xem có đánh bại được Mercedes hay không


    [​IMG]
    Red Bull Racing gần như choáng váng sau kỷ nguyên 4 năm liên tiếp của họ với quy chế động cơ V8 cấp khí tự nhiên, với sự xuất sắc của Sebastian Vettel. Mercedes sau sự khởi đầu không thành công đã trở thành ông trùm của kỷ nguyên V6 turbo hybrid, với 7 chức vô địch đội đua liên tiếp từ năm 2014 đến nay. Nếu có đối thủ cạnh tranh được với Mercedes, đó chỉ có thể là Red Bull hoặc Ferrari. Và năm nay mình tin chắc chắn rằng Red Bull có cơ hội lớn hơn so với Ferrari. Họ làm việc trực tiếp với Honda, không bị “đứng ngoài rìa” như thời Renault. Họ được đưa ra ý kiến phát triển động cơ như thế nào để kết hợp tốt nhất với chassis, thay vì có sao lắp nấy như Renault.

    Sự trở lại của Honda sau những năm hợp tác không thành công một chút nào với McLaren đã đem lại chiến thắng đầu tiên sau hàng chục năm Honda bỏ ngỏ cuộc chơi F1, khi Max Verstappen về nhất chặng đua ở Áo, Đức và Brazil. Chưa kể, giờ đây không còn Ricciardo (Renault), Verstappen có nhiều đất diễn hơn, còn tay đua người Anh gốc Thái Lan Alex Albon vẫn còn cần thêm thời gian để trui rèn kỹ năng để một ngày nào đó trở thành nhà vô địch. Không ngại gì thử thêm lần nữa cả, họ thử 7 năm nay rồi. Nếu không được thì chí ít người hâm mộ vẫn được xem những màn trình diễn mãn nhãn, và dù gì đi nữa, năm 2021 cũng sẽ có quy chế mới, khi ấy coi như làm lại từ đầu.

    Nhìn chung, Red Bull không có nỗi lo canh cánh hiện giờ như Ferrari.

    Ferrari: Đừng để Vettel và Leclerc tị nạnh lẫn nhau


    [​IMG]
    Chỉ một mùa giải với Ferrari, Charles Leclerc đã chứng minh được khả năng của bản thân thay vì như khi còn ở Sauber (giờ là Alfa Romeo). 21 cuộc đua, Leclerc có 7 lần xuất phát ở vị trí đầu tiên, hai lần về nhất. Với một tay đua mới chỉ 2 năm cầm lái xe công thức 1 mà đã có ngần ấy chiến tích, ai cũng sẽ nghĩ Leclerc sẽ trở thành nhà vô địch thế giới chỉ trong khoảng thời gian ngắn nữa, và điều đó không sai chút nào. Nhưng ở khía cạnh còn lại, điều đó khiến áp lực đặt lên vai huyền thoại Vettel nặng nề hơn bao giờ hết. Năm 2019, Ferrari không thiếu những lần tréo ngoe vì chiến thuật, vì lỗi máy móc, và cả vì hai tay đua không ai chịu nhường ai.

    Văn hóa của Scuderia Ferrari là vậy. Luôn có một tay đua ngôi sao, được quan tâm nhiều nhất. Tay đua còn lại chỉ làm nhiệm vụ hỗ trợ cho ngôi sao. Nhưng sẽ như thế nào khi ở Ferrari có cùng lúc 2 ngôi sao? Đó cũng là thứ xảy ra đối với McLaren ở mùa giải 2007, khi họ có cả Hamilton lẫn Alonso, và rồi để vuột chức vô địch vào tay Raikkonen, cũng vì lý do y chang những gì xảy ra với Ferrari vào năm ngoái.

    Năm nay, Mattia Binotto, giám đốc Scuderia Ferrari khẳng định thẳng thắn, sẽ không có tay đua nào được “chăm sóc” tận tình hơn tay đua còn lại. Cả hai sẽ được tự do so tài với nhau, Ferrari hỗ trợ cả hai. Nhưng điểm bất hợp lý xuất hiện, khi đối thủ của Ferrari là Mercedes và Red Bull, chứ không phải chính bản thân hai tay đua. Lấy gì đảm bảo việc Vettel và Leclerc gầm ghè nhau không ảnh hưởng tới kết quả mùa giải của Ferrari, vốn đã rất mong manh ngay từ khi nó chưa bắt đầu? Có lẽ, đã đến lúc Ferrari nghĩ đến tương lai “hậu Vettel” và để tâm hơn tới thần đồng trẻ tuổi mà họ đang có. Một trong những bằng chứng là việc cuối năm ngoái, Leclerc ký hợp đồng với Scuderia Ferrari đến năm 2024. Vettel rồi sẽ nghỉ, và giờ là lúc Ferrari đầu tư mạnh tay cho cả cỗ xe của mình lẫn thế hệ trẻ.

    Mercedes: Cái cúp thứ 8


    [​IMG]
    Dài dòng làm gì, Mercedes cần một thứ, và một thứ duy nhất, chức vô địch thứ 8 liên tiếp. Những dữ liệu trong quá trình thử nghiệm vài ngày vừa qua tại Barcelona cho thấy, năm nay có lẽ trao cúp dần cho Mercedes là vừa. Họ nghĩ ra một tính năng mà cả thế giới F1 phải mắt tròn mắt dẹt, không ngừng bàn luận mấy ngày qua: DAS (Dual Steering System). Mình sẽ có bài viết cụ thể hơn về điều này, nhưng về cơ bản, nó là minh chứng cho những khối óc thiên tài của đội đua có trụ sở tại Northamptonshire, Anh, và là minh chứng sống cho khả năng sáng tạo không ngừng của bộ môn F1.

    Bên cạnh hệ thống DAS ấy, dám khẳng định động cơ W11 EQ của họ vẫn sẽ cân bằng và bá đạo, ổn định trên từng khúc cua của mọi đường đua trong khi Ferrari đánh đổi tốc độ cua bằng tốc độ trên đường thẳng. Sẽ rất khó để Mercedes sảy chân trong năm nay, nhất là khi Lewis Hamilton phong độ vẫn rất đều và chưa có dấu hiệu muốn nghỉ ngơi. Tay đua người Anh không chỉ muốn cân bằng số danh hiệu với huyền thoại Schumacher, mà còn muốn nhiều hơn nữa. Và ở thời điểm hiện tại, chưa thấy có dấu hiệu gì cho thấy Ferrari và Red Bull Racing có khả năng ngăn cản điều đó.

    (Hình ảnh: Reddit 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10, 11, 12)
     

    Bình Luận Bằng Facebook

Chia sẻ trang này